1. Giáo hội phát triển ở Bắc Triều Tiên bất chấp sự đàn áp

Đức Tổng Giám Mục Victorinus Doãn Công Hi (Yoon Kong-hi, 윤공희) một trong những giáo sĩ nổi tiếng nhất của Hàn Quốc, cho biết Giáo Hội Công Giáo ở Bắc Triều Tiên cộng sản đang phát triển, mặc dù những người Công Giáo sống thầm lặng và bị đàn áp. Trong một cuốn sách phỏng vấn có nhan đề “Câu chuyện về Giáo hội Bắc Triều Tiên”, được thực hiện vào năm ngoái, vị giám mục 98 tuổi sinh ra ở một vùng hiện thuộc Bắc Triều Tiên, đã đưa ra những bằng chứng về cách Giáo hội phát triển mạnh mẽ trong lãnh thổ này trước khi xảy ra sự chia cắt của bán đảo Triều Tiên.

Đức Tổng Giám Mục kể lại những sứ mệnh bác ái của một Giáo Hội Công Giáo rất tích cực, nỗi sợ hãi của người Công Giáo khi quân cộng sản tấn công các nhà thờ năm 1949, tấm gương của các thánh tử đạo, và câu chuyện về chuyến di cư vào Nam của ngài. Theo một số thông tin, có thể cấu trúc của các chủng viện từ thời đó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Source:Aleteia

2. Ở Đức, một bảng câu hỏi về việc bổ nhiệm các giám mục bị rò rỉ cho báo chí

Bản câu hỏi được gửi bởi Sứ thần Tòa thánh tại Đức, là Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, nhằm xác định hồ sơ của các giám mục tương lai, đã bị rò rỉ cho báo chí. Tài liệu này cho thấy một sự tiến triển quan trọng so với phiên bản đã biết trước đó, ra đời từ năm 2001. Cần có thái độ “phù hợp và công bằng” đối với tội lỗi lạm dụng, cũng như hành vi tôn trọng đối với các nữ tu, để tránh bất kỳ “sự khó chịu hoặc tai tiếng”. “ Sự quan tâm đến tin tức quốc tế, trình độ học vấn, tình trạng sức khỏe, kinh nghiệm mục vụ hoặc khả năng lãnh đạo cũng được khảo sát trong bảng câu hỏi. Đạo đức hôn nhân và tình dục, cũng như quan điểm của các linh mục ứng viên chức “giám mục” liên quan đến việc phong chức cho phụ nữ, cũng là những tiêu chí được tính đến trong các bảng câu hỏi này.

Mặt khác, vấn đề tránh thai dường như là một chủ đề ít thiết yếu hơn trước: không giống như phiên bản năm 2001, bảng câu hỏi hiện tại không đặt câu hỏi về quan điểm của các giáo sĩ này đối với thông điệp “Humanae Vitae” của Đức Phaolô VI.


Source:Aleteia

3. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục Rumani gần gũi với dân chúng

Trong buổi tiếp kiến các linh mục sinh viên Giáo hoàng Học viện Rumani ở Roma, sáng ngày 19 tháng Năm vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các linh mục hãy gần gũi dân chúng, chứ đừng trở thành những người “làm việc trong phòng thí nghiệm thần học”.

Buổi tiếp kiến diễn ra nhân dịp kỷ niệm 85 năm thành lập học viện này giữa thời bách hại của chế độ cộng sản tại Rumani. Hiện diện tại buổi tiếp kiến, cũng có các Bề trên tại Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng cách đây hai năm, “trong thánh lễ tại Cánh đồng Tự do ở thành phố Blaj bên Rumani, tôi đã khuyến khích mọi thành phần dân Chúa tại nước này hãy chống lại những ý thức hệ mới đang tìm cách áp đặt và làm cho các dân tộc bị mất gốc, nhiều khi một cách tinh vi, đưa họ ra khỏi truyền thống tôn giáo và văn hóa của họ. Trong thánh lễ, tôi đã tôn phong bảy giám mục tử đạo Rumani lên bậc chân phước, và trình bày các vị như mẫu gương cho toàn dân Rumani. Anh em sống tại Roma này, tại thành phố đã gìn giữ chứng tá của thánh Phêrô, Phaolô và nhiều vị tử đạo khác, anh em có thể tái khám phá những căn cội của anh em, qua việc học hành và suy niệm. Đó là cơ hội quí giá để có thể suy tư về vấn đề các căn cội được hình thành như thế nào”.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng, “trong thời Thế chiến thứ hai, khi Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương ở Rumani không còn giám mục hoạt động nữa, vì tất cả đã bị giết hoặc bị cầm tù, Đức Cha Ioan Ploscaru, Giám mục giáo phận Lugoj, bị cầm tù mười lăm năm, đã viết trong nhật ký: “Các linh mục và giám mục của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương đã coi thời kỳ này như thời kỳ quí giá nhất trong cuộc sống của họ. Đó là ơn được dâng lên Thiên Chúa những đau khổ và chứng tá đức tin của mình, dù phải hy sinh tính mạng”.

