Theo bản tin của hãng CNA ngày 10 tháng 3 năm 2022, Các giám mục Công Giáo Bắc Âu đã công bố một bức thư ngỏ vào hôm thứ Tư bày tỏ sự báo động trước đường hướng của “Con Đường Thượng hội đồng” Đức.
Thực vậy, CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, báo cáo, trong lá thư ngày 9 tháng 3, các giám mục Công Giáo Bắc Âu cảnh báo chống lại việc “đầu hàng nền văn hóa đương thịnh” và “làm nghèo nàn nội dung đức tin của chúng ta”.
Trong khi thừa nhận những thách thức mà Giáo Hội Công Giáo ở Đức đang đối diện, họ nói rằng “hướng đi, phương pháp và nội dung của Con đường Thượng hội đồng của Giáo hội ở Đức khiến chúng tôi lo lắng”.
Con Đường Thượng hội đồng là một quá trình kéo dài nhiều năm giải quyết cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội, đạo đức tình dục, chức tư tế và vai trò của phụ nữ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tàn khốc ở Đức.
Các giám mục Bắc Âu đã công bố bức thư của họ sau khi những người tham gia Con đường Thượng hội đồng bỏ phiếu ủng hộ các bản văn dự thảo kêu gọi xóa bỏ chế độ độc thân của các linh mục trong Giáo hội Latinh, phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc phúc cho các cặp đồng tính và thay đổi giáo huấn Công Giáo về đồng tính luyến ái.
Các giám mục Bắc Âu viết, “Trên khắp thế giới, một số người Công Giáo đặt câu hỏi về lối sống và sự đào tạo của các linh mục, vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, một loạt các quan điểm về tình dục con người, v.v.”.
“Trong việc tìm kiếm hợp pháp các câu trả lời cho các vấn đề của thời đại chúng ta, chúng ta dù sao cũng phải tôn trọng các ranh giới được đặt ra bởi các chủ đề đại diện cho các khía cạnh không thể thay đổi của giáo huấn Giáo hội”.
“Đã từng có trường hợp các cải cách thực sự trong Giáo hội được khởi sự từ giáo huấn Công Giáo dựa trên Mặc khải thần linh và Truyền thống đích thực, để bảo vệ nó, trình bầy nó và diễn dịch nó một cách đáng tin cậy thành sự sống sống động - chứ không phải từ sự đầu hàng đối với nền văn hóa đương thịnh. Nền văn hóa đương thịnh hay thay đổi xiết bao, một điều mà chúng ta có thể xác minh hàng ngày".
Hội đồng Giám mục của các nước Bắc Âu quy tụ các giám mục Công Giáo của Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Iceland.
Bức thư ngỏ gửi tới chủ tịch hội đồng giám mục Đức, Đức cha Georg Bätzing, đã được ký bởi các nhà lãnh đạo Giáo hội bao gồm Hồng Y Anders Arborelius của Stockholm, Giám mục Erik Varden của Trondheim, Giám mục David Tencer của Reykjavik, và chủ tịch hội đồng giám mục Bắc Âu, Giám mục Czesław Kozon của Copenhagen.
Nữ tu Anna Mirijam Kaschner, tổng thư ký của hội đồng, cũng đã ký vào bức thư ngỏ. Nữ tu sĩ người Đức này là một thành viên của Dòng Truyền giáo Máu Quý giá.
Sự can thiệp của các giám mục Bắc Âu tiếp theo sau khi chủ tịch hội đồng giám mục Ba Lan công bố một lá thư vào tháng trước bày tỏ “mối quan tâm huynh đệ” đối với “Con Đường Thượng hội đồng”.
Trong bức thư gần 3,000 chữ gửi cho Giám mục Bätzing, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki đã đặt câu hỏi liệu sáng kiến này có bắt nguồn từ Tin Mừng hay không.
Trong bức thư dài khoảng 1,000 từ của mình, các giám mục Bắc Âu viết: “Diễn trình thượng hội đồng hoàn cầu đã khơi dậy những kỳ vọng lớn lao. Tất cả chúng ta đều hy vọng vào sự hồi sinh của đời sống Công Giáo và sứ mệnh của Giáo hội. Tuy nhiên, có một nguy cơ là chúng ta, trong chừng mực chúng ta luôn bị khép kín trong các mô hình của diễn trình suy nghĩ và thay đổi cấu trúc, kết cục lại quan niệm Giáo hội như một dự án, một đối tượng của cơ quan chúng ta”.
Họ cho rằng hình ảnh Giáo hội với tư cách là dân Chúa đang trên đường lữ hành cần được bổ sung bằng những hình ảnh khác được rút ra từ truyền thống Công Giáo, đặc biệt là Giáo hội như là “một mầu nhiệm hiệp thông”.
Họ viết: “Chúng tôi nhận thấy rằng những người Công Giáo cấu thành và gánh vác sự sống của các giáo xứ và cộng đồng của chúng ta, cảm nhận mầu nhiệm bí tích này một cách theo bản năng nhưng không nhất thiết là những người có khuynh hướng điền vào bảng câu hỏi hoặc tham gia vào các cuộc thảo luận nhóm”.
“Chúng ta đừng quên, trong bối cảnh của diễn trình thượng hội đồng, cũng phải chú ý lắng nghe chứng tá của họ.”
Họ viết tiếp: “Ngay bây giờ, khi châu Âu, bị chia rẽ sâu xa, đang đe dọa nổ bùng, chúng tôi chắc chắn rằng: chúng ta cần một tiêu chuẩn cao hơn về hợp nhất. Chỉ một mình Chúa Kitô mới là niềm hy vọng của chúng ta!”
“Nhân danh Người, Giáo hội được kêu gọi trở thành ‘hạt giống bền vững và chắc chắn của sự hợp nhất, hy vọng và sự cứu rỗi cho toàn thể nhân loại’ (Lumen gentium, 9).”
“Chỉ khi nào đời sống ad intra [bên trong] của Giáo hội được bắt nguồn từ Chúa Kitô, chỉ khi nào chúng ta sống trọn vẹn sự mặc khải của Người, thì chúng ta mới cân xứng với ơn gọi này. Chúng ta khó có thể mong đợi một sự viên mãn mới mẻ của sinh lực Công Giáo phát sinh từ việc làm nghèo đi nội dung đức tin của chúng ta”.