Dù rất cảm phục Léon Bloy, nhưng ngay buổi đầu mới gặp nhà văn sau này trở thành cha đỡ đầu của mình, Raissa Maritain vẫn không thể không lưu ý đến cảnh nghèo của Ông. Bà kể lại rằng trong các bữa ăn tại nhà Léon Bloy, nhà văn thường xuất hiện với “chiếc áo khoác cẩn thận đóng cúc tới tận cổ. Phần lớn vì không có cổ áo sơ mi lên quá đó; hoàn toàn hiển nhiên là ông không mặc sơ mi” (1).
Cảnh nghèo
Chính Léon Bloy nói về cảnh nghèo của mình cho vị hôn thê nghe: “Em biết anh bất hạnh nhưng em không biết anh bất hạnh đến chừng nào. Anh muốn và anh phải không giấu em điều gì cả.
"Anh sẽ giải thích cho em khi anh mạnh mẽ hơn, nghĩa là lúc anh bớt tràn ngập bởi sầu khổ. Anh hoàn toàn không có tiền bạc và anh phải có ít tiền vào hôm đó... Anh không bao giờ có thể gửi chỉ trừ những món tiền nhỏ, và do đó lúc nào anh cũng phải bắt đầu lại. Anh không có phương tiện, và anh không kiếm được gì... Do đó, ngày nào anh cũng phải tìm một thứ tạm thời mới, cho dù anh có thể chết vì nó. Điều này bao gồm việc phải vô vọng tới lui Paris, các cố gắng ghê gớm để có được điều này điều nọ, sỉ nhục, mệt mỏi và lo âu đến chết đi được mà rất ít người, anh cam đoan với em, dám có can đảm chịu đựng. A, hạnh phúc thay những kẻ ở trên đời này bảo đảm có bánh ăn hàng ngày, nghĩa là mọi điều cần thiết cho sự sống cơ thể...
"Em Jeanne thân yêu, trong rất nhiều năm, kể từ ngày sinh ra đời, anh chưa bao giờ có gì ngoài đau khổ. Đặc biệt trong suốt 10 năm qua, anh hầu như lúc nào cũng phải chịu đói, lạnh, nóng, mệt lử, buồn thấu sương, và cô đơn lạnh lùng...
"Khi cả ngày không phải ngược xuôi, dù không muốn, anh vẫn có ý nghĩ đáng sợ này ‘ngày mai kiếm đâu ra tiền đây... Làm thế nào giữ mình khỏi chết đói đêm nay đây? Phải làm yên lòng ông chủ nhà ra sao, người anh chưa trả tiền trọ và là người, nếu ông thấy thích đáng, dám đè bẹp anh bằng những sỉ nhục thóa mạ?’ Thành thử em thấy, nỗi thống khổ này ám ảnh anh mạnh đến nỗi quản bút rơi khỏi tay anh và anh không còn biết phải sắp xếp tư tuởng của anh ra sao nữa” (2).
Điều lạ là anh chàng văn sĩ nghèo rớt mồng tơi ấy lại được một người đẹp Đan Mạch, con nhà gia giáo, ít nhất cũng có của ăn của để, đem lòng yêu thương và lấy làm chồng. Đó chính là Johanne Molbech, cháu ruột nhà sử học, ngữ học, thi sĩ và giáo sư văn chương của triết gia Søren Kierkegaard, Christian Molbech, và là con gái của Christian Knud Frederik Molbech, một thi sĩ và nhà soạn kịch nổi tiếng. Gia đình Johanne sống hạnh phúc tại Copenhague.
Nhưng theo Natacha Galpérine (3), chắt của nhà văn, đến năm 24 tuổi, Johanne ngỏ lời với Cha muốn đi du lịch, tự mình muốn tự kiếm sống ở ngoại quốc. Thoạt đầu, người cha không chấp nhận. Nhưng ít lâu sau, Johanne lại xin cha một lần nữa và lần này người cha chấp nhận và hứa cùng đi với Johanne tới Paris, tại đây ông sẽ trao phó Johanne cho một ký túc xá để trau dồi tiếng Pháp, điều kiện đầu tiên để thực hiện các dự án sau này.
Thế là mùa hè 1883, Johanne vào ký túc xá Thệ phản của Mademoiselle Brian ở Paris. Nhờ cha quen biết rộng tại Paris, Johanne lui tới nhiều “salon” tại đây, nhất là với vợ chồng François Coppée, nhờ thế, biết rất nhiều văn sĩ và danh nhân. Cũng chính bà Coppée đã tháp tùng Johanne qua London tháng 4 năm 1884 và giới thiệu Johanne với rất nhiều văn nhân nghệ sĩ của Anh. Johanne ở lại London 4 năm, thoạt đầu rất thích đất Anh vì khung cảnh thiên nhiên ở đây và ngôn ngữ Anh gần gũi với Johanne, nhưng sau khi Cha mất năm 1888, Johanne mỗi lúc càng thấy Anh thiếu chiều sâu trong các sản phẩm nghệ thuật của họ, thiếu cơi mở tinh thần trong các phong hóa của họ và thiếu yếu tố tuyệt đối trong tôn giáo của họ. Nên theo lời khuyên của mục sư Tarrant, Johanne quay trở lại Paris.
