Tuần qua, báo chí Công Giáo Úc và quốc tế đều loan tin về dự luật sửa đổi đạo luật về kỳ thị của Tiểu Bang Victoria, vì tính chất kỳ thị tôn giáo của nó.
Thực vậy theo các tờ The Pillar và Catholic World News của Mỹ cũng như các tờ Catholic Weekly và Melbourne Catholic của Úc, tuyên bố tuần qua của Đức Tổng Giám Mục Peter Commensoli của Tổng giáo phận Melbourne cho rằng việc đề nghị thay đổi luật chống kỳ thị ở Tiểu Bang Victoria bất công nhắm vào các tổ chức tôn giáo đã được sự ủng hộ của các chuyên gia luật pháp. Những người này nói rằng tiểu bang đang công khai gây chiến với những Kitô hữu dấn thân và nhiều tín đồ khác.
Đức Tổng Giám Mục cho biết việc sửa đổi Đạo luật Cơ hội Bình đẳng (Ngoại lệ Tôn giáo) của chính phủ tiểu bang sẽ làm giảm nghiêm trọng quyền của các tổ chức tôn giáo được hoạt động phù hợp với đức tin và lương tâm của họ.
Ngài đặc biệt lo lắng về ảnh hưởng đối với các trường học, là các định chế ngày càng khó tuyển dụng nhân viên chịu chia sẻ và đề cao đức tin và thực hành Công Giáo.
Những thay đổi này sẽ có nghĩa là các định chế Công Giáo và và nhiều định chế dựa trên đức tin khác phải chứng minh nếu bị thách thức rằng niềm tin và thực hành đức tin của một người là 'đòi hỏi cố hữu' [inherent requirement] của việc làm của họ, trong khi Giáo hội ở Victoria chỉ được duy trì quyền tự do ưu tiên chọn những người mình ưa thích vào các chủng viện và tu viện, thụ phong làm linh mục, hoặc phục vụ trong phụng vụ.
Các tổ chức dựa trên đức tin sẽ không được phép kỳ thị dựa trên khuynh hướng tình dục, bản sắc phái tính, tình trạng hôn nhân hoặc hoạt động tình dục hợp pháp. Không thể mong đợi nhân viên chia sẻ và giúp cổ vũ niềm tin của định chế, ngoài những người mà vai trò thỏa mãn tiêu chuẩn ‘đòi hỏi cố hữu’ của Chính phủ.
Đức Tổng Giám Mục Comensoli cho biết trong một tuyên bố vào tuần trước rằng: các thay đổi trên sẽ là “một cuộc tấn công không cần thiết nữa của Chính phủ vào những người có đức tin ở Victoria”. Tổng giáo phận Công Giáo Melbourne đã yêu cầu Chính phủ suy nghĩ lại các đề nghị của mình và từ bỏ cam kết đối với tiêu chuẩn "đòi hỏi cố hữu".
Rủi ro đối với các trường học dựa trên đức tin dưới chiêu bài cơ hội bình đẳng
John Steenhof, luật sư chính của Liên minh Luật Nhân quyền, cho biết đây là "một Dự luật khủng khiếp" và một cuộc tấn công trực tiếp vào các Kitô hữu ở Victoria.
Ông nói: “Đó là một sự vi phạm nhân quyền hoàn toàn, các nhân quyền vốn được bảo vệ bởi Hiến chương về Các Quyền và Tự do ở Victoria. Thật không may, đó lại là một ví dụ khác về việc Tiểu bang Victoria nhắm vào các Kitô hữu và nhất là các bậc cha mẹ muốn giáo dục con cái theo các giá trị đạo đức và luân lý của họ”.
Giáo sư Luật tại Đại học Notre Dame Australia, Iain Benson, nói với tờ The Catholic Weekly rằng chính phủ Victoria đang mắc phải “sai lầm theo chủ nghĩa thế tục kiểu cũ” khi xem xét một tổ chức tôn giáo mà không hiểu cách thức hoạt động của nhiều tổ chức này về phương diện tôn giáo.
Ông nói, “Cách tiếp cận của chính phủ Victoria đã không hiểu rằng các dự án tôn giáo thường, chứ không luôn luôn, nhưng thường là các dự án hữu cơ. Chúng hoạt động như một tổng thể hữu cơ bất kể nhiệm vụ đặc thù mà ai đó có thể có”.
“Điều chính phủ đang làm ở đây là vô nghĩa đối với một dự án Công Giáo vốn hiểu mọi sự đều có tính bí tích. Trong bối cảnh giáo dục Công Giáo, không có gì là không thánh thiện khi chơi bóng bầu dục hoặc âm nhạc hoặc nghệ thuật, mọi thứ đều được kết nối theo bí tích".
“Điều được kiểu khinh miệt thô bạo đối với các dự án tôn giáo này cho thấy là một chủ nghĩa duy tục cứng rắn mà theo tôi, cuối cùng không nhất quán với điều khoản tự do hành động của Hiến pháp, nhưng đáng buồn ngày nay đang gia tăng ở Úc. Nếu việc hành động tự do có một ý nghĩa nào, thì hẳn ý nghĩa ấy phải là khả năng giảng dạy, biểu lộ và thực hành niềm tin tôn giáo của bạn ở nơi riêng tư hoặc nơi công cộng. Và tôi nghĩ nếu các Giáo Hội không mạnh mẽ đẩy lùi việc này, thì họ sẽ bị chà đạp ngay lập tức".
