1. Brazil xây một bức tượng Chúa Giêsu lớn hơn tượng Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc
Một bức tượng Chúa Kitô đang được xây dựng ở Brazil sẽ lớn hơn bức tượng Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc mang tính biểu tượng ở Rio de Janeiro.
Bức tượng được xây dựng từ năm 2019 sẽ được gọi là Cristo Protetor, nghĩa là Chúa Kitô Đấng Bảo Vệ và đang được dựng trên Cerro de las Antenas, một ngọn đồi gần Encantado ở bang Rio Grande do Sul.
Dự án được lên kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2021, nhưng vì đại dịch coronavirus, chính quyền bang đã gia hạn đến cuối tháng Giêng năm nay.
Cristo Protetor, theo tiếng Bồ Đào Nha, sẽ cao 140 feet, tức là 43m, tính luôn cả đế tượng. Tượng Cristo Redentor, Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc, ở Río de Janeiro, cao 98 feet, tức là 30m. Nếu tính luôn cả đế tượng, tượng Cristo Redentor cao 38m. Như thế, vẫn thua tượng mới 5m.
Chiều ngang từ bàn tay này sang bàn tay kia của tượng mới là 118 feet, tức là 36m. Tượng cũ là 28m. Sau khi hoàn thành, du khách sẽ có thể đi thang máy bên trong bức tượng đến trái tim trên ngực bức tượng, từ đây họ sẽ có cái nhìn toàn cảnh về Encantado, Hồ Garibaldi và Thung lũng Taquari.
Với kích thước này, bức tượng Chúa Kitô Đấng Bảo Vệ vượt qua tượng Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc, được xây dựng vào năm 1931 bằng bê tông cốt thép.
Tượng Cristo Redentor có ngân sách hoàn thành khoảng 364,000 đô la và được tài trợ bởi cộng đồng địa phương, đặc biệt là “Amigos de Cristo”, một hiệp hội phi lợi nhuận tìm cách thúc đẩy “đức tin và lòng sùng mộ” với dự án hoành tráng này.
Theo hãng thông tấn Tây Ban Nha EFE, tượng Cristo Redentor được thiết kế bởi nhà điêu khắc Genésio Gomes de Moura và con trai ông, Moisés Markus Moura.
Vào cuối tháng 12, thống đốc của Río Grande do Sul, Eduardo Leite, đã ký một thỏa thuận với thị trưởng Valle de Taquari về việc mở những con đường cho phép du khách đến được với tượng Cristo Redentor.
Công trình sẽ cải thiện con đường dài 1.4 dặm, tức là 2.2km, để đến bức tượng mới. Thành phố cũng sẽ xây dựng một con đường cho người đi bộ.
Source:Catholic News Agency
2. Chính sách cấm giáo dân đến nhà thờ nếu chưa tiêm chủng của một giáo xứ vấp phải phản ứng mạnh
Một giáo xứ ở Anh đã yêu cầu người Công Giáo đừng tham dự Thánh lễ nếu họ “chưa được tiêm phòng hoặc không đeo khẩu trang”.
Giáo xứ Thánh Gia, ở East Nottingham, miền trung nước Anh, đã đưa ra yêu cầu này gần đây nhất trong một bản tin ngày 26 tháng 12.
Dưới tiêu đề “Giữ an toàn”, giáo xứ yêu cầu những người tham dự Thánh lễ sử dụng nước rửa tay diệt khuẩn và đeo khẩu trang y tế khi tham dự thánh lễ tại ba nhà thờ của giáo xứ.
“Nếu bạn chưa được chủng ngừa hoặc không đeo khẩu trang y tế, vui lòng đừng đến tham dự Thánh lễ”.
Giáo xứ cũng đã đưa ra yêu cầu tương tự trong các bản tin của mình vào ngày 19 tháng 12 và Ngày Giáng Sinh, nhưng trong bản tin mới nhất vào ngày 2 tháng Giêng, yêu cầu đó biến mất sau các phản ứng dữ dội của anh chị em giáo dân và Tòa Giám Mục.
Chính sách này đã bị chỉ trích trên mạng xã hội. Một linh mục Công Giáo mô tả chính sách này là “tai tiếng, nham hiểm và phản Kitô”.
Khi được hỏi liệu Đức Cha Patrick McKinney, Giám mục địa phương, có ủng hộ lập trường của giáo xứ hay không, một phát ngôn viên của Giáo phận Nottingham nói rằng tình trạng tiêm chủng không nên là một “rào cản” đối với những người Công Giáo tham dự Thánh lễ.
