1. Nhà báo Nga xông vào đài truyền hình để phản đối cuộc xâm lược hầu tòa

Marina Ovsyannikova, ký giả tin tức Nga, đã xông vào một studio tin tức của Nga trong buổi phát sóng trực tiếp vào tối thứ Hai, và cảnh báo người dân rằng họ đã bị lừa dối về cuộc xâm lược vào Ukraine và kêu gọi dừng ngay chiến tranh.

Người phụ nữ tóc vàng mặc quần áo đen bước vào khung hình phía sau một xướng ngôn viên đưa tin trong khi giơ tấm biển có nội dung: “Hãy dừng chiến tranh. Đừng tin vào những lời tuyên truyền. Họ đang nói dối các bạn.”

Người phụ nữ hô vang “Hãy dừng chiến tranh! Nói không với chiến tranh!” khi người xướng ngôn viên tiếp tục cố gắng hoàn thành một bản tin trước khi máy quay chuyển sang một video clip khác.

Hành động anh hùng của cô đã khiến cô phải ra hầu tòa hôm thứ Ba và đối mặt với cáo buộc hành chính, tờ Novaya Gazeta của Nga đưa tin.

Luật sư của cô, Sergei Badamshin, đã đăng một bức ảnh của cô vào hôm thứ Ba.

Đáng chú ý, các cáo buộc chống lại Ovsyannikova “chưa phải là một vụ án hình sự”, theo Novaya Gazeta.

Văn phòng nhân quyền của Liên hợp quốc đã kêu gọi các nhà chức trách Nga phải bảo đảm rằng Marina Ovsyannikova không bị trừng phạt vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.

Điện Cẩm Linh hôm thứ Ba cho biết hành động của Marina Ovsyannikova làm gián đoạn bản tin trực tiếp trên Kênh truyền hình nhà nước Nga vào tối thứ Hai để tố cáo cuộc chiến ở Ukraine là “hành động côn đồ”.

Ravina Shamdasani, người phát ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc nói trong một cuộc họp báo tại Geneva hôm thứ Ba rằng các nhà chức trách Nga nên bảo đảm rằng người phụ nữ “không phải đối mặt với bất kỳ sự trả đũa nào vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận”.

2. Giáo phận Công Giáo đầu tiên của Đức cho phép phụ nữ làm lễ rửa tội

Giáo phận Essen của Công Giáo Rôma đã trở thành giáo phận đầu tiên ở Đức cho phép phụ nữ làm lễ rửa tội, với lý do thiếu linh mục.

Giáo phận cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai rằng Giám mục Franz-Josef Overbeck đã giao nhiệm vụ cho 18 giáo dân —trong đó có 17 phụ nữ - được truyền bí tích gia nhập Giáo Hội tại một buổi lễ cuối tuần qua.

Cho đến nay, chỉ có các linh mục và phó tế - những chức năng mà Giáo Hội Công Giáo dành cho nam giới - mới được phép làm lễ rửa tội.

Bà Theresa Kohlmeyer, người đứng đầu bộ phận tín ngưỡng, phụng vụ và văn hóa của giáo phận cho biết: “Hết lần này đến lần khác, Giáo hội đã thích nghi với hoàn cảnh bên ngoài trong 2,000 năm qua”.

Biện pháp này chỉ là tạm thời và ban đầu sẽ kéo dài trong ba năm.
Source:ABC News

3. Giáo phận Mễ Tây Cơ từ chối cho các chính trị gia Công Giáo đã bỏ phiếu hợp pháp hóa việc phá thai được rước lễ

Sau khi cơ quan lập pháp bang Sinaloa của Mễ Tây Cơ bỏ phiếu hợp pháp hóa việc phá thai đến 13 tuần tuổi, Giáo phận Culiacán thông báo rằng các chính trị gia Công Giáo bỏ phiếu ủng hộ luật này sẽ không thể nhận Mình Thánh Chúa và cũng không được làm cha mẹ đỡ đầu.

Trong một tuyên bố, Cha Miguel Ángel Soto Gaxiola, giám đốc Ủy ban Đời sống, Gia đình, Thanh niên và Giáo dân Culiacán, chính thức thông báo rằng các nhà lập pháp Công Giáo đã bỏ phiếu ủng hộ việc phá thai rằng quyết định không cho họ rước lễ là “sự công nhận về mặt khách quan trạng thái không xứng đáng của một người đối với việc rước Mình Thánh Chúa”.

Giáo phận Culiacán thuộc bang Sinaloa và bao gồm thủ đô Culiacán. Sinaloa trở thành bang thứ bảy của Mễ Tây Cơ hợp pháp hóa phá thai.

Trong bức thư gửi cho các chính trị gia Công Giáo, Cha Soto Gaxiola chỉ ra rằng “Ngày nay chúng ta có nhiều người bị tai tiếng bởi sự phản bội công khai giáo huấn của Giáo hội về đức tin và đạo đức bởi những nhà lập pháp tự xưng là 'Công Giáo'.”

