Quan tâm trước sự kiện Giáo hội và các định chế phụ thuộc đã làm rất nhiều trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, nhưng vẫn bị tri nhận là không thoả đáng, Giáo sư Daniel Philpott của Đại học Notre Dame đề nghị việc thiết lập ra các Ủy Ban Sự thật theo mẫu của 40 quốc gia hiện đang thành công với mô hình này. Sau đây là ý kiến của Giáo sư Philpott (https://christianscholars.com/truth-and-healing-in-the-church-after-sex-abuse/)



Sau hai thập niên mạnh mẽ tiết lộ, các vết thương do nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ vẫn chưa được chữa lành. Một cách hết sức dai dẳng, hàng nghìn nạn nhân bị lạm dụng vẫn bị tổn thương về mặt tinh thần, tâm lý, tình cảm và liên hệ. Các hiệu quả dây chuyền đã làm tổn thương gia đình và cộng đồng của họ theo cấp số nhân và làm suy yếu lòng tin giữa các thành viên của Giáo hội một cách rộng rãi hơn. Một số lớn đã không còn hiệp thông với Giáo hội. Các Giáo Hội Kitô giáo khác cũng đã chứng kiến nhiều vụ tiết lộ lạm dụng và đang vật lộn với những đáp ứng của họ.

Mức độ vết thương do lạm dụng và các đáp ứng khả hữu chữa lành từ phía Giáo Hội Công Giáo là chủ đề của một cuộc tham vấn được tổ chức tại Đại học Notre Dame vào ngày 24 tháng 9 năm 2021, có tiêu đề, “Sự thật sẽ khiến bạn tự do: Các Diễn trình Sự thật và Hòa giải Quốc gia đưa ra các Hứa hẹn nào cho đáp ứng của Giáo Hội Công Giáo đối với cuộc Khủng hoảng Lạm dụng Tình dục?” Cuộc tham vấn do Tiến sĩ Katharina Westerhorstmann thuộc Khoa Thần học tại Đại học Franciscan và Daniel Philpott, một giáo sư chính trị học tại Đại học Notre Dame, triệu tập. Nó được giúp đỡ bởi một khoản tài trợ từ Chương trình Tài trợ Các cuộc Nghiên cứu Khủng hoảng Lạm dụng Tình dục trong Giáo hội do Văn phòng Chủ tịch của Notre Dame cung cấp. Biến cố này đã quy tụ 23 học giả, linh mục, luật sư, người ủng hộ nạn nhân và nhà trị liệu cho một ngày thảo luận cao độ. Sáu trong số những người tham gia là nạn nhân của lạm dụng tình dục; một người khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong sự nghiệp và thừa tác vụ của mình. Cuộc đàm luận này được chuyển tải trong phần báo cáo của tường trình viên tại Church Sex Abuse Project | Daniel Philpott.

Sự kiện vết thương vẫn tồn tại trên quy mô lớn không thể bỏ qua việc các giám mục và các nhà lãnh đạo Giáo Hội khác đã phản ứng lại việc lạm dụng theo nhiều cách quan trọng và hữu hiệu (cũng như các nhà lãnh đạo của các cộng đồng Kitô giáo khác). Các tiêu chuẩn về bảo vệ trẻ vị thành niên được thiết lập trong Hiến chương Dallas năm 2002 đã làm Giáo Hội Công Giáo trở thành một trong những nơi an toàn nhất cho thanh thiếu niên trong xã hội Mỹ. Các chính sách mà Vatican đưa ra trong văn kiện năm 2019, Vos Estis Lux Mundi, thiết lập trách nhiệm giải trình cho các giám mục, cấp thẩm quyền cao nhất của Giáo hội. Các giám mục và linh mục đã công bố lời xin lỗi và tiến hành các thánh lễ đền tạ và chữa lành, trong khi các giáo phận đã trả hàng triệu đô la tiền bồi thường. Trong những năm gần đây, 158 giáo phận và 24 tỉnh dòng ở Hoa Kỳ đã công bố danh sách các linh mục và tu sĩ bị buộc tội. Nhiều giám mục, linh mục và các tu sĩ khác đã mở rộng sự tương cảm và hỗ trợ cho những người sống sót.

Tuy nhiên, các thành viên của cuộc tham vấn nhất trí rằng các vết thương vẫn còn lan rộng. Mặc dù sự khái quát không bao giờ nên thay thế câu chuyện bị thương và đáp ứng của từng người sống sót, nhưng các khuôn mẫu chung vẫn xuất hiện. Than vãn chung của những người sống sót là họ không bao giờ nhận được sự thừa nhận chân thành và hỗ trợ mục vụ từ Giáo hội. Cả những người được bồi thường hoặc đã thấy trách nhiệm giải trình cho những kẻ lạm dụng họ cũng thường báo cáo rằng họ ít nhận được sự tương cảm hoặc hỗ trợ cho việc chữa lành thực sự vết thương mà họ phải chịu dưới bàn tay của các giáo sĩ. Nhiều người báo cáo rằng thất bại này làm hại họ nhiều hơn là chính sự lạm dụng. Nhiều người đã rời bỏ Giáo Hội.

