CỰC ĐOAN THÁNH THIỆN
“Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môisen, và một cho Êlia!”.

Edgar Hoover điều hành FBI, không ai nghi ngờ về khả năng của ông. Hầu như tất cả cấp dưới đều tìm cách gây ấn tượng với người sếp quyền lực của mình. Một thanh niên FBI, trong một nỗ lực cắt giảm chi phí văn phòng, muốn gây ấn tượng với sếp; anh đã giảm kích thước của tất cả giấy tờ. Hoover xem qua, tỏ vẻ không thích kích cỡ và đường viền của tờ giấy; ông viết nguệch ngoạc, “Hãy quan sát đường viền!”. Lưu ý được chuyển qua văn phòng. Sáu tuần tiếp theo, việc nhập cảnh vào Hoa Kỳ từ Mexico hoặc Canada bằng đường bộ là vô cùng khó khăn! FBI đang theo dõi biên giới. Tại sao? Họ nghĩ, họ đã nhận được một lời cảnh báo từ sếp của họ; họ đã ‘cực đoan’ biến một nhận xét vô thưởng vô phạt thành một lời cảnh báo nghiêm túc!

Kính thưa Anh Chị em,

Như những nhân viên FBI ‘cực đoan’, Phêrô trong câu chuyện Biến Hình của Tin Mừng hôm nay xem ra cũng ‘cực đoan’. Một chi tiết khá thú vị đáng dừng lại là câu nói có phần ngớ ngẩn của ông, “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môisen, và một cho Êlia!”. Chi tiết này đưa chúng ta về một sự thật tinh tế; đúng hơn, một cám dỗ tinh vi trong đời sống thiêng liêng. Cám dỗ này có tên là ‘cực đoan thánh thiện!’.

Trước sự rạng ngời vinh quang Thiên Chúa nơi Thầy mình, dù trong chốc lát, ba môn đệ choáng ngợp, đến nỗi Phêrô đã thốt lên như thế! Tin Mừng nói, “Phêrô không rõ mình nói gì!”. Chứng kiến thần tính xán lạn diệu kỳ của Thầy, ba môn đệ vô cùng phấn khích; cũng thế, nhiều lúc, chúng ta có thể thấy mình rất gần gũi với Thiên Chúa và từ đó, được truyền cảm hứng sâu sắc bằng cách này, cách khác. Khi điều đó xảy ra, phản ứng cảm xúc nơi chúng ta, bấy giờ, theo một nghĩa nào đó, là đi quá đà. Đó không phải là tình yêu đối với Chúa nơi chúng ta đã đạt đến mức lý tưởng, điều đó là không thể, nhưng là một sự nhiệt thành vốn dựa trên cảm xúc nhiều hơn là dựa trên ý muốn của Chúa. Đúng hơn, đó chỉ là những phút chốc ‘sốt sắng cao độ’ mà thôi; dĩ nhiên, chúng ta ước mong trở nên thân mật với Thiên Chúa, nhưng phải luôn bảo đảm rằng, cả những cảm xúc tốt lành nhất cũng không được dẫn chúng ta đi vào những ‘cực đoan thánh thiện’, nghĩa là đi vào con đường theo ý riêng mình hơn là theo ý của Thiên Chúa.

Chi tiết này gợi lên câu chuyện Thầy trò Chúa Giêsu bị một làng nọ từ chối; Giacôbê và Gioan đã lên tiếng, “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng không?”. Ôi, thiêu huỷ cả một làng! Và Chúa Giêsu đã khiển trách họ. Có lẽ vì đã nhớ lại phút chốc ‘sốt sắng cao độ’, có phần ‘cực đoan thánh thiện’ muốn đốt làng người ta, nên hôm nay, trong thư của mình, Giacôbê đã nói đến việc phải cẩn thận với ngôn từ, và nhất là, cảnh giác với chiếc lưỡi, “Ai không sai lỗi trong lời nói, thì là người trọn lành”. Vì thế, cả với miệng lưỡi, chúng ta cũng phải cậy vào ơn Chúa mới tránh được “tai hoạ bất trị, và chứa đầy nọc độc giết người” này. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc khi nói, “Vâng, lạy Chúa, Ngài bảo vệ chúng con!”.

Anh Chị em,

Mục tiêu của một đời sống đạo đức là sự quân bình đích thực giữa các thái cực, cả khi nguội lạnh hay khi sốt mến. Mặc dù phải cam kết 100% với Chúa và ý muốn của Ngài, nhưng cũng phải chắc chắn rằng, chúng ta không bị cuốn vào bên này hoặc bên kia; vì lẽ, ma quỷ luôn tìm dịp để kéo chúng ta vào những cạm bẫy khôn lường của nó. Ma quỷ có thể làm chúng ta ngây ngất trong việc đạo đức này, bác ái kia; nhưng thực chất, lôi chúng ta về những hậu quả nó nhắm đến. Chẳng hạn, khi thấy mình đạo đức, chúng ta khinh chê kẻ khác; hoặc khi đứng trước một thử thách lớn, chúng ta tuyệt vọng… Vậy hãy cầu xin Chúa gìn giữ chúng ta vững bước trên con đường dẫn đến Ngài và thánh ý Ngài; hầu tránh được những ‘cực đoan thánh thiện’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con có được sự quân bình nội tâm; đừng để con nản lòng trước thử thách; cũng đừng để con cuốn theo những cảm xúc sản sinh từ những ‘cực đoan thánh thiện’”, Amen.

(Tgp. Huế)