1. Ấn Giáo cực đoan phá hủy Trung tâm xã hội Thánh Giá ở Karnataka

Trong bản tin đánh đi hôm 7 tháng Hai, Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết: Một nhóm chiến binh cực đoan theo Ấn Giáo đã phá hủy Trung tâm Thánh giá Thánh Antôn, một nơi cầu nguyện và cung cấp các dịch vụ xã hội của Công Giáo, được xây dựng cách đây 40 năm ở Urandady Gudde-Panjimogaru, gần thành phố Magalore, thuộc bang Karnataka, miền nam Ấn Độ.

Vào ngày 5 tháng 2, các thành viên của nhóm “Shri Sathya Kordabbu Seva Samiti” đã san bằng trung tâm này. Các chiến binh cực đoan đã xông đến trung tâm với một chiếc xe ủi đất, và phá hủy tòa nhà cung cấp các dịch vụ xã hội.

Trung tâm Thánh giá Thánh Antôn hoạt động như một trung tâm tị nạn và tiếp nhận cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Khoảng 30 gia đình địa phương bày tỏ sự đau khổ và lo lắng trước sự việc này và họ đã rơi vào tình cảnh vô gia cư.

Việc phá dỡ diễn ra mà không có bất kỳ sự biện minh pháp lý nào. Trong suốt 40 năm qua, Trung tâm Thánh giá Thánh Antôn cung cấp chỗ ở và thực phẩm cho những người cùng đinh tại Magalore. Những người Ấn Giáo cực đoan cho rằng Trung tâm có ý muốn cải đạo những người nghèo. Đó là một cáo buộc không đúng sự thật.

Antony Prakash Lobo, chủ tịch ủy ban điều hành Trung tâm Thánh giá Thánh Antôn, đã đệ trình “Báo cáo đầu tiên” về vụ tấn công, và lưu ý rằng “hành động bất hợp pháp này đang tạo ra sự bất hòa trong một cộng đồng yêu chuộng hòa bình”. “Hành động này là vi phạm pháp luật, là sự lạm quyền trắng trợn, hoàn toàn vi phạm pháp luật”

Người Công Giáo Ấn Độ ghi nhận các báo cáo về bạo lực ngày càng tăng đối với các cộng đồng, công trình và trung tâm cầu nguyện Công Giáo trên khắp Ấn Độ. Như Fides đã đưa tin, trong một vụ việc khác cũng xảy ra vào ngày 5 tháng 2, một nhà thờ Tin lành đã bị người dân làng Kistaram, thuộc bang Chhattisgarh, miền trung Ấn Độ phóng hỏa. Vào năm 2021, hơn 500 đợt tấn công vào các nhà thờ và các tín hữu Kitô đã được báo cáo
Source:Fides

2. Vatican thừa nhận những thách thức trong tiến trình thượng hội đồng toàn cầu

Hôm thứ Hai, Vatican đã thừa nhận rằng nỗ lực của Giáo Hội trong việc lắng nghe 1.34 tỷ người Công Giáo trên toàn thế giới thông qua một quá trình thượng hội đồng đang phải đối mặt với những thách thức.

“Nhiều người trong số các tín hữu coi tiến trình thượng hội đồng là một thời điểm quan trọng trong đời sống của Giáo Hội, như một tiến trình học hỏi, cũng như một cơ hội để hoán cải và đổi mới đời sống Giáo Hội,” một tuyên bố hôm 7 tháng Hai cho biết như trên sau cuộc họp của Ủy ban thường vụ Thượng Hội đồng Giám mục vào ngày 26 tháng Giêng.

“Đồng thời, nhiều khó khăn cũng xuất hiện. Trên thực tế, nhiều nỗi sợ hãi và dè dặt đã được báo cáo nơi một số nhóm tín hữu và giáo sĩ. Cũng có một số giáo dân nghi ngờ rằng liệu những đóng góp của họ có thực sự được xem xét hay không”.

Tuyên bố cũng trích dẫn đại dịch như một trở ngại khác đối với việc tập hợp các cá nhân để phân định trong cộng đồng, nhấn mạnh một lần nữa rằng tiến trình thượng hội đồng địa phương dẫn đến Thượng hội đồng về tính đồng nghị năm 2023 “không thể được rút gọn một cách đơn thuần thành một bảng các câu hỏi.”

Nhưng các nhà tổ chức báo cáo rằng, bất chấp những thách thức, sự tham gia của các hội đồng giám mục Công Giáo trên toàn thế giới đang ở mức cao và những nỗ lực đã được thực hiện để dịch các tài liệu Thượng hội đồng sang nhiều ngôn ngữ địa phương.

Theo Ủy ban, “gần 98% các Hội đồng Giám mục và Thượng hội đồng của các Giáo Hội Đông phương trên toàn thế giới đã chỉ định một người hoặc toàn bộ nhóm để thực hiện quy trình thượng hội đồng.”

