1. Diễn biến gây xôn xao: Hồng Y Becciu tẩy chay, không ra tòa
Vị Hồng Y duy nhất bị truy tố trong vụ xét xử gian lận và biển thủ lớn ở Vatican đã đưa ra phản đối chính thức lên tòa án cho rằng các công tố viên của Đức Giáo Hoàng đã xúc phạm nhân phẩm của ngài khi cho rằng ngài có quan hệ tình dục với một bị cáo khác trong phiên tòa.
Hồng Y Angelo Becciu, một quan chức cấp cao một thời trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, là bị cáo duy nhất cho đến nay đã tham dự tất cả các phiên điều trần của phiên tòa. Nhưng Hồng Y Becciu đã ở nhà vào hôm thứ Ba và viết một lá thư cho tòa án nói rằng ngài không muốn có mặt trong khi các luật sư của ngài phản đối nội dung của cuộc thẩm vấn năm 2020 của các công tố viên về mối quan hệ của ngài với bị cáo Cecilia Marogna.
Đây là phản đối mới nhất được đưa ra bởi các luật sư bào chữa về hành vi của các công tố viên của Đức Giáo Hoàng trong cuộc điều tra của họ, bắt đầu vào năm 2019 về khoản đầu tư 350 triệu euro của Vatican vào một thương vụ bất động sản ở London. Cuộc điều tra đã phát hiện ra thêm việc Hồng Y Becciu quyên góp tiền của Vatican cho một tổ chức từ thiện do anh trai của ngài điều hành và các khoản thanh toán tiền của Vatican cho cô Marogna, người mà ngài đã thuê làm cố vấn an ninh bên ngoài để giúp đàm phán thả một con tin, là một nữ tu người Colombia truyền giáo ở Phi Châu.
Cả Hồng Y Becciu và Marogna đều phủ nhận có các hành vi sai trái hoặc bất kỳ mối quan hệ không chính đáng nào.
Trước đây, Chánh án tòa án Vatican đã hủy bỏ cáo trạng của các công tố viên đối với bốn nghi phạm khác vì đã có những sai sót về thủ tục, nhưng hôm thứ Ba, bốn nghi phạm này đã bị tái khởi tố.
Tòa án cũng đã nhiều lần ra lệnh cho các công tố viên giao nộp tất cả bằng chứng sau khi các luật sư bào chữa phàn nàn rằng họ không thể bảo vệ thân chủ một cách hợp lý nếu không có những tài liệu đó.
Hôm thứ Ba, chủ tịch tòa án Giuseppe Pignatone đã cho các công tố viên một thời hạn nữa để cung cấp bản sao các tài liệu này cho các luật sư bào chữa, sau khi các luật sư của Becciu cho biết họ chỉ nhận được 16 trong số 255 bằng chứng.
Các luật sư của Hồng Y Becciu cũng đưa ra phản đối hành vi của các công tố viên trong cuộc thẩm vấn vào tháng 11 năm 2020 đối với Đức Ông Alberto Perlasca. Trong cuộc thẩm vấn, công tố viên Alessandro Diddi đã hỏi Đức Ông Perlasca về việc liệu Hồng Y Becciu có quan hệ thân mật với Marogna hay không.
Đức Ông Perlasca đã khẳng định quan hệ giữa hai người không có bất cứ điều gì không đúng. Nhưng Diddi vẫn kiên trì, lưu ý rằng một diễn viên hài truyền hình nổi tiếng của Ý đã thực hiện một tiểu phẩm gợi ý rằng Marogna là người yêu của Becciu, và tự hỏi tại sao Hồng Y Becciu không kiện diễn viên hài nếu điều đó là sai.
Theo các luật sư của Becciu, cuộc thẩm vấn của Diddi đã vi phạm quy tắc tố tụng của Vatican, vốn cấm thẩm vấn nhân chứng về đạo đức của người khác.
Diddi đã bảo vệ hành vi của mình và nói rằng:
“Tôi yên tâm về công việc chúng tôi đã làm,” anh ta nói với tòa án.
Chánh án Pignatone ấn định ngày xét xử tiếp theo vào ngày 18 tháng 2, tại thời điểm đó các nghi phạm mới bị truy tố sẽ tham gia lại phiên tòa và tòa án sẽ xem xét các phản đối của các luật sư đưa ra cho đến nay.
Source:AP
2. Tuyên bố của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ về tình trạng nguy hiểm của chiến tranh
Nga đã bao vây 3 mặt của Ukraine với một quân số cho đến nay đã lên đến ít nhất 127,000 quân. Các đại sứ quán nước ngoài tại thủ đô Kiev đã được di tản vì e ngại một cuộc xâm lược của người Nga.
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã ra tuyên bố sau:
Căng thẳng đang gia tăng khi Hoa Kỳ và các đồng minh NATO của họ xem xét cách tốt nhất để đáp trả việc tập trung đông đảo các lực lượng và thiết bị quân sự của Nga ở biên giới Ukraine. Trước những căng thẳng gia tăng này, Đức Cha David J. Malloy của Rockford, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố sau:
“Với tình hình đáng báo động ở Ukraine, chúng tôi kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của Ukraine và tham gia đối thoại mang tính xây dựng để giải quyết hòa bình cuộc xung đột ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của 43 triệu người Ukraine”.
“ Trong bài huấn dụ sau khi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 23 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu ngày 26 tháng Giêng là ngày cầu nguyện cho Ukraine vì những lo ngại ngày càng tăng về tình hình ở quốc gia đó và ở Âu Châu nói chung, ngài nói: 'Tôi đưa ra lời kêu gọi chân thành đến tất cả mọi người có thiện chí hãy nâng cao lời cầu nguyện lên cùng Thiên Chúa toàn năng để tất cả các hành động và sáng kiến chính trị có thể phục vụ tình huynh đệ của nhân loại’. Trước đó, Đức Thánh Cha cũng đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về tình hình tại Ukraine và hy vọng' rằng những căng thẳng mà đất nước này đang trải qua có thể được giải quyết thông qua đối thoại quốc tế nghiêm túc chứ không phải bằng vũ khí”.
“Trong bài phát biểu trước ngoại giao đoàn đầu năm nay, Đức Thánh Cha đã nói, ‘Sự tin tưởng lẫn nhau và sự sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận bình tĩnh nên truyền cảm hứng cho tất cả các bên đang liên quan đến, để có thể tìm ra các giải pháp lâu dài và chấp nhận được ở Ukraine’. Chúng ta hãy hiệp một lòng một ý với ngài.”
“Các giám mục Công Giáo của Ukraine và Ba Lan đã đưa ra lời kêu gọi vào ngày 24 tháng Giêng rằng các nhà lãnh đạo hãy kiềm chế chiến tranh và 'rút lại các tối hậu thư ngay lập tức.' Họ kêu gọi 'cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đoàn kết và tích cực hỗ trợ những người đang bị đe dọa bằng mọi cách có thể.'“
“Trong thời điểm sợ hãi và bất định này, chúng tôi đoàn kết với Giáo hội ở Ukraine và đưa ra sự hỗ trợ của chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi tất cả các tín hữu và những người có thiện chí cầu nguyện cho người dân Ukraine, đặc biệt là vào ngày 26 tháng Giêng, để họ có thể nhận được các phước lành của hòa bình”.
Source:USCCB