“Luật pháp quy định rằng việc đeo khẩu trang y tế là bắt buộc trong Thánh lễ trừ khi bạn được miễn trừ và chúng tôi tin tưởng tất cả các giáo xứ của chúng tôi bảo đảm rằng yêu cầu pháp lý này được thực hiện với lòng bác ái và lịch sự,” người phát ngôn cho biết vào ngày 4 tháng Giêng.
“Trong khi nhiều người trong Giáo Hội Công Giáo ở Anh và xứ Wales và hơn thế nữa đã lên tiếng khuyến khích các tín hữu tiêm vắc-xin COVID-19 để bảo vệ chính họ và bảo vệ những người khác, lựa chọn này cuối cùng là vấn đề của lương tâm cá nhân.”
“Quyết định từ chối vắc-xin không nên là một rào cản đối với việc lãnh nhận các bí tích hoặc tham dự Thánh lễ.”
Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết giáo xứ, được thành lập gần đây sau khi hợp nhất các giáo xứ Thánh Augustinô, Đức Mẹ & Thánh Edward, và Thánh Tâm, cung cấp khẩu trang miễn phí cho người đi lễ và không kiểm tra tình trạng tiêm chủng của những người tham dự Thánh lễ.
Điều phối viên cộng đồng giáo xứ Diane Williams nói với CNA vào ngày 4 tháng Giêng rằng yêu cầu này nhằm bảo vệ các thành viên của cộng đồng khỏi bị nhiễm trùng và nhập viện.
Bà cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng hết sức để bảo vệ cộng đồng khỏi nhập viện, đặc biệt là những người cao tuổi và dễ bị tổn thương, và Dịch vụ Y tế Quốc gia phải làm việc quá sức ở một thành phố nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất cả nước”.
Bà chỉ ra dữ liệu của chính phủ cho thấy trong khu vực chính quyền địa phương Nottingham, 36.4% người từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm liều tăng cường hoặc liều thứ ba của vắc-xin COVID-19. Ở một số khu vực khác, con số này lên tới 70%.
Tuy nhiên, biến thể omicron được báo cáo là lây lan nhanh chóng ngay cả trong số những người được tiêm chủng đầy đủ.
Ước tính cứ 15 người ở Anh thì có 1 người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút này vào tuần cuối cùng của năm 2021. Nhưng chính phủ cho đến nay vẫn loại trừ một đợt đóng cửa trên toàn quốc khác.
Tháng trước, Vatican nhấn mạnh sự ủng hộ đối với vắc xin COVID-19 trong bối cảnh toàn cầu lo ngại về sự lây lan nhanh chóng của biến thể omicron.
“Đức Thánh Cha đã định nghĩa tiêm chủng là 'một hành động của tình yêu thương', vì nó nhằm mục đích bảo vệ mọi người chống lại COVID-19”, phòng báo chí của Tòa Thánh cho biết vào ngày 22 tháng 12.
Sự can thiệp của Vatican được đưa ra khi các quốc gia trên thế giới áp đặt các hạn chế mới nhằm làm chậm sự lây lan của biến thể omicron, được cho là lây lan dễ dàng hơn so với virus SARS-CoV-2 ban đầu.
Các biện pháp này đã gây ra các cuộc biểu tình phản đối ở một số nước châu Âu.
Cảnh sát chống bạo động Hà Lan đã phá vỡ một cuộc biểu tình chống lock down với sự tham gia của hàng nghìn người ở Amsterdam vào ngày 2 tháng Giêng.
Ước tính có khoảng 44,000 người đã tham dự một cuộc biểu tình chống lại vắc xin bắt buộc ở Vienna vào ngày 11 tháng 12, sau khi chính phủ thông báo rằng Áo sẽ trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên áp dụng tiêm chủng bắt buộc chống lại COVID-19 từ tháng 2 năm 2022.
Ý đã chứng kiến các cuộc đình công và biểu tình để phản ứng với quyết định của chính phủ về việc nước này bắt buộc phải có Thẻ xanh đối với người lao động. Thẻ Xanh chứng minh rằng chủ sở hữu đã được tiêm chủng, xét nghiệm âm tính sau mỗi 48 giờ, hoặc gần đây đã hồi phục sau COVID-19.
Tuyên bố tháng trước của Vatican không đề cập đến cuộc tranh luận về việc tiêm chủng bắt buộc. Sự can thiệp gần đây nhất của Vatican về chủ đề này là vào năm 2020.
Bộ Giáo lý Đức tin cho biết trong “Lưu ý về đạo đức của việc sử dụng một số loại vắc xin chống COVID-19,” được phát hành vào ngày 21 tháng 12 năm 2020, rằng “tiêm chủng không phải là nghĩa vụ đạo đức, do đó, nó phải là tự nguyện”.