Ủy ban cho biết: “Tiến trình của Thượng hội đồng đã được hoan nghênh đặc biệt với niềm vui và sự nhiệt tình ở một số quốc gia Phi Châu, Mỹ Châu Latinh và Á Châu.

Tuyên bố nêu ra năm “thách thức lặp đi lặp lại” đang phải đối mặt trong giai đoạn hiện tại của Thượng hội đồng giáo phận.

1) Cần phải đào tạo “việc lắng nghe và phân định” để bảo đảm rằng Thượng hội đồng vẫn là một tiến trình tâm linh.

2) Có một sự cám dỗ để “tự quy chiếu” trong các cuộc họp nhóm hơn là cởi mở với người khác.

3) Thu hút những người trẻ tuổi tham gia là một thách thức.

4) Việc tiếp cận và lôi kéo “những người sống bên lề các tổ chức Giáo Hội” có thể khó khăn.

5) Một số giáo sĩ miễn cưỡng tham gia.

Tuyên bố của Vatican cho biết: “Ngày càng có nhiều nhận thức rằng sự chuyển đổi theo nghi thức đồng nghị mà tất cả những người được rửa tội được mời gọi là một quá trình lâu dài và sẽ kéo dài đến năm 2023.

“Mong muốn trên toàn thế giới là cuộc hành trình đồng nghị đã bắt đầu ở cấp địa phương này sẽ tiếp tục kéo dài rất lâu sau Thượng Hội đồng 2021-2023 để các dấu hiệu hữu hình của tính đồng nghị có thể ngày càng được biểu lộ như là một yếu tố cấu thành của Giáo Hội.”

Tuyên bố cũng thông báo rằng Vatican sẽ gửi một tài liệu tới các giáo phận và các hội đồng giám mục với các chi tiết bổ sung về cách định dạng các báo cáo về cuộc tham vấn địa phương, sẽ được gửi tới Ban Thư ký chung của Thượng Hội đồng Giám mục.

“Bản ghi chú đề xuất ý tưởng rằng bản thân việc soạn thảo báo cáo là một hành động phân định, tức là kết quả của một quá trình tinh thần và làm việc theo nhóm”.

Tiến trình thượng hội đồng là một sự kiện toàn cầu, kéo dài hai năm, bao gồm “lắng nghe và đối thoại” mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức khởi động vào tháng 10 năm 2021. Giai đoạn đầu là giai đoạn cấp giáo phận dự kiến kéo dài đến ngày 15 tháng 8.

Vatican đã yêu cầu tất cả các giáo phận tham gia, tổ chức các cuộc tham vấn và thu thập phản hồi về các câu hỏi cụ thể được nêu trong các văn kiện của Thượng hội đồng. Vào cuối tiến trình hiện tại, một cuộc họp của Thượng Hội đồng Giám mục dự kiến sẽ diễn ra tại Rôma vào tháng 10 năm 2023 để đưa ra một văn bản cuối cùng để cố vấn cho Đức Giáo Hoàng.

Tuyên bố của Thượng Hội đồng Giám mục mời gọi những người Công Giáo đọc bản tin hàng tuần của họ, cũng như truy cập trang web của họ để cầu nguyện cho Thượng hội đồng.
Source:Catholic News Agency

3. Nhà hoạt động nhân quyền cho rằng quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Trung Quốc là 'hoàn toàn không thể chấp nhận được'

Một nhà hoạt động nhân quyền người Anh hôm Chúa Nhật nói rằng việc Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Hôm 6 tháng Hai, Benedict Rogers dự đoán rằng Vatican có thể đang chuẩn bị thực hiện các bước sau khi chuyển các quan chức khỏi các chức vụ ở Đài Loan và Hương Cảng.

Ông chỉ ra quyết định của Vatican về việc chuyển một đại diện tại Đài Loan đến Phi Châu, khiến Toà Sứ thần Tòa Thánh ở nước này có viên chức đại diện ngoại giao cấp cao nào.

Tòa thánh đã thông báo vào hôm 31 tháng Giêng rằng Cha Arnaldo Catalan, đại biện lâm thời kể từ năm 2019, sẽ chuyển từ thủ đô Đài Bắc của Đài Loan đến Rwanda, nơi ngài sẽ làm sứ thần Tòa thánh. Cha Arnaldo Catalan, linh mục của tổng giáo phận Manila, Phi Luật Tân, sẽ được phong Tổng Giám Mục trong một dịp tấn phong gần nhất tại Vatican.

Vào ngày 5 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Ông Javier Herrera Corona, người đứng đầu Phái đoàn Nghiên cứu Tòa thánh tại Hương Cảng kể từ tháng Giêng năm 2020, làm Sứ thần Tòa thánh tại Cộng hòa Congo và Gabon.

Viết trên tài khoản Twitter của mình, Rogers hỏi liệu Vatican có đang trên “bờ vực thiết lập quan hệ ngoại giao” với Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cai trị Trung Quốc từ năm 1949 hay không.

