Tiến sĩ JD Flynn của The Pillar nhận xét rằng tuần này liên tiếp xảy ra những sự kiện trong đó các vị Hồng Y thân cận với Đức Thánh Cha Phanxicô công khai đi ngược lại các chủ trương minh nhiên của Đức Đương Kim Giáo Hoàng.
Tiến sĩ Flynn cho rằng: Các đại biểu tham gia “Tiến Trình Công Nghị” của Đức vào tuần trước đã bỏ phiếu ủng hộ một văn kiện kêu gọi việc chúc lành phụng vụ cho các cặp đồng tính và truyền chức linh mục cho phụ nữ. Một ngày trước đó, một Hồng Y Luxembourg đã kêu gọi “sửa đổi tín lý từ căn bản” về đồng tính luyến ái. Và vị Hồng Y nổi tiếng nhất của Đức, cùng ngày, đã đưa ra quan điểm gây tranh cãi rằng việc cho phép những người đàn ông đã lập gia đình trở thành linh mục có thể cải thiện cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục.
Tiến sĩ JD Flynn nhận định rằng, tất nhiên, Giáo Hội chắc chắn sẽ không chấp nhận các chủ trương được kêu gọi bởi Tiến Trình Công Nghị và các Hồng Y vừa nhắc trên đây.
Thực tại đó đặt Đức Hồng Y Reinhard Marx, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich người Luxembourg, và Tiến Trình Công Nghị Đức vào một xó. Mỗi thành phần đó đã trực tiếp thách thức các chủ trương lâu đời của Giáo Hội - các tín lý và kỷ luật mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhiều lần khẳng định - và như vậy, đặt uy tín lãnh đạo của họ vào tình thế nguy hiểm.
Nói tóm lại, Marx, Hollerich và những người tổ chức thượng hội đồng Đức trong tháng này đã có những lập trường mâu thuẫn gay gắt với Đức Giáo Hoàng, trong khi cho rằng mình đang hoạt động dưới sự lãnh đạo của ngài. Và trong mỗi trường hợp, trò chơi dường như sắp kết thúc.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Marx, Hollerich, và những người tổ chức Thượng hội đồng Đức có thể sẽ sớm phải đối diện với cùng các câu hỏi: Những tiếng nói mâu thuẫn với Đức Giáo Hoàng có thể tiếp tục khẳng định vị trí lãnh đạo của mình trong bao lâu? Đâu là giá phải trả của việc làm cho các mâu thuẫn âm ỉ ngày một minh nhiên hơn, và đâu là các hậu quả của việc duy trì hiện trạng này?
Những người tổ chức Tiến Trình Công Nghị Đức từ lâu đã cho rằng họ đại diện cho các chủ trương của những người Công Giáo ngoan đạo bình thường ở Đức, và các chủ trương của các mục tử và giám mục của họ. Thượng hội đồng hầu hết được tổ chức bởi ZdK, một loại tổ chức giáo dân bán chính thức ở Đức. Các nhà lãnh đạo ZdK cho biết nỗ lực của họ phản ảnh tâm tư tình cảm của hầu hết giáo dân Công Giáo và nhằm giải quyết nền văn hóa giáo sĩ trị từng tạo điều kiện cho cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trong Giáo Hội.
Về nguyên tắc, việc làm sáng tỏ một nền văn hóa giáo sĩ trị ương ngạnh là việc mà chính Tòa thánh đã thúc giục, trong bối cảnh Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến tính đồng nghị và phản ứng tổng thể của Giáo Hội đối với nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục trong những năm gần đây. Nhưng Tiến Trình Công Nghị Đức chưa chứng minh được việc nói đến vấn đề tham vấn giáo dân về các vấn đề quản trị hoặc hành chính - thay vào đó, nó đã được chứng minh, nhiều lần, như một loạt các thách thức đối với tín lý bí tích và Giáo Hội học của Giáo Hội Công Giáo, mà một số thuộc quyền kiểm soát trực tiếp của Tòa thánh Vatican.
