1. Cha Sở nhanh trí cứu được ngôi thánh đường và anh chị em giáo dân
Vào đầu thiên niên kỷ này, các tín hữu Kitô chiếm 70% dân số tại Nigeria. Tuy nhiên, ngày nay sau các đợt bách hại liên tục, nhiều anh chị em phải di tản ra nước ngoài, các tín hữu Kitô Nigeria chỉ còn khoảng 50% dân số. Các đợt bách hại liên tục xảy ra đặc biệt là dưới thời tổng thống Hồi Giáo Muhammadu Buhari. Thay vì giữ trật tự trị an cho mọi công dân, ông ta để mặc cho các nhóm Hồi Giáo cực đoan như Boko Haram, và Fulani tấn công các tín hữu Kitô, nhằm hình thành quốc gia Hồi Giáo Nigeria.
Từ năm 2012, lại nảy sinh ra nhóm Indigenous People of Biafra, nghĩa là “Phong Trào Người Bản Địa Biafra”, gọi tắt là IPOB chủ trương tách bang Biafra thành một quốc gia Hồi Giáo độc lập khỏi Nigeria.
Tên cầm đầu IPOB, Mazi Nnamdi Kanu, thường được gọi là Ndi Igbo, đã bị bắt và hôm thứ Hai 17 tháng Giêng phải ra tòa. Trong ngày đó, bọn IPOB buộc mọi người phải ở nhà bãi thị, bãi khóa, đình công để phản đối chính phủ.
Tờ Vanguard của Nigeria, số ra ngày thứ Ba 18 tháng Giêng, kể lại câu chuyện nghẹt thở sau đây, xảy ra hôm 17 tháng Giêng.
Những người thờ phượng buổi sáng sớm tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Têrêxa thành Calcutta, đã thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc khi một số thanh niên vác gậy gộc, chai lọ xông vào nhà thờ và ra lệnh giải tán những người thờ phượng.
Các thanh niên này cho biết họ là thành viên của IPOB, và nói thêm rằng những người thờ phượng không có lý do gì để bước ra khỏi nhà của họ vào một ngày lãnh đạo IPOB, Mazi Nnamdi Kanu phải ra hầu tòa.
Một phụ nữ cho biết nhà cô chỉ cách nhà thờ vài khu phố, và nhận định rằng chính sự khôn ngoan của cha xứ, là vị chủ tế trong thánh lễ, đã cứu vãn được tình hình.
Cô cho biết: “Sáng hôm qua tôi đã tham dự thánh lễ 5:30 sáng tại nhà thờ của tôi, Thánh Têrêxa thành Calcutta, gần ngã ba Ukaegbu”.
“Chúng tôi đã hoàn thành thánh lễ được một nửa thì một nhóm thanh niên, là thành viên của IPOB bước vào nhà thờ. Họ mang theo gậy gộc, chai lọ và đi thẳng lên bàn thờ”.
“Họ đến gặp cha xứ của chúng tôi, Cha Joseph và hỏi ngài tại sao lại dám cử hành thánh lễ vào một ngày mà chủ của họ phải ra tòa. Đám này rất đông người và rõ ràng là đang rất tức giận”.
“Mọi người trong nhà thờ đều nhón gót lên bỏ chạy. Đáng lẽ sẽ xảy ra một vụ giẫm đạp vì có rất nhiều người trong thánh lễ sáng hôm qua. Nhưng thấy cha xứ có vẻ bình tĩnh nên nhiều người đứng lại, một số người cũng không muốn bỏ lại cha xứ trong tình huống căng thẳng như thế.”
“Cha Joseph nói với họ rằng chúng tôi tổ chức thánh lễ hôm nay để cầu nguyện cho việc trả tự do cho Nnamdi Kanu. Ngài dùng chiến thuật ngoại giao để nói chuyện với họ, và thậm chí hỏi họ rằng họ thực sự ủng hộ Ndi Igbo hay chống lại Ndi Igbo? Bấy giờ họ nói không sao và nếu đúng như vậy thì OK, những người trong nhà thờ đứng về phía họ”.
“Họ kêu gọi mọi người tiếp tục thánh lễ. Một số người trong chúng tôi sợ đến mức chạy thẳng về nhà. Đám thanh niên này xin lỗi vị linh mục và bỏ đi”.
