Canada đang bước vào hè, mấy tiệm bán hoa và cây cảnh ở ngã tư đông khách làm sao. Ai cũng mua hoa mua cảnh về nhà trồng sau lễ Victoria Day. Tháng Năm đối với người Công Giáo là tháng kính Đức Mẹ, quen gọi là tháng Hoa. Ở Canada lễ này không ồn ào và tưng bừng bằng bên VN. Ôi, chỉ ngồi nhà mở đài xem các cuộc rước hoa ở VN sao mà thấy nó rồng rắn và đẹp mắt đến thế, hơn hẳn ngày xưa thời tôi còn bé cách đây nửa thế kỷ.

Tháng Năm là tháng kính Đức Mẹ của người Công Giáo, cũng là tháng có lễ Hiền Mẫu / Mother’s Day. Làng tôi có thông lệ là phe các ông, tức là phe các nhà quân tử sẽ tổ chức tiệc đãi phe các bà, rồi tháng sau có ngày lễ Mừng Các Hiền Phụ thì phe các bà sẽ làm tiệc đãi các nhà quân tử chúng tôi. Bởi vậy ngày lễ Hiền Mẫu năm nay làng tôi mừng lễ tại nhà Cụ Chánh tiên chỉ làng, và người lo bữa tiệc là Ông Từ Hòe. Dân làng đã kéo nhau đến ăn tiệc rất sớm cốt để xem ông Từ Hòe nấu bếp. Tới nơi thì thấy Cụ Chánh và ông đầu bếp Từ Hòe đang mải mê xem TV. Thấy ai cũng ngạc nhiên nên ông Từ Hòe giải thích: Tôi đã làm bếp xong tất cả rồi, mời các bạn cứ ngồi xuống coi các cuộc rước hoa ở VN, đến giờ ăn thì tôi sẽ dọn tiệc ra.

Và làng tôi đã ngồi coi các buổi rước hoa trên đài. Xem đến đâu là có phần bình luận đến đó. Cụ Chánh chỉ vào màn hình rồi nói: Ngày xưa các bà các cô chỉ bận áo trắng quần đen, bây giờ các bà các cô bận nhiều màu. Áo dài đã vậy, quần dài cũng xanh đỏ tím hồng, Trên đầu nhiều bà nhiều cô còn đội những cái khăn vành to tổ chảng. Xưa đó chỉ là khăn vấn đơn sơ, bây giờ nó là cái vành khổng lồ trên đầu. Y phục của mỗi hội mỗi khác, khác về màu sắc, khác về kiểu cách. Còn hội các ông thì trông cũng oai phong lẫm liệt quá sức, nhiều ông bận áo tấc xanh, đầu đội mũ kiểu các quan đại thần ngày xưa, trông oai vệ hết mực. Rồi đến đoàn kèn mới đáng nể. Ngày xưa thì chỉ có phái nam mới biết thổi kèn vì là kèn tây cơ mà,và kèn thì chỉ có mấy cái, nay thì trời ơi, hội kèn đông đảo và đa số là các bà, bà nào cũng bận đồ trắng toát và đội mũ kê-pi màu trắng kiểu sĩ quan, bà nào cũng có 1 cái kèn, bà nào cũng thổi thuộc lòng, nhịp nhàng và réo rắt hòa với tiếng mấy cái trống tây to đùng. Đây là một hội kèn tây phái nữ. Hội kèn tây phái nam cũng oai hùng không kém. Cuôc rước thường có nhiều hội như vậy. Đáng sợ qúa. Rồi tiếp theo là đội trống. Lâu nay để ý quan sát tôi chỉ thấy có các cuộc rước bên Công Giáo mới có đội trống vĩ đại như thế này vì nó có đủ các cỡ, đội nào cũng phải có một hay vài cái trống ‘khủng’ to đùng, nghĩa là đường kính mặt trống dài tới hai thước tây. Cái trống được đặt trên cái xe 4 bánh có 2 người đẩy, trống sĩ ở trên dàn xe, còn phải đứng trên một cái ghế, mỗi tay cầm một cái dùi tổ chảng. Hình như các xứ đạo đều thi nhau về độ lớn cái trống cái này. Tôi không hề thấy loại trống ‘khủng’ này ở hoàng cung khi xưa hay các ngôi chùa hiện nay. Rồi khi đoàn rước dài hàng cây số về tới sân nhà thờ thì lại có cuộc trình diễn múa hát của các đoàn áo xanh áo đỏ, giáo dân đứng ở vòng ngoài trầm trồ đứng xem…Nhiều người coi những cuộc biểu diễn này là các xuất văn nghệ. Rước về tới nhà thờ thì đoàn rước không vào nhà thờ ngay mà dừng lại múa hát ở ngoài sân đã. Mãi rồi các kiệu hoa mới được rước vào trong nhà thờ.