Khi bắt đầu vào năm 2019, một số giám mục và nhà bình luận Công Giáo đã kêu gọi Tòa thánh đóng cửa Tiến Trình Công Nghị Đức. Một giám mục người Mỹ thậm chí đã công bố một phản ứng thần học dài về các cuộc thảo luận của Thượng hội đồng Đức
Nhưng dù Đức Phanxicô đã thực hiện một loạt các can thiệp vào vụ việc, ngài đã không tiến xa đến chỗ kêu gọi nó kết thúc.
Tuy nhiên, điều cũng đã trở nên hiển nhiên là các tuyên bố tín lý không phải là Công Giáo của con đường thượng hội đồng Đức sẽ không thực sự thay đổi bất cứ điều gì trong Giáo Hội. Bộ Giáo lý Đức tin và các cơ quan khác của Vatican đã phản ứng gay gắt với nhiều tuyên bố cực đoan nhất hoặc đưa ra những tuyên bố mang tính tín lý đi ngược lại chủ trương của Tiến Trình Công Nghị Đức.
Hậu quả là ngày càng có nhiều người Công Giáo ngoan đạo và các giám mục Đức bắt đầu mất hứng thú với toàn bộ vụ việc. Một số người Công Giáo Đức từ sớm đã quyết định rằng diễn trình này không liên quan nhiều đến họ và đức tin của họ, và những người khác - cả những người kêu gọi thay đổi tín lý một cách cấp tiến - dường như đã bắt đầu nhận ra rằng phần lớn cuộc hội họp này sẽ chẳng đi đến đâu.
Do đó, ngày càng có nhiều đại biểu bỏ qua các phiên họp và tự ý vắng mặt trong các phiên bỏ phiếu. Các phiên họp đã gặp khó khăn, trong một số trường hợp, thậm chí không đủ đủ túc số.
Các bản văn được thông qua vào tuần trước là các bản văn dự thảo, sẽ phải được các giám mục của Đức chấp thuận, vào khoảng năm 2023, để trở thành bản văn chính thức của Tiến Trình Công Nghị. Mặc dù một số giám mục Đức có tiếng nói nhất vẫn tiếp tục ủng hộ diễn trình thượng hội đồng, nhưng hầu hết đều có óc thực dụng đủ để tránh bày ra một cuộc ăn thua với Rôma - ngay cả những người muốn thấy một con đường “thay đổi” tín lý.
Nói tóm lại, ba năm diễn ra diễn trình thượng hội đồng Đức, và hơn một năm trước khi có những cuộc bỏ phiếu cuối cùng và có tính tranh nghị về diễn trình, có vẻ như rất có thể Tiến Trình Công Nghị Đức sẽ xì hơi, hoặc sụp đổ dưới sức nặng của chính nó – đánh mất bất cứ sự ủng hộ nào của những người Công Giáo ngoan đạo mà nó có thể đã tập hợp, và không nhận được số phiếu tán thành đủ từ các giám mục Đức để các tài liệu của nó có hiệu lực thực tế.
Rôma dường như không can thiệp mỗi khi các thành viên tham gia Thượng hội đồng Đức thông qua các bản văn không có tính ràng buộc vẫn cần được các giám mục chấp thuận. Cho đến năm 2023, Thượng hội đồng Đức có thể sẽ tiếp tục với rất ít hoặc không có sự can thiệp của Vatican - Rome có thể sẽ cho phép mọi việc diễn ra theo hướng của nó, trừ khi có vẻ như các giám mục có thẩm quyền thực sự đang đứng trước ngưỡng cửa các cuộc bỏ phiếu có thể tạo thành một cuộc ly giáo.
