Sandro Magister, ký giả kỳ cựu về Vatican vừa có bài viết nhan đề “Nell’ortodossia è scisma tra Mosca e Costantinopoli. Ma Roma non sa con chi stare”, nghĩa là “Trong thế giới Chính Thống Giáo, đang có sự ly giáo giữa Mạc Tư Khoa và Constantinople. Nhưng Rôma không biết đứng về phía nào”
Ngay khi những tin đồn đang nổi lên xoay quanh địa điểm và ngày giờ diễn ra cuộc gặp mới được nhiều người trông đợi giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và giáo chủ Chính thống giáo của Mạc Tư Khoa, Kirill, với việc Kazakhstan bỏ cuộc [vì cuộc biểu tình khổng lồ], và tu viện Pannonhalma của Hung Gia Lợi tràn trề hy vọng- mối quan hệ giữa Công Giáo và Chính thống giáo trên thực tế đang bị tê liệt.
Rắc rối nghiêm trọng đối với Đức Thánh Cha Phanxicô đến từ những gì đang xảy ra trong thế giới Chính thống giáo. Đức Thượng Phụ Kirill đang có xung đột công khai, trên bờ vực ly giáo, với hai trong số các Tòa Thượng Phụ lịch sử của Giáo Hội Đông phương, Constantinople và Alexandria, là những Tòa trước đây đặc biệt gần gũi với Rôma.
Điều đã khiến Đức Thượng Phụ Kirill tức giận đến mức phá vỡ sự hiệp thông Thánh Thể với Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Constantinople là quyết định được chính thức hóa vào ngày 6 tháng Giêng năm 2019, công nhận quyền tự trị khỏi Mạc Tư Khoa của Giáo hội Chính thống Ukraine mới thành lập, do Đức Thượng Phụ Epiphanius lãnh đạo.
Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa ngay lập tức lên án việc công nhận này là bất hợp pháp. Mạc Tư Khoa coi Giáo hội Ukraine là một phần của mình, như nó luôn là như thế, và trên thực tế, một phần đáng kể của Chính thống giáo Ukraine, lãnh đạo bởi Đức Tổng Giám Mục Onufriy, tiếp tục chịu sự quản lý của giáo chủ Mạc Tư Khoa. Trong khi ngược lại, Đức Thượng Phụ, với tư cách là giáo chủ đại kết và là “Thượng Phụ thứ nhất” trong thế giới Chính thống nói chung, cho rằng ngài có quyền thành lập các Giáo hội “độc lập”, tự cai quản họ và thực tế là đang hành động theo cung cách đó.
Nếu điều này được thêm vào tình trạng chiến tranh giữa Nga và Ukraine cùng với mối liên hệ rất chặt chẽ giữa Đức Thượng Phụ Kirill và tổng thống Nga Vladimir Putin, người ta có thể hiểu cuộc đụng độ giữa hai quốc gia sẽ nghiêm trọng như thế nào. Cuối cùng, nó có thể bao gồm việc Đức Thượng Phụ Mạc Tư Khoa từ chối vai trò của vị giáo chủ đại kết Constantinople, và quyền lực tối cao mà ngài tuyên bố.
Được khuyến khích bởi ảnh hưởng từ số tín hữu đông đảo và vị thế chính trị của mình trong thế giới Chính thống giáo, Mạc Tư Khoa ngay lập tức cảnh báo tất cả các Giáo hội Chính thống khác không được công nhận Giáo hội Chính thống Ukraine tân lập. Chỉ có các Giáo Hội Hy Lạp và Síp, có mối liên hệ chặt chẽ nhất với Constantinople, mới dám làm trái ý Mạc Tư Khoa. Nhưng giờ đây vị giáo chủ Chính thống giáo Alexandria “và của toàn Phi Châu” Theodore II cũng đã làm như vậy, Mạc Tư Khoa đã phản ứng tàn bạo đến mức không ai ngờ tới.
Tín hiệu đầu tiên bắt nguồn từ tháng 12 năm 2019, khi Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa lấy mất của Tòa Thượng Phụ Alexandria sáu giáo xứ Phi Châu, giao cho các nhà truyền giáo Nga.
Trong Chính thống giáo, mỗi vị Thượng Phụ có thẩm quyền đối với lãnh thổ giáo luật của riêng mình, trong đó không có Thượng Phụ nào khác có thể can thiệp, và Phi Châu theo truyền thống cổ đại thuộc về Tòa Thượng Phụ Alexandria.
Nhưng Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã phá vỡ truyền thống này, xâm nhập vào lãnh thổ của người khác, do đó gây ra cho người khác điều mà họ chưa bao giờ dung thứ cho ai dám gây ra với mình. Ngày 29 tháng 12 năm ngoái, Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga đã thành lập cơ quan đại diện riêng của mình cho Phi Châu, với hai giáo phận: giáo phận thứ nhất có trụ sở tại Cairo và có quyền tài phán đối với phần phía bắc của lục địa, giáo phận thứ hai có trụ sở tại Nam Phi, cho phần phía nam. Hai giáo phận đã có ngay 102 linh mục, những người đã chuyển từ Tòa Thượng Phụ Alexandria sang thần phục Mạc Tư Khoa.
Tòa Thượng Phụ mới có trụ sở chính không phải ở Phi Châu mà ở Mạc Tư Khoa, và đã được giao cho Đức Tổng Giám Mục Leonid của Vladikavkaz, với tước hiệu là Đức Thượng Phụ Toàn Phi Châu.
