1. Với đa số dân được tiêm chủng, các hạn chế được dỡ bỏ trong các nhà thờ tại Anh, và xứ Wales
Nhân ngày đầu năm, chúng tôi xin gởi đến quý vị và anh chị em một tin tốt lành từ Giáo Hội ở Anh và xứ Wales.
Các nhà lãnh đạo Công Giáo ở Anh và xứ Wales đang loại bỏ các hạn chế được áp đặt trước đây để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Đức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng Giám Mục Westminster, và là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Anh và xứ Wales cho biết bắt đầu từ ngày 27 tháng Giêng, việc đeo khẩu trang y tế trong các nhà thờ sẽ là tùy chọn thay vì bắt buộc, và sẽ không cần giữ khoảng cách xã hội. Các giáo xứ có thể bắt đầu sử dụng các bài thánh ca; việc trao bình an bằng cách bắt tay nhau sẽ được tái tục trở lại; và các bình nước thánh được đổ đầy lần đầu tiên sau gần hai năm.
Vào ngày Thứ Tư Lễ Tro, rơi vào ngày 2 tháng Ba, các linh mục sẽ có thể dùng ngón tay cái để xức tro thay vì phải dùng một miếng tăm bông như hai năm trước đây. Các linh mục cũng được dùng tay trong bí tích xức dầu bệnh nhân.
Việc nới lỏng các hạn chế tương ứng với quyết định ngày 26 tháng Giêng của chính phủ Anh kết thúc các hạn chế trong “Kế hoạch B” được đưa ra để đối phó với sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Với đa số người lớn ở Anh được tiêm vắc xin COVID-19, tỷ lệ tử vong do căn bệnh này hiện đang ở mức rất thấp và có rất ít áp lực đối với các dịch vụ y tế.
Trong một tuyên bố được phổ biến trong các nhà thờ và trên các phương tiện truyền thông, các Giám Mục Anh và xứ Wales nhận định rằng đã đến lúc mọi người phải sống chung với virus. Tài liệu của Bộ Y Tế Anh đã giải thích một số từ ngữ được nêu trong quyết định ngày 26 tháng Giêng.
Kể từ khi COVID-19 xuất hiện, vào năm 2020, công chúng đã được nghe một số từ ngữ mới để hiểu về vi rút và tác động của nó đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Ba từ ngữ nổi bật là Epidemic, Endemic, Pandemic
Epidemic – hay Bệnh Dịch
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, gọi tắt là CDC, mô tả bệnh dịch là sự gia tăng bất ngờ về số ca bệnh trong một khu vực địa lý cụ thể. Bệnh sốt vàng da, bệnh đậu mùa, bệnh sởi, và bệnh bại liệt là những ví dụ điển hình về bệnh dịch xảy ra trong suốt lịch sử thế giới.
Đáng chú ý, một bệnh dịch không nhất thiết phải truyền nhiễm. Ví dụ, bệnh sốt ở Tây sông Nile và sự gia tăng nhanh chóng của tỷ lệ béo phì cũng được coi là bệnh dịch.
Theo nghĩa rộng hơn, dịch bệnh có thể đề cập đến một căn bệnh hoặc hành vi cụ thể khác liên quan đến sức khỏe,ví dụ như hút thuốc lá, khi nó xảy ra với tầm mức cao hơn mức dự kiến trong một cộng đồng hoặc khu vực.
Pandemic - Đại Dịch
Tổ chức Y tế Thế giới, gọi tắt là WHO, tuyên bố đại dịch khi sự phát triển của bệnh tăng theo cấp số nhân. Điều này có nghĩa là tốc độ tăng trưởng tăng vọt, và mỗi ngày các ca bệnh tăng hơn ngày trước đó.
Khi được tuyên bố là một đại dịch, chúng ta chứng kiến sự lây lan nhanh chóng trên một khu vực rộng lớn, ảnh hưởng đến một số quốc gia và dân số.
Endemic - Đặc Hữu
Khi một bệnh dịch bùng phát hiện diện thường xuyên nhưng chỉ giới hạn ở một khu vực cụ thể, và mức độ lây lan có thể dự đoán được, thì bệnh dịch ấy được cho là trong tình trạng endemic, hay đặc hữu.
Ví dụ, bệnh sốt rét được coi là đặc hữu ở một số quốc gia và khu vực.
