1. Quá ác: Trung Quốc buộc người Tây Tạng bỏ đạo để có công ăn việc làm

Một thông báo chính thức của Trung Quốc cho biết, những người Tây Tạng đang tìm việc làm trong khu vực nhà nước trước tiên phải từ bỏ mọi ràng buộc với nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma như một điều kiện để được tuyển dụng.

Chỉ thị được công bố hôm thứ Ba tới tất cả các tỉnh và thành phố của Khu tự trị Tây Tạng nói rằng các công nhân viên chức làm việc trong các văn phòng chính phủ Tây Tạng, trường học hoặc bệnh viện phải là “công dân đáng tin cậy, sốt sắng” và trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền.

Họ cũng phải từ bỏ Đức Đạt Lai Lạt Ma và những người theo ngài. Chỉ thị đã đề cập đến những người ủng hộ đã hình thành xung quanh nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong trong những năm qua như một “bè lũ” phản động.

Nói với RFA, một nguồn tin ở Tây Tạng nói rằng lệnh mới của Trung Quốc hạn chế hơn nữa quyền của người Tây Tạng sống dưới sự cai trị của Bắc Kinh. Lệnh mới vi phạm ngay cả chính luật pháp của Trung Quốc.

“Cho dù đó là việc làm mới, nhập học hay thăng tiến trong công việc hiện tại của bạn, các quyền cơ bản của bạn đều bị từ chối nếu bạn không đáp ứng các điều kiện do bọn cầm quyền Trung Quốc yêu cầu”, nguồn tin nói với RFA.

“Hiến pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quy định rõ ràng rằng mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, vì vậy thông báo mới này đã phủ nhận các quyền cơ bản của người Tây Tạng. Thật đáng buồn khi chính phủ Trung Quốc thấy cần phải khống chế những người Tây Tạng sống ở Tây Tạng có lòng trung thành và sùng kính đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma”.

Tenzin Lekshey, phát ngôn viên của chính phủ lưu vong tại Ấn Độ của Tây Tạng, gọi lệnh mới của Trung Quốc là “một nỗ lực vô ích của bọn cầm quyền Bắc Kinh nhằm buộc người Tây Tạng từ bỏ Đức Đạt Lai Lạt Ma và từ bỏ đức tin của họ”.

“Thay vào đó, chính phủ Trung Quốc nên đáp ứng nguyện vọng của người dân Tây Tạng để giải quyết vấn đề Tây Tạng,” Lekshey nói.

“Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều chiến lược như vậy trong quá khứ,” Gonpo Dhondup, chủ tịch Đại hội Thanh niên Tây Tạng có trụ sở tại Ấn Độ nói thêm. “Tuy nhiên, lòng trung thành và sùng kính mà người Tây Tạng dành cho Đức Đạt Lai Lạt Ma chưa bao giờ phai nhạt”.

“Đại hội Thanh niên Tây Tạng lên án mạnh mẽ những chính sách này do Đảng Cộng sản Trung Quốc áp đặt,” anh nói.

Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong của Tây Tạng, bị các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi là có ý định giành lại độc lập cho Tây Tạng, một quốc gia độc lập và có chủ quyền trước khi bị xâm lược và sáp nhập vào Trung Quốc bằng vũ lực vào năm 1950.

Đạt Lai Lạt Ma, hiện đang sống lưu vong ở Ấn Độ, chỉ nói rằng ông tìm kiếm một quyền tự chủ lớn hơn cho Tây Tạng như một phần của Trung Quốc, với sự bảo đảm cho ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của Tây Tạng.

Bọn cầm quyền Trung Quốc duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với Tây Tạng và các khu vực Tây Tạng ở phía tây Trung Quốc, hạn chế các hoạt động chính trị của người Tây Tạng và các biểu hiện hòa bình của bản sắc dân tộc và tôn giáo, đồng thời bắt bớ, tra tấn, bỏ tù và giết người Tây Tạng một cách phi pháp.


