1. Lời cầu nguyện cuối cùng của các nữ tu tử đạo trước khi bị giết

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, số ra ngày 28 tháng 9, có bài của Sarah Robsdottir, nhan đề “Martyr-nuns’ last prayer before being killed”, nghĩa là “Lời cầu nguyện cuối cùng của các nữ tu tử đạo trước khi bị giết”.

Lời cầu của họ ngày nay vẫn có thể áp dụng được.

Vào đầu tháng 3 năm 2016, một vụ tấn công khủng bố xảy ra tại một tu viện và viện dưỡng lão ở Yemen khiến 16 người thiệt mạng. Bốn trong số các nạn nhân là các nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái, là cộng đồng do Mẹ Teresa thành lập. Tôi đã tìm thấy một tấm thẻ cầu nguyện viết tay vào sáng ngày hôm nay để tưởng nhớ thảm kịch này. Nó dính trong nhật ký của tôi, và tôi nhanh chóng dán nó lên tủ lạnh, vì những khó khăn ở quê nhà và các tiêu đề tin tức đã khiến tôi buồn đến mức mất tập trung.

Tôi đã cầu nguyện sau Thánh lễ và trước bữa ăn sáng, đó là thói quen của chúng tôi và cũng là thói quen của các nữ tu bị giết – nhờ thế chúng tôi biết, căn cứ theo thời gian trong ngày các chị bị sát hại, thì đó là lúc các chị vừa dâng lời cầu nguyện cuối cùng. Tôi đang tìm những từ đơn giản và định hướng mục tiêu; một cách tốt để luôn tập trung.

Lời cầu nguyện viết tay của một trong các nữ tu bị giết được viết như sau:

Lạy Chúa, xin dạy con biết quảng đại. Hãy dạy con phục vụ Chúa là Đấng đáng chúc tụng; xin dạy con cho đi và không so đo tính toán, xin dạy con chiến đấu và không quan tâm đến vết thương, xin dạy con vất vả và không tìm kiếm sự nghỉ ngơi, xin dạy con lao động và không đòi hỏi phần thưởng.

Tôi đã được Sơ Maria, một Thừa sai Bác ái, người cùng với một số nữ tu khác đang hoạt động tại giáo xứ của tôi, trao thẻ cầu nguyện này vào thời điểm đó. Người nữ tu đưa cho tôi một bản sao của lời cầu nguyện với vẻ mặt thanh thản khi tôi bày tỏ nỗi buồn về những gì đã xảy ra ở Yemen, quê hương của tôi. Tôi nhớ tôi đã tìm thấy sự bình yên và niềm vui của Sơ Maria trong tâm trí: “Đừng rơi nước mắt,” nụ cười của sơ thanh thản, “các sơ ấy đang nhận được phần thưởng của mình!”

Sau đó, người nữ tu nhanh chóng chuyển cuộc trò chuyện sang tôi - vỗ nhẹ vào tay tôi, nói với tôi rằng tôi trông “quá gầy” và hỏi với sự quan tâm rất lớn rằng liệu tôi có đang chăm sóc bản thân mình không. Sau đó, sơ hỏi về em gái tôi qua đó tôi có thể nói rằng sơ ấy đã ghi nhớ lời cầu nguyện của tôi từ vài tuần trước; sơ ấy thậm chí còn nhớ chẩn đoán y tế của Jenny và tên đệm của em ấy! Tóm lại, Nữ tu Maria không chỉ trao cho tôi lời cầu nguyện của các nữ tu tử đạo này, mà sơ ấy còn là hiện thân của lời cầu nguyện đó.

Lạy các nữ tu tử đạo của Yemen, xin cầu nguyện cho chúng tôi!
Source:Aleteia

2. Ông Joe Biden được tin sẽ triều yết Đức Thánh Cha vào ngày 29 tháng 10

Ông Joe Biden được tin là sẽ triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 29 tháng 10, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên trong tư cách là tổng thống Hoa Kỳ tới Vatican kể từ khi ông nhậm chức.

