1. Nguồn gốc Công Giáo đáng ngạc nhiên của món tempura Nhật Bản
Món tempura là một món không thể thiếu tại một nhà hàng Nhật Bản. Tuy nhiên, quý vị và anh chị em có thể không biết rằng món ăn ấy bắt nguồn từ phong tục ăn chay của Công Giáo.
Tempura, hay món hải sản lăn bột chiên giòn, phổ biến trên toàn thế giới, bắt nguồn từ thực phẩm Mùa Chay của Bồ Đào Nha mà các nhà truyền giáo và thương nhân Công Giáo vùng Iberia đã giới thiệu vào Nhật Bản hồi thế kỷ 16.
Công thức đặc trưng của Nhật Bản, thường bao gồm hải sản và rau được chiên giòn, là phiên bản của món Peixinhos da Horta truyền thống của Bồ Đào Nha (nghĩa đen là “những chú cá nhỏ trong vườn”), một món ăn bao gồm ớt chuông, bí và đậu xanh chiên trong bột làm từ bột mì. Nhiều màu sắc của các loại rau giống như những con cá sặc sỡ trong bể, do đó có tên gọi là Peixinhos da Horta.
Trong cuốn “Tracking Down Tempura” nghĩa là “Truy Tìm Tông Tích Món Tempura”, học giả Nhật Bản Takashi Morieda giải thích rằng Peixinhos được giới thiệu vào Nhật Bản bởi các thủy thủ Bồ Đào Nha. Món này cuối cùng phát triển thành tempura. Bồ Đào Nha và Nhật Bản bắt đầu giao thương vào năm 1543, người Bồ Đào Nha là những người Âu Châu đầu tiên đến hòn đảo này. Thời kỳ này thường được gọi là Thời kỳ Thương mại Nanban, trong đó cảng Nagasaki, thông qua sáng kiến của tu sĩ Dòng Tên nổi tiếng Gaspar Vilela và Daimyo Omura Sumitada được nhường lại cho Dòng Tên. Daimyo nghĩa là lãnh chúa phong kiến Nhật Bản. Lúc đó, lãnh chúa Omura Sumitada, đã được rửa tội và là một thành viên tích cực trong Giáo Hội sơ khai tại Nhật Bản.
Từ Peixinhos đến Tempura
Trước khi có sự xuất hiện của người Bồ Đào Nha, những món ăn chiên giòn của người Nhật Bản thường không tẩm bột hay phủ bằng một chút bột gạo. Sau khi Sumitada cải đạo, với ảnh hưởng ngày càng tăng của các tu sĩ Dòng Tên và văn hóa Âu Châu nói chung, peixinhos ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là trong Mùa Chay. Là một bữa ăn ít thịt, nó đáp ứng các quy tắc chay tịnh trong những ngày Than Hồng và Mùa Chay.
Các Ngày Than Hồng, hay Ember Days, là khoảng thời gian cầu nguyện và ăn chay trong lịch phụng vụ vào thời đó nhằm hâm nóng lòng đạo đức chuẩn bị cho các lễ trọng. Những ngày chay tịnh này theo truyền thống diễn ra vào Thứ Tư, Thứ Sáu và Thứ Bảy sau Ngày Lễ Thánh Lucia, 13 tháng 12, Chúa Nhật đầu tiên trong Mùa Chay, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và Ngày Suy Tôn Thánh Giá, 14 tháng 9. Tiếng Latinh của Các Ngày Than Hồng là quatuor tempora, có nghĩa là bốn mùa. Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha sẽ mời những người Nhật đã cải đạo nhịn ăn trong thời gian này, và ăn peixinhos.
Takashi Morieda giải thích rằng thuật ngữ tempora này nhanh chóng trở nên phổ biến ở miền nam Nhật Bản, và được đọc chại đi thành tempura, cũng như được sử dụng rộng rãi để chỉ bất kỳ loại thực phẩm nào được chế biến bằng dầu nóng, có tẩm bột hay không.
Source:Aleteia
2. Hàng triệu Mỹ Kim đã được các Giám Mục Đức tung ra để thay đổi giáo huấn Công Giáo
“Tiến Trình Công Nghị” của Đức đã tạo ra tranh cãi trên toàn thế giới. Nhưng các Giám Mục Đức đã tung ra bao nhiêu tiền cho kế hoạch đảo lộn giáo huấn Công Giáo vẫn còn là một bí ẩn.
Hôm 8 tháng 5, một phát ngôn viên của Giáo hội Đức đã từ chối đưa ra bảng phân tích chi phí của dự án kéo dài nhiều năm, là điều mà các nhà phê bình cho rằng có thể dẫn đến ly giáo.
CNA đã tiếp cận phát ngôn nhân sau khi xem các tài liệu cho thấy Giáo hội Đức đã chi hàng triệu Mỹ Kim cho Tiến Trình Công Nghị, một sáng kiến tập hợp các giáo dân và giám mục để thảo luận về những thay đổi sâu rộng đối với giáo huấn và thực hành Công Giáo.
Các tài liệu cho thấy dự án cho đến nay đã tiêu tốn hơn 5,7 triệu euro (khoảng 6 triệu đô la).
Con số này dựa trên dữ liệu do Hiệp hội các Giáo phận Đức, một tổ chức hợp pháp của Hội đồng Giám mục Đức đặt tại Bonn, tổng hợp.