Và ở Frankfurt, nơi các cuộc họp đang diễn ra, thượng hội đồng đã bàn đến rất nhiều vấn đề và cho đến nay đã công khai thách thức Rôma. Có vẻ như ZdK đang kích thích Rome đưa họ vào thế trở thành tiếng nói tín hữu bị đàn áp. Nếu Vatican không mắc bẫy, thượng hội đồng Đức có thể được nhớ đến như một nhóm các nhà tranh đấu viễn mơ thúc đẩy một nghị trình ít người Công Giáo tham dự Thánh lễ thực sự mong muốn.
Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich của Luxembourg là chủ tịch liên hiệp các hội đồng giám mục Âu Châu. Vị Hồng Y này không xa lạ gì với những tuyên bố gây tranh cãi - trước đây ngài đã bày tỏ sự cởi mở đối với việc truyền chức linh mục cho phụ nữ và việc chúc lành phụng vụ cho các cặp đồng tính.
Tuần trước, vị Hồng Y này đã tiến một bước xa hơn, nói với hãng thông tấn KNA thuộc sở hữu của Giáo Hội Đức, rằng giáo huấn Công Giáo về tính luân lý của các hành vi đồng tính luyến ái cần được “sửa đổi về căn bản”, vì “nền tảng khoa học-xã hội học của giáo huấn này không còn đúng nữa”.
Tất nhiên, các nhà luân lý đã trả lời rằng học thuyết luân lý Công Giáo bắt nguồn từ sự hiểu biết của Giáo Hội về sự mạc khải của Thiên Chúa trong Thánh Kinh và Thánh Truyền, chứ không phải từ suy tư của xã hội học. Nhưng trong khi những nhận xét của Đức Hồng Y Hollerich đã tạo ra cả các tiêu đề quốc tế lẫn phản ứng thần học, chúng vẫn chưa được Vatican phản hồi.
Đức Hồng Y rất nổi tiếng và rõ ràng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vốn là người cùng dòng Tên, rất yêu quý. Năm 2019, Đức Giáo Hoàng đã phong Tổng Giám Mục Hollerich làm Hồng Y đầu tiên của Giáo Hội Luxembourg. Và năm ngoái, cả sau khi Hollerich kêu gọi đặt nghi vấn đối với tín lý Công Giáo về các thánh chức, Đức Phanxicô đã cử ngài làm “tổng tường trình viên” của Thượng hội đồng về tính đồng nghị, nói cách khác, báo cáo cuối cùng của “Thượng hội đồng về tính đồng nghị” sẽ được soạn thảo với sự giám sát của Hollerich.
Mặc dù Đức Phanxicô từng nói rằng ngài muốn khuyến khích đối thoại cởi mở giữa các nhà lãnh đạo Giáo Hội, nhưng điều đáng đặt câu hỏi là liệu các bình luận gần đây nhất của Hollerich có bắt đầu thử nghiệm cam kết của Đức Giáo Hoàng hay không.
Vì Vatican từng cố gắng nhấn mạnh rằng “Thượng hội đồng về tính đồng nghị” sẽ không thách thức học thuyết Công Giáo, nên chắc chắn nhiều giám mục trên thế giới sẽ đặt vấn đề với Đức Phanxicô rằng một trong những viên chức cao cấp trong thượng hội đồng của ngài đã thực tế bác bỏ nền đạo đức tính dục Công Giáo.
Mục tiêu của Đức Hồng Y có thể chỉ đơn giản là chuyển “cửa sổ Overton” [*] trong các vấn đề đạo đức tính dục - trong trường hợp này, ngài có thể gọi đó là một chiến thắng khi ngài “bắt đầu một cuộc trò chuyện” ngay cả khi Vatican đóng cửa cuộc trò chuyện này.
Nhưng vị Hồng Y có thể đã tận dụng chức vụ lãnh đạo của mình vào triển vọng đó hơn điều ngài mong đợi.