Theo Galpérine, 4 ngày sau khi trở lại đó, Johanne gặp Léon Bloy lần đầu, ngày 19 tháng 8 năm 1889, tại nhà Mademoiselle Read. Đó là một người đàn ông xa lạ, có dáng dấp nặng trĩu, nét mặt rầu rĩ. Thì ra ông ta mới chịu tang người bạn văn của mình, Villiers de l’Isle-Adam. Nhận định của Johanne: “chính dưới bóng tử thần mà chúng tôi gặp nhau lần đầu. Chàng đi qua đường tôi và tôi có cảm tưởng chàng không phải là người qua đường tầm thường” (4).
Ngày hôm sau, Johanne lại gặp Léon Bloy lần nữa, lần này tại “salon” của Francois Coppée, lúc đó đã là thành viên của Hàn Lâm Viện Pháp và vốn quen biết Bloy từ năm 1876. Tò mò trước con người được Coppée mô tả như con hổ đói với cặp mắt lớn hiền dịu nhưng với Johanne là một con người thầm lặng và cô đơn, Johanne hỏi “người ấy là ai?” thì được trả lời: “ông ấy hả, ông ấy là một người ăn mày”. Nhưng ngay lập tức, Johanne nhủ thầm “Tôi có linh cảm một bất công to lớn và lập tức trái tim tôi bay về phía người đàn ông này...” (5). Jacques Maritain thì sau này, khi thuật lại biến cố, cho rằng Johanne còn nhủ thầm thêm “tôi sẽ cưới chàng”.
Sau đó họ gặp nhau thường xuyên hơn. Và Léon đã giúp Johanne gia nhập đạo Công Giáo ngày 19 tháng 3 năm 1890. Galpérine cho rằng “không còn gì chống lại cuộc hôn nhân của họ, nếu không là sự thận trọng sơ đẳng nhất ngăn cản một người đàn ông không có khả năng kiếm sinh kế”. Trong lá thư đầu tiên gửi cho mẹ của Johanne ngày 10 tháng 10 năm 1889, Léon Bloy viết rằng “con hoàn toàn nghèo, và dù rất yêu Cô Johanne, con chỉ có thể đem lại cho cô những niềm hy vọng không chắc chắn. Con chỉ có thể làm tình huống của cô mong manh hơn nếu con có diễm phúc và vinh dự rất lớn được cưới cô”.
Thành thử theo Galpérine, chính Johanne là người quyết định tiến tới hôn nhân với Léon. Nàng đi tìm Léon và nói với chàng: “Anh hoàn toàn kiệt sức vì buồn rầu và thiếu thốn. Rõ ràng anh đang tự giết anh. Vậy mà em cần anh... và anh có công trình phải làm. Chúng ta hãy cưới nhau không do dự dù chỉ một phút. Em khao khát chia sẻ cái nghèo của anh... Thiên Chúa đã ném chúng ta đứa này vào đứa kia, Người muốn kết hợp chúng ta, em tin chắc điều này và Người sẽ không bỏ rơi chúng ta” (6).
Lễ cưới của họ diễn ra ngày 27 tháng 5 năm 1890 tại nhà thờ Saint-Lambert de Vaurigard.
Dù Jeanne đem vào cuộc sống chung 4 ngàn phật lăng của mẹ cho, gia đình Bloy liên tiếp sống trong cảnh nghèo cùng cực. Đọc Galpérine, người chắt của họ, dù tác phẩm này nhấn mạnh đến công trình văn chương của hai người, ta cũng hiểu cái nghèo cùng cực này ra sao. Galpérine nhắc tới “sự bất an toàn thường xuyên về vật chất”. Phần lớn phải sống nhờ sự giúp đỡ của bạn bè như tiền thuê nhà đầu tiên được Henry de Groux dùng khoản trợ cấp của Bộ Mỹ Thuật trả cho. Vì bênh vực Tailharde, Bloy mất việc làm ở Gil Blas, ông viết: “điều này có nghĩa 0 phật lăng 0 xu, kể từ hôm nay, đối với vợ, các con và tôi”. Những lúc khác, ông viết “tôi trở về nhà trong một trạng thái tâm hồn kinh hoàng, sau khi đã tiêu hai xu cuối cùng để mua bó hoa cho Jeannes tội nghiệp của tôi”.
Cái nghèo của Bloy được nhiều người biết, đến nỗi một người Mạc Tư Khoa, ông hoàng Ouroussof gửi, biếu 300 phật lăng. Nhưng không thấm thía chi, để dọn nhà, Jeanne tính đến chuyện bán chiếc ghim cài bằng kim cương, tặng phẩm của gia đình khi kết hôn. Nhưng sau cùng, may được gia đình Maud ở Anh, nơi Jeanne vốn làm gia sư trước đây, thanh toán giùm.