Source:Licas News

2. Truyền thống tặng các loại hoa của Hà Lan cho Tòa Thánh chấm dứt sau 35 năm

Sau 35 năm, quảng trường Thánh Phêrô sẽ không còn được trang trí biển hoa của Hà Lan như thường lệ. Đủ các loại hoa hồng, hoa thủy tiên vàng, hoa tulip, hoa loa kèn và dạ lan hương được chở tươi bằng xe tải từ miền Bắc và được sắp xếp bởi một nhóm 30 người trồng hoa do Paul Deckers điều phối.

Truyền thống cho thấy Đức Giáo Hoàng cảm ơn người Hà Lan bằng ngôn ngữ của họ trong buổi đọc sứ điệp Urbi et Orbi, “Bedankt voor de bloemen” cảm ơn vì những bông hoa

Theo một truyền thống bắt đầu từ năm 1985, nhờ ông Nic van der Voort nhân dịp phong chân phước cho Thánh Titus Bransma, sau đó được em của ông là Charles van der Voort tiếp tục, hàng năm thềm Đền Thờ Thánh Phêrô được trang hoàng bởi 30 công ty sản xuất hoa tại Hà Lan với 2, 500 bông hồng Avanlanche, 6,000 hoa huệ đủ mầu và 8,000 hoa huệ vàng, thêm 1,200 hoa tulip đỏ, vàng, cam, trắng, hồng và tím, 2,500 hoa jacinthe thơm ngào ngạt, rhododendron, hoa mận, acer, forsithia vàng, strelizia, magnolia, delphinum trắng, xanh, hồng, nâu, và các hoa đặc biệt khác như hoa eliconia mầu da cam... Và tại ban công chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô có những hoa lan trắng mảnh mai.

Ông Charles van der Voort cho biết hàng năm có những xe vận tải chở hoa đã chạy suốt 24 tiếng từ Thứ Hai Tuần Thánh để cho sự phục sinh của Chúa được thể hiện huy hoàng với cơ man những hương thơm ngào ngạt, và biết bao mầu sắc và hình thể chung quanh bàn thờ.

Trước khi lên đường, những bông hồng Avalanche đã được Đức Cha Hans van den Hende, Giám Mục Rotterdam chúc phúc.

Năm ngoái là năm thứ hai liên tiếp, các bậc thềm của Đền Thờ Thánh Phêrô ở Rôma vào lễ Phục sinh không được trang điểm bằng hoa Hà Lan, vì các tín hữu không được phép tụ tập trong buổi ban phép lành Phục sinh và đọc sứ điệp Urbi et Orbi truyền thống. Tuy nhiên, nhà thiết kế hoa Paul Deckers từ Posterholt, là người phụ tách chính trong việc sắp xếp các hoa Hà Lan trên thềm Đền Thờ Thánh Phêrô từ năm 2015, đã tổ chức một chuyến vận chuyển hàng nghìn bông hoa hồng sang Rôma.

Tuy nhiên, đại dịch coronavirus đã làm điêu đứng các nhà trồng hoa nên họ đã đi đến quyết định hủy bỏ truyền thống này.
Source:Vatican Insider

3. Đức Giáo Hoàng kêu gọi các bậc cha mẹ 'đừng bao giờ lên án' những đứa con đồng tính của họ

Hôm Thứ Tư, trong cử chỉ mới nhất của ngài nhằm tiếp cận cộng đồng LGBTQ vốn từ lâu đã bị hàng giáo phẩm Công Giáo gạt ra bên lề, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các bậc cha mẹ đừng lên án con cái của họ nếu chúng là người đồng tính.

Đức Phanxicô đã ứng khẩu phát biểu trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư hàng tuần được dành để nói về hình tượng của Thánh Giuse, thân phụ của Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đang suy nghĩ đặc biệt về những bậc cha mẹ đang phải đối mặt với những tình huống “đáng buồn” trong cuộc sống của con cái họ.

Khi đề cập đến các bậc cha mẹ phải đối phó với những đứa trẻ đau ốm, tù tội hoặc bị tai nạn xe hơi thiệt mạng, Đức Phanxicô nói thêm: “Các bậc cha mẹ thấy con mình có những khuynh hướng tình dục khác lạ, họ đối phó với điều đó như thế nào và đồng hành cùng con cái ra sao mà không che đậy đằng sau thái độ lên án.”