Nếu Vatican có ý định nghiêm túc đóng cửa phong trào hướng tới việc chúc lành phụng vụ cho các cặp đồng tính ở châu Âu, và giữ các giám mục bảo thủ người Mỹ và Phi Châu tham gia vào Thượng hội đồng, thì gần như chắc chắn, Đức Phanxicô sẽ cần phải chặn gió thuyền buồm của Hollerich.
Và Hollerich biết rằng Đức Phanxicô đã rất nỗ lực trong việc khẳng định học thuyết Công Giáo về tính dục, dù ngài kêu gọi một nền mục vụ nhiều dấn thân hơn. Về vấn đề chăm sóc mục vụ thực tế, nếu Vatican hy vọng dấn thân một cách có ý nghĩa vào công việc mục vụ và truyền bá tin mừng giữa những người tự xác định là đồng tính, thì Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ phải quyết định xem liệu sự vận động của Hollerich có nói lên một loạt các kỳ vọng sai lầm sẽ gây thiệt hại thực sự hay không khi chúng bị dẹp bỏ.
Tuy nhiên, chừng nào Hollerich vẫn tiếp tục bác bỏ học thuyết Công Giáo một cách minh nhiên, trong khi vẫn là tổng tường trình viên của Thượng hội đồng và là chủ tịch liên minh các giám mục Âu Châu, thì ngài có thể cho rằng Giáo Hội đang kinh qua sự phát triển tín lý về luân lý tính dục, và cho rằng việc tiếp tục giữ chức vụ của ngài là một con dấu ngầm được sự chấp thuận của Đức Phanxicô.
Bao lâu Hollerich còn tiếp tục lãnh đạo, ngài vẫn có thể khẳng định một chiến thắng. Đức Giáo Hoàng phải đối đầu với viễn cảnh phải quyết định xem sự thống nhất giữa các giám mục thế giới có thể chịu đựng tình trạng đó trong bao lâu - và quyết định xem liệu việc vận động của Hollerich có vừa là nguồn gây tai tiếng đối với những người Công Giáo ngoan đạo luôn mong đợi lòng trung thành về tín lý từ các cộng sự viên thân cận nhất của Đức Giáo Hoàng, vừa là một nguồn có tiềm năng gây hại cho những người Công Giáo đồng tính, những người ít nhất muốn có sự trung thực, hơn là các lời hứa hão huyền, về điều Giáo Hội dạy và điều Giáo Hội không dạy.
Hoàn cảnh của Đức Hồng Y Marx không giống như hoàn cảnh của Đức Hồng Y Hollerich. Mặc dù Marx chắc chắn đã từng chỉ trích tín lý trong quá khứ, nhưng tiêu đề gần đây nhất của ngài xuất phát từ việc đặt nghi vấn đối với vấn đề thuần túy mang tính kỷ luật trong đời sống Giáo Hội – đó là đời sống độc thân của các linh mục.
Nhưng vị Hồng Y này đã định khung vấn đề đó trong tương quan với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trong Giáo Hội, theo cách chắc chắn gây ra sự thất vọng nơi những người ủng hộ nạn nhân.
Nói về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, Marx nói rằng đời sống độc thân của các linh mục nên trở thành nhiệm ý, thay vì bắt buộc, bởi vì một số linh mục “cô đơn”, và, đối với nhiều linh mục. hôn nhân “sẽ tốt hơn cho cuộc sống của họ”.
Trong những năm gần đây, một số người Công Giáo lập luận rằng chủ trương chấm dứt chế độ độc thân để đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục là hành vi thiếu tôn trọng đối với cả nạn nhân lẫn phụ nữ.