Source:Catholic News Agency
3. Các tín hữu Chính Thống Giáo đón Giáng Sinh trong bối cảnh lo ngại về virus
Các tín hữu Chính Thống Giáo ở Nga, Serbia và các quốc gia khác đã cử hành lễ Giáng Sinh vào hôm thứ Sáu trong bối cảnh các hạn chế nhằm làm giảm sự lây lan của coronavirus, nhưng không mấy người tỏ ra quan tâm khi họ đến các nhà thờ vào đêm Giáng Sinh.
Phần lớn các tín hữu Chính thống giáo tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 7 tháng Giêng, đặc biệt là thánh lễ lúc nửa đêm. Các nhà thờ ở Rumani, Bảo Gia Lợi hay còn gọi là Bulgaria, Ukraine, Síp và Hy Lạp cử hành Lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 cùng với các tín hữu Công Giáo và các Kitô Hữu khác.
Giáo Hội Chính thống Nga, là cộng đoàn Chính thống giáo lớn nhất thế giới, cho biết những vị đồng tế cần phải đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách xã hội trong các cử hành Giáng Sinh. Tại Nhà thờ Chúa Cứu thế khổng lồ ở Mạc Tư Khoa, Đức Thượng Phụ Kirill, lãnh đạo Giáo Hội và các linh mục mặc áo choàng vàng khác đã đọc kinh cầu nguyện và xông hương chúc lành cho các tín hữu trong một buổi lễ lúc nửa đêm.
Video của buổi lễ là video quý vị và anh chị em đang xem thấy đây cho thấy khoảng một nửa số người tham dự không đeo khẩu trang y tế hoặc có đeo thì kéo xuống cằm trong khi tham dự thánh lễ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng không đeo khẩu trang y tế, đã tham dự một buổi lễ tại Nhà thờ Tượng Chúa Cứu Thế Không Có Bàn Tay ở Novo-Ogaryovo, ngoại ô Mạc Tư Khoa.
Số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày của Nga đã giảm khoảng một nửa so với tháng trước, xuống còn khoảng 15,000 ca vào hôm thứ Năm. Tuy nhiên, mối quan tâm mạnh mẽ là biến thể omicron rất dễ lây lan có thể đang có chỗ đứng trong nước.
Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko cho biết hôm thứ Năm rằng các quan chức đã phát hiện nhiễm trùng omicron ở những người chưa hề đi du lịch bên ngoài nước Nga.
Tại thủ đô Belgrade của Serbia, hàng trăm tín hữu Chính Thống Giáo đã tập trung bên ngoài Đền Thánh Sava, là nhà thờ Chính thống giáo lớn nhất của Serbia, để đốt những cành sồi khô tượng trưng cho khúc gỗ Yule theo truyền thống. Nhà thờ cũng cử hành một buổi lễ đêm Giáng Sinh vào lúc nửa đêm.
Không có biện pháp chống vi rút cụ thể nào được công bố cho các nghi lễ tôn giáo của Serbia mặc dù sự gia tăng rất lớn các các nhiễm coronavirus dường như được thúc đẩy bởi biến thể omicron. Hôm thứ Năm, Serbia báo cáo hơn 9,000 trường hợp mắc mới hàng ngày, là con số cao nhất trong một ngày kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Các biện pháp y tế ở Serbia bao gồm bắt buộc sử dụng khẩu trang trong nhà và giới hạn tụ tập, nhưng các quy tắc này vẫn chưa được tôn trọng đầy đủ. Thẻ tiêm chủng được yêu cầu đối với các quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ vào buổi tối nhưng không bắt buộc đối với nhà thờ hoặc các địa điểm trong nhà khác.
Trong thông điệp Giáng Sinh của mình, Thượng phụ Giáo hội Chính thống Serbia Porfirije đã ca ngợi các nhân viên y tế vì công việc của họ trong thời kỳ khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Ngài nói: “Tôi cầu nguyện cho những người bệnh sớm khỏi bệnh và chúng ta sớm thoát khỏi dịch bệnh đã tấn công thế giới”.
Ở Kazakhstan, cộng đồng Chính thống giáo khá lớn không thể tổ chức lễ Giáng Sinh trong các nhà thờ. Tất cả các dịch vụ tôn giáo đã bị hủy bỏ trong tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc được áp dụng sau các cuộc đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát ở một số thành phố. Khoảng 20% người dân ở quốc gia chủ yếu theo đạo Hồi xác định mình là các tín hữu Chính thống giáo.
Source:AP