Năm 1895 được Galpérine và chính gia đình Bloy coi là năm kinh hoàng vì trong năm này khi dọn nhà khỏi phố Alésia để tạm trú tại ngõ hẹp Coeur-de-Vey gần đó, đứa con trai André mới có 11 tháng của họ qua đời ngày 26 tháng Giêng. Để chôn cất con, Léon Bloy phải cậy nhờ vào lòng tốt của ông chủ nhà ở phố Alésia. Nơi họ tạm trú quá dơ dáy và mặc dù ông hết sức cố gắng khiếu nại với nhà cầm quyền nhưng không ai lưu ý, gia đình ông phải sống tại đây trong 6 tháng. Nhờ vận động với Bộ Ngoại Giao, gia đình nhận được ngân khoản 500 phật lăng mới trả đủ tiền thuê để thoát khỏi “túp lều dịch hạch và kinh hoàng”.
Đứa con trai thứ hai ra đời ngày 24 tháng 9, đặt tên là Pierre, tưởng đem lại niềm vui vô tận. Không ngờ đến tháng 11, Jeanne ngã bệnh nặng, khiến Léon phải viết cho de Groux: “tôi chết cuồng vì buồn rầu, vì mệt mỏi và kinh hoàng! Đã hơn 60 tiếng đồng hồ tôi gần như một mình chăm sóc hai con nhỏ và mẹ chúng, không ăn uống, không ngủ nghỉ, trĩu nặng đau đớn và không tiền bạc”. Số là Jeanne bệnh nặng gần chết phải vào bệnh viện 5 tuần. Chính trong năm tuần này, Pierre đã qua đời. Em đã được trao cho Viện Tiêu Chuẩn (Institut Normal), cho một bà vú nuôi từ thiện tại một vùng quê, xa khỏi Paris. Chỉ tám ngày sau, tức ngày 10 tháng 12, năm 1895, em qua đời. Em được chôn cất nhưng mộ em không được chúc lành. Léon Bloy buồn đến nỗi bỏ luôn cả việc viết Nhật Ký hầu như từ đó đến hết năm 1896.
Trọn cái năm kinh hoàng 1895 ấy được ông đưa vào phần thứ hai của cuốn La Femme Pauvre và dĩ nhiên nhân vật chính là Jeanne.
Năm cuối cùng thế kỷ 19, gia đình trở về Copenhague, sống ở đấy 17 tháng. Đan Mạch không làm ông thoải mái vì bầu khí Thệ Phản. Muốn trở về Paris, ông phải nhờ khoản ứng trước của Valette, chủ nhà xuất bản Mercure, cho tác phẩm Fils de Louis XVI sẽ xuất bản sau đó.
Ngày 19 tháng 11 năm 1901, ông ghi Nhật ký “Ngày kỷ niệm lần thứ 42 của Jeanne. Tôi đau khổ vì hôm nay không thể tặng gì cho Jeanne nhân ngày sinh nhật của nàng”.
Lý do của cảnh nghèo
Cái nghèo cứ bám riết gia đình Léon Bloy. Ngày 12 tháng 4 năm 1904, nhờ tiền ứng trước của nhà xuất bản Mercure, gia đình dọn tới Montmartre. Lần dọn nhà thứ 13. Và đây là lần dọn nhà thoải mái hơn cả. Khởi đầu cho một thời kỳ được mệnh danh là thời kỳ của “Những Tình Bạn Lớn” vì gặp hai gia đình sau này trở thành con đỡ đầu là Jacques và Raissa Maritain và vợ chồng văn sĩ Hòa Lan Pierre Van der Meer de Walcheren.
Trong lá thư gửi cho vị hôn thê đã trích dẫn trên đây, Bloy viết rằng “Anh thường bị tố cáo là lười biếng. Có lẽ đúng như thế. Thế nhưng há không ngạc nhiên hay sao khi anh đã có thể viết được một vài cuốn sách trong thời gian khốn đốn đó?”.
Nhưng sách ông viết không bán được. Galpérine đưa hai thí dụ: cuốn La Femme Pauvre do nhà Mercure de France của Valette ấn hành năm 1897 với 2,000 bản mà mãi tới đầu tháng 4 năm 1913 mới bán hết. Cuốn Le Mendiant Ingrat in năm 1898, với 1,200 bản mà 10 năm sau vẫn còn đủ để nhà Mercure mua lại mang bán.
Chính vì thế Thi sĩ Jehan Rictus, bạn của Léon Bloy, thấy cảnh nghèo của ông “giầy cũ đinh đụng cả bàn chân còn quần áo thì đầy bụi với mầu thành quách”, đã khuyên ông, với sự đồng lõa của Alfred Vallette, viết một loại sách khác với loại sách ông đang viết, dưới một tên giả. Theo Rictus, vì sự ngoan cố đặt không đúng chỗ của mình, Léon Bloy đã “kết án vợ con vào cảnh khốn cùng”.