Giáo sư luật Patrick Parkinson ở Sydney nói với tờ The Catholic Weekly rằng luật mới là một cuộc tấn công nghiêm trọng khác vào nhân quyền của những người có đức tin bởi Chính phủ Victoria.
Ông nói: “Thật khó hiểu tại sao Thủ hiến Daniel Andrews tiếp tục gây chiến không những với các Kitô hữu, mà còn với những người Do Thái, Hồi giáo chính thống và các nhóm văn hóa thiểu số khác vốn có quan điểm truyền thống về các vấn đề đạo đức tình dục”.
Giáo sư Parkinson nói thêm, “Dù lời biện minh được Thủ hiến đưa ra là để ủng hộ quyền của những người bị lôi cuốn đồng tính hoặc có bản sắc phái tính không phù hợp với phái tính bẩm sinh của họ, nhưng trong thực tế, những thay đổi này vươn tới nhiều điều hơn thế nữa”.
“Chúng tước bỏ quyền tuyển chọn hoặc ưu tiên tuyển chọn nhân viên của các trường Công Giáo tuân theo các niềm tin và giá trị của đức tin trừ khi một tòa án đồng ý rằng việc tuyển dụng một Kitô hữu dấn thân là một đòi hỏi cố hữu của một chức vụ giảng dạy đặc thù.
"Chúng cũng bãi bỏ các miễn trừ khác đã được ban hành để bảo đảm rằng các tổ chức tôn giáo có thể duy trì các nguyên tắc thực hành và giá trị của họ liên quan đến các vấn đề đạo đức tình dục và cuộc sống gia đình - bao gồm cả hoạt động và các mối liên hệ dị tính”.
Giáo sư Parkinson nói rằng luật này không nhất quán với một số chuẩn mực nhân quyền quốc tế, đặc biệt là những chuẩn mực bảo vệ quyền tự do của cha mẹ muốn bảo đảm việc giáo dục tôn giáo và đạo đức cho con cái họ phù hợp với niềm tin của chính họ.
Trong bản tuyên bố của ngài, Đức Tổng Giám Mục Comensoli nói rằng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, người Công Giáo điều hành các tổ chức với “một cam kết cởi mở và hòa nhập đối với tất cả những người được họ chăm sóc, bất kể hoàn cảnh cá nhân của họ ”.
Ngài viết thêm, “Đột nhiên, Chính phủ quyết định nói với họ bản sắc tôn giáo có nên là một yếu tố trong việc quản lý các vấn đề việc làm hay không”.
“Tôi đặc biệt lo lắng về các trường Công Giáo, những trường đã trở thành ngọn hải đăng đáng tin cậy và được hoan nghênh đối với rất nhiều người, chính vì chúng được điều hành trên cơ sở đức tin và giá trị Công Giáo".
“Không nên để tùy tòa án hoặc quan chức chính phủ xác định điều gì cấu thành tác phong trung thành trong bối cảnh tôn giáo”.
Trong khi đó, một cuộc thăm dò ý kiến của hơn 700 người Victoria vào tháng 10 đã chỉ ra sự ủng hộ đối với thực hành nhân dụng hiện nay của các trường Kitô giáo.
Theo Các Trường Kitô giáo Australia, 78% người dân Victoria từ khắp phổ hệ chính trị ủng hộ quyền của các trường tôn giáo được tuyển dụng giáo viên và các nhân viên khác chịu ủng hộ các giá trị và niềm tin của trường, nếu những giá trị và niềm tin này được nêu rõ ràng.
Duy cấp tiến, phản tự do tôn giáo
Theo tờ The Pillar, tiểu bang Victoria vốn có lịch sử va chạm với Giáo Hội về các vấn đề tự do tôn giáo. Vào tháng Hai năm nay chẳng hạn, tiểu bang này đã thông qua một đạo luật kết tội những ai “dấn thân vào thực hành” nhằm thay đổi hay dẹp bỏ xu hướng tính dục hay bản sắc phái tính của người ta, một kết tội mà các nhà phê bình cho là coi việc huấn đạo thông thường, mục vụ, tâm linh, và sức khỏe tâm thần dựa vào tôn giáo là “trị liệu cải đạo” (conversion therapy).
Nói với tờ The Pillar hồi đó, Đức Tổng Giám Mục Commensoli cho hay tiểu bang Victoria là tiểu bang thích ra các luật lệ duy cấp tiến ở Úc, cổ vũ những luật lệ thường trái với tự do tôn giáo.
Ngài nói: “Tôi dám nói rằng có một sự ngu dốt đúng nghĩa đang tung hoành ở đây đối với các Kitô hữu, tự do tôn giáo, và các tự do nói chung. Có rất nhiều ngu dốt về đức tin nơi các dân biểu nói chung ngày nay, tôi nghĩ thế”.
Ngài cho biết thêm: “Chắc chắn có vấn đề ở Tiểu Bang Victoria và ở Úc nói chung người ta hiểu đúng được bao nhiêu và bảo vệ đến đâu quyền tự do tôn giáo. Giống mọi quyền tự do của con người khác, quyền tự do tôn giáo cần được bảo vệ, chứ không phải chỉ được hưởng các ngoại lệ”.