Phản ứng từ Alexandria là ngay lập tức. Vào ngày 30 tháng 12, Đức Thượng Phụ Theodore II bày tỏ “nỗi buồn sâu sắc nhất trước quyết định của Tòa Thượng Phụ Nga về việc thành lập một Tòa Thượng Phụ trong giới hạn bình thường có thẩm quyền của Tòa Thượng Phụ cổ đại Alexandria.” Và ngài thông báo rằng cuộc đối đầu sẽ được thảo luận tại “một phiên họp sắp tới của Thánh Công Đồng”, tại đó “các quyết định liên quan sẽ được đưa ra”: nghĩa là, tại phiên họp đã được triệu tập vào ngày 10 tháng Giêng để tiến hành bổ nhiệm người kế vị cho Đức Cha Jonah Lwanga, Tổng Giám Mục Kampala và toàn bộ Uganda. Đức Cha Jonah Lwanga, đã qua đời, là một nhân cách có uy tín và tâm linh mẫu mực, là một trụ cột Phi Châu của Tòa Thượng Phụ Alexandria.
Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 12 tháng Giêng vào cuối phiên họp Thánh Công Đồng, Tòa Thượng Phụ Alexandria đã tố cáo “sự nhầm lẫn lây lan như một bệnh dịch” được tạo ra bởi Giáo hội Nga giữa các tín hữu Phi Châu, là “những con cái được sinh ra trong Chúa Kitô,” và thông báo “áp dụng trung thành và ngay lập tức các biện pháp trừng phạt của Giáo hội, được quy định bởi các quy tắc giáo luật, đối với những kẻ vi phạm,” tuy nhiên, không nói rõ liệu các biện pháp trừng phạt đó có bao gồm việc phá vỡ sự hiệp thông Thánh Thể với Giáo hội Nga hay không.
Nhưng mục tiêu của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa không chỉ giới hạn ở Phi Châu, nó còn muốn tấn công ở những nơi khác và cao hơn. Trong một cuộc phỏng vấn với cơ quan Novosti, Đức Tổng Giám Mục Hilarion của Volokolamsk, chủ tịch Ủy ban quan hệ đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, nói rằng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Giáo hội Nga cũng có thể làm những gì họ đang làm ở Phi Châu, bởi vì “chúng tôi không thể phủ nhận việc chăm sóc mục vụ cho các tín hữu Chính thống giáo trong tình huống khi Đức Thượng Phụ Constantinople đứng về phía ly giáo”.
Do đó, không thể loại trừ rằng Mạc Tư Khoa cũng sẽ sớm tiến hành thành lập các giáo xứ của riêng mình ở Thổ Nhĩ Kỳ, nghĩa là, trong lãnh thổ giáo luật của Đức Thượng Phụ Constantinople. Nhưng còn nhiều hơn thế. Trong cùng một cuộc phỏng vấn được trích dẫn ở trên, Đức Tổng Giám Mục Hilarion đã tuyên bố rằng chỉ có “sự khôn ngoan đồng nghị của Giáo hội mới có thể hàn gắn sự ly giáo trong cộng đồng Chính thống giáo thế giới.” Những từ bí ẩn này gợi lên sự triệu tập hội nghị thượng đỉnh giữa những người đứng đầu Giáo Hội Chính thống giáo, là loại đã được tổ chức lần đầu tiên tại Amman, Jordan, vào ngày 26 tháng 2 năm 2020.
Trên thực tế, những người tham dự cuộc họp chỉ là một nhóm vài người gặp nhau ở Amman, đó là những người gần nhất với Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Và chính Kirill là người đã triệu tập.
Đức Thượng Phụ Kirill gợi lên cuộc chia rẽ năm 1054 giữa Constantinople và Rôma để ngay lập tức nói thêm rằng, ngày nay, sau một thiên niên kỷ, Chính thống giáo lại phải đối mặt với một cuộc ly giáo cũng có nguồn gốc từ một tầm nhìn khác về “tính tối thượng”.
Tuy không bao giờ nêu đích danh Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Constantinople nhưng đề cập đến ngài một cách rõ ràng, Đức Thượng Phụ Kirill chỉ ra không ai khác ngoài Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô là thủ phạm của cuộc ly giáo mới, bởi vì bằng cách sử dụng danh hiệu “primus inter pares”, ngài giả định mình có quyền quyết định thay cho tất cả mọi người, mà không chấp nhận “một hệ thống kiểm soát có tính thượng hội đồng đối với các hành động của Tòa Thượng Phụ Đại Kết.”
Tại Amman, Đức Thượng Phụ Kirill nêu ra sáu điểm là các vấn đề cần thảo luận mà một hội nghị thượng đỉnh trong tương lai nên tập trung, cả sáu điểm đều nhằm thu nhỏ quyền lực của Đức Thượng Phụ Đại Kết Constantinople.
Và đây chính xác là mục tiêu mà Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa muốn hướng tới. Sau khi làm hỏng Thượng Hội Đồng Chính thống giáo do Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô triệu tập ở Crete vào năm 2016 sau sáu mươi năm chuẩn bị công phu, bằng cách tẩy chay và xúi các Giáo Hội khác tẩy chay, Kirill giờ muốn trở thành người điều hành hội nghị thượng đỉnh trong tương lai nhằm giải giáp tất cả các quyền lực tối cao dám so kè với ngài của Constantinople.
Cuộc gặp đầu tiên giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill diễn ra tại sân bay Havana vào ngày 12 tháng 2 năm 2016, bốn tháng trước khi Thượng Hội Đồng Chính thống giáo thất bại. Cuộc gặp gỡ thứ hai giữa hai người, nếu và khi nó diễn ra, có thể báo trước một sự rạn nứt dứt khoát trong thế giới Chính Thống Giáo.
Ngày nay, giữa Mạc Tư Khoa và Constantinople, không dễ để Rôma tìm ra con đường đúng đắn.
Source:Sandro Magister