Đức Hồng Y Vincent Nichols cho biết “Sự đồng thuận về mặt khoa học là xã hội đang tiến tới giai đoạn mà vi rút đang chuyển từ giai đoạn đại dịch, sang giai đoạn đặc hữu, nhưng… vẫn có nguy cơ gắn liền với việc tụ tập kéo dài trong không gian kín và do đó, cần phải tiếp tục thận trọng chống lại sự lây nhiễm.”
“Tuy nhiên, điều này phải được cân bằng với nhu cầu tiến lên một cách an toàn theo lối sống bình thường, và hai quan điểm này sẽ luôn luôn đối chọi một cách căng thẳng. Cân bằng hai căng thẳng này là chìa khóa để sống an toàn với COVID-19, tức là làm sao giữ cho sự lây nhiễm từ một loại vi rút không thể loại bỏ, giảm thiểu, hay làm gián đoạn cuộc sống bình thường của mọi người.”
Ngài nói thêm rằng trong khi việc giảm bớt các hạn chế được áp đặt trong 2 năm qua “mang lại một cách sống bình thường hơn, vi-rút COVID-19 vẫn đang hoành hành, và điều này nên được ghi nhớ trong tâm trí của những người tham gia vào cuộc sống của Giáo Hội. Cần có sự cân bằng giữa nhu cầu an toàn cá nhân và tinh thần trách nhiệm về sự an toàn đó”.
Các giám mục Anh và xứ Wales ủng hộ việc tiêm phòng và khuyến khích mọi người tiêm vắc xin như là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại việc lây nhiễm vi rút và nói thêm rằng ai mắc bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào cũng nên ở nhà.
Ngài cũng khuyên rằng các nhà thờ “nên tiếp tục bảo đảm có hệ thống thông gió tốt, cân bằng điều này với nhu cầu sưởi ấm cho nhà thờ, đặc biệt là vào thời điểm này”.
Các biện pháp phòng ngừa khác bao gồm các thừa tác viên thánh thể tiếp tục vệ sinh tay và thay nước thánh thường xuyên được mọi người sử dụng khi ra vào nhà thờ.
Hiện nay, các linh mục được khuyên chỉ nên cho rước lễ dưới một hình thức duy nhất là Bánh Thánh thay vì cả hai hình thức như trước đây.
Source:CNA
2. Phát hiện quan trọng: Vitamin D có tác dụng rất lớn trong việc đối phó với COVID-19. Lý do báo cáo bị dập tắt ngay tức khắc
Một nghiên cứu của Đại học Barcelona đã thu hút sự chú ý trên thế giới. Nó cho thấy vitamin D đã thành công đáng kinh ngạc, với việc giảm 80% số ca nhập viện chăm sóc đặc biệt và giảm 60% số ca tử vong do Covid.
Nó đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng. Nhưng ngay sau đó, phúc trình này đã bị xóa khỏi server Lancet vì “lo ngại về tác động của nghiên cứu”, và hiện vấn đề đang được điều tra.
Theo bài báo gốc, Vitamin D được cung cấp cho toàn bộ khu khám bệnh thường chăm sóc bệnh nhân dựa trên mức độ bệnh tật của họ, chứ không theo một đường lối chữa trị đại trà. Các bác sĩ ghi nhận những bệnh nhân Covid trong nghiên cứu đã chết có mức độ vitamin ban đầu hoàn toàn khác nhau, một số trường hợp cho thấy ngay từ đầu một số bệnh nhân đã ốm yếu hơn những người khác vì thiếu các vitamin.
Nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh David Davis, người đã kêu gọi Quốc hội bổ sung vitamin D trong các bệnh viện, nói với BBC rằng mặc dù bài báo bị rút lại, ông tin rằng nghiên cứu vẫn cho thấy vitamin D rất quan trọng và lập luận rằng chính phủ nên tài trợ thêm cho nghiên cứu về vitamin này.
Aurora Baluja, bác sĩ gây mê và bác sĩ chăm sóc quan trọng ở Tây Ban Nha, người đã xem xét nghiên cứu của Barcelona trước khi nó bị xoá khỏi Lancet, cho biết thiếu hụt vitamin D là một “yếu tố nguy cơ đã được xác định rõ”, nhưng “chỉ bổ sung vitamin D thôi thì không đủ để làm giảm nguy cơ của những bệnh nhân đó”.
Bác sĩ Baluja giải thích sự thiếu hụt thường do một nguyên nhân nào đó sâu xa hơn nhiều, như suy dinh dưỡng hoặc suy thận, chứ không phải bệnh nhân tử vong do thiếu hụt.