Đề nghị ấy làm Jeanne Bloy phải viết cho Rictus: “Rictus thân mến của tôi! Tôi nhận được thư anh khi vắng mặt chồng tôi và tôi không cản được mình hồi âm ngay lập tức, vì điều làm đau lòng chồng tôi cũng làm tôi đau lòng [...] Anh biết cho rằng chúng tôi chỉ lệ thuộc một mình Thiên Chúa mà thôi, không những Léon có quyền mà còn có bổn phận lôi kéo người thân của mình vào con đường sáng láng là cảnh nghèo hoàn toàn, Thiên Chúa, Đấng nuôi sống chúng tôi không cần bất cứ ai để tiếp tục bảo vệ chúng tôi [...] Chỉ có một cách hành động hữu hiệu cho Léon Bloy là cầu nguyện cho anh ấy duy trì được Đức Vâng Lời” (7)
Chính Léon cũng viết cho Rictus: “Anh viết cho tôi 4 trang giận dữ và vô nghĩa [...] Anh đổ lỗi cho tôi điều làm tôi vinh dự và anh trách cứ tôi vì tôi nghèo. Anh vốn đọc sách của tôi, anh vốn phổ biến cho tôi, anh nói anh thương tôi, nhưng anh vẫn chưa hiểu tôi là người Công Giáo! Thật khủng khiếp”.
Hiếm người đồng thời nào hiểu Léon Bloy như linh mục Bros, một trong ba linh mục nghèo ở Paris năng lui tới với gia đình Bloy vì cảm phục văn tài của ông. Theo Galpérine, cha Bros nhận định về gia đình Bloy như sau: “Bloy và vợ của ông bận tâm đến cuộc sống siêu nhiên và sống đức tin của họ một cách trọn vẹn. Sự khốn khổ sâu sắc mà họ phải vật lộn không tách họ khỏi Thiên Chúa, nhưng liên kết họ với một mình Người. Sự cô lập của họ với những cư dân của Lagny do hoàn cảnh vật chất của họ gây ra cũng nhiều như 'tính tuyệt đối' trong tinh thần Kitô giáo của họ.
"Lagny lúc đó là một thị trấn giống như bao thị trấn khác ở vùng ngoại ô Paris, dân cư là những nhân viên làm việc ở Paris và những người chủ cửa hàng, nói chung, những nhà tư sản nhỏ có suy nghĩ nhưng sống thu mình vào chính họ [...] Léon Bloy là người nghèo và tuyệt đối. Sự hiểu lầm là điều chết người [...] Đối với chúng tôi là bạn bè của ông, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa tự hòa lẫn Người vào cuộc đời đau khổ của ông, ông đọc Kinh thánh và tìm thấy ở đó một khái niệm về lịch sử, giống như Bossuet, ông tin vào một sự quan phòng mầu nhiệm ẩn dưới các biến cố. Cầu nguyện đối với ông là một sự tiếp xúc với Thiên Chúa. Vợ chồng ông Bloy cảm thấy được hướng dẫn một cách siêu nhiên, họ chờ đợi sự mặc khải và phép lạ [...] Ngoài ra, trong cơn túng quẫn, cả gia đình đã đến nghĩa trang, cầu nguyện bên những ngôi mộ của người nghèo và tôi thường nhận thấy rằng hành động tự tin này đã được đền đáp bằng một sự trợ giúp bất ngờ. Nơi Léon Bloy, chúng ta không tìm kiếm nhà học giả hay nhà thần học; ông là một người đam mê đầy trực giác... Chúng tôi hiểu những tiếng la hét thóa mạ của ông: ông vốn phải chịu đựng một sự khốn cùng đáng thương; nhưng chiều sâu đức tin của ông, việc ông tìm kiếm Thiên Chúa trong mầu nhiệm đau thương và nghèo đói, lòng tin tưởng của ông vào hành động vô hình của Thiên Chúa trên thế giới vẫn là một chứng từ tuyệt vời mà chúng ta phải thu thập” (8).
Ông tự gọi mình là người ăn mày và là người ăn mày vô ơn. Trong cuốn “Le Mendiant Ingrat” (người ăn mày vô ơn) xuất bản năm 1895, ông tự hào viết ở trang đầu:
“Tôi là kẻ ăn mày và nghèo khốn, Tv 39.
Khốn cho kẻ không ăn mày!
Không có gì vĩ đại hơn ăn mày.
Thiên Chúa ăn mày. Các Thiên thần ăn mày. Các vị vua, các nhà tiên tri và các vị thánh ăn mày.
Người chết ăn mày.
Tất cả những gì trong Vinh quang và Ánh sáng ăn mày.