Ngài nói: “Đừng bao giờ lên án một đứa trẻ”.

Giáo huấn chính thức của Giáo Hội kêu gọi tôn trọng và yêu thương những người đồng tính nam và đồng tính nữ, nhưng coi hoạt động tình dục đồng giới là “rối loạn về bản chất”. Tuy nhiên, Đức Phanxicô đã tìm cách làm cho Giáo Hội chào đón những người đồng tính hơn, nổi tiếng nhất với nhận xét năm 2013 của ngài “Tôi là ai để phán xét?”

Đức Giáo Hoàng người Á Căn Đình, Tu sĩ Dòng Tên cũng đã nói về mục vụ của chính ngài đối với những người đồng tính và chuyển giới, khẳng định họ là con cái của Chúa, được Chúa yêu thương và xứng đáng được Giáo Hội đồng hành.

Đức Phanxicô cũng đã thực hiện một số cử chỉ tiếp cận cộng đồng Công Giáo đồng tính và những người ủng hộ họ, bao gồm một lá thư gần đây chúc mừng một nữ tu người Mỹ từng bị Vatican cấm chế, là Sơ Jeannine Gramick, sau 50 năm hoạt động mục vụ cho người LGBTQ.

Tuy nhiên, Đức Phanxicô cũng cho phép xuất bản năm 2021 một tài liệu từ Vatican khẳng định rằng Giáo Hội Công Giáo sẽ không chúc lành cho các kết hiệp đồng tính bởi vì Thiên Chúa “không thể chúc phúc cho tội lỗi”. Đức Phanxicô gần đây đã trao nhiệm vụ khác cho viên chức Vatican được cho là đứng sau tài liệu này.
Source:AP

Trong các ngày qua, có nhiều nguồn tin giả cho rằng Đức Thánh Cha công nhận hôn nhận cái gọi là hôn nhân đồng tính. Chúng tôi khẳng định với quý vị và anh chị em đó là một sự vu cáo bôi lọ Đức Thánh Cha Phanxicô.

Nhân đây, chúng tôi xin trình bày lại với quý vị và anh chị em một tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin. Ngay cả việc chúc phúc cho các kết hiệp đồng giới cũng là không thểcông nhận được, nói chi đến hôn nhân đồng tính.

4. Phúc đáp của Bộ Giáo lý Đức tin đối với nghi vấn về việc chúc phúc cho kết hiệp đồng giới, 15.03.2021

Trong thời gian gần, tại Đức có một số giám mục và linh mục tuyên bố ủng hộ và đã đưa ra thực hành việc chúc lành cho các cặp đồng giới và tình trạng này đang lan tràn rất nhanh.

Hôm thứ Hai 15 tháng Ba, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố bản phúc đáp sau.

CÂU HỎI ĐƯỢC ĐỀ XUẤT:

Giáo Hội có quyền chúc phúc cho các kết hiệp đồng giới tính không?

TRẢ LỜI:

Không.

Ghi chú giải thích

Trong một số bối cảnh của Giáo hội, các kế hoạch và đề xuất việc chúc phúc cho kết hiệp đồng giới đang được đưa ra. Những dự án như vậy không thường xuyên được thúc đẩy bởi mong muốn chân thành chào đón và đồng hành với những người đồng tính luyến ái, những người được đề nghị những con đường thăng tiến đức tin, “để những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái có thể nhận được sự trợ giúp mà họ cần để hiểu và thực hiện trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ” [1].

Trên những con đường như vậy, việc lắng nghe lời Chúa, cầu nguyện, tham gia vào các hoạt động phụng vụ của Giáo hội và thực thi bác ái có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ dấn thân đọc lịch sử của chính mình và tuân thủ tự do và có trách nhiệm đối với lời kêu gọi nhận được trong phép Rửa Tội của người ấy, bởi vì “Thiên Chúa yêu thương mọi người và Giáo hội cũng vậy” [2], bác bỏ mọi sự phân biệt đối xử bất công.