Và Đức Thánh Cha cảnh giác các linh mục sinh viên Rumani rằng: “Trong thực tế, có một tiến trình nguy hiểm: với thời gian, người ta ngày càng qui trọng tâm vào mình, thuộc về mình, và đánh mất sự năng động của cội rễ. Khi ấy người ta sẽ chú tâm vào những khía cạnh cơ chế, bề ngoài, lo bảo vệ phe nhóm của mình, và vô tình đánh mất hương vị của hồng ân”, như thể người ta chỉ dừng lại nhìn thân, cành, lá, cây mà quên rằng tất cả những thứ đó được các gốc rễ nâng đỡ. Nhưng chỉ khi nào cội rễ được tưới gội hẳn hoi, thì thân cây mới tiếp tục tăng trưởng dồi dào. Điều này xảy ra khi người ta ổn định và bị virus trần tục tinh thần tấn công. Từ đó họ lao vào cuộc sống tầm thường, tự cho mình là chuẩn mực, tìm cách thăng quan tiến chức, kiếm tìm những thỏa mãn cá nhân và những thú vui, ham muốn quyền hành, tiền bạc, danh vọng, sống an nhàn. Làm như thế là muốn tăng trưởng mà không có gốc rễ”.

Đức Thánh Cha không quên nhắn nhủ các linh mục về sự thông truyền đức tin, đừng dùng những ngôn từ phức tạp, nhưng diễn tả chân lý đức tin trong ngôn ngữ đơn sơ của người dân, như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta”.

4. Tín hữu Công Giáo Trung Quốc kêu gọi trả tự do cho vị Giám Mục bị bắt hơn 1 năm

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết các tín hữu Công Giáo Hà Nam đang kêu gọi bọn cầm quyền trả tự do cho Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱) năm nay 64 tuổi.

Cảnh sát đã bắt giữ Đức Cha vào ngày 21 tháng 5 năm ngoái 2021. Kể từ đó, ngài đã bị giam giữ bất hợp pháp mà không bị buộc tội hoặc xét xử.

Không một linh mục nào được phép đến thăm ngài hoặc gọi cho ngài. Các tín hữu và gia đình đều không biết về nơi ở của ngài.

Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ bị bắt cùng với 10 linh mục và 10 chủng sinh. Khi bị tạm giữ, nhà chức trách đã thu giữ tài liệu, giấy tờ và sổ sách từ chủng viện, được tổ chức ở tầng trên của một xưởng sản xuất của giáo dân.

Một số máy tính cũng bị tịch thu, bao gồm cả máy tính của thủ quỹ giáo phận. Các chủng sinh được cho về nhà ba ngày sau khi bị giam giữ. Các linh mục cũng được trả tự do sau đó vài ngày.

Theo luật pháp Trung Quốc, không ai có thể bị biệt giam mà không bị buộc tội quá ba tháng. Đức Cha Trương đã bị giam giữ trong một năm tại một địa điểm không xác định.

Không giống như các trường hợp tương tự khác, vị Giám Mục thậm chí không được phép về nhà một ngày nào, như Tết Nguyên đán, chẳng hạn. Cảnh sát chỉ cho phép hai người thân gặp ngài chỉ trong vài phút trước sự chứng kiến của một sĩ quan công an.

Tuy nhiên, cộng đồng Công Giáo ở Tân Hương hy vọng sẽ sớm thấy giám mục của họ được trả tự do. Anh chị em giáo dân và giáo sĩ địa phương vô cùng quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của ông.

Thật không may, không ai lên tiếng bảo vệ các giám mục Trung Quốc. Vụ bách hại mới nhất liên quan đến Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, giám mục hiệu tòa của Hương Cảng, là những luôn ủng hộ tự do tôn giáo ở Trung Quốc và tự do cho Giáo hội thầm lặng.

Sau thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, đã có sự gia tăng các cuộc đàn áp, đặc biệt là đối với các cộng đồng thầm lặng: có các giám mục bị quản thúc tại gia, chẳng hạn như Đức Cha Giả Chí Quốc (Jia Zhiguo, 贾志国); có các giám mục đã bị cắt nước, điện và khí đốt, chẳng hạn như Đức Cha Quách Tích Tiến (Guo Xijin, 郭锡进); có cả một Giám Mục phải ngủ đầu đường xó chợ, theo đúng nghĩa đen của từ này, vì bọn cầm quyền cộng sản cấm không cho các tín hữu chứa chấp ngài. Đó là trường hợp của Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin, 邵竹民); và có cả các giám mục phải chịu học tập cải tạo để “tẩy não”, như trường hợp Đức Cha Trương Vĩ Trụ mà chúng tôi vừa nêu.
Source:Asia News