Tại sao mọi người lại muốn tôi không được vinh danh mình vì là một người ăn mày, và hơn nữa còn là ‘kẻ ăn mày vô ơn’?
Phần đầu tiên và khủng khiếp nhất của cuộc đời tôi được kể lại trong cuốn Le Désespéré.
Đây là bốn năm cuối cùng xem ra có vẻ khá đen tối.
Tôi nghĩ rằng mình làm tốt khi công bố một số suy nghĩ mà hàng ngày sự khốn khổ của tôi đã đề nghị với tôi.
Theo quan điểm của riêng nền văn học Pháp, không phải là điều vô ích khi người ta biết thế hệ của những kẻ bại trận vào năm 1870 đã cư xử ra sao với một nhà văn kiêu hãnh, không muốn tự đánh đĩ mình” (9).
Quan điểm về cảnh nghèo
Kẻ ăn mày vô ơn, vì theo Emmanuel Godo (10), ông cho rằng của bố thí là một đền bù phần nào cho các hiếp đáp mà ông phải chịu. Thực vậy, khi một người vô danh gửi cho ông 20 phật lăng ngày 24 tháng 12, năm 1904, ông viết cho họ:
“Ông thân mến, tôi bắt đầu bằng việc ôm hôn ông một cách rất trìu mến, nếu ông cho phép. Tôi sẽ không cám ơn ông, trước nhất vì ông nói với tôi rằng việc ấy làm ông mếch lòng, sau đó vì tôi không biết cám ơn. Khi người ta làm cho tôi điều gì, tôi khen ngợi họ, bất kể họ là ai, vì đã làm một cử chỉ đầy bác ái như thế, vì xác tín rằng đó là một ân sủng qúy báu họ đã nhận được. Ông thân mến, ông phải hiểu suy nghĩ của tôi. Một vinh dự và một hạnh phúc to lớn là được mời gọi đền bù phần nào sự bất công to lớn tôi đang phải chịu. Ông tưởng ông đã gửi cho tôi 20 phật lăng. Nhưng không biết sự giầu có của ông, thực tế, ông đã gửi cho tôi 20 triệu. Sự lầm lẫn này không xẩy ra nơi một nhà tư bản. Phải nghèo mới lầm lẫn như vậy” (11).
Ở một chỗ khác, ông viết: “sáng nay, ở nhà thờ, một ý nghĩa độc đáo xuất hiện, tôi không biết do đâu: ‘này anh nghèo, anh đang tìm tiền bạc. Chẳng có gì đơn giản hơn. Hãy tìm đến người nhà giầu này hay người nhà giầu nọ và nói một cách có uy quyền: hãy nói với họ, tôi cần điều này và điều này sẽ được trao cho anh. Đây không phải là chuyện xin xỏ, mà là đòi hỏi. Há mọi sự không thuộc về anh hay sao” (L. Bloy, Le Mendiant ingrat, p. 129. Ghi chú ngày 8 tháng Giêng, 1895).
Tiến xa hơn nữa, ông tự coi mình là người có sứ mệnh bênh vực người nghèo: Trong cuốn Dernières colonnes de l’Église, ông viết:
“Niềm xác tín rất sâu sắc và không gì lay chuyển được của tôi là tôi sẵn sàng trở thành nhân chứng của Thiên Chúa, người bạn rất chắc chắn của Thiên Chúa người nghèo và người bị áp bức, khi đến giờ, và không có gì có thể thắng được lời kêu gọi này. Tôi có vinh dự vô song và lạ lùng trở thành cần thiết cho Đấng vốn không cần đến ai, và tôi đã được ướp muối bằng nỗi đau cho suốt cuộc hành trình dài. Văn chương, điều mà tôi không sống nhờ và không phải là đối tượng của tôi, từ lâu đối với tôi chỉ như một công cụ nào đó của nỗi thống khổ của tôi, trong khi chờ đợi ngày của tôi đến. Nhưng hình thức đặc biệt, khía cạnh mong muốn, loại thiết yếu của cuộc khổ nạn của tôi, là Cảnh khốn cùng” (Thư gửi Louis Montchal, Nhật Ký, ngày 16 tháng 1 năm 1895).
Chữ cảnh khốn cùng là chúng tôi dịch chữ La Misère. Léon Bloy phân biệt nó với cảnh nghèo (pauvreté): “Cảnh nghèo tụ tập người ta, cảnh khốn cùng cô lập họ, vì cảnh nghèo là của Chúa Giêsu, cảnh khốn cùng là của Chúa Thánh Thần. Cảnh nghèo là điều tương đối, thiếu điều dư thừa. Cảnh khốn cùng là điều tuyệt đối, thiếu điều cần thiết. Cảnh nghèo bị đóng đinh, cảnh khốn cùng là chính thập giá. Chúa Giêsu vác Thánh giá, chính là cảnh nghèo vác cảnh khốn cùng. Chúa Giêsu trên Thánh giá, chính là cảnh nghèo rỉ máu trên cảnh khốn cùng” (12).
