1. Tổng giáo phận New Orleans phải trả cho Bộ Tư Pháp 1 triệu Mỹ Kim liên quan đến các khoản trợ cấp cơn bão Katrina
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thông báo vào ngày 15 tháng 11 rằng Tổng giáo phận New Orleans sẽ trả hơn 1 triệu đô la trong một vụ dàn xếp liên quan đến các cáo buộc trợ cấp sau cơn bão Katrina.
Theo Bộ Tư pháp, dàn xếp này nhằm “giải quyết các cáo buộc” rằng Tổng giáo phận New Orleans đã “ký xác nhận để FEMA chi tiền cho các trợ cấp liên quan đến các thiệt hại và ước tính sửa chữa được chuẩn bị bởi AECOM, một công ty kiến trúc và kỹ thuật có trụ sở tại Los Angeles,” trong khoảng thời gian kéo dài từ năm 2007 đến năm 2013.
FEMA là chữ viết tắt của Federal Emergency Management Agency, nghĩa là Cục Quản Lý Các Trường Hợp Khẩn Cấp Liên Bang.
Bão Katrina, tấn công New Orleans vào tháng 8 năm 2005, giết chết ít nhất 1,800 người và tàn phá phần lớn thành phố. Tháng 9, 2005, bão Rita lại tấn công vào khu vực gây thêm nhiều tổn thất nặng nề. Cục Quản Lý Các Trường Hợp Khẩn Cấp Liên Bang đã chi gần 20 tỷ đô la cứu trợ.
Vấn đề xuất phát từ trong nội bộ của AECOM. Một chuyên gia của AECOM đã bị cho nghỉ việc. Năm 2016, ông ta tức giận cáo buộc cơ quan cũ của mình là AECOM đã không khai chính xác các thiệt hại của Tổng giáo phận New Orleans và hai trường đại học lịch sử của người da đen ở New Orleans.
Tổng giáo phận New Orleans không cố ý gian lận nhưng không có điều kiện để kiểm tra hết các hạng mục xin bồi thường do AECOM soạn thảo. Tổng giáo phận New Orleans từ chối bình luận vào hôm thứ Hai sau báo cáo của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, nhưng trước đây đã phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào.
Trong giai đoạn 2007-13, tổng giáo phận do Đức Tổng Giám Mục Alfred Hughes và Đức Tổng Giám Mục Gregory Aymond lãnh đạo. Đức Cha Aymond, tổng giám mục hiện tại, đã kế nhiệm Đức Cha Hughes vào tháng 8 năm 2009.
Việc dàn xếp dựa trên tình trạng tài chính của Tổng giáo phận New Orleans, cần có sự chấp thuận cuối cùng của Tòa án Phá sản Hoa Kỳ. Tổng Giáo phận New Orleans đã đệ đơn xin phá sản theo Chương 11 vào ngày 1 tháng 5 năm 2020 giữa một số vụ kiện liên quan đến lịch sử lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.
Source:Catholic News Agency
2. Gần 1,000 tội ác thù hận chống Kitô Giáo được ghi nhận ở Âu Châu vào năm 2020
Theo dữ liệu mới được công bố từ Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Âu Châu, số lượng tội phạm thù hận chống lại Cơ đốc nhân ở Châu Âu đã tăng mạnh vào năm 2020.
Dữ liệu của OSCE, được công bố vào ngày 16 tháng 11, ghi lại 980 vụ việc chống lại các tín hữu Kitô, bao gồm các cuộc tấn công đốt phá nhà thờ Công Giáo, xúc phạm và cướp Mình Thánh Chúa, hành hung các linh mục và vẽ bậy lên tài sản của Giáo hội bởi các nhà hoạt động phá thai.
OSCE trước đó đã báo cáo 595 vụ việc chống lại Kitô Hữu vào năm 2019.
Số vụ tấn công nhằm vào tài sản đã tăng đáng kể vào năm ngoái, từ 459 vụ vào năm 2019 lên 871 vụ vào năm 2020, trong khi số vụ tấn công bạo lực nhằm vào người giảm từ 80 xuống 56 vụ vào năm 2020.
Ba Lan có số tội ác vì lòng căm thù nhiều nhất với 241 vụ vào năm 2020, phần lớn trong số đó là các hành vi phá hoại tài sản Công Giáo liên quan đến lập trường của Giáo hội về phá thai.
OSCE cũng báo cáo 172 biến cố ở Đức, 159 biến cố ở Pháp và 113 biến cố ở Ý. Tòa thánh đã đệ trình dữ liệu lên OSCE về hơn 150 tội ác thù hận chống lại các Kitô Hữu ở Âu Châu.
Tổ chức cũng công bố dữ liệu về tội ác thù hận do chủ nghĩa bài Do Thái, phân biệt chủng tộc, thành kiến dựa trên khuynh hướng tình dục và các danh mục khác. Tổng cộng, 7,181 trường hợp tội phạm thù hận đã được báo cáo. Thông tin được công bố để đánh dấu Ngày Quốc tế Khoan dung.
Số lượng tội ác thù địch chống lại các tín hữu Kitô có thể cao hơn những gì được báo cáo trong dữ liệu, vì chỉ có 11 trong số 57 quốc gia của OCSE gửi dữ liệu về tội ác căm thù đối với Kitô Hữu.
