1. Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội đồng các Viện trưởng Đại học vùng Roma

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các giới đại học đáp ứng những thách đố của xã hội thời hậu đại dịch và giúp đỡ thế hệ trẻ tránh rơi vào tình trạng lạc hướng, và mất tin tưởng.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong buổi tiếp kiến sáng ngày 16 tháng Năm vừa qua, dành cho Hội đồng phối hợp các đại học công và tư lập thuộc Roma và miền Lazio, trong đó có các vị viện trưởng, và đại diện chính quyền miền này.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Các đại học, đặc biệt trong thời điểm lịch sử hiện nay, được ủy thác một công tác trách nhiệm rất lớn. Những năm đại dịch, sự lan tràn tại Âu châu “thế chiến thứ ba từng mảnh”, vấn đề môi trường, sự gia tăng chênh lệch, thách thức chúng ta một cách chưa từng có và mau lẹ. Đó là một thách đố có những ảnh hưởng mạnh mẽ về văn hóa, trí thức và luân lý. Bối cảnh này diễn ra trước mắt các thế hệ trẻ, có nguy cơ tạo nên nơi họ một bầu không khí nản chí và lạc hướng, mất tín nhiệm, và tệ hơn nữa, đó là thái độ cam chịu. Nhưng cũng có những người trẻ không chấp nhận tình trạng đó và kêu gọi chúng ta hãy lãnh trách nhiệm. Vì thế đây là lúc cần có sự đầu tư nhiều vào giáo dục”.

Đức Thánh Cha cho biết chính trong bối cảnh đó, ngài cổ võ “Một hiệp ước hoàn cầu về giáo dục (Global Compact on Education), tức là một dự án làm việc chung trên bình hiện hoàn cầu, với sự can dự của bao nhiêu tác nhân đối thoại, từ các tôn giáo lớn tới các tổ chức quốc tế, các cơ sở giáo dục. Và cũng chính với tinh thần đó, ngài đã ký Văn kiện ngày 04 tháng Hai năm 2019, tại Abu Dhabi [về tình huynh đệ nhân loại]”. Đức Thánh Cha cho biết “chúng tôi đồng ý rằng chúng tôi quan tâm đến một sự huấn luyện toàn diện, được tóm gọn trong sự hiểu biết bản thân, biết người anh em của mình, và Siêu Việt”.

Đức Thánh Cha cũng khẳng định thêm rằng: “Những thay đổi lớn đang đòi chúng ta phải xét lại các kiểu mẫu của chúng ta về kinh tế, văn hóa và xã hội, để phục hồi giá trị trung tâm của con người... Các đại học cũng cần xét lai và thích ứng các kiểu mẫu kinh tế của chúng ta, dồn những nghị lực tốt nhất về trí thức và luân lý cho vấn đề này. Các sinh viên không hài lòng với sự tầm thường, chỉ lập lại những dữ kiện, và họ cũng không chấp nhận một nền huấn luyện nghề nghiệp không có chân trời”.

2. Các nhóm Caritas của Ukraine giúp đỡ gần 1,5 triệu người khi chiến tranh bùng phát nhận định 'Đây sẽ là một chặng đường dài'

Hai chi nhánh của Caritas ở Ukraine đã giúp đỡ gần 1,5 triệu người kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga. Nhưng viện trợ mà họ cung cấp cho đến nay “mới chỉ là bước khởi đầu”, theo Tetiana Stawnychy, chủ tịch Caritas Ukraine.

Phát biểu tại một cuộc họp báo được phát trực tiếp ở Rome vào ngày 16 tháng 5, Stawnychy cho biết: “Chúng tôi vẫn đang đáp lại nhu cầu của những dòng người ban đầu từ các khu vực có giao tranh nặng và cần có phản ứng ban đầu.”

“Ở một số trung tâm, chúng tôi đã ổn định, mọi người đang ổn định và chúng tôi phải đi sâu hơn một chút. Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu “.

“Và tôi muốn chỉ ra điều đó, bởi vì đây sẽ là một chặng đường dài, một con đường dài và chúng tôi hy vọng sự đồng hành sẽ tiếp tục.”

Caritas Ukraine, tổ chức cung cấp hỗ trợ nhân đạo thông qua Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã hứng chịu nhiều thiệt hại, chẳng hạn như một văn phòng ở thành phố Mariupol do Nga chiếm đóng đã bị xe tăng Nga bắn thẳng vào tòa nhà khiến 7 người thiệt mạng.

Một tổ chức Caritas khác của nước này là Caritas-Spes, một tổ chức từ thiện của các giám mục theo nghi thức Latinh của Ukraine.

Cả hai nhóm đều thuộc mạng lưới quốc tế do Caritas Internationalis, một cơ quan bảo trợ có trụ sở tại Vatican, giám sát.

Caritas Internationalis vào ngày 16 tháng 5 cho biết hai tổ chức ở Ukraine đã kết hợp để giúp đỡ “gần 1,5 triệu người đã phải di dời sau sự leo thang của bạo lực và bất ổn trong nước.”

Các nhóm Caritas cũng đang hoạt động ở các nước láng giềng, nơi hơn sáu triệu người Ukraine đã bỏ trốn kể từ ngày 24 tháng Hai.

