1. Báng bổ không thể tưởng tượng: Thượng Phụ Kirill trao ảnh Đức Mẹ cho tướng Nga cầu xin cho quân Nga mau thắng
Tờ Orthodox Times của Chính Thống Giáo thuộc Tòa Thượng Phụ Constantinople đã bày tỏ nỗi buồn rằng việc sử dụng các biểu tượng của Giáo Hội trong các cuộc chiến chinh phục Ukraine của người Nga vẫn tiếp diễn.
Lần này, Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và lãnh đạo Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga Viktor Zolotov đã đặt hy vọng vào một chiến thắng “nhanh chóng” trước người Ukraine nơi hình ảnh của Đức Mẹ Đồng trinh mà Đức Thượng phụ đã trao cho Zolotov trong một buổi lễ hôm Chúa Nhật 13 tháng Ba.
“Chúng tôi tin rằng hình ảnh này sẽ bảo vệ quân đội Nga và mang lại chiến thắng nhanh hơn cho chúng tôi”, quan chức quân sự hàng đầu nói với Thượng phụ Kirill tại Nhà thờ Chúa cứu thế ở Mạc Tư Khoa, trong khi lưu ý rằng “mọi thứ diễn ra không nhanh như chúng tôi mong muốn”.
Người chỉ huy biện minh cho “sự chậm trễ” bởi vì, như ông ta đã lưu ý với Giáo chủ Kirill, “Đức Quốc xã, ý chỉ người Ukraine, đang ẩn náu sau lưng thường dân, người già và trẻ em.”
Như Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos của Cyprus gần đây đã nhấn mạnh, “người Nga đầu tiên làm dấu thánh giá và sau đó họ giết người”, tiếp tục khơi dậy đức tin nơi Chúa cho một mục tiêu cuối cùng, được Chính Thống Giáo “chúc lành”.
Trong bài giảng của mình sau Phụng Vụ Thánh, Thượng phụ Mạc Tư Khoa chống lại những người Ukraine, những người mô tả Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa là “Giáo Hội của những kẻ chinh phục”, mà ông cho là báng bổ và xúc phạm.
Đề cập đến số lượng Giáo phận của Giáo Hội Chính Thống ở Ukraine đã quyết định ngừng cầu nguyện cho mình, Thượng phụ Kirill biện minh rằng “việc này được thực hiện vì sợ hãi”.
“Chúng ta phải nhớ rằng tất cả chúng ta đều thuộc về cùng một Giáo hội tông truyền, cùng một Giáo hội được thành lập ở cả Mạc Tư Khoa và Kiev,” ông nói như trên và từ chối chấp nhận quyền tự trị của Giáo hội Ukraine và việc giải phóng Giáo Hội ấy khỏi Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa.
Ông lại nói về những áp lực bên ngoài và “những thế lực ngoại lai đối với Giáo hội muốn phá hủy sự đoàn kết thiêng liêng của các dân tộc chúng ta. Khi ai đó vì sợ hãi mà không chịu cầu nguyện cho vị Thượng Phụ, thì đây là dấu hiệu của sự yếu hèn. Nó không xúc phạm tôi”
Cuối cùng, đề cập đến chiến tranh, ông nói về “các tiến trình chính trị, mà chúng tôi hy vọng sẽ sớm kết thúc”, và cầu nguyện cho Tổng Giám Mục Onoufriy. Onoufriy là Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.
Thượng Phụ Kirill cũng nhắc lại lời cầu nguyện của mình xin Chúa bảo vệ tất cả những người trên đất Nga, “hiện bao gồm cả Nga, Ukraine và Belarus”.
Source:Orthodox Times
2. Các ký giả tại Tòa Bạch Ốc phản đối quyết định của Biden không gửi máy bay phản lực chiến đấu của Ba Lan đến Ukraine
Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki đã phải vật lộn để giải thích lý do tại sao chính quyền Biden tiếp tục từ chối đề nghị của Ba Lan gửi máy bay chiến đấu phản lực MiG-29 đến Ukraine bất chấp việc Tổng thống Volodymyr Zelensky liên tục cầu xin các máy bay chiến đấu giúp đất nước của ông đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga.
Cô đã được hỏi trong cuộc họp ngắn tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Ba về “chuỗi logic” trong lời giải thích của cô về quyết định của Tổng thống Biden cho rằng việc gửi các máy bay MiG sẽ làm cho Mỹ liên quan “trực tiếp hơn” trong cuộc chiến.