Trong số các hành động phụng vụ của Giáo Hội, các á bí tích có một tầm quan trọng nổi bật: “Đây là những dấu chỉ thiêng liêng giống với các bí tích: chúng biểu thị những hiệu quả, đặc biệt là những hiệu quả thiêng liêng, có được nhờ sự chuyển cầu của Giáo hội. Nhờ các á bí tích này, con người được chuẩn bị để lãnh nhận hiệu quả chính các bí tích, và được thánh hóa trong các dịp khác nhau của cuộc sống” [3]. Do đó, Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo chỉ rõ rằng “các á bí tích không ban ơn Chúa Thánh Thần theo cách mà các bí tích làm, nhưng bằng lời cầu nguyện của Giáo hội, chúng chuẩn bị cho chúng ta đón nhận ân sủng và để chúng ta hợp tác với ơn thánh đó” (# 1670).

Việc chúc phúc thuộc hàng các á bí tích, nhờ đó Giáo hội “kêu gọi chúng ta ca ngợi Thiên Chúa, khuyến khích chúng ta khẩn cầu sự bảo vệ của Người, và khuyên chúng ta tìm kiếm lòng thương xót của Người bằng sự sống thánh thiện của chúng ta” [4]. Ngoài ra, “được thiết lập như một kiểu bắt chước các bí tích, việc chúc phúc trên hết là dấu chỉ của các hiệu quả thiêng liêng đạt được nhờ sự chuyển cầu của Giáo hội” [5].

Do đó, để phù hợp với bản chất của các á bí tích, khi một hành động chúc phúc được cầu khẩn trên các mối quan hệ cụ thể của con người, ngoài ý định đúng đắn của những người tham gia, điều cần thiết là những gì được ban phép lành phải xứng hợp một cách khách quan và tích cực để nhận được và thể hiện ân sủng theo kế hoạch của Thiên Chúa đã ghi khắc trong sáng tạo, và được Chúa Giêsu Kitô mặc khải hoàn toàn. Vì vậy, chỉ những thực tại tự nó xứng hợp nhằm phục vụ những mục đích đó mới phù hợp với bản chất của việc chúc phúc do Giáo hội trao ban.

Vì lý do này, sẽ không hợp luật khi ban phép lành cho các mối quan hệ, hoặc các trường hợp sống chung, thậm chí ổn định, liên quan đến hoạt động tình dục ngoài hôn nhân (nghĩa là, bên ngoài sự kết hợp bất khả phân ly của một người nam và một người phụ nữ tự nó mở ra cho việc truyền sự sống), như trong trường hợp kết hiệp đồng giới [6]. Trong các mối quan hệ như vậy, sự hiện diện của các yếu tố tích cực, tự bản thân chúng đã được coi trọng và đánh giá cao, không thể biện minh cho những mối quan hệ này, cũng không thể biến chúng trở thành đối tượng hợp pháp của một sự chúc phúc của Giáo Hội, vì các yếu tố tích cực này tồn tại trong bối cảnh của một kết hiệp không theo kế hoạch của Đấng Tạo Hóa.

Hơn nữa, vì việc ban phép lành trên con người liên quan đến các bí tích, nên không thể coi việc chúc phúc cho kết hiệp đồng tính luyến ái là phù hợp. Điều này là bởi vì chúng sẽ tạo thành một sự bắt chước hoặc một sự tương tự nhất định đối với việc chúc hôn [7] được cầu khẩn trên người nam và người nữ được kết hợp trong Bí tích Hôn phối, trong khi trên thực tế “hoàn toàn không có căn cứ nào để coi sự kết hợp đồng tính luyến ái là tương tự hoặc thậm chí tương đồng xa xôi với kế hoạch của Thiên Chúa cho hôn nhân và gia đình” [8].

Do đó, việc tuyên bố tính chất bất hợp pháp của việc chúc phúc cho kết hiệp đồng giới không phải, và không có ý định, là một hình thức phân biệt đối xử bất công, mà là một lời nhắc nhở về sự thật của nghi thức phụng vụ và của chính bản chất của các á bí tích như Giáo hội hiểu chúng.