“Khi họ đi ra ngoài, họ thấy một người đạp xe ba gác. Không ai biết tại sao người đàn ông này lại ở ngoài đường trong ngày IPOB buộc mọi người phải ngồi ở nhà, người ta hầu như không nhìn thấy chiếc xe nào ở ngoài đường. Họ đánh người đàn ông và đốt cháy chiếc xe ba gác của anh ta”.
Nhiều trường học yêu cầu học sinh đừng đến trường, và tất cả các chợ búa vẫn đóng cửa.
Source:Vanguard News Nigeria
2. Hàng trăm nhà sư chạy trốn giao tranh ở Miến Điện
Ở Loikaw, bang Kayah, khoảng 30 tu viện bị bỏ hoang, những người cư ngụ trong các tu viện này đã phải hối hả rời thị trấn trên hàng chục chiếc xe tải. Phóng viên AFP cho biết thêm, nhiều nhà sư cũng đã chạy trốn khỏi cuộc giao tranh đang diễn ra ở Demoso, cách đó vài km.
Hai thị trấn nằm cách thủ đô Naypyidaw 200 km về phía đông, trong nhiều ngày qua là nơi diễn ra các cuộc giao tranh dữ dội giữa phiến quân và lực lượng vũ trang. Quân đội Miến Điện đã tiến hành các cuộc không kích và pháo kích dữ dội.
Liên Hợp Quốc ước tính rằng một nửa dân số Loikaw đã buộc phải di tản và gần 90,000 người từ bang Kayah đã phải chạy trốn. Các phương tiện truyền thông địa phương đưa ra con số phải di dời lên tới hơn 170,000 người.
Ở Loikaw, các tay súng nổi dậy đã chiếm các nhà thờ và những ngôi nhà bỏ hoang. Một cảnh sát địa phương cho biết họ cũng phá cửa một nhà tù để lôi kéo những người bị giam giữ tham gia.
Miến Điện rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính quân sự ngày 1 tháng 2 năm 2021 lật đổ bà Aung San Suu Kyi và kết thúc một thập kỷ chuyển đổi dân chủ.
Các nhóm nổi dậy, thường bao gồm các công dân, đã vũ trang chống lại chính quyền và giao tranh đã gia tăng ở phía đông đất nước kể từ khi kết thúc gió mùa và bắt đầu mùa khô.
Vào đêm Giáng Sinh, ở bang Kayah, ít nhất 35 người đã thiệt mạng, thi thể của họ bị đốt cháy, trong một vụ thảm sát được đổ lỗi cho quân đội.
Đặc phái viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Miến Điện, Tom Andrews, kêu gọi lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing “ngừng các cuộc tấn công trên không và trên bộ” vào Loikaw và mở các “hành lang viện trợ nhân đạo”.
Kể từ sau cuộc đảo chính, cộng đồng quốc tế đã không còn nhiều cơ hội để cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng. Chính phủ đã bịt miệng điếc tai trước lời kêu gọi của Liên hợp quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, gọi tắt là ASEAN.
Và, trong khi tình hình sức khỏe và nhân đạo đang ở mức nguy cấp, quân đội đang ngăn chặn việc vận chuyển hàng viện trợ và các dụng cụ y tế đến các khu vực có sức đề kháng mạnh của phiến quân.
Theo một tổ chức phi chính phủ địa phương, hơn 1,400 dân thường đã bị giết bởi lực lượng an ninh và hơn 11,000 người đã bị bắt.
Source:lapresse.ca
3. Nga tập kết quân ở biên giới, Ukraine mong mỏi Đức Thánh Cha sang thăm
Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk nói: “Mỗi khi Đức Thánh Cha nói về Ukraine, mọi người bắt đầu tự hỏi họ là loại người nào, họ sống để làm gì, tại sao Đức Thánh Cha lại nói về họ. Và khi Đức Thánh Cha đến Ukraine, ngài sẽ mang theo sự chú ý, ủng hộ và cầu nguyện của tất cả các Kitô hữu trên thế giới với ngài”.
Theo nhà lãnh đạo hàng đầu của Công Giáo nghi lễ Đông phương, Ukraine đặc biệt cần chuyến thăm này trong ngày hôm nay, vì “Những năm gần đây Ukraine hầu như không được nghe nói đến, ít người trên thế giới nhớ về cuộc chiến ở miền Đông nước ta. Nó dường như trở thành một chủ đề được gọi là ngoài lề. Đó là lý do tại sao chúng tôi thực sự muốn một chuyến thăm như vậy diễn ra”.
Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav đã lặp đi lặp lại lời mời Đức Thánh Cha đến thăm Ukraine trong buổi tiếp kiến cuối cùng tại Vatican, diễn ra vào tháng 11 năm ngoái. Trong khi đó Nga đang tập trung quân đông đảo ở biên giới và có những lo âu rằng quân Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào.
Đầu tháng 12 vừa qua, sau chuyến viếng thăm Vatican, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav nhận định rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể thăm Ukraine trong tương lai gần, ngài đưa ra lập trường trên tại Diễn đàn An ninh Kiev.
“Vài tuần trước, tôi đã có cơ hội trao đổi cá nhân với Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Ukraine. Ngài rất lo lắng cho số phận của những người dân thường. Những người ngày nay có thể không được lắng nghe”.
“Chúng ta có tin tốt. Chúng tôi mong đợi chuyến thăm của ngài đến Ukraine sẽ sớm diễn ra. Điều này vẫn chưa được công bố, nhưng chúng ta đã sống trong dự đoán và chuẩn bị”.
Ngài nói: “Đây là một tín hiệu rất mạnh mẽ về sự ủng hộ đối với người dân và nhà nước của chúng ta”.
Source:Ukraine Catholic
4. Nữ tu được Đức Hồng Y Bergoglio xức dầu kẻ liệt đang trên con đường phong chân phước
María Bernardetta dell'Immacolata sinh ra ở Ý năm 1918. Năm 17 tuổi, cô gia nhập Dòng Nữ Tu Khó Nghèo của Thánh Giuse.
Trong suốt cuộc đời của mình với tư cách là một nữ tu, sơ đã hiến mình cho việc đào tạo các linh mục và nữ tu. Ơn gọi của sơ đã đưa sơ đến Á Căn Đình, nơi sơ gặp Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, Tổng Giám Mục của Buenos Aires.
Mẹ Bề Trên Gregoria của Dòng Nữ Tu Khó Nghèo của Thánh Giuse cho biết:
“Sơ ấy trở lại Buenos Aires, nơi sơ ấy làm việc trong nhà tĩnh tâm linh thao của Thánh Y Nhã thành Loyola. Kế bên là tập viện Dòng Tên. Hồi đó, vị linh mục vừa là hiệu trưởng vừa là người đứng đầu nhà tập là Cha Jorge Mario Bergoglio, người ngày nay là Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.
Tại Á Căn Đình, Sơ Bernardetta đã đồng hành với các chủng sinh trong hành trình đào tạo của các vị. Họ nói rằng nhiệt tình của sơ ấy đã truyền cảm hứng cho sự tin tưởng trong quá trình học tập.
“Sơ Bernarda đã thể hiện sự hỗ trợ đối với các chủng sinh khi họ cảm thấy nản lòng, sơ cổ vũ họ. Sơ ấy giống như người mẹ tinh thần của họ vậy”.
Sơ đã dành những năm cuối đời ở Rôma. Năm 2001, khi sức khỏe suy giảm, sơ nhận được một chuyến thăm đặc biệt.
“Tôi đã ở đây vào năm 2001 khi sơ ấy vẫn còn sống. Sơ ấy qua đời vào ngày 12 tháng 12. Và Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio đến vào ngày 2 tháng 12, và sơ ấy đã yêu cầu ngài xức dầu bệnh nhân cho mình. Ngài nói với sơ ấy rằng ngài sẽ trở lại vào tháng Hai, rằng sơ ấy không nên lo lắng. Sau đó, sơ ấy cám ơn Đức Hồng Y, nhưng bày tỏ lo ngại rằng ngài sẽ không còn gặp được sơ ấy nữa. Vì vậy, Đức Hồng Y đã xức dầu cho sơ ấy vào ngày hôm sau. 9 ngày sau sơ ấy mất.”
Tấm gương phục vụ của Sơ Bernardetta đã mở đường cho sự nghiệp phong chân phước của sơ đã được mở vào năm 2019. Dòng Nữ Tu Khó Nghèo của Thánh Giuse hy vọng sẽ hoàn thành giai đoạn địa phương vào năm tới và trình bày trường hợp của sơ lên Vatican.
Source:Rome Reports
5. Lịch sử tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo
Năm 1908, Mục Sư Paul Wattson đang coi sóc một nhà thờ Anh giáo ở Graymoor, New York, đưa ra sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo với sự hỗ trợ của các giám mục Anh giáo và Công Giáo, trong đó có Đức Hồng Y William O'Connell của Boston. Tuần Tám Ngày này bắt đầu vào ngày 18 tháng Giêng, lúc bấy giờ là Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô ở Rôma, và kết thúc vào ngày 25 tháng Giêng, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại.
