1. Lễ phong chức linh mục lớn nhất tại Bangkok trong 5 năm qua
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là lễ phong chức linh mục cho 5 tân chức tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của tổng giáo phận Bangkok.
Tử vong tại Thái Lan tính cho đến hôm thứ Bẩy 13 tháng 11, đã lên đến 19,934 người, trong số 2,004,274 trường hợp nhiễm coronavirus.
Trong ngày 12 tháng 11, Thái Lan đã chứng kiến 7496 ca nhiễm mới, và 57 trường hợp tử vong. Cho đến nay, 34.8 triệu người Thái đã được tiêm 2 liều vắc xin, chiếm 49.8% dân số. Tỷ lệ chích ngừa tại thủ đô Bangkok được ước tính là trên 70% dân số.
Trong bối cảnh đó, các thánh lễ vẫn được cử hành như bình thường với các biện pháp y tế nghiêm nhặt.
Trong bài giảng, Đức Hồng Y Kriengsak Kovitvanit, Tổng Giám Mục Bangkok đã mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các tân chức. Ngài nói:
Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu là thầy cả thượng phẩm duy nhất của Tân Ước; nhưng trong Người, tất cả dân thánh của Thiên Chúa đều được lập thành dân tư tế. Trong số tất cả các môn đệ của mình, Chúa Giêsu muốn đặc biệt chọn một số người, để bằng cách công khai thực thi chức vụ tư tế trong Giáo Hội nhân danh Ngài vì thiện ích của tất cả mọi người, họ sẽ tiếp tục sứ mệnh của Người trong tư cách là các thầy dậy, tư tế và mục tử.
Sau khi suy tư chín chắn, giờ đây chúng ta sắp nâng những anh em này lên hàng tư tế, để khi phục vụ Chúa Kitô, như các thầy dậy, tư tế và mục tử, họ hợp tác xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô, tức là Hội thánh, là dân Chúa và là đền thánh của Chúa Thánh Thần.
Chúng ta hãy cầu nguyện nhiệt thành cho các tân chức.
Tổng giáo phận Bangkok, Thái Lan được thành lập từ năm 1662, khi Miền Giám quản Tông Tòa Xiêm La được thành lập trên lãnh thổ tách ra từ Miền Giám quản Tông Tòa Cochin bao gồm cả Việt Nam.
Lãnh thổ này sau đó được gọi là Miền Giám quản Tông Tòa Đông Xiêm hay Siam Orientale vào ngày 10 tháng 9 năm 1841, sau khi bị mất một phần lãnh thổ để thành lập Miền Giám quản Tông Tòa Tây Xiêm. Vào ngày 5 tháng 5 năm 1899, Miền Giám quản Tông Tòa Đông Xiêm bị mất thêm lãnh thổ để thành lập Miền Giám Quản Tông Tòa Ai Lao.
Ngày 3 tháng 12 năm 1924, Tòa Thánh chính thức thành lập Miền Giám quản Tông Tòa Bangkok.
Miền Giám quản Tông Tòa này mất nhiều lãnh thổ hơn vào ngày 30 tháng 6 năm 1930 để thành lập Miền Giám quản Tông Tòa Rajaburi, vào ngày 11 tháng 5 năm 1944 để thành lập Miền Giám quản Tông Tòa Chantaburi và vào ngày 17 tháng 11 năm 1959 để thành lập Miền Giám quản Tông Tòa Chieng-Mai.
Vào ngày 18 tháng 12 năm 1965, Miền Giám quản Tông Tòa được nâng cấp thành tổng giáo phận Thủ đô.
Vào ngày 9 tháng 2 năm 1967, tổng giáo phận Bangkok bị mất lãnh thổ để thành lập Giáo phận Nakhon Sawan.
Tổng giáo phận Bangkok đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm vào tháng 5 năm 1984, và được Đức Thánh Cha Phanxicô thăm vào tháng 11, 2019.
Tổng giáo phận Bangkok hiện có diện tích 18,831 km², với 121,100 người Công Giáo, trong tổng số 13,748,000 dân, chiếm 0.9% dân số.
Trước lễ phong chức này, tổng giáo phận có 148 linh mục triều, 92 linh mục dòng, 251 nam tu sĩ, 424 nữ tu, sinh hoạt trong 55 giáo xứ.