Cộng đồng Kitô hữu và các Mục tử được kêu gọi chào đón với sự tôn trọng và nhạy cảm với những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái, và sẽ biết cách tìm ra những cách thức thích hợp nhất, phù hợp với giáo huấn của Giáo hội, để loan báo Tin Mừng một cách trọn vẹn cho họ. Đồng thời, họ phải nhận ra sự gần gũi đích thực của Giáo hội – trong lời cầu nguyện cho họ, trong sự đồng hành với họ và chia sẻ hành trình đức tin Kitô của họ [9] - và đón nhận những giáo lý với sự cởi mở chân thành.

Câu trả lời cho nghi vấn được đề ra không loại trừ các phép lành được ban cho những cá nhân có khuynh hướng đồng tính luyến ái [10], những người biểu lộ ý muốn sống trung thành với các kế hoạch đã được mạc khải của Thiên Chúa như giáo huấn của Giáo hội đã đề xuất. Thay vào đó, câu trả lời cho câu hỏi này tuyên bố tính chất bất hợp pháp của bất kỳ hình thức chúc phúc nào có xu hướng thừa nhận sự kết hiệp của họ như vậy. Trong trường hợp này, trên thực tế, sự chúc phúc sẽ không biểu lộ ý định giao phó những cá nhân như vậy cho sự bảo vệ và giúp đỡ của Thiên Chúa, theo nghĩa đã đề cập ở trên, nhưng là chấp thuận và khuyến khích một lựa chọn và một lối sống không thể được công nhận là xứng hợp một cách khách quan với các kế hoạch được mạc khải của Thiên Chúa [11].

Đồng thời, Giáo hội nhắc lại rằng chính Thiên Chúa không bao giờ ngừng chúc phúc cho mỗi người con lữ hành của Ngài trên thế giới này, bởi vì “chúng ta quan trọng đối với Thiên Chúa hơn tất cả những tội lỗi mà chúng ta có thể phạm” [12]. Nhưng Ngài không và không thể ban phước cho bất kỳ tội lỗi nào: Ngài ban phước cho con người tội lỗi, để anh ta có thể nhận ra rằng anh ta là một phần trong kế hoạch yêu thương của Người và để cho mình được hoán cải bởi Người. Trên thực tế, Ngài “coi chúng ta như chúng ta vốn có, nhưng không bao giờ bỏ chúng ta như chúng ta vốn có” [13].

Vì những lý do đã đề cập ở trên, Giáo hội không có và không thể có quyền chúc phúc cho sự kết hợp của những người cùng giới tính theo nghĩa đã xác định ở trên.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tại buổi Tiếp kiến được dành cho Tổng Trưởng của Bộ này là người ký tên dưới đây, đã được thông báo và đồng ý cho công bố Bản phúc đáp nêu trên, với Bản giải thích phụ lục.

Rôma, từ Văn phòng của Bộ Giáo lý Đức tin, ngày 22 tháng 2 năm 2021, Lễ Kính Ngai Tòa Thánh Phêrô, Tông đồ.

✠ Đức Hồng Y Luis F. Ladaria, SJ

Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin

✠ Giacomo Morandi

Tổng giám mục hiệu tòa Cerveteri

Thư ký


5. Vatican phản ứng với kế hoạch của Đức về những lời chúc phúc đồng giới

Tờ The Pillar của Công Giáo Hoa Kỳ có bài nhận định nhan đề “Nicht, nicht: Vatican responds to German plans for same-sex blessings” nghĩa là “Không, không. Vatican phản ứng với kế hoạch của Đức về những lời chúc phúc đồng giới.”

Bộ Giáo lý Đức tin hôm 15/3/2021 đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi “Liệu Giáo hội có quyền ban phép lành cho các kết hiệp đồng giới không?” Câu trả lời, được ký bởi Đức Hồng Y Luis Laradria Ferrer, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, là “KHÔNG”.

