Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, đã đến Kyiv khi Tòa thánh tìm cách cân bằng mối quan tâm của mình đối với người Ukraine với nỗ lực duy trì một kênh đối thoại với Nga.

Đức Cha Gallagher đã đến Kyiv vào hôm thứ Tư và hôm thứ Sáu, ngài có cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba. Chuyến viếng thăm này ban đầu được lên kế hoạch trước Lễ Phục sinh nhưng đã bị hoãn lại sau khi Đức Tổng Giám Mục Gallagher nhiễm COVID-19.

Chuyến đi diễn ra khi Tòa thánh cố vạch ra một ranh giới mong manh trong việc cố gắng duy trì mối quan hệ mới được cải thiện với Giáo Hội Chính thống giáo Nga trong khi cung cấp sự hỗ trợ cho các tín hữu Ukraine “tử đạo”. Đồng thời, Tòa thánh cũng đang hòa giải việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường xuyên tố cáo ngành công nghiệp vũ khí và “sự điên rồ” trong việc tái trang bị cho Ukraine với giáo lý Công Giáo trong đó nói rằng các quốc gia có quyền và nghĩa vụ phải đẩy lùi một “kẻ xâm lược bất chính”.

Sách giáo lý Công Giáo, điều 2310 nêu rõ trong trường hợp quốc gia bị xâm lược bất chính, “Nhà cầm quyền có quyền và bổn phận đề ra cho các công dân những nghĩa vụ cần thiết để bảo vệ tổ quốc. Những ai phục vụ tổ quốc trong quân đội, là những người phụng sự cho an ninh và tự do của các dân tộc. Khi chu toàn đúng đắn nhiệm vụ của mình, họ thật sự góp phần vào công ích và vào việc gìn giữ hòa bình.”

Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói với đài truyền hình nhà nước RAI khi thông báo về chuyến đi của mình. “Đúng, Ukraine có quyền tự vệ và họ cần vũ khí để làm điều đó, nhưng phải thận trọng trong cách thực hiện”.

Đức Cha Gallagher, một nhà ngoại giao Vatican 68 tuổi đến từ Liverpool, trở thành đặc sứ thứ ba của Đức Giáo Hoàng được Đức Phanxicô cử đến khu vực, sau khi hai vị Hồng Y thân tín đến Ukraine và các nước giáp biên giới để đánh giá nhu cầu nhân đạo của những người tị nạn Ukraine và mang lại cho họ sự đoàn kết của Đức Giáo Hoàng.

Đức Phanxicô đã bị một số người chỉ trích vì từ chối lên án đích danh Nga hoặc đích danh Tổng thống Vladimir Putin, mặc dù ngài đã tăng cường chỉ trích cuộc chiến “man rợ” và gần đây đã gặp gỡ vợ của hai binh sĩ Ukraine đang cầm cự tại nhà máy thép bị bao vây ở Mariupol, một cử chỉ “sự quan tâm và tham gia của chúng tôi vào nỗi đau khổ của những gia đình này,” Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói.

Đường lối trung dung của Đức Phanxicô là bằng chứng về truyền thống ngoại giao của Tòa thánh, đó là không gọi đích danh những kẻ xâm lược và nỗ lực duy trì các con đường đối thoại rộng mở với cả hai bên trong một cuộc xung đột. Cái gọi là “Ostpolitik” này đã được áp dụng trong Chiến tranh Lạnh nhằm duy trì quan hệ với các chế độ Cộng sản, bất kể chúng đang đàn áp các tín hữu Công Giáo trên thực địa.

Trong trường hợp của Ukraine, Tòa thánh không muốn cắt đứt mối quan hệ mới được cải thiện với Giáo Hội Chính thống Nga, vốn đã có một bước tiến lớn vào năm 2016 khi Đức Phanxicô gặp Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga tại Havana.

Đức Phanxicô cho đến nay đã từ chối lời mời từ Tổng thống Volodymyr Zelenskiyy đến thăm Ukraine, gần đây ngài nói rằng ông muốn đến Mạc Tư Khoa trước. Đức Phanxicô cho biết ngài đã yêu cầu sớm gặp Tổng thống Nga Putin, nhưng nhà lãnh đạo Nga chưa trả lời.

Tuy nhiên, Đức Phanxicô đã hủy một cuộc gặp đã được lên kế hoạch vào tháng 6 với Kirill, là người đã biện minh cho cuộc chiến của Putin trên cơ sở ý thức hệ. Đức Phanxicô cho biết các nhà ngoại giao của Vatican - có lẽ là Đức Tổng Giám Mục Gallagher và Đức Hồng Y Pietro Parolin cho rằng một cuộc gặp gỡ như thế sẽ gây ra nhiều ngộ nhận và chẳng giải quyết được điều gì,

Nhưng Vatican vẫn đang theo đuổi các nỗ lực ngoại giao của mình với hy vọng ít nhất có thể mang lại một lệnh ngừng bắn.

“Tòa thánh có ơn gọi này,” Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói với RAI. “Chúng tôi cố gắng không bao giờ đặt mình vào phe này hay phe kia, mà tạo ra một không gian để đối thoại vì hòa bình, và tìm ra giải pháp cho những xung đột khủng khiếp như thế này.”


Source:AP