Giáo sư Sander Van der Linden, một nhà tâm lý học xã hội tại Đại học Cambridge, cố gắng giải thích lý do của việc báo cáo này bị xóa đi.
Ông cho biết “những người chống vắc xin thường cố gắng kết nối thái độ của họ với nhiều chủ đề khác bao gồm tôn giáo, dược thảo và các thuốc thay thế”.
Khi những phát hiện phù hợp với thế giới quan của mọi người, ví dụ như “những thứ tự nhiên không thể làm hại bạn”, khuynh hướng chống vắc xin lại gia tăng.
Nhiều người nhanh chóng truyền đi một thông điệp, chẳng hạn như “bạn không cần vắc xin, bạn có thể uống vitamin D”.
Vitamin D khá an toàn, và nhiều bác sĩ vẫn thường kê toa đặc biệt là ở liều cao. Bản thân vitamin không phải là vấn đề. Tuy nhiên, theo Giáo sư Van der Linden, mối nguy hiểm là khi mọi người cho rằng Vitamin D là một phương pháp chữa bệnh thần kỳ và nên được thay thế cho vắc-xin, khẩu trang y tế và khoảng cách xã hội.
Kết luận: Ta không nên chống lại việc tiêm vắc xin. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tiêm vắc xin đến 3 liều vẫn nhiễm coronavirus. Vì thế, tiêm thì vẫn tiêm nhưng phải uống thêm Vitamin D, không bổ bề dọc, cũng bổ bề ngang.
Source:BBC
3. Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Ukraine nói Nga lo sợ nền dân chủ Ukraine
Trong khi các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đang di tản khỏi Ukraine trong bối cảnh Nga đe dọa xâm lược Ukraine, Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak dự định sẽ tiếp tục thực hiện một chuyến đi đã được lên kế hoạch trước và đến quốc gia Đông Âu này vào cuối tuần.
“Khi các nhà ngoại giao đang chạy trốn khỏi Ukraine, cần phải có ai đó bơi ngược lại dòng triều này và nói rằng vào thời điểm khó khăn này, chúng tôi sát cánh với anh chị em, không chỉ từ xa mà ở giữa anh chị em,” Đức Cha Gudziak, nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine ở Philadelphia cho biết như trên và thêm rằng người Ukraine “vào thời điểm áp lực lớn này vẫn có những người đoàn kết với họ”.
Đức Tổng Giám Mục sẽ đến Ukraine trong khi hơn 100,000 binh sĩ Nga đang tập trung tại biên giới Ukraine, bao vây 3 mặt của quốc gia này, và sẵn sàng xâm lược trong tương lai gần. Tổng thống Joe Biden đã có cuộc gặp gỡ với các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO, vào hôm thứ Hai, ngày 24 tháng Giêng, khi mỗi quốc gia cân nhắc cách phản ứng tốt nhất với Nga và Tổng thống Vladimir Putin, là người không có bất cứ dấu hiệu nào muốn quay lại.
Trước đó trong ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã điều 8,500 lính Mỹ “sẵn sàng triển khai” theo chỉ đạo của Biden. Mỹ cũng đã gửi nhiều chuyến hàng vũ khí cho Ukraine trong những ngày gần đây như một phần của khoản viện trợ quốc phòng trị giá 200 triệu USD. Liên minh Âu Châu có kế hoạch giúp Ukraine gói viện trợ tài chính 1.2 tỷ euro, tức là 1.36 tỷ USD.
Nói chuyện với tờ Crux, Đức Cha Gudziak nhấn mạnh sự cần thiết của các quốc gia dân chủ phải đứng ra bảo vệ Ukraine nếu Nga xâm lược, nếu không hậu quả có thể sẽ sâu rộng.
Đức Cha Gudziak nói: “Điều rất quan trọng đối với Hoa Kỳ và các quốc gia tự do khác, các quốc gia dân chủ, là nhận ra rằng Ukraine ngày nay đang bảo vệ nền dân chủ của chúng ta ở Mỹ và Âu Châu. Cái giá chúng ta phải trả và nguy cơ đối với chúng ta bởi sự chiếm đóng của Nga ở Ukraine và sự sụp đổ của nền dân chủ ở Ukraine là gần như không thể tính toán được và ai biết được điều gì có thể xảy ra tiếp theo”.
Đức Tổng Giám Mục Gudziak nhấn mạnh thực tế rằng việc ngăn chặn sự truyền bá dân chủ là trọng tâm trong mục đích của Nga tại biên giới Ukraine. Ngài lưu ý rằng trong những năm gần đây, nền dân chủ của Ukraine đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ, và do đó Tổng thống Nga Vladimir Putin và “chế độ phản dân chủ điều hành nước Nga” lo ngại rằng lối sống dân chủ được cải thiện của Ukraine có thể lan ra khỏi biên giới.