Năm sau, mục sư Wattson và toàn thể cộng đoàn Anh Giáo của ngài gia nhập Giáo Hội Công Giáo, và vào năm tiếp theo, tức là năm 1910, cựu mục sư Wattson đã được thụ phong linh mục.
Sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo lan tràn nhanh chóng, và vào năm 1916, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15, cổ vũ sáng kiến này trong toàn thể Giáo Hội và Tuần Tám ngày này chính thức mang tên Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.
Năm 1964, Công Đồng Vatican II ban hành Sắc Lệnh Đại Kết (Unitatis Redintegratio), và ngày 30/5/1995, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành thông điệp Ut Unum Sint, gồm có ba chương với những tựa đề: Sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo vào công cuộc đại kết; các kết quả của tiến trình đối thoại; và đường còn xa lắm không? Thông điệp đã kiểm điểm những thành quả của tiến trình đối thoại; và phác họa những bước còn phải tiếp tục.
Đây là hai văn kiện làm nền tảng cho Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.
Tưởng cũng nên nhắc lại, trong buổi tiếp kiến sáng 10-11 năm 2016 dành cho Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, Đức Thánh Cha đã minh định thế nào là Hiệp Nhất Kitô Giáo.
70 Hồng Y, Giám Mục thành viên, cùng với các vị cố vấn và viên chức tham dự khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Chủ tịch Kurt Koch, về chủ đề “Sự hiệp nhất các tín hữu Kitô: kiểu mẫu nào cho sự hiệp thông trọn vẹn?”
Lên tiếng trong dịp này, sau khi nhấn mạnh sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô như một đòi hỏi thiết yếu của đức tin chúng ta, một đòi hỏi xuất phát từ cốt tính của chúng ta như những người tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Đức Thánh Cha cảnh giác chống lại 3 kiểu mẫu sai trái về sự hiệp nhất:
- Trước tiên “hiệp nhất không phải là kết quả những cố gắng của con người, hoặc là sản phẩm hoạt động ngoại giao của Giáo Hội, nhưng là một hồng ân đến từ trên cao. Loài người chúng ta không có khả năng tự mình kiến tạo sự hiệp nhất, và cũng không thể quyết đinh những hình thức và thời điểm khi nào. Trong bối cảnh đó, hiệp nhất là một hành trình, đòi phải kiên nhẫn, chờ đợi, kiên trì, vất vả và dấn thân. Hiệp nhất không xóa bỏ những xung đột và không loại trừ những tương phản. Đức Thánh Cha thường lập lại rằng hiệp nhất được thực hiện khi đồng hành, nghĩa là khi chúng ta gặp gỡ nhau như anh chị em, cầu nguyện, cộng tác với nhau trong việc loan báo Tin Mừng và phục vụ những người rốt cùng.”
- Thứ hai, hiệp nhất không phải là đồng nhất. Những truyền thống khác nhau về thần học, phụng vụ, linh đạo và giáo luật được phát triển trong thế giới Kitô, khi chúng ăn rễ chân thành trong truyền thống tông đồ, là một phong phú chứ không phải là một đe dọa cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. Tìm cách dẹp bỏ những khác biệt ấy là đi ngược lại với Chúa Thánh Linh, Đấng hoạt động làm cho cộng đoàn tín hữu được phong phú nhờ các hồng ân khác nhau.
- Sau cùng hiệp nhất không phải là gộp vào nhau. Sự hiệp nhất các tín hữu Kitô không bao hàm một “sự đại kết lùi lại” khiến cho bên nào đó phải chối bỏ lịch sử đức tin của mình, và sự hiệp nhất này cũng không chấp nhận sự chiêu dụ tín đồ của nhau, vì hành động này là thuốc độc đối với hành trình đại kết.
Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng “Trước khi nhìn những điều chia cách của chúng ta, cũng cần nhận thức thiết yếu sự phong phú của những gì liên kết chúng ta, như Kinh Thánh, các bản tuyên xưng đức tin của các công đồng chung đầu tiên. Làm như thế các tín hữu Kitô có thể nhìn nhận nhau là anh chị em cùng tin nơi Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất, dấn thân tìm kiếm cách thức vâng theo Lời của Chúa ngày hôm nay, Đấng muốn hiệp nhất tất cả chúng ta”