Các nguồn tin từ dinh Tông Tòa của Vatican nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vào ngày 25 tháng 9 rằng thông tin của họ đến trực tiếp từ Phủ Giáo hoàng. Mặc dù các cuộc gặp gỡ với các nguyên thủ quốc gia là những dịp ngoại giao, nhưng Phủ Giáo hoàng chịu trách nhiệm về việc tổ chức và các giao thức xung quanh các cuộc họp.

Một nguồn tin độc lập khác nói với CNA rằng công tác chuẩn bị đang được tiến hành tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa thánh và những chiếc xe tải cũng như các thiết bị đầu tiên cho chuyến thăm đã được chuyển đến Rôma.

Tòa Bạch Ốc ngày 22/9 cho biết ông Biden sẽ gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Âu Châu vào cuối tháng 10.

Khi được hỏi liệu có kế hoạch nào đang được thực hiện cho một cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng hay không, người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc nói với CNA vào ngày 28 tháng 9 rằng “không có gì để thông báo”.

Vatican thường không thông báo trước về các chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia. Nói chung, thông tin được cung cấp chỉ vài ngày trước khi các cuộc họp diễn ra. Tòa thánh có khuynh hướng chỉ xác nhận chuyến thăm sau khi nguyên thủ quốc gia có thông báo chính thức.

Theo các nguồn tin, chuyến đi của Biden sẽ là một chuyến thăm chính thức. Đầu tiên, tổng thống sẽ có một cuộc gặp với Giáo hoàng Đức Thánh Cha Phanxicô. Sau đó, sẽ có các cuộc hội đàm song phương trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh với Đức Hồng Y Pietro Parolin, và Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các Dân nước.

Ông Biden gặp Đức Thánh Cha Phanxicô lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2015, khi Đức Giáo Hoàng tham dự Cuộc họp Thế giới của các Gia đình ở Philadelphia. Vào thời điểm đó, Biden là phó tổng thống của chính quyền Obama.

Ông Biden cũng đã đến thăm Vatican vào ngày 29 tháng 4 năm 2016, để tham gia một hội nghị thượng đỉnh về y học tái tạo.
Source:Catholic News Agency

3. Tiêm vắc xin COVID liều thứ ba. Có thể chuyển sang một loại vắc xin khác không?

Gần đây, nhiều người bắt đầu bàn tán về liều thứ ba và liều tăng cường. Bác sĩ Nicholas Wood, giảng sư Bệnh Người Lớn và Trẻ Em của Đại Học Y Khoa Sydney, Australia, có bài viết sau.

Chúng ta cần tiêm hai liều vắc-xin cho càng nhiều người lớn càng tốt - trước hết vì điều đó giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh tật và mức độ lây lan, nhưng cũng vì đạt được mục tiêu tiêm chủng có khả năng mang lại một số quyền tự do mới.

Các vắc xin COVID-19 như Pfizer, Moderna và Astra Zeneca, tiếp tục có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong, ngay cả khi gặp phải biến thể Delta.

Nhưng ngay sau khi chúng ta kết thúc một đợt triển khai vắc-xin, chúng ta có thể cần bắt đầu đợt triển khai liều tăng cường tiếp theo.

Khi nào tôi cần tiêm tăng cường?

Trước tiên, chúng ta cần phân biệt giữa liều tăng cường, tiếng Anh gọi là booster dose, và liều thứ ba, tiếng Anh gọi là third dose, như một phần của đợt tiêm chủng ban đầu. Chúng là hai thứ rất khác nhau.

Một số người bị suy giảm miễn dịch do tình trạng sức khỏe tiềm ẩn hoặc do các điều trị y tế khiến họ không đạt miễn dịch đầy đủ với hai mũi tiêm thứ nhất và thứ hai. Họ có thể cần tiêm liều thứ ba như một phần trong chương trình tiêm chủng COVID-19 ban đầu. Cho đến nay, những ai trên 65 tuổi hay mắc những bệnh như tiểu đường, chẳng hạn, là những người sẽ phải tiêm liều thứ ba. Liều thứ ba của họ đến không lâu sau liều thứ hai và được đưa ra để cải thiện khả năng bảo vệ họ.