“Sẽ hoàn toàn không thể chấp nhận được và quá đáng nếu điều đó xảy ra. Người Công Giáo phải lên tiếng cùng một tiếng nói trên toàn thế giới để ngăn chặn điều này.”

Ông kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô thay thế các quan chức ở Hương Cảng và Đài Loan, đồng thời “trấn an chúng tôi rằng Vatican sẽ giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan và không thiết lập quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã cắt đứt quan hệ với Tòa thánh vào năm 1951. Nhưng vào năm 2018, Vatican và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo.

Trước khi thỏa thuận được gia hạn vào năm 2020, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nói rằng thỏa thuận này “chỉ là một điểm khởi đầu” cho mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai quốc gia.

Đức Hồng Y thừa nhận rằng hơn 10 triệu người Công Giáo của Trung Quốc phải đối mặt với “nhiều vấn đề khác” và “con đường dẫn đến bình thường hóa đầy đủ sẽ còn rất dài”.

Vatican chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào năm 1942. Ngày nay, đây là một trong số ít các quốc gia tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao đầy đủ với quốc gia có tên gọi chính thức là Trung Hoa Dân Quốc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn và trong lịch sử đã gây áp lực buộc các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này.

Đức Hồng Y Parolin nói với các nhà báo vào tháng 10 năm 2020 rằng “hiện tại không có cuộc đàm phán nào về quan hệ ngoại giao” với Trung Quốc. Bộ ngoại giao Đài Loan hoan nghênh các bình luận này.

Rogers là người sáng lập Hong Kong Watch, một tổ chức có trụ sở tại Vương quốc Anh giám sát nhân quyền, tự do và pháp quyền tại thành phố ở bờ biển phía nam Trung Quốc, nơi có khoảng 389,000 người Công Giáo.

Tổ chức bác ái được thành lập vào năm 2017 chiếm phần lớn thời gian của anh ấy, nhưng anh ấy cũng làm việc với tư cách là nhà phân tích cấp cao về Đông Á cho nhóm nhân quyền Christian Solidarity Worldwide, nghĩa là Tình Liên Đới Kitô Giáo Toàn Cầu.

Rogers nói với CNA trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại ngày 4 tháng 2 rằng các phương tiện truyền thông ủng hộ Bắc Kinh gần đây đã chỉ trích Giáo Hội Công Giáo ở Hương Cảng là kích động bạo loạn.

Ông nói rằng tờ báo quốc doanh Đại Công Báo (Ta Kung Pao, 大公报), đã đăng liên tiếp 4 bài báo chỉ trích, trong “một cuộc tấn công cụ thể” nhắm vào Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, vị giám mục nghỉ hưu 90 tuổi của Hương Cảng.

Rogers, người đã cải đạo sang Công Giáo vào năm 2013 cho biết: “Điều đáng lo ngại đối với những bài báo này là thông thường khi Bắc Kinh đang có ý định thực hiện một chiến dịch mới hoặc một sáng kiến mới chống lại bất kỳ nhóm cụ thể nào, thì bước đầu tiên họ thực hiện là gây dư luận trên các phương tiện truyền thông ủng hộ Bắc Kinh”.

Anh giải thích rằng các bài báo được đưa ra trong bối cảnh các mối đe dọa đối với tự do tôn giáo ở Hương Cảng ngày càng tăng sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trong hai năm 2019 và 2020 và việc thông qua Luật An ninh Quốc gia gây tranh cãi vào tháng 6 năm 2020.

Rogers đã trích dẫn lời khuyên dành cho các linh mục do Đức Hồng Y Gioan Thang Hán (Tong Hon, 汤汉) giám quản tông tòa của Giáo phận Hương Cảng đưa ra, trong đó cảnh báo các giáo sĩ về sự cần thiết phải “dè chừng ngôn ngữ của chúng ta” trong các bài giảng.

Rogers nói: “Chúng ta không nên ngạc nhiên khi tự do tôn giáo đang bị đe dọa vì hai lý do. “Thứ nhất, khi tự do bị phá bỏ, tự do tôn giáo sớm hay muộn cũng sẽ bị ảnh hưởng, và các quyền tự do của Hương Cảng đã bị phá bỏ trong vài năm qua.”

“Tôn giáo và cách riêng là Giáo Hội, là các mục tiêu cuối cùng còn lại mà cho đến nay ít bị tác động hơn những mục tiêu khác. Chúng ta đã chứng kiến việc phá bỏ tự do báo chí, bỏ tù các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ, ảnh hưởng đến tự do học thuật, và vì vậy, theo một nghĩa nào đó, tự do tôn giáo là mục tiêu rõ ràng tiếp theo “.

“Điểm thứ hai là chế độ ở Bắc Kinh luôn có thái độ thù địch đối với tôn giáo và khi nước này ngày càng có nhiều quyền kiểm soát trực tiếp hơn đối với Hương Cảng, điều đó gây ra nhiều khả năng tôn giáo sẽ lọt vào tầm ngắm của họ”.


Source:Catholic News Agency