Cụ Chánh kết lời: lão xin cúi đầu tạ lỗi nếu có xúc phạm tới các vị tổ chức.

Bây giờ xin trở về chuyện tháng Năm.

Về thời sự thì Thủ Tướng Trudeau của Canada đã bất ngờ thăm viếng Ukraine vào đầu tháng vừa qua. Ông thăm hỏi Tổng thống Zelensky ở thủ đô Kyiv, tái xác nhận sự hỗ trợ và mở cửa lại tòa đại sứ Canada.

Tin thứ hai là Đức Thánh Cha Francis sẽ sang thăm Canada vào tháng Bảy sắp tới, mục đích là tới 3 nơi để có lời chính thức xin lỗi Người Da Đỏ về việc giáo hội đã cưỡng bức thiếu niên Da Đỏ vào các trường nội trú khi xưa. Đức Giào Hoàng đã ngỏ lời xin lỗi phái đoàn Da Đỏ tháng trước khi họ tới Roma.

Tin tiếp theo là giữa tháng Năm này, Canada có công viên mang tên ‘Saigon Park Missisauga’, công viên này nằm giữa nơi đông người Việt nhất, bên cạnhToronto. Việc này gần đồng thời với công viên Tô Lâm Park bên Cali.

Cũng giữa tháng Năm, ngài thủ tướng Phạm Minh Chính và phái đoàn VN đã sang thăm Mỹ trong một tuần, ngày chót thì mới họp báo VN ở San Francisco. Các người đến dự và những người phát biểu toàn là người được kén chọn. Phòng họp đầy ắp các nhân viên an ninh. Ngài bảo những thành quả của người VN ở Mỹ là do công của chính quyền ở nhà. Ngon quá a. Ai cũng thắc mắc tại sao ngài và phái đoàn không dám họp báo ở nơi đông người Việt nhất như khu Little Saigon, miền nam California nhỉ. Kỳ quá chứ.

Và tin thời sự mà ai cũng ngấy là tin về dịch Cô Vít. Theo cơ quan WHO thì 15 triệu người trên thế giới đã chết vì dịch này, gấp 3 lần con số mà báo chí thường nói.

Rồi tin trận chiến Ukraine-Nga. Có nhà tiên tri bảo cuộc chiến này sẽ chấm dứt cuối năm và Nga sẽ đại bại. Lại có tin nói Ukraine bằng lòng ký đình chiến nếu Nga bồi thường các thiệt hại. Qua cuộc chiến này người ta thấy khối NATO vững mạnh thêm khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập, và Nga sợ khối này nên đòi Ukraine không được gia nhập NATO. Nghe đến đây thì anh John cười hà hà: Ngày xưa khối CS không coi khối NATO là gì vì họ đã mỉa mai: NATO là ‘No action talk only’.