Một mũi tiêm tăng cường, booster dose, được tiêm lâu hơn nhiều sau khi tiêm hai liều ban đầu. Một ví dụ điển hình là cách chúng ta tiêm vắc xin phòng uốn ván và ho gà.

Cho đến nay, chúng ta không biết chắc chắn khi nào bạn sẽ cần tiêm tăng cường. Có những người nói là sáu tháng, tám tháng, và xa hơn thế nữa. Các nghiên cứu liên quan đến điều đó vẫn đang tiếp tục. Chúng ta vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn về thời điểm tốt nhất cho một liều tăng cường.

Pfizer gần đây đã công bố nghiên cứu của họ cho thấy một liều tăng cường dẫn đến sự gia tăng các kháng thể chống lại vi rút ban đầu cũng như chống lại biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao. Những kết quả này đang chờ được công bố và sự an toàn của liều tăng cường cần được biết đến. Cơ quan Quản Lý Dược Phẩm Âu Châu cũng đã bắt đầu đánh giá đơn xin sử dụng liều tăng cường của vắc-xin Pfizer.

Chúng ta biết rằng theo dòng thời gian, tất yếu, sẽ có sự suy giảm các kháng thể sau hai liều đầu tiên, và đã xuất hiện một số bằng chứng về khả năng bảo vệ chống lại nhiễm trùng đang suy yếu.

Trong một bức thư gần đây gửi cho Tạp chí Y học New England, được xuất bản trực tuyến vào đầu tháng này, các bác sĩ và chuyên gia y tế công cộng tại Đại học California San Diego cho biết dữ liệu của họ cho thấy hiệu quả của vắc xin chống lại bất kỳ bệnh nào cũng đều có triệu chứng suy giảm theo thời gian.

Mỹ đang có kế hoạch cung cấp các mũi tiêm tăng cường COVID rộng rãi cho người dân Mỹ từ tháng 9 trở đi, cho những ai đã tiêm 2 liều cách đây từ 8 tháng trở lên.

Một câu hỏi thường được nêu ra là khi tiêm liều tăng cường, tôi có thể chuyển sang một loại vắc xin khác không?

Chúng tôi vẫn chưa biết chắc chắn.
Source:The Conversation

4. Đức Thánh Cha Phanxicô có nên tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ ba hay không?

Đức Thánh Cha Phanxicô được báo cáo là sẽ sớm tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ ba. Linh mục Dòng Tên Thomas Reese, từng là Chủ bút tờ American Magazine, có bài viết sau.

Về mặt cá nhân, Đức Phanxicô là một ứng cử viên hàng đầu, nhưng tư cách giáo hoàng nên được coi trọng hơn cả tiền sử bệnh tật.

Khi đề cập đến vấn đề liệu Đức Giáo Hoàng Phanxicô có nên tiêm mũi thứ ba vắc xin COVID-19 hay không, Vatican đã lâm vào một tình cảnh khó khăn.

Theo truyền thống, Vatican đã lên tiếng ủng hộ các quốc gia nghèo, nhiều quốc gia trong số đó có rất ít vắc-xin, vì vậy rất ít người dân của họ được tiêm vắc-xin COVID-19. Giáo Hội đã tham gia các lời kêu gọi cung cấp thêm vắc-xin cho các nước đang phát triển từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới.

Chỉ 1.9% người dân ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin, trong khi 63% người Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi. Ở Ý, 73% dân số được tiêm chủng hai liều.