Bản phúc đáp đã được công bố vào ngày 15 tháng 3. Văn bản giải thích kèm theo của Đức Hồng Y Ladaria cho biết câu trả lời của Bộ Giáo Lý Đức Tin, gọi tắt là CDF, đã được xây dựng vào tháng trước, và Đức Thánh Cha Phanxicô đã đích thân phê duyệt và truyền cho công bố.

Tuyên bố từ CDF được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một số viên chức lãnh đạo của Giáo triều Rôma nói với tờ The Pillar rằng ngày càng có nhiều lo ngại ở Vatican rằng các kế hoạch chúc phúc cho người đồng giới, được đề xuất bởi cái gọi là Tiến Trình Công Nghị (Synodaler Weg) do Hội đồng Giám mục Đức tổ chức, đã được thực hiện ở một số nơi.

Cũng chính các viên chức này, bao gồm cả những người thân cận với CDF, nói với The Pillar vào tuần trước rằng, trong khi CDF và các bộ phận khác của Vatican đã sẵn sàng đối phó với những thách thức ở Đức đối với giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội, thì Đức Hồng Y Ladaria và những người đứng đầu các cơ quan trung ương khác của Giáo triều Rôma đang chờ đợi sự dẫn dắt rõ ràng của Đức Thánh Cha Phanxicô trước khi đối đầu với các giám mục Đức.

Câu trả lời của CDF cho dubium, tức là một câu hỏi chính thức nhằm tìm kiếm sự minh định về giáo huấn của Giáo hội, đã không đề cập cụ thể đến Tiến Trình Công Nghị Đức, hoặc xác định ai là người ban đầu đã gửi câu hỏi để yêu cầu trả lời. Tuy nhiên, một viên chức lãnh đạo gần gũi với CDF nói với The Pillar hôm thứ Hai rằng “câu trả lời là dành cho người Đức”.

“Bản dubium đã được hỏi và trả lời, nhưng công bố câu trả lời là cần thiết vì sự lầm lạc công khai được tạo ra bởi một số giám mục ở Đức, và Tiến Trình Công Nghị - vốn không phải là một thượng hội đồng”.

Trước đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo rằng Tiến Trình Công Nghị Đức, bắt đầu vào năm 2019 và dự kiến kết thúc vào năm sau, không có thẩm quyền thay đổi kỷ luật hoặc giáo lý của Giáo Hội Công Giáo.

Bộ Giám mục trước đây đã bác bỏ kế hoạch của Tiến Trình Công Nghị Đức, chủ đề của nó, các cấu trúc và các kết quả được đề xuất là “không có giá trị về mặt giáo hội học”.

Tuy nhiên, Tiến Trình Công Nghị Đức vẫn tiếp diễn, đưa ra các khuyến nghị về những thay đổi đối với giáo luật và giáo lý của Giáo hội trong một số lĩnh vực, bao gồm việc quản trị Giáo hội, luân lý tình dục, chức linh mục và việc phong chức phụ nữ. Tháng mười một năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ mối “quan tâm rất lớn” trước đường hướng mà các giám mục Đức theo đuổi.

Một số giám mục Đức đã tuyên bố công khai ủng hộ việc ban phép lành cho các kết hiệp đồng giới, bất kể làm như thế là mâu thuẫn với giáo huấn và kỷ luật Công Giáo.

Tháng trước, Giám mục Peter Kohlgraf của Mainz nhắc lại sự ủng hộ của ông đối với việc công nhận các kết hiệp đồng giới và bảo vệ sự tán thành của ông đối với một cuốn sách về các phép lành và nghi thức phụng vụ dành cho các kết hiệp đồng giới.

Giám mục Georg Bätzing, người đứng đầu Hội đồng Giám mục Đức, cũng đã nhiều lần kêu gọi thay đổi giáo huấn của Giáo hội về tình dục con người, việc truyền chức cho phụ nữ và cho người không Công Giáo được rước lễ.

Năm ngoái, trong một phản ứng tương tự, CDF đã bác bỏ những lời kêu gọi của các giám mục Đức về hiệp thông Thánh Thể chung với những người theo đạo Tin lành.

