1. Tiểu chủng viện ở Burkina Faso bị tấn công
Một cây thánh giá đã bị phá hủy trong một cuộc tấn công vào tiểu chủng viện Saint Kisito ở Bougui, Burkina Faso, ngày 10 tháng 2 năm 2022.
Tiểu chủng viện Thánh Kisito de Bougui, đã bị tấn công trong đêm, tổ chức bác ái của Đức Giáo Hoàng Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là CAN, cho biết hôm thứ Sáu.
Không có người nào thiệt mạng trong cuộc tấn công, diễn ra vào đêm 10 rạng sáng 11 tháng 2, mặc dù “có rất nhiều thiệt hại về vật chất.”
Tiểu chủng viện Thánh Kisito de Bougui nằm ở Bougui, cách Fada N'gourma khoảng 5 dặm về phía đông. Đây là nơi sinh sống của bảy cha giáo và 146 tiểu chủng sinh.
ACN cho biết họ đã được các đối tác địa phương thông báo “rằng các chiến binh thánh chiến đến bằng xe máy” vào tối ngày 10 tháng 2 và tấn công chủng viện trong một giờ.
Những kẻ tấn công đã đốt cháy hai ký túc xá, một phòng học và một phương tiện giao thông. Một chiếc xe khác đã bị đánh cắp.
Theo ACN, một cây thánh giá đã bị phá hủy, và những kẻ tấn công nói “họ không muốn nhìn thấy cây thánh giá”. Chúng nói với các chủng sinh “các ngươi nên đi ngay bây giờ, nếu bọn tao trở lại và thấy ai vẫn ở đây, chúng tao sẽ giết hết.”
ACN cho biết các chủng sinh hiện đang ở với gia đình của họ trong một tuần, và một số cư dân của Bougui đang rời thị trấn.
Burkina Faso, nằm ở Tây Phi, đã chứng kiến sự gia tăng bạo lực Hồi giáo trong những năm gần đây.
Một cuộc đảo chính đã diễn ra ở nước này vào tháng trước, và tân tổng thống đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục an ninh.
Một số nhà thờ đã bị tấn công vào năm 2019 và năm ngoái thi thể của một linh mục mất tích đã được tìm thấy trong một khu rừng.
Vào tháng 12 năm 2019, Đức Cha Justin Kientega của Ouahigouya cho biết các cuộc tấn công vào nhà thờ như vậy là một phần trong nỗ lực của các phần tử Hồi giáo cực đoan nhằm “kích động xung đột giữa các tôn giáo ở một quốc gia nơi các tín hữu Kitô và người Hồi giáo luôn sống hòa bình bên nhau”.
Khoảng 60 phần trăm dân số Burkina Faso theo đạo Hồi, 23 phần trăm theo Kitô Giáo, hầu hết là Công Giáo, và 15 phần trăm theo tín ngưỡng bản địa truyền thống.
Source:Catholic News Agency
2. Lần đầu tiên, một Kitô hữu sẽ đứng đầu Tối Cao Pháp Viện của Ai Cập
Boulos Fahmy, một tín hữu Chính Thống Giáo Coptic, vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Hiến Pháp. Ở Ai Cập, các tín hữu Kitô chỉ chiếm 10% dân số và thường là mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố của các lực lượng Hồi giáo.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một thành viên của thiểu số Kitô giáo Ai Cập đã trở thành luật gia hàng đầu của đất nước.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi tuần này đã bổ nhiệm thẩm phán Chính Thống Giáo Coptic Boulos Fahmy làm Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Hiến Pháp Ai Cập. Boulos Fahmy từng là phó chủ tịch của tòa án này, tiếp quản chức danh này từ Thẩm phán Marei Amr, là người đã từ chức vì lý do sức khỏe.
Fahmy, 65 tuổi, được bổ nhiệm vào Công tố viện năm 1978. Ông cũng từng là thẩm phán và sau đó là người đứng đầu Tòa phúc thẩm. Ông cũng là chủ tịch của Tòa án Hiến pháp.
Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, Tối Cao Pháp Viện Hiến Pháp Ai Cập là một cơ quan tài phán hiến pháp độc lập, được thành lập vào năm 1979 để thay thế Tối Cao Pháp Viện do Tổng thống Gamal Abd Nasser thành lập 10 năm trước đó. Chức năng chính của nó là xác minh và xác nhận tính hợp hiến của các luật và quy định do chính quyền Ai Cập ban hành. Nó cũng giải quyết các mâu thuẫn giữa các bản án của các tòa án khác.
Fides chỉ ra rằng Điều 2 của Hiến pháp Ai Cập, có hiệu lực vào năm 2014, công nhận “các nguyên tắc của Sharia Hồi giáo” là “nguồn chính của pháp luật.” Hãng tin cho biết: Sau Cách mạng năm 2011, trong thời gian Tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo giành được nhiều quyền lực hơn trong chính phủ, Tòa án Tối cao đã phản đối các chương trình Hồi giáo hóa cứng nhắc của luật pháp Ai Cập.
Việc bổ nhiệm Fahmy hôm thứ Tư đã được nhiều người Hồi giáo ở Ai Cập ca ngợi, trong đó có Moushira Khattab, người đứng đầu Hội đồng Nhân quyền Quốc gia do chính phủ bổ nhiệm. Khattab gọi quyết định này là “lịch sử” và “một bước đi khổng lồ” trong lĩnh vực chính trị và dân quyền, theo hãng tin AP.
Nhưng Ishak Ibrahim, một chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề Kitô giáo ở Ai Cập, cho biết động thái này sẽ có tác động rất ít đến việc chấm dứt sự phân biệt đối xử đối với người Kitô giáo, những người mà ông nhận định là có rất ít đại diện trong các cơ quan nhà nước của Ai Cập.
“Nó sẽ không có tác động đáng kể đến việc xóa bỏ phân biệt đối xử và bảo đảm cơ hội cho mọi công dân có công lý và bình đẳng,” Ibrahim cho biết trong một bài đăng trên Facebook. “Chúng tôi có thể nói rằng có một sự cải thiện đáng kể khi chúng tôi nhận thấy tỷ lệ phần trăm các tín hữu Kitô giữ chức vụ đã được nâng lên 2 phần trăm gần với tỷ lệ phần trăm của họ.”
Các Kitô Hữu chiếm gần 10% dân số Ai Cập. Hầu hết là Chính thống giáo Coptic, mặc dù cũng có một thiểu số, bao gồm cả Công Giáo Coptíc và Chính thống giáo Hy Lạp. Kitô hữu Coptic tạo thành cộng đồng Kitô giáo lớn nhất ở Trung Đông.
Tổng thống El-Sisi đã bày tỏ tình đoàn kết với cộng đồng Kitô Giáo Coptic, nơi trong quá khứ từng là mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố. Vào năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử, ông đã bổ nhiệm một phụ nữ Kitô giáo Coptic làm thống đốc tỉnh vào năm 2018. Ông cũng cho phép xây dựng các nhà thờ trên khắp đất nước sau nhiều thập kỷ bị hạn chế.
Source:Aleteia
3. Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh bị đặt máy nghe lén
Một cựu quan chức của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói với các công tố viên của Vatican rằng các quan chức thứ hai tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã phải nhờ các sĩ quan tình báo Ý tìm kiếm các máy nghe lén trong văn phòng của ngài.
Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra, là sostituto, tức là Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Đức Ông Mauro Carlino, đã yêu cầu các quan chức tình báo Ý kiểm tra văn phòng và điện thoại của các ngài để tìm các thiết bị điện tử gián điệp, đồng thời yêu cầu cung cấp thông tin về những cá nhân “đang cố gắng đột nhập vào các cơ cấu kinh tế của Tòa thánh với mục đích xấu”, theo lời khai mới được báo cáo trong cuộc điều tra của Tòa thánh Vatican về tội phạm tài chính.