Triết lý của Léon Bloy về người nghèo và cảnh nghèo, như trên đã nói, soáy khá sâu vào mầu nhiệm lịch sử. Robert Ziegler ( https://journals.openedition.org/studifrancesi/294) nhận định rằng chính từ vị dẫn dắt tinh thần của ông, Cha Tardif de Moidrey, người đã đưa ông tới với Đức Mẹ La Salette hồi tháng 8 năm 1879, mà Léon Bloy rút tỉa được ý niệm về một đại số học phổ quát (universal algebra), một hệ thống giải thích toàn diện “mật mã” lịch sử: Cảnh nghèo, khi được thánh hiến bằng việc chấp nhận một đau khổ tuyệt đối, là điều sẽ đẩy nhanh “việc xuất hiện của Đấng nghèo hoàn toàn, nơi Người tóm lược mọi điều ghê tởm tuyệt diệu nhất của cảnh khốn cùng” (13).
Nhân vật Clotilde của Léon Bloy trong La Femme Pauvre “hiểu rằng... Người Đàn Bà chỉ hiện hữu thực sự với điều kiện không đau đớn, không chỗ trú, không bạn bè, không chồng con, và chỉ như thế nàng mới có thể buộc Đấng Cứu Vớt nàng tới” (14).
Vì thế, theo Ziegler, người nghèo của Bloy là những người đẩy nhanh ngày chung cục. Tuy nhiên, Léon Bloy không hề ca ngợi cảnh nghèo. Thực vậy, theo Godo (15), với Bloy, cảnh nghèo là nỗi kinh hoàng, là nhơ nhớp, là xúc phạm, là xấu xí và ghê tởm. Chỉ có điều, đồng thời nó duy trì nơi con người điều chủ yếu hơn cả. Cảnh nghèo là mất phẩm giá và là phẩm giá, là thiếu thốn và triều thiên, là tai tiếng và hứa hẹn: Bloy là nhà văn của chữ và này.
Từ cảnh nghèo này, Bloy đã giơ cao ngọn cờ. Ông là nhà văn khốn cùng, người có thể kiếm tiền bằng tài năng và thiên phú của mình nhưng đã chọn sống trung thành với chân lý vốn “kết án” ông vào vị thế không thoải mái. Cảnh nghèo là cống nạp phải trả để bước vào sự sống của Thiên Chúa và đau khổ là thể nền của Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến (16).
Chính vì thế, theo Godo, Bloy không trình bầy cảnh nghèo như một tệ nạn phải đánh đổ vì ông biết cuộc chiến đấu chống cảnh khốn cùng là bộ mặt khác của việc thánh thiêng hóa sự giầu có và là việc tự vinh danh quyền lực của tiền bạc. Với một thế kỷ chỉ đong đo mọi sự bằng tiền bạc, ông chú tâm nói đến sự vĩ đại của cảnh nghèo, ví mồ hôi của người nghèo như mồ hôi máu của Chúa Kitô trong vườn Diệtsimani.
Thực vậy, trong The Pilgrim of the Absolu, các tr. 181-183, ông đề cập tới hệ thống kỹ nghệ mà người Anh vốn gọi là “sweatshop”, tức hệ thống mồ hôi, tổ chức việc làm hợp lý, hình thức tân nô lệ nhằm hạ phẩm giá con người. Sự kinh hoàng này đạt tới tuyệt đối với việc sử dụng trẻ em làm việc, những đứa trẻ mà Chúa Giêsu bảo phải để các em đến với Người. Ông viết:
“Nhưng là mồ hôi nào? Trời đất, theo sau chữ này, không thể nào không nghĩ tới Diệtsimani, không nghĩ đến việc Môsê, người muốn toàn bộ Ai Cập trào máu để hình dung trước các cơn đau đớn dữ dằn lúc chết của Con Thiên Chúa. Có phải Người, Đấng đã gánh lấy tất cả những nỗi buồn có thể tưởng tượng được và tất cả những nỗi buồn không thể tưởng tượng được, lúc đó đã đổ mồ hôi máu theo kiểu này hay không? Mồ hôi máu như một hệ thống! Mồ hôi máu của Chúa Giêsu dự định trở thành đối tác thầm lặng của các nạn đói và thảm sát! … […]
"Thánh sử Luca đã nghe Mồ hôi máu của Chúa Giêsu Kitô rơi xuống đất, từng giọt một. Tiếng động này quá nhẹ, không đủ đánh thức các môn đệ đang ngủ, hẳn đã được các chòm sao xa nhất nghe thấy và đã đặc biệt thay đổi hành trình lang thang của chúng. Chúng ta phải nghĩ gì về âm thanh, nhẹ nhàng và ít được lắng nghe hơn, của vô số bước chân những trẻ em tội nghiệp đi làm nhiệm vụ đau buồn và khốn khổ của chúng do những kẻ đáng nguyền rủa đòi hỏi, nhưng tất cả đều không hề hay biết và những người khác cũng không hề hay biết, là các em đang tiến về phía người anh trai của các em trong Vườn Hấp Hối, người kêu gọi các em và chờ đợi các em trong vòng tay đẫm máu của Người? Sinite pueros venire ad me. Talium est enim regnum Dei (Hãy để các trẻ nhỏ đến ới Thầy. Sinite pueros venire ad me. Talium est enim regnum Dei .Vì nước Thiên Chúa là như thế)".