“Đó không phải là đánh giá của tổng thống, hoặc chắc chắn không phải đánh giá của tôi, mà là đánh giá của Bộ Quốc phòng. Và phần lớn đánh giá của họ liên quan đến việc những chiếc máy bay này sẽ cất cánh từ đâu và bạn sẽ đưa chúng vào Ukraine như thế nào,” Psaki trả lời.
“Vì vậy, đó là điều mà họ đang khám phá và thảo luận với một loạt đối tác. Nhưng đánh giá của họ cũng đặc biệt dựa trên việc chuyển giao nó cho Ukraine và điều đó có thể bị nhầm lẫn là leo thang,” Cô Jen Psaki nói.
Tuy nhiên, phóng viên David Sanger của New York Times đã hỏi liệu những chiếc máy bay khởi hành từ căn cứ Ba Lan hay một căn cứ ở Đức có khiến chúng trở thành mục tiêu hay không.
Psaki nói: “Nó có thể được coi là leo thang”.
Psaki sau đó đã bị thúc ép về sự khác biệt giữa việc chuyển giao các hệ thống phòng không có nguồn gốc từ phương Tây cho Ukraine và việc chuyển giao các máy bay Ba Lan.
Bà cho biết việc chuyển giao vũ khí của họ không đòi hỏi phải “cất cánh từ một căn cứ không quân của NATO”.
Nhưng Sanger cho biết các thiết bị quân sự vẫn đến từ các quốc gia phương Tây.
“Đúng,” Psaki nói.
Sanger sau đó hỏi liệu Mỹ có sẵn sàng cung cấp loại hệ thống chống hỏa tiễn mà họ gửi cho Israel để giúp ngăn chặn các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào Ukraine hay không.
“Những cuộc thảo luận đó diễn ra tại Bộ Quốc phòng, và chúng tôi đã nói nhiều về việc đánh giá rủi ro vì nó liên quan đến máy bay, nhưng họ đưa ra đánh giá về những gì cần cung cấp để có hiệu quả nhất,” Psaki nói.
Bà cũng nói rằng đang có các cuộc thảo luận giữa các “đối tác” quân sự và quốc phòng về những thiết bị quân sự cần thiết ở Ukraine khi được hỏi liệu Mỹ có đang khuyến khích các đối tác NATO khác chuyển giao máy bay chiến đấu hay không.
Biden đã từ chối đề nghị của Ba Lan về việc gửi máy bay chiến đấu thời Liên Xô đến căn cứ không quân Mỹ ở Ramstein, ở Đức, đáp lại Mỹ sẽ thay thế các máy bay này bằng những chiếc F-16 mới hơn.
Không rõ bằng cách nào những chiếc MiG sẽ được chuyển tới Ukraine - bởi các phi công Ba Lan hay Mỹ.
Tuy nhiên, chính quyền gọi đề xuất này là quá rủi ro vì nó sẽ khiêu khích Nga và có khả năng mở rộng giao tranh.
“Ý tưởng rằng chúng tôi sẽ gửi thiết bị tấn công và có máy bay, xe tăng và xe lửa cùng với phi công Mỹ và phi hành đoàn Mỹ - hãy hiểu như thế, đừng tự đùa, bất kể bạn nói gì, đó được gọi là Chiến tranh thế giới III,” Biden nói với một cuộc họp của các đảng viên Đảng Dân chủ vào thứ Sáu tuần trước tại Philadelphia.
Source:New York Post
3. Thị trưởng Kiev mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thủ đô Ukraine
Chính phủ Ukraine đã không ngần ngại lên tiếng sẵn sàng để Vatican giúp làm trung gian trong cuộc chiến với Nga.
Hiện thị trưởng của Kiev, thủ đô của đất nước, đã đưa ra lời mời chính thức xin Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm thành phố.
Bức thư ngày 8/3 do thị trưởng Vitaly Klitshko ký viết:
“Chúng tôi tin rằng sự hiện diện trực tiếp của nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới tại Kiev là chìa khóa để cứu sống và mở đường dẫn đến hòa bình ở thành phố, đất nước của chúng tôi và hơn thế nữa”.
Bức thư đã bị rò rỉ cho các phương tiện truyền thông vào hôm thứ Ba và tờ Crux đã có thể xác minh tính xác thực của nó một cách độc lập.