Nói về việc cho người dân ở các nước giàu tiêm mũi thứ ba trong khi hầu hết người dân ở các nước nghèo chưa nhận được liều đầu tiên dường như là vi phạm giáo huấn của Giáo Hội về tình liên đới và công bằng xã hội. Một số nhà đạo đức học đã so sánh việc tiêm mũi thứ ba ở các nước giàu với việc tặng cho mỗi hành khách đi vé hạng nhất trên một con tàu đang chìm đến hai cái áo phao cứu sinh, trong khi những người bình dân ngồi xổm trên tàu thì chẳng có áo phao nào.

Nhưng đằng khác, sau kết quả nghiên cứu ban đầu, ủy ban cố vấn vắc xin của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, gọi tắt là FDA, đã khuyến cáo những người cao tuổi và suy giảm miễn dịch nên tiêm mũi thứ ba.

Theo các tiêu chí này, Đức Thánh Cha Phanxicô, ở tuổi 84 và vẫn đang hồi phục sau cuộc phẫu thuật đại tràng và bị thiếu một lá phổi, đương nhiên là một ứng cử viên thích đáng cho lần tiêm thứ ba, đặc biệt là vì ngài phải thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới và thật đáng tiếc, không phải lúc nào ngài cũng có thể đeo khẩu trang y tế.

Nhưng tư cách giáo hoàng trọng hơn tiền sử bệnh tật. Đức Giáo Hoàng sẽ đưa ra chứng tá gì nếu ngài tiêm liều thứ ba? Ngài sẽ được coi là một người cao niên cần được bảo vệ hay ngài sẽ được coi là một cư dân hạng nhất thế giới đang phớt lờ nhu cầu của những người ở các nước nghèo hơn?

Hôm 10 tháng 8, Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, cho biết: “Trong bối cảnh nguồn cung cấp vắc xin toàn cầu đang diễn ra hạn chế, việc sử dụng các liều tăng cường sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng do thúc đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ, trong khi nguồn cung cấp đang khan hiếm, đặc biệt là trong bối cảnh các nhóm dân cư ưu tiên ở một số quốc gia, hoặc các cơ sở địa phương, vẫn chưa nhận được một liều vắc xin nào”.

Những người khác, bao gồm cả ông Joe Biden ở Tòa Bạch Ốc, cho rằng có thể sản xuất đủ vắc-xin để làm cả hai việc này. Tôi chỉ tin điều đó khi tôi nhìn thấy nó.

Nhưng nếu chúng ta đồng ý với ủy ban cố vấn của FDA rằng mũi thứ ba là cần thiết để bảo vệ người cao tuổi, thì chúng ta chắc chắn muốn Đức Thánh Cha Phanxicô được tiêm.

Tôi sợ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ quyết định không tiêm mũi thứ ba mặc dù đã có những lời khuyên y tế tốt nhất. Mong muốn đoàn kết với người nghèo của ngài có thể khiến cuộc sống của ngài gặp rủi ro.

Nếu ngài là một tu sĩ Dòng Tên đơn giản, bề trên của ngài có thể ra lệnh cho ngài phải chích, như đã ra lệnh cho tôi. Nhưng không ai có thể ra lệnh cho giáo hoàng làm bất cứ điều gì.

Nếu tất cả mọi người ở Vatican đình công, có lẽ điều đó sẽ buộc ngài phải chích phát thứ ba. Hoặc bác sĩ của ngài có thể đơn giản lừa ngài bằng cách nói với ngài rằng mũi tiêm là một cái gì đó khác.

Phương án cuối cùng là một vài Vệ binh Thụy Sĩ giữ ngài lại trong khi ngài bị chích mũi thứ ba. Điều này sẽ dẫn đến việc tất cả những người liên quan bị sa thải và bị vạ tuyệt thông. Giáo luật 1370 triệt 1 tuyên bố “Ai sử dụng vũ lực chống lại Đức Giáo Hoàng Rôma sẽ bị vạ tuyệt thông tiền kết.”

Nhưng điều đó sẽ xứng đáng, và mọi người đều biết Đức Phanxicô là người nhân từ, vì vậy cuối cùng tất cả sẽ tốt đẹp.
Source:Religion News Service