Các vết thương khác, có liên quan cũng vẫn tồn tại. Các tiêu đề liên tục với những tiết lộ mới góp phần tạo ấn tượng rằng nhiều việc lạm dụng vẫn còn bị che giấu. Vẫn còn những linh mục và giám mục đã vi phạm hoặc đồng lõa với việc lạm dụng mà không phải chịu trách nhiệm giải trình. Ngoài ra, những nạn nhân lạm dụng tình dục là người lớn trong bối cảnh các chủng viện, dòng tu, giáo xứ và các thừa tác vụ khác ngày càng bày tỏ nhu cầu được chữa lành các vết thương mà phần lớn chưa được giải quyết. Nhìn chung, Giáo hội đã mất con số thành viên, tính khả tín và khả năng thực hiện việc truyền bá phúc âm hữu hiệu của mình. Tri nhận khá phổ biến là đáp ứng của Giáo hội đối với hành vi lạm dụng là phản ứng mang tính chống đỡ, chắp vá và vụ luật hẹp hòi.

Điều cần thiết là một phản ứng mang tính chủ động, tổng thể và phục hồi. Có thể cho rằng, một phản ứng như vậy bắt đầu bằng việc nói đầy đủ sự thật về sự lạm dụng của giáo sĩ. Thực hiện trường hợp này không kém việc Thủ tướng Đức, Angela Merkel, người đã nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2021 rằng để Giáo hội giữ được tiếng nói đáng tin cậy trong các vấn đề công lý, sự thật về việc các giáo sĩ lạm dụng tình dục “phải được đưa ra ánh sáng”. Vào tháng 9 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra quan điểm còn đầy đủ hơn:

“Khi nói chuyện với các vị lãnh đạo của các Hội đồng Giám mục từ khắp nơi trên thế giới, tụ họp tại Rome vào tháng 2 năm 2019, tôi đã khuyến khích để các ngài bảo đảm [rằng] phúc lợi của các nạn nhân không bị gạt sang một bên vì mối quan tâm sai lầm về danh tiếng của Giáo hội định chế. Thay vào đó, chỉ bằng cách đối diện với sự thật của những hủ tục xấu xa này và khiêm tốn tìm kiếm sự tha thứ từ các nạn nhân và những người sống sót, Giáo hội mới có thể tìm được đường đến chỗ có thể được tin cậy một lần nữa như một nơi chào đón và an toàn cho những người cần sự giúp đỡ. Việc chúng ta bày tỏ nỗi đau buồn phải được hoán cải thành các nẻo đường cải cách cụ thể để vừa ngăn chặn việc lạm dụng thêm nữa vừa tạo niềm tin cho những người khác rằng những nỗ lực của chúng ta sẽ mang lại sự thay đổi thực sự và đáng tin cậy. Tôi khuyến khích anh em lắng nghe tiếng kêu than của các nạn nhân”.

Nếu Thủ tướng Merkel và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đúng khi coi trọng sự thật, thì điều này có thể được thực hiện ra sao?

Hướng dẫn có thể được tìm thấy trong kinh nghiệm của hàng chục quốc gia trong thế hệ trước đây, từng đối diện với quá khứ bạo lực và bất công khi đang chuyển mình bước sang một giải pháp hòa bình hoặc một nền dân chủ sơ khai. Cuộc tham vấn đã xem xét các kinh nghiệm này và đặt câu hỏi có thể rút ra được những bài học nào. Một trong những câu trả lời phổ biến nhất của họ ở cấp quốc gia là một ủy ban sự thật, hơn 40 trong số đó đã được thiết lập khắp trên thế giới. Nổi tiếng nhất chắc chắn là Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Nam Phi năm 1996-1998, trong khi mô hình gần đây hơn là Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Gia Nã Đại từ năm 2007 đến năm 2015, đã giải quyết lịch sử lạm dụng của Gia Nã Đại trong các Trường Nội trú Bản địa. Những nơi nào các quy trình nói sự thật trên toàn quốc diễn ra mạnh mẽ và cứng cáp, chúng đều được ca ngợi vì tác dụng phục hồi của chúng, đặc biệt là bởi các nạn nhân và các tổ chức nạn nhân.