Lập luận ấy cho rằng lạm dụng tình dục không xảy ra vì người ta không có hoạt động tính dục - hành vi lạm dụng liên quan đến quyền lực, sự thao túng và kiểm soát, chứ không phải sự thôi thúc tính dục. Hơn nữa, lập luận nói rằng, ý niệm cho rằng có vợ sẽ giải quyết các xung động lạm dụng đã công cụ hóa phụ nữ, và chính hôn nhân, một cách thiếu tôn trọng và không chính xác. Một người vợ không phải là phương thuốc chữa trị cho những khuynh hướng lạm dụng, hay những tệ nạn và chứng bệnh tâm lý.
Liệu những nhận xét của Marx cuối cùng có được coi là một câu nói hớ hay không vẫn còn phải chờ xem. Nhưng điều chắc chắn là vị Hồng Y hiện đang thực hiện một số nỗ lực để chấm dứt chế độ độc thân của hàng giáo sĩ, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không mắc bẫy đối với bất cứ điều nào trong số ấy. Hiện nay, có vẻ như rõ ràng là nếu Đức Phanxicô dự định khởi diễn một cuộc thử nghiệm để có nhiều linh mục Công Giáo Latinh đã kết hôn hơn, thì ngài đã làm điều đó rồi.
Nếu Marx tiếp tục thúc đẩy, mà không có đáp ứng thiết thực hoặc có ý nghĩa nào từ Đức Phanxicô, thì ngài có nguy cơ chứng tỏ rằng ảnh hưởng được ca tụng nhiều của ngài với Đức Phanxicô thực sự bị hạn chế. Điều này đặt Marx vào một vị trí đáng lưu ý - cuối cùng, và có lẽ sẽ sớm thôi, có khả năng ngài sẽ phải quyết định xem liệu có tốt hơn không nếu chịu khó vào hàng hơn một chút và để cho tri nhận về ảnh hưởng của ngài còn nguyên vẹn, hay nên dành ưu tiên cho việc tiếp tục thúc đẩy các vấn đề chứng tỏ là không đi đến đâu, và ngày càng bị coi là không liên quan đến Đức Phanxicô.
Theo truyền thống, Đức Phanxicô đã cho Marx một sợi dây xích dài, và gần như chắc chắn sẽ tiếp tục làm như vậy. Nhưng bản thân Marx phải quyết định chính xác lý do tại sao Đức Giáo Hoàng lại cho ngài sợi dây dài như vậy, và chính xác ngài phải làm gì với nó.
Tiến sĩ JD Flynn kết luận: Hollerich, Marx và ban lãnh đạo của phiên họp Thượng hội đồng Đức đều đã rất khổ công tự lên khuôn mình như “Những Người Công Giáo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô”, ngay cả khi các vấn đề và quan điểm của họ khác xa với sự lãnh đạo của vị Giáo hoàng ở Vatican. Phần lớn, họ đã cố gắng lớn tiếng chống lại tín lý hoặc kỷ luật Công Giáo mà không mất tiếng nói, ảnh hưởng hoặc ít nhất là sự chú ý.
Mặc dù Đức Giáo Hoàng đã giáng một số búa, nhưng Vatican của ngài đã thực hiện đủ các bước để thấy rõ điều Đức Phanxicô sẽ làm và sẽ không làm với phần còn lại của triều giáo hoàng của ngài. Và ý niệm cho rằng Hollerich, Marx, và các nhà lãnh đạo Thượng hội đồng Đức đứng chung hàng với Đức Phanxicô đang trở nên mỏng manh.
Kết quả là, mỗi người đang tiến gần hơn đến chỗ phải quyết định: thực sự cùng hàng với Đức Phanxicô, hoặc cố ý tan hàng, hậu quả sẽ rất đáng tiếc. ZdK dường như sẽ tan hàng và cùng với nó là con đường thượng hội đồng Đức. Dù vậy, đối với Marx và Hollerich, con đường mà họ sẽ chọn dường như vẫn chưa rõ ràng.
Và thường sẽ đúng là bước tiếp theo của Đức Giáo Hoàng ở những mặt trận đó thực sự là điều ai cũng đoán được.
Source:Pillar Catholic