2. Video thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô đánh dấu 75 năm thành lập UNESCO
Hôm thứ Sáu 12 tháng 11, Tòa Thánh đã công bố video thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô đánh dấu 75 năm thành lập tổ chức UNESCO.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Ánh Tuyết
Thưa bà tổng giám đốc
Thưa quý vị, những người hình thành nên cộng đồng làm việc của UNESCO,
Từ thâm tâm, tôi bày tỏ lời chúc mừng nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Cơ quan Liên hợp quốc này. Giáo hội có một mối quan hệ đặc biệt với nó. Thật vậy, Giáo hội phục vụ Tin Mừng, và Tin Mừng là sứ điệp nhân bản nhất mà lịch sử từng biết đến. Một thông điệp về cuộc sống, tự do và hy vọng, đã truyền cảm hứng cho vô số sáng kiến giáo dục ở mọi thời đại và ở mọi nơi, và đã truyền cảm hứng cho sự phát triển khoa học và văn hóa của gia đình nhân loại.
Đây là lý do tại sao Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc là đối tác đặc quyền của Tòa thánh trong việc phục vụ chung cho hòa bình và đoàn kết giữa các dân tộc, cho sự phát triển toàn diện của con người và bảo vệ di sản văn hóa của nhân loại.
Source:Vatican News
3. Hội đồng Giám mục Canada thông báo chuyến đi của các Giám mục và thổ dân sang Vatican
Hôm 10 tháng Mười Một vừa qua, Hội đồng Giám mục Canada đã thông báo một phái đoàn đại diện thổ dân bản xứ và một nhóm nhỏ các giám mục sẽ sang Rôma gặp Đức Thánh Cha Phanxicô, từ ngày 17 đến ngày 20 tháng Mười Hai tới đây.
Phái đoàn sẽ gồm từ 25 đến 30 thổ dân: những người thuộc các sắc dân đầu tiên, thường được gọi là First Nations, người Inuit, và các kỳ lão người lai, những người giữ gìn tri thức, các cựu học sinh các trường nội trú thổ dân và người trẻ.
Đức Cha Raymond Poisson, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Canada, nói rằng “Hành trình tiến tới sự chữa lành và hòa giải là một con đường dài, nhưng chúng tôi tin rằng đây sẽ là một cột mốc quan trọng trong quyết tâm của Giáo Hội Công Giáo canh tân, củng cố và hòa giải tương quan với các thổ dân trên toàn quốc. Với phái đoàn này, chúng tôi hy vọng đồng hành một cách mới mẻ để lắng nghe trong khiêm tốn, và phân định những bước kế tiếp mà Giáo hội có thể thực hiện để hỗ trợ những người sống sót từ các trường nội trú thổ dân, gia đình và cộng đoàn của họ”.
Chuyến đi của phái đoàn đã được hoạch định qua tiến trình liên tục đối thoại với các đại diện thổ dân, và kế hoạch cũng như lộ trình chuyến đi đang được phối hợp trực tiếp với đại biểu; các đại diện của Tòa Thánh xác nhận rằng Đức Thánh Cha sẽ tham dự các cuộc gặp gỡ với các nhóm đại diện thổ dân để nghe những câu chuyện cá nhân của họ về hậu quả của các trường nội trú. Đoàn cũng có cơ hội nói với Đức Thánh Cha về những hy vọng và mong đợi nơi chuyến viếng thăm hành hương của ngài tại Canada.
Sẽ có cuộc tiếp kiến kết thúc với Đức Thánh Cha. Tập trung vào các nguyên tắc tín nhiệm nhau, tôn trọng, chia sẻ ước muốn tiến tới một tương lai hy vọng hơn, các giám mục và các thổ dân đã đồng ý về đề tài: “Các thổ dân và Giáo hội đồng hành tiến tới sự chữa lành và hòa giải”.
Phí tổn di chuyển và trú ngụ của phái đoàn sẽ do Hội đồng Giám mục Canada đài thọ. Sẽ có các nhân viên về sức khỏe tâm thần cùng đi với phái đoàn, xét vì có thể có những tình cảm đau thương mà nhiều đại biểu có thể cảm thấy.
Source:CBC