Ông ODP góp thêm ý: nhiều người bảo cuộc chiến Nga-Ukraine giống cuộc chiến VN thời 1975, tôi không đồng ý vì tôi thấy hai cuộc chiến khác nhau. Ở VN thì người Việt giết người Việt bằng khí giới ngọai quốc, còn ở trời Âu thì Người Nga và người Ukraine là hai sắc dân khác nhau mới giết nhau. Hoa Kỳ vừa hứa viện trợ thêm cho Ukraine 33 tỷ, còn VN hồi 1975 cần 300 triệu mà Hoa Kỳ lắc đầu. Ngoài ra vấn đề tôn giáo thế giới cũng thay đổi tầm nhìn qua cuộc chiến này…

Nghe đến đây thì Cụ B.95 lên tiếng kêu đói. Ai cũng nhìn ông đầu bếp Từ Hòe. Ông bèn cười hà hà rồi mời mọi người ngồi vào bàn, và ông nhắc cái phôn tay. Ông bảo 5 phút nữa nhà bếp sẽ mang lên. Ai cũng ngạc nhiên vì có thấy nhà bếp nấu nướng gì đâu. Và rồi có tiếng gõ cửa. Ông Từ Hòe chạy ra mở và ông giúp hai anh bạn trẻ mang thức ăn vào và bầy lên bàn. Ông lại cười hà hà: Bây giờ tôi thấy mình tuổi già sức yếu, nấu ăn không còn nhanh như xưa nên đã nhờ chú em nấu hộ theo sự chỉ dẫn của tôi. Một trong những món mà tôi thích nhất là món giả cầy, tức món thịt heo giả làm thịt chó, một món ông bà tôi rất qúy. Tiếng là thịt chó nhưng không phải thịt chó mà là thịt heo. Món này ăn với bún. Nào mời các bạn. Món này ăn nóng mới ngon. Thế là cả làng cầm đũa. Cụ già B.95 tỏ ra thích quá sức vì là món ăn truyền thống, ngày xưa chỉ được ăn vào các dịp lễ. Chị Ba Biên Hòa ban đầu nghe tới tiếng giả cầy thì tỏ ra e ngại, xưa nay chị và anh John sợ thịt chó lắm. Ăn món này với bún nóng, rắc chút tiêu, thêm chút hành lá và vài khoanh ớt đỏ. Sau mấy miếng đầu thấy ngon nên ai cũng ăn ào ào, không còn e dè gì nữa. Rồi Chị Ba có vẻ đã yêu món này nên lên tiếng hỏi cách nấu. Ông Từ hòe liền nói ngay như bài thuộc lòng: Nấu món này thì khá công phu: Mua thịt heo tươi phần đùi hay phần mông, phải có tí da. Nướng cháy hai mặt cho đến khi da heo vàng ửng, rồi rửa sạch, rồi thái ra miếng, to nhỏ tùy ý, và ướp với các vị sau đây: mắm tôm, nước mắm, củ riềng giã nát, riềng là món quan trọng nhất, rồi lá mơ giã nát, hành củ thái nhỏ, và củ chuối hay hoa chuối cũng thái nhỏ, và mẻ, nếu không có mẻ thì thay bằng bột me và yogourt. Rồi ướp các thứ này một lúc cho nó ngấm, sau đó bỏ tất cả vô nồi xào cho thịt chín mềm, sau đó đổ thêm nước lạnh, xâm xấp nước, cho đến khi nồi thịt sôi sột sệt là xong. Món này ăn với bún nóng như chúng ta vừa ăn là ngon số một.

Nghe đến đây thì ông bồ chữ ODP bàn thêm: Ấy là mới thịt chó giả thôi đấy nhé. Cha ông ta ngày xưa coi thịt chó là ngon nhất. Tôi đây xưa cũng là dân nghiện thịt chó số một. Xưa ở Saigon, những quán thịt chó ở Xóm Mới hay Ngã Ba Ông Tạ là nơi bọn tôi tới thường xuyên. Anh John lên tiếng hỏi: Thịt chó ngon thật vậy sao? Ông đáp ngay. Anh không tin ư? Xin chứng minh: văn hào Nguyễn Du đã ca tụng và khuyên ta ăn thịt chó. Cụ viết trong bài thơ nổi tiếng ‘Hành Lạc Từ’ bằng Hán văn và bài thơ này đã được hai nhà văn Phạm Khắc Khoan và Lê Thước dịch ra như sau:

Người không sống trăm tuổi

Gặp thì nên vui chơi

Chớ giữ nếp nghèo khó

Lo lắng suốt đời người …

Tội gì ngàn năm lo

Có chó cứ làm thịt

Có rượu cứ nghiêng bầu

Được thua trên đời chưa dễ biết

Cần gì lo tiếng hão về sau…


Các cụ thấy dân làng An Lạc của tôi sướng chưa, vừa được ăn thịt chó giả, vừa được nghe thơ và chuyện ăn thịt chó thiệt, vừa được biết lời khuyên về lối sống của danh nhân thời xưa.