Ngài nói tiếp: “Thật vậy, hành động này ra đặt câu hỏi lớn cho các tín hữu: Làm sao một người Công Giáo công khai cổ võ và ủng hộ các chính sách trái với Đời sống lại có thể đến tham dự Thánh lễ và rước lễ?

Tuyên bố cho biết: “Theo giáo huấn của Giáo hội, giá trị của sự sống luôn luôn được bảo vệ từ khi được hình thành cho đến khi chết tự nhiên.”

Tài liệu bác bỏ lời biện minh của những người nói rằng họ “cá nhân họ tin vào sự trái đạo đức của việc phá thai” nhưng ủng hộ “các chính sách công” bao gồm việc hợp pháp hóa nó.

Trích dẫn thông điệp Evangelium Vitae - Tin Mừng Sự Sống của Thánh Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô II, tuyên bố nói rằng “đây là một lý thuyết sai lầm, vì 'không có hoàn cảnh nào, không có mục đích nào, không có luật nào có thể hợp pháp hóa một hành vi về bản chất là vô luân, vì nó mâu thuẫn với Luật của Thiên Chúa, được viết trong trái tim mỗi con người, được tự lý trí biết đến và được Giáo hội công bố”.

Bức thư kết luận: “Để trả lời câu hỏi: Một dân biểu hay bất kỳ người nào xưng mình là Công Giáo, trong khi công khai hợp tác hoặc hình thành nên các luật lệ chống lại sự sống, có thể rước lễ không? Chúng tôi nói: Không. Bạn không thể lên Rước lễ. Người đó cũng không được là cha mẹ đỡ đầu hoặc bạn đồng hành của những người khác muốn lãnh các bí tích khác, chẳng hạn như rửa tội”.
Source:National Catholic Register

4. Một chủng viện Tây Ban Nha mở rộng cửa đón nhận 60 người tị nạn từ Ukraine

Hôm Chúa Nhật, 13 tháng Ba vừa qua, chủng viện của Giáo phận Tarazona đã chào đón 60 người tị nạn từ Ukraine đến cùng với hàng chục tình nguyện viên đã giúp họ thực hiện chuyến đi từ biên giới Ba Lan-Ukraine.

Nhóm những người tị nạn đã được chào đón bởi Đức Cha Eusebio Ignacio Hernández Sola của Tarazona; thị trưởng, Luis José Arrechea; Giám đốc chủng viện, Cha José Luis Sofín; gia đình của các tình nguyện viên; và một nhóm đông đảo dân chúng trong thành phố.

Theo một thông báo từ Giáo phận Tarazona cho biết nhóm người tị nạn này bao gồm phụ nữ, trẻ em, thanh thiếu niên và ba nam giới.

Họ sẽ được sắp xếp cư ngụ trong những căn phòng phù hợp với họ và sẽ có hai phòng khách để tụ tập, một phòng trò chơi và một phòng ăn. Ngoài ra, họ sẽ có các khu vui chơi giải trí ngoài trời.

“Mọi nỗ lực đã được thực hiện trong thời gian ngắn nhất có thể để chào đón những người này và làm cho họ cảm thấy như ở nhà. Cần phải làm việc cùng nhau và cộng tác để đi cùng một hướng và giúp đỡ nhiều nhất có thể”, Đức Cha Hernández nói.

Ông cũng cám ơn “mối quan hệ của tình huynh đệ và thiện chí của những tình nguyện viên đã đi và về từ Ba Lan trong thời gian gần như kỷ lục, một cách hoàn toàn vị tha và thể hiện lòng hào hiệp vô bờ bến, để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn đang chạy trốn khỏi chiến tranh”.

“Bây giờ phần việc của chúng ta là mang lại cho họ sự ấm áp và tình cảm bởi vì chúng ta đừng quên rằng họ đã phải bỏ lại tất cả mọi thứ ở Ukraine”

Đức Cha Hernández nói rằng khi chiến tranh bắt đầu, ngài tự hỏi “chúng ta ở Giáo phận Tarazona có thể làm gì và vì vậy tôi đã cung cấp các cơ sở vật chất của giáo phận và đặc biệt là chủng viện, và sáng kiến của các tình nguyện viên là quan trọng”.

Nhóm người tị nạn đến Tây Ban Nha nhờ sáng kiến của một số tình nguyện viên từ Tarazona, những người đã tổ chức thu gom thực phẩm, quần áo và vật dụng y tế với ý tưởng đưa các thứ này đến biên giới Ba Lan-Ukraine và đưa những người tị nạn trở về cùng với họ.

Một đoàn xe gồm 3 xe vận tải và 9 xe bán tải rời Tarazona ngày 9 tháng 3. Ba ngày sau, sau khi phân phát hàng viện trợ, đoàn xe trở về Tây Ban Nha với 60 người được đón tại một trại tị nạn ở Warsaw.

Khi đến nơi, các tình nguyện viên và cả những người tị nạn đã cảm ơn những cử chỉ đoàn kết của mọi người và yêu cầu được giúp đỡ nhiều hơn vì “còn nhiều thứ cần thiết, thuốc men, thực phẩm và tiền bạc”.
Source:National Catholic Register