Madeleine Enzlberger, người đứng đầu Đài quan sát ở Vienna, bên Áo, về sự bất khoan dung và phân biệt đối xử chống lại Kitô Hữu nói rằng trên các phương tiện truyền thông và các diễn đàn chính trị, “sự thù ghét các Kitô Hữu hầu như không được mấy người quan tâm dù rằng đó là một vấn đề xã hội ngày càng rõ ràng”.
Bà nhận xét: “Báo cáo của OSCE chỉ phản ánh một phần của xu hướng này, mà chúng tôi đã ghi nhận trong nhiều năm, nhưng nó là một lời cảnh tỉnh lớn chống lại sự thờ ơ và phong trào coi những lời chỉ trích Kitô Giáo như một mốt thời thượng”.
Dưới đây là một số tội ác tiêu biểu do OSCE ghi lại:
Phá hoại rầm rộ ở Ba Lan bởi những người ủng hộ phá thai
Theo dữ liệu của OSCE, sự gia tăng của tội ác căm thù đối với người Công Giáo ở Ba Lan là do thái độ “chống đối lập trường của Giáo Hội về việc phá thai”.
Trong số này có hơn 100 hành vi vẽ bậy lên tài sản Công Giáo vào năm 2020. Các nhà thờ Công Giáo khác đã bị phá hoại với các biểu tượng LGBTI.
Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ đã phá hoại một tượng đài cho những đứa trẻ chưa chào đời vào ban đêm bằng sơn đen trong một nghĩa trang Công Giáo Ba Lan vào tháng 10 năm 2020.
Các nhà hoạt động phá thai cũng phá hoại một cây thánh giá tại một nghĩa trang tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa Quốc xã trong cùng tháng đó.
Những người đang cầu nguyện trước một nhà thờ Công Giáo đã bị tấn công bởi các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, họ ném chai lọ, đá và pháo, khiến một số người bị thương.
Tại Tây Ban Nha, một tu viện và 4 nhà thờ khác đã bị phá hoại vào Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2020. Tại tu viện, một nhóm nữ quyền cũng đã phá rối Thánh lễ với các khẩu hiệu chống Kitô Giáo.
Các cuộc tấn công đốt phá nhà thờ Công Giáo
Đã có một số vụ tấn công đốt phá các nhà thờ Công Giáo được báo cáo ở Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý.
Trong một trường hợp ở Đức, xăng đã được đổ lên băng ghế trong một nhà thờ Công Giáo và sau đó đốt cháy.
Một nhà thờ Công Giáo ở Pháp cũng bị phá hoại bằng nước tiểu và phân bởi những kẻ đã cố gắng đốt nhà thờ vào tháng 2 năm 2020.
Mười người đeo mặt nạ đã nhắm mục tiêu vào một nhà thờ Công Giáo khác ở Pháp trong một cuộc tấn công đốt phá vào tháng 10 năm 2020 bằng cách ăn cắp một chiếc xe hơi sau đó tông thẳng vào nhà thờ và sau đó phóng hỏa gây thiệt hại đáng kể.
Ở Thụy Sĩ, một nhà thờ Công Giáo đã bị hỏa hoạn vào tháng 3 năm 2020.
Tháng 11 năm 2020, mạng xã hội ở Tây Ban Nha đã hô hào giết hết các linh mục Công Giáo đã. Các linh mục Công Giáo ở Ba Lan cảm thấy bị đe dọa khi một hình ảnh mô tả một linh mục bị bắn được lan truyền trên mạng xã hội cùng với những lời lăng mạ chống Công Giáo.
Một người đàn ông cải đạo sang Công Giáo ở Ý cũng nhận được lời dọa giết qua mạng xã hội vào tháng 11 năm 2020.
Trong những trường hợp khác, thủ phạm đã chia sẻ tội ác căm thù của họ trên mạng xã hội. Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ở Ba Lan đã quay cảnh mình ném trứng vào một nhà thờ Công Giáo và đăng lên mạng xã hội vào tháng 10 năm 2020.
Bất chấp các biện pháp lockdown khiến nhiều người bị cô lập về mặt xã hội vào năm 2020, vẫn có báo cáo về các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào các tín hữu Kitô, mặc dù ít hơn so với năm 2019.
Ba người đã thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng dao tại Vương cung thánh đường Đức Bà ở Nice, Pháp vào tháng 10 năm 2020.
Một linh mục được biết đến với sự tận tâm giúp đỡ người di cư và người vô gia cư đã bị một người đàn ông Tunisia đâm chết gần giáo xứ của mình ở thành phố Como, Ý vào tháng 9 năm 2020.
Tại Vương quốc Anh, một linh mục Công Giáo đã bị hai người đàn ông hành hung trong một nhà thờ vào tháng 6 năm 2020 và bị chấn thương xương sườn. Một linh mục Công Giáo khác ở Anh đã bị hành hung ngay trong một nhà thờ khi đang cử hành một đám tang vào tháng 10 năm 2020.
Một linh mục ở Tây Ban Nha đã phải nhập viện vào tháng 9 năm 2020 sau khi ngài bị đâm vào phần trên cơ thể khi đang ở trong nhà thờ, và một linh mục Công Giáo ở Ba Lan bị đâm nhiều nhát vào bụng vào tháng 10 năm 2020.
Source:Catholic News Agency