Lời khai được cho là đến từ Vincenzo Mauriello, một cựu quan chức giáo dân trong văn phòng giao thức của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, người được cho là đã giúp kết nối Đức Tổng Giám Mục Peña Parra với một nhân viên tình báo Ý, theo một báo cáo ngày 9 tháng 2 từ trang tin tức ADN Kronos của Ý.
Mauriello nói với các điều tra viên của Vatican rằng trong một cuộc họp vào tháng 5 hoặc tháng 6 năm 2019, Đức Tổng Giám Mục Peña Parra nói với anh rằng ngài muốn văn phòng mới của mình được kiểm tra để tìm ra các thiết bị nghe lén, vì ngài phát hiện ra rằng các yếu tố trong các cuộc trò chuyện riêng tư của ngài thường xuyên được biết đến xung quanh Vatican.
Đáp lại, Mauriello đã nói với Đức Tổng Giám Mục rằng anh biết một người thích hợp có thể thực hiện cuộc truy quét - là một sĩ quan mà anh ta biết tại Cơ quan An ninh và Thông tin Nội bộ Ý, gọi tắt là AISI, là “một người Công Giáo ngoan đạo”.
Mauriello tuyên bố rằng sau khi Đức Tổng Giám Mục chấp thuận, anh ta đã hộ tống nhân viên tình báo, người chưa được nêu tên trong báo cáo của ADN Kronos, đến văn phòng của Đức Tổng Giám Mục Peña Parra, và sau đó sĩ quan tình này đã cùng với Đức Ông Mauro Carlino thực hiện cuộc truy quét. Ông Mauriello nói với các nhà điều tra hai giờ sau đó anh quay lại để hộ tống viên sĩ quan ra khỏi tòa nhà.
Đến nay, vẫn không rõ tại sao Đức Tổng Giám Mục Peña Parra lại chọn sử dụng một sĩ quan tình báo Ý để bảo vệ văn phòng của mình, thay vì hiến binh Vatican, hoặc cảnh sát liên bang Ý, là những người có chuyên môn đáng kể trong việc phát hiện các thiết bị nghe lén điện tử.
Trong dịp thứ hai, Mauriello nói, anh đã đưa viên sĩ quan và cấp trên của người sĩ quan này vào Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trong một cuộc họp khác với Đức Tổng Giám Mục Peña Parra và Đức Ông Carlino, trong đó họ thảo luận về việc tiến hành “do thám” một số cá nhân cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.
“Tôi không được cho biết tên của những người các vị muốn do thám,” Mauriello nói với các nhà điều tra, “tôi cũng không hỏi vì những điều này không thuộc thẩm quyền của tôi.” Tuy nhiên, anh nói rằng anh đã chỉ ra với hai quan chức an ninh Ý sau cuộc họp, rằng Đức Tổng Giám Mục Peña Parra “có thể được so sánh với một Bộ trưởng Bộ Nội vụ, và nếu ngài muốn tìm hiểu thông tin thì đó là vì lợi ích của Tòa thánh, và, trong mọi trường hợp, thuộc phạm vi quyền hạn của ngài”.
Khi hai sĩ quan trở lại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vài tuần sau đó để trình bày báo cáo sơ bộ, Mauriello nói rằng họ đã bị hiến binh Vatican chặn lại, vì yêu cầu được biết họ là ai. Mặc dù Đức Ông Carlino đã can thiệp và đưa các sĩ quan Ý đến cuộc họp của họ cùng với Đức Tổng Giám Mục Peña Parra, nhưng vụ việc đã dẫn đến một báo cáo chính thức của hiến binh Vatican.
Vài tuần sau, Đức Ông Carlino yêu cầu Mauriello cho ngài liên lạc lại với các nhân viên tình báo Ý, vì ngài sợ rằng điện thoại di động của mình đã bị xâm nhập.