Phúc đáp từ Đức Hồng Y Ladaria đã trích dẫn cả tài liệu cuối cùng từ Thượng hội đồng năm 2019 về phân định Giới trẻ, Đức tin và Ơn gọi và Tông huấn hậu Thượng hội đồng năm 2016 Amoris Laetitia của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Dựa trên các tài liệu này, CDF nhắc lại rằng “không hợp luật để ban phép lành cho các mối quan hệ hoặc việc chung sống, cho dù là ổn định đi chăng nữa, liên quan đến hoạt động tình dục ngoài hôn nhân”, bao gồm các kết hiệp đồng tính, cũng như các kết hiệp dị tính không phải là những cuộc hôn nhân hợp lệ, bao gồm cả những kết hợp đơn thuần về mặt dân sự liên quan đến người Công Giáo sau khi ly hôn.

Đức Hồng Y Ladaria nhắc lại rằng Giáo hội bác bỏ mọi hình thức “phân biệt đối xử bất công” đối với những người đồng tính luyến ái. Ngài cũng nhìn nhận rằng những người kêu gọi chúc phúc cho những người đồng tính luyến ái thường làm như vậy vì “mong muốn chân thành được chào đón và đồng hành với những người đồng tính luyến ái”.

Tuy nhiên, câu trả lời giải thích rõ rằng các phép lành là các á bí tích, “là những dấu chỉ thiêng liêng tương tự như các bí tích: chúng biểu thị những hiệu quả, đặc biệt là về mặt tâm linh, có được nhờ sự chuyển cầu của Giáo hội”.

“Do đó, để phù hợp với bản chất của các á bí tích, khi một phước lành được cầu xin trên những mối quan hệ cụ thể của con người, ngoài ý định đúng đắn của những người tham gia, điều cần thiết là những gì được ban phước phải xứng hợp một cách khách quan và tích cực để tiếp nhận và thể hiện ân sủng, theo ý định của Thiên Chúa được ghi trong sáng tạo, và được Chúa Kitô mạc khải hoàn toàn”.

Theo Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, “Căn cứ vào Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng (x. St 19,1-29; Rm 1,24-27; 1 Cr 6,10; 1 Tm 1,10), truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố: ‘Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn’ (x. Bộ Giáo Lý Đức Tin, tuyên ngôn “persona humana” 8). Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên vì loại bỏ chủ đích truyền sinh của hành vi tính dục, cũng không xuất phát từ nhu cầu bổ túc thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này là không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào.” (GLCG 2357)

Sách Giáo lý đưa ra sự phân biệt giữa các hành vi đồng tính luyến ái và phẩm giá nhân bản thiết yếu của “những người đàn ông hay những người phụ nữ cảm thấy bị lôi cuốn tính dục với người đồng phái nhiều hơn với người khác phái”.

“Khuynh hướng lệch lạc ấy là một thử thách. Chúng ta phải đón nhận họ với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công. Cả những người này cũng được mời gọi thực hiện ý Chúa trong cuộc sống, và, nếu là Kitô hữu, họ được kêu gọi kết hợp những khó khăn họ có thể gặp phải do hoàn cảnh của mình với hy lễ thập giá của Chúa.”

CDF tiếp tục giải thích rằng “Trong các mối quan hệ như vậy, sự hiện diện của các yếu tố tích cực, tự bản thân chúng đã được coi trọng và đánh giá cao, không thể biện minh cho những mối quan hệ này, cũng không thể biến chúng trở thành đối tượng hợp pháp của một sự chúc phúc của Giáo Hội, vì các yếu tố tích cực này tồn tại trong bối cảnh của một kết hiệp không theo kế hoạch của Đấng Tạo Hóa.”

“Do đó, việc tuyên bố tính chất bất hợp pháp của việc chúc phúc cho kết hiệp đồng giới không phải, và không có ý định, là một hình thức phân biệt đối xử bất công, mà là một lời nhắc nhở về sự thật của nghi thức phụng vụ và của chính bản chất của các á bí tích như Giáo hội hiểu chúng.”
Source:Pillar Catholic