Ông nói, sự nghèo khó, “chẳng khác gì Người Phối Ngẫu của Con Thiên Chúa, và khi đám cưới vàng của nàng diễn ra, những người đi chân đất và cơ cực sẽ chạy đến từ tận cùng trái đất, để chứng kiến nó” (tr. 184). Điều này dễ hiểu, vì theo Bloy, “Thiên Chúa là Người Nghèo từ trong yếu tính và nghèo một cách tuyệt vời” (17).
Ông nói tới nghĩa địa người nghèo và nghĩa địa chó nhà giầu, những “tên đểu giả” dành cho chó má nhà mình những ngôi mộ hoành tráng, trong khi không cho “anh em” nghèo sắp chết của mình dù là một xu. Chính vì thế ông bảo giầu có là một sỉ nhục đối với Thiên Chúa, Đấng trong yếu tính vốn nghèo và nghèo một cách triệt để.
Về khía cạnh này, David Bentley Hart, người viết dẫn nhập cho cuốn The Pilgrim of the Absolute do Cluny Media tái bản năm 2017, viết như sau:
“Không có yếu tố nào trong tư tưởng của Bloy thuần túy có tính kinh thánh hơn niềm xác tín của ông rằng tình yêu thực sự đối với người nghèo phải được phát biểu, trong số những điều khác, như việc lên án kiên quyết đối với những người giàu có. Ở đây, ông đã chứng tỏ mình là người thừa kế không chỉ đối với các nhà tiên tri của Israel, với những lời tố cáo đinh tai của họ đối với những kẻ giàu có trấn lột, mà còn đối với các tác giả Tin Mừng và các Tông đồ. Tất nhiên, văn hóa Kitô giáo đã dành phần tốt hơn của hai thiên niên kỷ để cần mẫn tránh né ý nghĩa thẳng thừng của rất nhiều tuyên bố Tân ước về trạng thái tinh thần của những người giàu có, và từ chối thừa nhận mối quan tâm ít nhiều độc hữu của Chúa Kitô dành cho những người ptōchoi, những người nghèo khổ cùng cực. Đối với Bloy, sự cố ý quên này có lẽ là tai tiếng lớn nhất trong lịch sử Kitô giáo; và ông đã tiếp nhận một lối tu từ học đối với những người giàu có, mà dù rất dữ dội, vẫn không đáng sợ hơn ngôn ngữ của Tân Ước: lời tiên tri của kinh Magnificat về sự triệt hạ đáng đời những người có đặc quyền (Lc 1:53); Sự cấm đoán minh nhiên của Chúa Kitô về việc thu tích của cải trần thế (Mt 6:19-20); mệnh lệnh của Người rằng các môn đệ của Người phải bán hết tài sản của mình (Lc 12:33); việc đoan chắc của Người rằng không ai bám lấy của cải mình có thể là môn đệ của Người (Lc 14:33); những thiếu thốn mà Người hứa sẽ giáng xuống những người giàu có trong thời đại sắp tới (Lc 6: 24–25; xem 16:25); Những lời buộc tội gay gắt của Thánh Giacôbê đối với người giàu như những kẻ đàn áp người nghèo, giờ đây phải đối diện với cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (Gcb 1: 9–11; 2: 5–7; 5: 1–6); và vv.