“Họ lo rằng vi rút của tự do và phẩm giá cho tất cả mọi người có thể lây lan và làm suy yếu vị thế của những nhà cầm quyền độc tài. Thành ra, họ có mong muốn ngăn chặn sự lây lan của các ý tưởng và lý tưởng về tự do và phẩm giá và cách tốt hơn để giữ chúng không đến Nga là cố gắng xóa sổ chúng ở quốc gia láng giềng và tạo ra ở Ukraine một khu vực khác với sự cai trị độc đoán nhằm giữ các quyền tự do dân chủ ở bên ngoài của Liên bang Nga”.
Mục đích ban đầu của chuyến đi đến Ukraine của Đức Tổng Giám Mục Gudziak là để họp hội đồng quản trị Đại học Công Giáo Ukraine và phong chức cho một số linh mục. Đức Cha Gudziak là chủ tịch của trường đại học nằm ở Lviv, Ukraine.
Nếu Nga xâm lược, Đức Cha Gudziak mô tả hoàn cảnh ảm đạm sẽ diễn ra đối với người nghèo và các tu sĩ ở Ukraine. Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh những gì đã xảy ra kể từ năm 2014 khi Nga xâm lược và sáp nhập Bán đảo Crimea phía nam của Ukraine, đồng thời hậu thuẫn cho những kẻ ly khai đã chiếm phần lớn các khu vực Donetsk và Luhansk ở miền đông nước này.
Động thái của Nga, vào năm 2014, được coi là phản ứng trước việc các công dân Ukraine lật đổ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych. Trong 8 năm kể từ đó, Liên hợp quốc ước tính khoảng 1.5 triệu người đã phải di dời và ước tính khoảng 14,000 người đã thiệt mạng, nhiều người trong số họ là dân thường. Đức Cha Gudziak cũng trích dẫn rằng các cộng đồng Công Giáo và Chính thống Ukraine ở Crimea và Donbas đang bị “bách hại”.
Theo nhận định của Đức Cha Gudziak, những cuộc khủng hoảng sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu Nga xâm lược.
“Việc chiếm đóng một phần hai khu vực Donetsk và Luhansk đã phát sinh ra hai triệu người tị nạn. Bây giờ, nếu bạn ngoại suy điều đó và nói rằng 10 khu vực bị chiếm đóng, bạn có thể có 10 triệu người tị nạn di chuyển về phía tây để chạy trốn khỏi cuộc xâm lược của Nga không. Điều đó có gây ra sự mất ổn định của Âu Châu? Đây không chỉ là vấn đề của Ukraine”.
Cuối tuần qua, Đức Tổng Giám Mục Gudziak đã ký một tuyên bố cùng với các Giám mục Công Giáo Ukraine khác tại Hoa Kỳ, trong đó các ngài đặt câu hỏi “khi nào thì điều này sẽ dừng lại?!” khi đề cập đến cuộc chiến 8 năm do Nga khởi xướng.
“Tuy nhiên, người dân Ukraine can đảm chịu đựng,” các giám mục viết. “Khi họ bị kề súng vào đầu, họ mong sự đoàn kết của chúng ta.”
Các Giám Mục cũng nhấn mạnh ba điều mọi người có thể làm để giúp đỡ - cầu nguyện, theo dõi tình hình và hỗ trợ.
Đức Cha Gudziak giải thích với Crux rằng điều quan trọng là phải luôn cập nhật thông tin để tránh các thông tin sai lệch do Nga phổ biến. Và việc quyên góp là rất quan trọng để giúp giảm thiểu tác động của một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể kéo dài.
Tuy nhiên, cầu nguyện là quan trọng nhất.
Đức Cha Gudziak nói: “Chúa là Chúa tể của lịch sử và chúng ta đã chứng kiến những điều kỳ diệu xảy ra. Ukraine đã được tự do cùng với 14 quốc gia khác. Họ được giải phóng khi Liên sô sụp đổ và không ai dự đoán được điều đó. Cầu nguyện là cách Chúa Giêsu nuôi dưỡng sự hiệp thông của Ngài với Chúa Cha và khi chúng ta nuôi dưỡng sự hiệp thông của mình với Thiên Chúa, thì những điều lớn lao sẽ xảy ra”.
Source:Crux