Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, một tu sĩ dòng Đa Minh, đã bị giết vào ngày 29 tháng Giêng, vào một đêm trước Tết Nguyên đán.
Sau cái chết của ngài, những người Công Giáo Việt Nam đang đòi công lý và muốn biết lý do tại sao ngài bị sát hại. Họ cũng tìm kiếm sự tha thứ cho kẻ sát nhân bởi vì, như Phúc âm của Chúa Kitô đã dạy, người ta không phản ứng bằng bạo lực đối với những tội ác bạo lực, dù tàn bạo đến đâu.
Ngoài ra, những người Công Giáo ở Việt Nam không muốn một người Công Giáo khác bị giết vì những gì họ tin rằng một âm mưu được chuẩn bị và thực hiện như một phát súng cảnh cáo, nhằm ngăn cản những người truyền giáo Công Giáo làm việc ở khu vực Tây Nguyên của đất nước.
Tuy nhiên, sự tha thứ đòi hỏi phải có công lý.
Tha thứ theo đúng nghĩa của từ này chính xác đòi phải có công lý và đứng vững hay thất bại tùy thuộc có công lý hay không. Đây là lý do tại sao Thánh Phaolô ngạc nhiên trước sự khôn ngoan của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô:
Rôma 3: 25-26: Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. Nhưng bây giờ, Người muốn cho thấy rằng Người vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giêsu được nên công chính
Để Thiên Chúa luôn là công minh, và vẫn xá tội cho những người tội lỗi, thì công lý phải được đáp lại. Câu trả lời đó đã được đưa ra trên thập tự giá, nơi Chúa Kitô đã trả giá đầy đủ cho tội lỗi của chúng ta. Công lý của Thiên Chúa sẽ không bị tổn hại. Các yêu cầu của Luật thánh của Ngài phải được đáp ứng. Thiên Chúa không chỉ nói, “mặc kệ đi, chúng ta hãy quên điều đó đi.” Không. Không thể được.
Các tín hữu vẫn còn bị chấn động bởi cái chết đầy bạo lực của vị linh mục trẻ bị giết trong khi thực hiện bí tích hòa giải và mong muốn được thấy một số điều sáng tỏ về những chi tiết bí ẩn xung quanh biến cố.
Kể từ khi ngài được chôn cất, mộ của ngài đã trở thành một nơi hành hương, bởi các tín hữu Công Giáo và cả những người khác, đến để tỏ lòng thành kính tưởng nhớ ngài.
Thứ Hai tuần trước, Cha Toma Aquino Nguyễn Trường Tam, Bề trên Giám tỉnh Dòng Đa Minh, bày tỏ sự ủng hộ đối với thân nhân của linh mục, và gặp gỡ nhóm luật sư giúp họ.
Các nhà lãnh đạo Đa Minh, cùng với Giáo phận Kontum, đang cân nhắc việc chỉ định một nhà tư vấn có nhiệm vụ chuẩn bị tóm tắt cho các điều tra viên phụ trách vụ án.
Được thụ phong vào năm 2018, vị giáo sĩ vừa qua đời đã đến giáo xứ Đắk Mót một năm sau đó, ngài đảm nhận chức vụ phó xứ.
Tang lễ của ngài được tổ chức vào ngày 31 tháng Giêng tại tu viện Thánh Martinô ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, và hài cốt của ngài đã được an táng trong khuôn viên của tu viện Đa Minh địa phương.
Phát biểu với AsiaNews, Cha Toma Aquino nhấn mạnh rằng nhà Dòng muốn cuộc điều tra về vụ giết hại linh mục phải hoàn toàn minh bạch, hy vọng rằng “một phiên tòa mở sẽ sớm được tiến hành”.
Đồng thời, ngài mong muốn công lý và luật pháp Việt Nam được thực thi theo “tinh thần Công Giáo” vì “chúng tôi không muốn trả thù” hay “máu của người khác” cũng như không muốn các đền bù vật chất.
“Chúng tôi chỉ muốn biết những lý do khiến kẻ giết người phải cầm dao; mục đích là để ngăn chặn bạo lực tiếp tục. Tất cả chúng ta sẽ tha thứ cho anh ta”.
Ghi nhớ tinh thần “nhân hậu, khiêm tốn, siêng năng, thánh thiện” của vị linh mục bị sát hại, vị Giám Tỉnh dòng Đaminh cho biết nhà Dòng đã nhận được nhiều tin nhắn chia buồn và gần gũi từ các dòng tu khác. Theo quan điểm của ngài, “Cái chết của Cha Thanh là một cuộc tử vì đạo.”
Thi thể của vị giáo sĩ bị sát hại hiện nằm gần tượng Đức Mẹ Đồng Trinh, trên một ngọn đồi, với dòng người không ngừng, người Công Giáo và người không Công Giáo, đến thắp hương và cầu nguyện trước mộ của ngài.
“Tôi rất xúc động và bồi hồi khi được cầu nguyện trước mộ của Cha Thanh,” anh Giuse Phan, một người Công Giáo đến từ Sàigòn, nói với AsiaNews. “Nhiều người đang xếp hàng trong im lặng. Mọi người dường như cảm nhận được tình yêu và lòng dũng cảm của nhà truyền giáo đến từ Tây Nguyên.”
Những người khác có hoặc không có đức tin cũng đã đến để cầu nguyện và đặt hoa. Một nhóm mang theo một tờ giấy ghi: “Chúa là tình yêu. Tôi là một người vô thần, nhưng tôi đến đây để bày tỏ lòng kính trọng đối với Cha Giuse”.
Ở nước ngoài, hàng trăm nhà sư cũng đã cầu nguyện cho linh hồn của ngài, phù hợp với tập tục của Phật giáo, trước bàn thờ. Một bức ảnh về buổi cầu nguyện được đăng tải trên mạng ngay lập tức lan truyền nhanh chóng, gây xúc động cho các tín hữu Công Giáo và cả những người ngoài Công Giáo.
Source:Asia News