Cụ già Bắc Kỳ B.95 được ăn đúng món Bắc Kỳ, nhưng chưa được nghe chuyện hay của thần tượng John, cụ liền xin. Anh John, cái túi tiếu lâm của cả làng, đáp ngay: Nhân nghe Bác Từ Hòe nói tới lời khuyên của Cụ Nguyễn Du trên đây, tôi chợt nhớ tới một câu chuyện có vẻ thời sự do nhà văn Bùi Bảo Trúc kể. Chuyện đáp ứng thật là hấp dẫn, một kinh nghiệm sống. Ông viết hay quá, tôi xin phép tác giả chép lại phần chính.

Rằng đây là chuyện xảy ra ở phi trường Newark, bên Mỹ. Chuyến bay bị trễ giờ, hành khách đều bực bội. Tại cổng lên tàu số 112, cô tiếp viên da trắng đang làm việc cật lực về các khiếu nại và yêu cầu của khách hàng thì có một ông khách nét mặt tức tối, chen qua những người đang xếp hàng. Ông ta ném tấm vé lên bàn trước mặt cô tiếp viên và lớn tiếng nói rằng ông muốn được bay chuyến sớm nhất và phải xếp cho ông ngồi ghế hạng nhất. Cô tiếp viên trả lời rằng cô xin lỗi về những phiền phức đang xảy ra cho ông, nhưng cô cũng phải giải quyết các vấn đề của những người tới trước ông, và cô hứa sẽ giúp ông hết sức khi tới lượt ông. Ông khách tỏ ra không bằng lòng chút nào, ông nói như hét vào mặt cô và rõ ràng để cho các khách hàng khác cùng nghe: Cô có biết tôi là ai không? Do you know who I am?

Cô tiếp viên vẫn tươi cười, cầm chiếc micro của hệ thống khuếch âm lên và nói lớn tiếng bằng một giọng rành mạch rõ ràng: A lô, ở quầy vé 112 có một vị khách không biết mình là ai. Quý hành khách ai có thể giúp ông ta biết được căn cước hay thân thế của ông, xin tới quầy 112’.

Câu nói khuếch âm của cô tiếp viên đã biến ông thành một bệnh nhân tâm thần. một người mắc bệnh Alzheimer nặng vì không còn nhớ mình là ai, tên gì, ở đâu. Và đám hành khách đang xếp hàng chờ trước quầy vé đều phá ra cười. Ông khách thấy mình bị chọc quê, ông điên tiết chỉ mặt cô tiếp viên văng ra một câu chửi thề tục tĩu: Đ.M. mày, F..k you !

Cô tiếp viên ở quầy không một chút giận dữ, đã bình thản trả lời: Thưa ông, cái chuyện ông đòi đụ tôi, ông cũng phải xếp hàng chờ mới được / I’m sorry, Sir, but you have to stand in line for that, too.

Chao ơi, câu trả lời đối đáp của cô tiếp viên hay thấm thía biết chừng nào !

Việc đối đáp thần sầu này làm tôi chợt nhớ tới mấy chuyện đối đáp hay trong văn học sử Việt Nam.

Chuyện 1 là chuyện vờn nhau giữa nàng Hồ Xuân Hương và chàng Chiêu Hổ. Chắc anh táy máy quá đà nên em mới trách rằng:

Anh đồ tỉnh, anh đồ say?

Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày

Này này chị bảo cho mà biết

Chốn ấy hang hùm chớ mó tay


Xưa nay tôi chỉ biết chiến khu đó tên là ‘tam giác hồng’ hay ‘động thiên thai’, nay học được tên mới là ‘hang hùm’. Anh Chiêu Hổ không sợ và không rụt tay lại mà chắc còn làm tới:

Này ông tỉnh, này ông say

Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày

Hang hùm ví phỏng không ai mó

Sao có hùm con bế chốc tay !