Luận lý học thúc đẩy các ủy ban sự thật là: việc giải trình đầy đủ sự thật về sự bất công có hệ thống trong quá khứ có thể cho phép một quốc gia xây dựng một tương lai ổn định và công bằng. Ba hoa trái cụ thể hơn của các ủy ban sự thật rất hứa hẹn đối với Giáo Hội Công Giáo, như chúng đã rất hứa hẹn đối với các quốc gia áp dụng. Thứ nhất, việc tiết lộ đầy đủ sự thật, thường dưới hình thức một báo cáo toàn diện, công khai lên án những bất công trong quá khứ, có thể tiếp tục được hưởng tính hợp pháp, tạo ra niềm tin rằng các tội ác không bị che đậy, và qua các thành tựu này, tạo ra sự đáng tin cậy cho một chế độ chính trị - hoặc một Giáo Hội. Thứ hai, các ủy ban sự thật cứng cáp nhất thành công trong việc tiết lộ không chỉ “sự thật pháp y”, nghĩa là sự thật đầy đủ về những bất công, mà còn là “sự thật chữa lành”, tức sự thật góp phần vào việc phục hồi các nạn nhân. Tại các quốc gia như Nam Phi, Rwanda, Guatemala và Gia Nã Đại, các nạn nhân đã kể những câu chuyện của họ trước sự chứng kiến của những người nghe có thiện cảm, bao gồm những người thân yêu, thành viên cộng đồng, viên chức chính phủ và đôi khi thậm chí cả thủ phạm hoặc người đại diện của họ. Thứ ba, tiết lộ sự thật có thể có “tác động nhân bội” trong việc tạo ra các thực hành phục hồi hơn nữa, bao gồm sự ăn năn, đền tạ, trách nhiệm giải trình, xây dựng đài tưởng niệm, tha thứ và hòa giải. Sự thật không chỉ tự nó vô giá mà còn cần thiết cho các bước bổ sung.

Có lẽ lời chỉ trích lớn nhất đối với các ủy ban sự thật là họ nêu lên những kỳ vọng về sự chữa lành và phục hồi mà họ không thể chu toàn được. Cách tốt nhất để giảm bớt cạm bẫy này là tránh coi chúng như một nỗ lực “duy nhất và đã được làm”. Một ủy ban sự thật có thể được bổ sung bởi các diễn đàn địa phương chẳng hạn như các nhóm chữa lành phục hồi công lý đã diễn ra ở các Tổng giáo phận Minneapolis và Milwaukee. Ở Chicago, một khu vườn chữa lành được dùng như một đài tưởng niệm các nạn nhân bị lạm dụng và như một lời mời gọi thực hành các hoạt động tưởng nhớ chẳng hạn như các thánh lễ dành cho việc chữa lành những người sống sót. Một khu vườn chữa lành quốc gia, được mô phỏng theo mô hình này, có thể phục vụ cho việc nuôi dưỡng và duy trì một động lực chữa lành. Cả các nhóm chữa lành và các khu vườn chữa lành đã được thảo luận tại cuộc họp tham vấn.

Nói sự thật, cùng với các thực hành khác nhằm mục đích đem việc chữa lành các vết thương đa dạng do lạm dụng, thể hiện luận lý học phục hồi tại trung tâm Giáo hội Kitô giáo: sự hòa giải thế giới của Thiên Chúa với chính Người qua thập giá và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Đối với người Công Giáo, sự hòa giải này được làm sẵn cho con người qua Bí tích Thánh Thể. Lễ hy sinh của Chúa Giêsu khôi phục mối liên hệ đúng đắn qua tình liên đới với nạn nhân, kêu gọi thủ phạm ăn năn, thực hành và làm khả hữu ơn tha thứ, đồng thời mang lại sự chữa lành về mặt thiêng liêng và xúc cảm. Khi chủ động thực hành hòa giải, Giáo hội sẽ hiển thị Chúa Kitô và đưa ra một hình mẫu cho các giáo hội, các cộng đồng tu trì và định chế xã hội dân sự khác, những định chế đang ngày càng rõ ràng hơn, đối diện với lịch sử rắc rối của chính họ về việc lạm dụng tình dục.

Đã đến lúc thích hợp để khám phá việc thành lập một ủy ban sự thật cho Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ. Một số người tham gia cuộc tham vấn bày tỏ sự quan tâm đến việc theo đuổi ý tưởng này hơn nữa. Có thể có sự tham gia hoặc hợp tác với các Giáo Hội Kitô giáo khác không?

Một ủy ban sự thật là một ý tưởng lớn. Để nó diễn ra, nhiều câu hỏi sẽ phải được trả lời. Ai sẽ triệu tập ủy ban? Tài chính cho nó? Lời khai sẽ được bảo mật hay công khai? Những vấn đề pháp lý nào sẽ phải được giải quyết? Tất nhiên, có nhiều khía cạnh trong đó Giáo hội không phải là một quốc gia có chủ quyền. Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy nếu được thực hiện, sự dũng cảm và niềm tin cần thiết để thực hiện nó chắc chắn cũng sẽ tìm ra giải đáp cho nhiều câu hỏi này. Thậm chí còn hơn thế nữa, Giáo Hội Công Giáo - và các giáo hội khác - sẽ được tăng sức trong thông điệp và sứ mệnh của mình.