Theo báo cáo của ADN Kornos, Mauriello đã cung cấp tường thuật của mình cho các công tố viên trong một tuyên bố bằng văn bản vào tháng 10 năm 2019, ngay sau khi anh bị đình chỉ công việc tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Việc Maurello bị đình chỉ diễn ra sau khi hiến binh Vatican đột kích các văn phòng của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và văn phòng của cơ quan giám sát tài chính nội bộ của Vatican, gọi tắt là AIF.
Mauriello lặp lại lời kể tương tự trong cuộc phỏng vấn với các nhà điều tra vào tháng Giêng năm 2020. Cục tình báo Ý đã phủ nhận lời khai của Maurello, gọi lời kể của anh là “vô căn cứ”.
Tin tức về lời khai của Mauriello là tin tức mới nhất trong một loạt các vụ rò rỉ bằng chứng thu thập được trong quá trình điều tra kéo dài gần hai năm liên quan đến các vấn đề tài chính của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Vào tháng Bảy năm ngoái, cuộc điều tra đó đã dẫn đến việc buộc tội mười cá nhân có liên quan đến Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh với một loạt tội phạm tài chính - bao gồm cả Đức Ông Carlino và Hồng Y Angelo Becciu.
Đức Tổng Giám Mục Peña Parra trở thành sostituto vào năm 2018, thay thế Hồng Y Becciu, người đã giữ chức vụ này trong gần một thập kỷ.
Các luật sư cho các bị cáo cho đến nay vẫn giữ cho quá trình tòa án bị đình trệ trong các phiên điều trần trước khi xét xử, bằng cách làm dấy lên một loạt các phản đối công tố viện của Tòa Thánh về các thủ tục đối với vụ án.
Trong vài tháng gần đây, khi các thẩm phán Vatican cho thấy họ ngày càng mất kiên nhẫn để tiến hành giai đoạn sơ bộ của phiên tòa, một loạt báo cáo đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Ý nêu chi tiết các đoạn trích từ bằng chứng thu thập liên quan đến lời khai của một số nhân chứng khác nhau, bao gồm cả những lời kể trước đây về cáo buộc gián điệp và các nỗ lực chống gián điệp của Đức Ông Carlino và Đức Tổng Giám Mục Peña Parra, và sự liên lạc với tình báo Ý.
Đoạn video xuất hiện vào tháng trước cho thấy Luciano Capaldo, một nhà phát triển bất động sản tham gia chặt chẽ vào kế hoạch của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh về tòa nhà ở số 60 Đại lộ Sloane ở London, giải thích với các nhà điều tra rằng anh ta đã đồng ý giúp các quan chức Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, bao gồm cả Đức Ông Carlino, theo dõi GIanluigi Torzi, Người môi giới của Vatican trong thương vụ mua bán tài sản.
Torzi đã bị Tòa thánh Vatican buộc tội tống tiền, rửa tiền và lừa đảo.
Capaldo cũng nói với các công tố viên rằng anh ta đã để Đức Ông Carlino liên lạc với một “chuyên gia bảo mật” để giúp ngài giải quyết lo ngại rằng điện thoại di động của ngài đang bị theo dõi, có thể là bởi chính quyền Vatican.
Đồng thời, cũng nổi lên rằng Marco Simeon, một giáo dân được báo chí Ý gọi là “nhà vận động hành lang của Becciu” vì có quan hệ với vị Hồng Y bị thất sủng, nói với các công tố viên rằng một liên lạc của ông trong tình báo Ý đã cảnh báo ông rằng Torzi đã tiếp cận các sĩ quan yêu cầu thông tin về Hồng Y Becciu và những người khác có liên quan đến Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, tất cả những người này sau đó đã bị Vatican buộc tội.
Phiên tòa ở Thành phố Vatican sẽ tiếp tục vào ngày 18 tháng 2.
Source:Pillar Catholic