Đối đáp hay quá chứ. Chuyện này làm tôi nhớ tới chuyện thứ hai cũng có ghi trong sách văn học. Rằng bữa đó có việc sứ Tàu sang nước ta. Triều đình bối rối không biết đón tiếp thế nào. Thiên tài Trạng Quỳnh xin lo việc tiếp rước. Ông cho mở một quán nước bên đàng cạnh dòng sông và chọn bà Đoàn Thị Điểm làm cô bán hàng, còn ông làm anh lái đò đậu ngay bên. Sứ Tàu vào quán thấy cô hàng xinh tươi quá bèn lên tiếng chọc ghẹo:

‘Nam bang nhất thốn thổ bất tri kỷ nhân canh !’, nghĩa là một tấc đất nước Nam không biết đã bao nhiêu người cày

Cô hàng Điểm nghe xong liền đáp ngay:

‘Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất’, nghĩa là các ông quan to ở phương Bắc cũng đều từ đó mà ra cả.

Chắc sứ Tàu bẽ mặt, không đối tiếp được. Rồi sứ được mời xuống thuyền qua sông. Chú lái đò đã sẵn sàng đón tiếp. Lên thuyền rồi, quan sứ được mời trà lần nữa. Không biết ông lái đò có cho chất gì vào trà không mà sứ Tàu nhấp trà xong môt lúc thì tự nhiên quan sứ phát ra một tiếng sấm ‘bủm’. Ông sứ không mắc cở xin lỗi mà còn vênh mặt nói:

‘Lôi động Nam bang’, à, đó là sấm ở nước nước Nam.

Trạng Quỳnh cho là sứ vô lễ, liền vạch quần đái tồ tồ xuống sông, vừa đái vừa nói:

‘Vũ qua Bắc hải’, đây là cơn mưa qua bể Bắc.

Sứ Tàu nghe xong thì giận quá liền giơ tay định tát lái đò, ông lái Trạng Quỳnh đáp ngay:

‘Tiền phát lôi, hậu phát vũ’, nghĩa là sấm đã nổ rồi thì ắt sau sẽ có mưa chứ, luật trời đất mà. Quan sứ Tàu không đáp lại được, bèn ngồi im luôn.

Nghe 2 chuyện ứng đối thiên tài này thì ông bồ chữ ODP cũng nổi hứng và xin góp một chuyện văn học thứ ba. Đó là chuyện tiến sĩ Mạc Đĩnh Chi đi sứ đời Nhà Nguyên. Trùng vào dịp này có một hậu phi của vua Tàu chết. Đại sứ VN được mời đến viếng xác và được mời đọc một điếu văn đã viết sẵn. Mở tờ điếu văn ra thì trạng sư Mạc Đĩnh Chi chỉ thấy viết có 4 chữ ‘nhất’. Ông biết Tàu có ý thử tài mình. Ông liền tỉnh bơ cầm tờ điếu văn lên và đọc ngay:

Thanh thiên nhất đóa vân

Hồng lô nhất điểm tuyết

Thượng uyển nhất chi hoa

Dao trì nhất phiến nguyệt


Nghĩa là

Nàng là một đám mây giữa trời xanh, Một bông hoa trong lò lửa, Một đóa hoa vườn thượng uyển, Một vầng trăng trên mặt nước hồ, Than ôi, nay mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết !

Bài điếu văn ứng khẩu chỉ từ một chữ ‘nhất’ mà thiên tài Mạc Đĩnh Chi đã làm cả triều đình vua Tàu nể phục và kinh sợ. Thêm vào bằng trạng Nguyên của VN, vua Tàu đã phong thêm bằng Trạng Nguyên của Tàu, và từ đó ông là lưỡng quốc Trạng Nguyên.

Viết đến đây thì tôi giật mình vì vừa bắt đầu Lễ Hiền Mẫu với món giả cầy, ăn món này rồi miên man theo thiên tài Mạc Đĩnh Chi sang tận bên Tàu…

Nắng hè rực rỡ Canada làm cho cây bút của tôi đi lang thang mất rồi.

TRÀ LŨ