Thị trưởng Klitshko cũng nói rằng nếu hành trình đến Kiev không thể thực hiện được, “chúng tôi vui lòng yêu cầu tổ chức một cuộc họp video chung, được ghi lại hoặc phát sóng trực tiếp. Sẽ nỗ lực để đưa Tổng thống Zelenskyy vào cuộc gọi này”.
“Chúng tôi kêu gọi Đức Thánh Cha, với tư cách là một nhà lãnh đạo tinh thần, hãy thể hiện lòng từ bi của mình, sát cánh với người dân Ukraine bằng cách cùng nhau truyền bá lời kêu gọi hòa bình”
Vatican đã xác nhận rằng bức thư của Klitshko đã được gởi đến Đức Giáo Hoàng.
Đức Thánh Cha Phanxicô và các cố vấn thân cận nhất của ngài đã nhiều lần bày tỏ sự sẵn sàng giúp đỡ bằng mọi cách có thể. Tuần trước, hai vị Hồng Y đã được phái đến Ukraine, là Đức Hồng Y Michael Czerny và Đức Hồng Y Konrad Krajewsky. Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh đã thông báo hôm thứ Hai rằng Hồng Y Czerny sẽ trở lại vào ngày thứ Tư.
Bức thư bắt đầu được lưu hành vài phút trước khi Klitshko thông báo lệnh giới nghiêm kéo dài 35 giờ trong thành phố do “tình hình khó khăn và nguy hiểm.” Nó sẽ kéo dài đến 7 giờ sáng theo giờ địa phương vào ngày 17 tháng 3.
Đây không phải là lần đầu tiên thị trưởng Kiev mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm thủ đô Ukraine. Ông đã phát hành một video vào ngày 5 tháng 3 mời các nhà lãnh đạo tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới - cụ thể là Đức Giáo Hoàng, Đâi Giáo Trưởng của Al-Azhar, Đức Đạt Lai Lạt Ma, Giáo sĩ trưởng của Israel và Giáo chủ Chính thống giáo Nga Kirill - đến Kiev.
“Nhân phẩm của con người đang bị đặt câu hỏi,” vị thị trưởng nói trong video bằng tiếng Anh. “Những gì đang diễn ra ở trung tâm Âu Châu chạm đến trái tim của tất cả cư dân trên hành tinh của chúng ta, những người yêu công lý và các giá trị của lòng tốt, bất kể khu vực hay tôn giáo của họ. Tôi thể hiện rõ sự kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo đứng lên và đảm nhận chức năng đạo đức đương nhiệm với họ và tự hào đảm nhận trách nhiệm của các tôn giáo vì hòa bình”.
Sau đó, ông mời tất cả họ đến thăm Kiev và “thể hiện tình đoàn kết của họ với người dân Ukraine”, đồng thời kêu gọi thành phố trở thành thủ đô của “nhân loại, tâm linh và hòa bình”.
Đầu năm nay, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng có ý định đến thăm Ukraine trong năm nay.
“Chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ mong muốn Đức Thánh Cha đến thăm Ukraine. Chúng tôi đã mời ngài và thường xuyên lặp lại điều đó”, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói ngay trước cuộc xâm lược của Nga. “Chúng tôi rất hy vọng. Cử chỉ là rất quan trọng và đến thăm Ukraine sẽ là một cử chỉ rất mạnh mẽ đối với toàn thể nhân loại.”
Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói: “Có một sự nhất trí ở Ukraine, không chỉ giữa những người Công Giáo mà còn giữa những người Chính thống giáo và thậm chí cả những người ngoại đạo, rằng Đức Thánh Cha Phanxicô là người có thẩm quyền đạo đức quan trọng nhất trên thế giới hiện nay”.
“Người dân nói rằng nếu Đức Giáo Hoàng đến Ukraine thì chiến tranh sẽ kết thúc. Họ coi cử chỉ chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng là một trong những sứ giả của hòa bình. “
Đức Phanxicô đã chứng tỏ là không sợ hãi nếu ngài tin rằng một chuyến thăm có thể giúp mang lại hòa bình: Năm 2015, ngài đến thăm Cộng hòa Trung Phi khi đang có nội chiến và cuối năm nay, ngài dự kiến đến thăm Nam Sudan, nơi đang có một lệnh ngừng bắn được coi là mong manh nhất trong cuộc nội chiến đang diễn ra.
Source:Crux