Tại Ba Lan, quốc gia đã chào đón hơn ba triệu người tị nạn Ukraine, mạng lưới Caritas giáo phận đã cung cấp hơn 1,5 triệu bữa ăn cho hơn 500.000 người.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Cha Vyacheslav Grynevych, tổng thư ký Caritas-Spes, nhấn mạnh rằng tác động của chiến tranh sẽ còn được cảm nhận trong nhiều năm tới.

Ngài nói: “Thật khó để đoán được khi nào chiến tranh kết thúc… Bức tranh chiến tranh sẽ ở lại với chúng tôi suốt cuộc đời. Nhưng tôi biết rằng có thuốc - liều thuốc của Giáo hội - thuốc của tình yêu, của hy vọng, và ơn gọi của chúng tôi với tư cách là một gia đình Caritas là chia sẻ điều này với những người gần gũi với chúng tôi”.

Linh mục Pallottine, người đã sử dụng mạng xã hội để nâng cao nhận thức về hoàn cảnh của thường dân bị bắn phá, nói rằng ngài đã nói chuyện với Đức Thánh Cha Phanxicô khoảng 30 phút vào ngày 15 tháng 5.

“Điều quan trọng là mọi người muốn nghe bạn, muốn biết kinh nghiệm của bạn,” ngài nói.

Ngài nói thêm: “Chúng tôi cũng chia sẻ thông tin với Đức Giáo Hoàng rằng tại thời điểm này, các giám mục của chúng tôi, các linh mục của chúng tôi, đều là những tình nguyện viên của Caritas. Tất cả chúng ta đều là Caritas. Trong các Giáo Hội của chúng tôi, chúng tôi có các tạp chí viện trợ nhân đạo, và chúng tôi nói rằng chúng tôi có sự hợp tác tốt, chúng tôi có sự đoàn kết, và Đức Giáo Hoàng nói: 'Đó là điều tôi muốn.'

“Vâng, nó rất đẹp. Đó là bộ mặt của Giáo hội chúng ta. Và tôi nghĩ rằng nhiều lần Đức Thánh Cha Phanxicô sử dụng những từ này về 'Chiesa in uscita', Giáo hội tiến lên phía trước. Và tôi nghĩ đó là kinh nghiệm của chúng tôi, là thực tế của chúng tôi bây giờ”.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng tu nghị Dòng thánh Camillo

Sáng ngày 16 tháng Năm năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Tổng tu nghị thứ 59 của Dòng Tá viên Mục vụ bệnh nhân, cũng gọi là dòng thánh Camillo, và mời gọi các tu sĩ của dòng noi gương thánh sáng lập để “nhìn thực tại đau khổ, bệnh tật và chết chóc với đôi mắt của Chúa Giêsu, cụ thể hóa sứ mạng ngôn sứ của thánh nhân, thúc đẩy, vác đỡ gánh nặng của tha nhân, các vết thương và lo âu của những anh chị em dễ bị tổn thương nhất”.

Dòng thánh Camillo hiện có hơn 1.100 tu sĩ, trong đó có khoảng 800 linh mục, hoạt động tại hơn 160 cơ sở của dòng ở các nơi, trong đó có Việt Nam. Tổng tu nghị hiện nay của dòng khai diễn ngày 02 tháng Năm vừa qua tại Nemi, gần Roma, nơi trung tâm của dòng Ngôi Lời, với chủ đề: “Đâu là lời ngôn sứ Camillo ngày nay? Kiểm điểm quá khứ, sống trong hiện tại tìm cách phục vụ như những người Samaritano nhân lành, tiến bước trong hy vọng tiến về tương lai”. Tham dự Tổng tu nghị này, có hơn 50 đại biểu và hôm 11 tháng Năm vừa qua, đã bầu cha Pedro Tramontin, 55 tuổi người Brazil, làm Bề trên Tổng quyền thứ 61 của dòng với nhiệm kỳ sáu năm.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nói rằng: “Tôi mời gọi anh em kín múc nhựa sống từ các Mối phúc, để, với tinh thần dịu dàng và đơn sơ, mang Tin mừng cho các bệnh nhân và những người rốt cùng ngày nay. Tôi cũng cầu mong anh em khích lệ, nâng đỡ nhau trong niềm tín thác rằng điều tốt lành làm cho một anh chị em đau khổ là một món quà dành cho chính Chúa Giêsu, và điều mà chúng ta sống và trao tặng mỗi ngày, với niềm vui tươi, dù người đời không thấy, thì vẫn không bao giờ bị mất, nhưng như hạt giống rơi xuống đất, nảy mầm và sinh hoa trái. Anh em đừng quên bảo tồn ký ức về mối tình đầu với Chúa Giêsu, qua đó Chúa chinh phục con tim của anh em, để luôn canh tân những căn cội sự chọn lựa đời sống thánh hiến của anh em”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Theo gương ân cần chăm sóc với tinh thần sáng tạo của thánh Camillo, tôi khuyến khích anh em cộng tác với Chúa Thánh Linh để tìm phương thế sống đoàn sủng lòng thương xót của thánh nhân, và cũng cần đề cao những cách thức thích hợp để cộng tác với giáo dân, đặc biệt với các nhân viên y tế. Hãy vun trồng linh đạo hiệp thông giữa anh em và với mọi người, việc làm này sẽ giúp anh em phân định rõ hơn điều Chúa muốn nơi anh em”.