Các tài liệu không được công bố rộng rãi cho thấy Giáo hội đã chi 703.195 euro vào năm 2019, 878.035 euro vào năm 2020, 2.231.400 euro vào năm 2021 và 1.900.245 euro vào năm 2022. Như thế, đến nay ít nhất 5.712.875 euro đã được các Giám Mục Đức chi ra để thay đổi giáo huấn Công Giáo. Con số cuối cùng vẫn chưa được biết vì Tiến Trình Công Nghị Đức vẫn còn đang tiếp diễn.
Các tài liệu được CNA xem xét liệt kê các khoản chi là “Hậu quả từ Nghiên cứu MHG”, với ghi chú rõ rằng “Trung tâm chi phí Kostenstelle này bao gồm tất cả các chi phí phát sinh liên quan đến Tiến Trình Công Nghị của Hội đồng Giám mục Đức.”
Nhưng Matthias Kopp, phát ngôn viên của hội đồng giám mục Đức, nói với CNA vào ngày 16 tháng 3 rằng các số liệu không chỉ đề cập đến Tiến Trình Công Nghị mà là tất cả các chi phí sau một phân tích năm 2018 về tình trạng lạm dụng giáo sĩ trong Giáo hội Đức được gọi là Nghiên cứu MHG.
Source:Catholic News Agency
3. Tiền Nhà Thờ xài như tiền chùa: Tổng giáo phận Munich của Đức đã chi khoảng 1,5 triệu đô la cho báo cáo lạm dụng
Hồng Y Reinhard Marx đã chi ra 1,45 triệu euro, tương đương 1,53 triệu đô la, cho một báo cáo về việc giải quyết các trường hợp lạm dụng ở Tổng giáo phận Munich và Freising của Đức, được xuất bản vào tháng Giêng.
Con số được CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, báo cáo, cao hơn gấp đôi số tiền mà Tổng giáo phận Köln đã phải trả cho một báo cáo của cùng một công ty luật.
Một phát ngôn viên của Tổng giáo phận Munich cho biết vào ngày 19 tháng 5 rằng công việc chuẩn bị cho nghiên cứu của công ty luật Westpfahl Spilker Wastl đã mất gần hai năm.
Phát ngôn nhân cho biết: “Ngoài ra, còn có thêm chi phí cho việc xuất bản, đặc biệt là việc chuẩn bị và thực hiện cuộc họp báo và sự tham gia của các chuyên gia khác của công ty luật”.
Nghiên cứu ở Munich bao gồm giai đoạn từ năm 1977 đến năm 1982, là giai đoạn mà Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Đức Bênêđíctô XVI tương lai, lãnh đạo tổng giáo phận, cũng như các nhiệm kỳ của Đức Hồng Y Friedrich Wetter, người kế vị ngài, và Đức Hồng Y Reinhard Marx, người là Tổng Giám Mục của Munich và Freising từ năm 2007.
Bản báo cáo dài hơn 1.000 trang chỉ trích cách giải quyết của vị giáo hoàng người Đức đã nghỉ hưu 95 tuổi đối với 4 trường hợp trong thời gian ngài phụ trách tổng giáo phận miền nam nước Đức.
Bản báo cáo cũng quy lỗi cho việc Đức Hồng Y Marx đã xử lý hai trường hợp lạm dụng. Vị Hồng Y 68 tuổi nói với các phóng viên vào tháng 1 năm 2022 rằng ông dự định sẽ tại vị ngay bây giờ, nhưng không loại trừ việc tìm cách từ chức lần thứ hai.
Đức Hồng Y Marx đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào tháng 5 năm 2021, đề nghị từ chức trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lạm dụng giáo sĩ ở Đức.
Tổng giáo phận Köln đã trả 757.500 euro, tương đương 857.000 USD, cho một báo cáo ban đầu của Westpfahl Spilker Wastl, mà Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, người đã lãnh đạo tổng giáo phận từ năm 2014, đã từ chối công bố.
Sau khi các luật sư tư vấn cho tổng giáo phận nêu lên những lo ngại về “những thiếu sót về phương pháp luận” trong nghiên cứu, Đức Hồng Y Woelki đã ủy nhiệm cho chuyên gia luật hình sự có trụ sở tại Köln, là Giáo sư Björn Gercke viết một báo cáo mới, với chi phí 516.200 euro, tương đương với 584.000 Mỹ Kim.
Báo cáo Gercke dày 800 trang, được phát hành vào tháng 3 năm 2021, bao gồm giai đoạn từ 1975 đến 2018.
Vào tháng 9 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định rằng Đức Hồng Y Woelki nên tiếp tục phụ trách tổng giáo phận Cologne sau cuộc điều tra của Vatican về việc xử lý các trường hợp lạm dụng của ngài, và thấy rằng ngài hoàn toàn giải quyết đúng đắn mọi trường hợp.
Gần đây hơn, Vatican cũng ra phán quyết rằng Đức Hồng Y Woelki không vi phạm giáo luật khi trao các hợp đồng liên quan đến Báo cáo Gercke.
Một dự án nghiên cứu khác của Đức về lạm dụng tình dục trong giáo sĩ, Nghiên cứu MHG, đã được trình bày bởi các giám mục Đức vào năm 2018. Nghiên cứu này tiêu tốn khoảng một triệu euro (1,06 triệu đô la), theo số liệu do hội đồng giám mục Đức cung cấp.
Source:National Catholic Register