Đối với Bloy, việc người giàu có tìm cách vào Nước Trời thực sự chỉ có xác suất như việc con lạc đà chui qua lỗ kim; và hơn một lần ông đã vẽ những bức chân dung tâm lý hài hước về các Kitô hữu giầu có hoàn toàn tin chắc rằng Thiên Chúa thực sự yêu mến họ và bất cứ tuyên bố biểu kiến nào trong Kinh thánh nói ngược lại đều bị hiểu lầm hoặc bị bóp méo trong khi lưu truyền. Một trong những nhận xét dí dỏm có tính tạt axit tuyệt vời nhất nhưng cực kỳ gây xúc động trong bộ sách này là gợi ý của ông rằng những người xây dựng Tháp Babel tìm cách làm mưa làm gió trên thiên đường không chỉ bằng cách leo lên tận ngưỡng cửa của nó, mà chủ yếu còn bay cao trên "các thiên thần trần truồng" ở đường phố bên dưới. Đối với tâm tư của Bloy, cái tên khinh thường hạ cấp nhất mà ông có thể gán cho ác quỷ là Le Bourgeois [tên Tư sản]— Tên Tư Sản Đời Đời, trên thực tế, vốn là kẻ giết người từ thuở ban đầu. Thành thật mà nói, ngôn ngữ của ông đôi khi nghiêng về một loại thuyết nhị nguyên kiểu Manikêô hoặc thuyết ngộ đạo, với dàn diễn viên phong phú trong các vai Archons (*) của niên kỷ này, mà dưới quyền lực của họ, toàn bộ vũ trụ mòn mỏi trong dày vò và bóng tối. Theo suy nghĩ của ông, sự giàu có không cân xứng của một số ít người may mắn, nhờ bòn rút từ sức lao động và các nguồn lực chung, không phải là quyền của họ, cả khi nó có thể cũng là sản phẩm của sự cần cù và khéo léo của họ; tệ hơn thế, theo mức độ nó không tới tay người nghèo, thì nguyên tuyền nó chỉ là ăn cắp và sát hại. Đây là một chủ trương đạo đức, không phải kinh tế; Bloy không nói như thể sự giàu có của thế giới chỉ là một loại số lượng cố định, hay như thể sự thừa thãi của một người nhất thiết là sự thiếu thốn của người khác; ông chỉ tin rằng những người giàu có và giữ của cải cho riêng mình, ngay cả khi những người nghèo tiếp tục đau khổ và chết chóc, trong mắt Thiên Chúa là những kẻ giết anh chị em của mình.
Chỉ theo nghĩa này, ông đã tuyên bố rằng niềm vui của người giàu là nỗi đau khổ của người nghèo, và—trích dẫn một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất của ông — vàng của người giàu là máu của người nghèo, chảy qua các định chế và bất động sản của một số ít người có tài sản. Sự giàu có lớn là chủ nghĩa ma cà rồng cuối cùng, phổ biến nhất trong số những kẻ ăn thịt người. Tuy nhiên, Bloy nói, từ vọng nhìn ma quái của thời đại này, nghèo đói là nỗi xấu hổ lớn lao nhất, một tội lỗi thực sự khôn lường; và vì vậy, Chúa Kitô khi trở thành một con người cũng mặc lấy cảnh nghèo thực sự về vật chất của những người bị lãng quên và bị bóc lột, và do đó cũng mặc lấy “tội lỗi” của tất cả mọi người nam nữ. Trong lối hiểu của ông về dụ ngôn Người Giầu Có và Ladarô, Ladarô chính là Chúa Kitô, bị để mặc cho chết trong cát bụi, chỉ được lũ chó xót thương. Và sự huyền bí về cảnh nghèo này đã cho thấy những chiều sâu thẳm nhất trong đức tin của Bloy. Quan trọng hơn, bức tranh của ông về xã hội của chúng ta như một nền kinh tế Satan đòi hy sinh, được nuôi dưỡng bằng máu không ngừng tuôn đổ của người cùng khổ - dù gây kinh ngạc như nó có thể gây ra do cường độ mãnh liệt tuyệt đối của nó - là một biểu thức không những của “thiên tài căm thù” của ông, mà còn là biểu thức của năng lực yêu thương một cách anh hùng của ông. Và điều này quả đúng như thế”.
______________________________________________________________________________________
(*) Trong ngộ đạo thuyết, "Archons" là những người xây dựng vũ trụ vật chất. Trong phái Manikêô, "archons" là người cai trị một lãnh vực trong "Vương quốc bóng tối".
Ghi Chú
(1) We Have Been Friends, 106
(2) The Pilgrim of the Absolute, 26-28
(3) Jeanne et Léon Bloy, Une Écriture à Quatre Mains, Cerf (2017)
(4) Dẫn nhập vào Lettres à sa Fiancée, trích dẫn trong Correspondance Léon Bloy/Johanne Molbech (1889-1890), Paris, Classiques Garnier, 2010, p. 289.
(5) Ibid., p. 290
(6) Trích dẫn bởi J. Bollery, t. II, p. 351
(7) Jeanne et Léon Bloy, Une Écriture à Quatre Mains, Cerf (2017) (p. 147)
(8) Ibid. p. 140
(9) Léon Bloy, Le Mendiant ingrat, Journal de l'auteur, 1892-1895, collection XIX, p. 5
(10) Emmanuel Godo, Léon Bloy, Les Éditions du Cerf, 2017
(11) L. Bloy, L'Invendable, p. 552.
(12) Xem Patrick Kéchichian, https://doi.org/10.3917/commun.255.0106
(13) L. Bloy, Le Désespéré cit., p. 178.
(14) L. Bloy, La Femme pauvre, Paris, Mercure de France, 1971, p. 392.
(15) Emmanuel Godo, Léon Bloy, Les Éditions du Cerf, 2017
(16) L. Bloy, Le Mendiant ingrat, p. 77. Thư ngày 16 tháng 2, 1894.
(17) L. Bloy, L'Invendable, p. 643. Thư gửi Philippe Raoux ngày 12 tháng 5, 1907