1. Cuộc tuần hành phò sinh lần đầu tiên của California sau khi đại dịch coronavirus bùng phát

Những người ủng hộ sự sống đã tập trung vào hôm thứ Tư 25 tháng 8, tại thủ phủ của tiểu bang ở Sacramento cho cuộc tuần hành phò sinh lần đầu tiên của California sau khi đại dịch coronavirus bùng phát, để thể hiện sự hỗ trợ cho những đứa trẻ chưa chào đời và để tìm hiểu những gì họ có thể làm để thúc đẩy chính nghĩa phò sinh của họ trong tiểu bang.

Jeanne Mancini, chủ tịch của March for Life and Education Fund, cho biết: “Cuộc tuần hành là cơ hội để những người ủng hộ sự sống ở California đoàn kết và khuyến khích các nhà lập pháp tiểu bang xây dựng các chính sách tôn trọng quyền của những đứa trẻ chưa sinh ra.”

Sự kiện ngày 25 tháng 8 được tổ chức với sự hợp tác giữa tổ chức March for Life quốc gia và Hội đồng Gia đình California, là một nhóm phò sinh, là chi nhánh ở cấp tiểu bang của Focus on the Family.

Sự kiện đã bắt đầu bằng một cuộc biểu tình lúc 11 giờ sáng tại các bậc thang của tòa nhà Quốc Hội tiểu bang, sau đó là một cuộc tuần hành vào buổi trưa.

Mancini sẽ là một trong những diễn giả tại sự kiện, cũng như Jonathan Keller, chủ tịch Hội đồng Gia đình California.

Keller nói rằng bất chấp danh tiếng tiến bộ của California, “khi nói đến việc đối xử với mọi cuộc sống con người với phẩm giá và sự tôn trọng của Golden State, chúng ta có một kỷ lục bị hoen ố”.

Hôm thứ Hai, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, là một người ở California, đã lặp lại luận điểm cho rằng phá thai là quyền của người phụ nữ và lên tiếng chỉ trích cuộc tuần hành phò sinh này.

Tưởng cũng nên nhắc lại ý kiến Đức Cha Salvatore J. Cordileone, Tổng Giám mục San Francisco, là Tổng Giám Mục của bà ta đã từng đáp lại ý kiến của bà này như sau:

Tôi muốn bắt đầu với điều hiển nhiên: Nancy Pelosi không thể phát biểu thay mặt cho Giáo Hội Công Giáo. Bà ấy nói với tư cách là một nhà lãnh đạo quan trọng ở cấp cao của chính phủ và với tư cách là một cá nhân công dân. Và về vấn đề phẩm giá bình đẳng của cuộc sống con người khi còn trong bụng mẹ, bà ấy cũng đã đưa ra một điều mâu thuẫn trực tiếp với một quyền cơ bản của con người mà giáo huấn Công Giáo đã luôn ủng hộ trong 2,000 năm qua.

Các tín hữu Kitô luôn hiểu rằng điều răn “Ngươi không được giết người” phải được áp dụng cho mọi sự sống, kể cả sự sống còn trong bụng mẹ. Vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhất, Thư của Thánh Ba-na-ba viết rằng: “Ngươi không được giết đứa trẻ bằng cách phá thai; Ngươi cũng không được giết nó sau khi nó đã được sinh ra”(# 19). Một nghìn, tám trăm sáu mươi lăm năm sau, Công Đồng Vatican II khẳng định: “Sự sống phải được bảo vệ hết sức cẩn thận ngay từ khi được thụ thai: phá thai và giết trẻ sơ sinh là những tội ác ghê tởm” (Gaudium et spes – Hiến Chế Mục Vụ Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, số 51).

Không một người Công Giáo nào có lương tâm ngay chính lại có thể ủng hộ việc phá thai. “Quyền được lựa chọn” là một hỏa mù nhằm duy trì cả một ngành công nghiệp thu lợi nhuận từ một trong những tệ nạn kinh khủng nhất có thể tưởng tượng được. Mảnh đất của chúng ta thấm đẫm máu của những người vô tội, và nó phải dừng lại.
Source:Catholic News Agency

2. Các phương tiện truyền thông Ý phỏng đoán về khả năng từ chức của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trên tờ Libero số ra ngày 23 tháng 8, ký giả Antonio Socci cho rằng anh ta có các tin nội bộ theo đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô sắp từ chức. Maria Antonietta Calabrò của tờ Huffington Post cho rằng không phải như vậy. Theo cô, đúng hơn, Đức Giáo Hoàng sắp đưa ra một Tông Hiến bãi bỏ chức danh “Papa emerito”, hay Đức Giáo Hoàng danh dự.

“Hãy theo dõi, tiếp tục theo dõi”. Hôm 1 tháng 8, ký giả John Allen, người Mỹ chuyên về Vatican đã kêu gọi độc giả của ông chú ý theo dõi về một điều bất ngờ có thể xảy ra vào tháng 8, có tầm quan trọng như những gì sắp xảy ra vào tháng 10 khi chính trường Mỹ bắt đầu cuộc thăm dò để chọn ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử vào năm 2024. Có lẽ đây là nguồn gốc của những giả định và tin đồn của Antonio Socci trên tờ Libero hôm 23 tháng 8 - về việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô sắp từ chức.

Antonio Socci đã so sánh những gì xảy ra trong những ngày này với bầu không khí tương tự như năm cuối cùng của triều đại Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16. Anh ta đã đặt các suy đoán của mình trong bối cảnh của một vụ bê bối tài chính lớn. Nếu như năm 2012 chỉ có vụ IOR, hay viện Giáo Vụ, thì trong những ngày này đó là vụ mua bán một tòa nhà ở London, liên quan đến cả Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh với một phiên tòa vừa được mở ra để xét xử 10 bị cáo, bao gồm cả Hồng Y Angelo Becciu.

Những lời đe dọa về cái chết cũng đến, như đã xảy ra đối với Đức Ratzinger. Hai bức thư khác nhau trong phong bì có đạn gửi cho Đức Giáo Hoàng, lần đầu tiên bị chặn vào ngày 9 tháng 8.

Tất cả những điều này, còn được cộng thêm với những suy đoán về tình trạng sức khỏe của Đức Bergoglio, sau khi ngài trải qua một cuộc phẫu thuật đại tràng vào ngày 4 tháng 7.

Tất nhiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một người cao tuổi, sẽ bước sang tuổi 85 vào tháng 12.

Trên thực tế, một sự thay đổi về lập pháp có thể sớm xảy ra, và điều này sẽ khiến những người ủng hộ “Đức Giáo Hoàng danh dự” vô cùng lo lắng. Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sớm ban hành một đạo luật mới, dưới hình thức một Tông Hiến, để điều chỉnh việc từ chức của Đức Giáo Hoàng, và đặc biệt là tình trạng sau khi một vị Giáo Hoàng từ chức. Điều này cũng để tránh một loạt các diễn giải sai lệch về sự tồn tại của hai vị giáo hoàng, về thời gian chung sống của họ, về luận điểm “một triều đại giáo hoàng mở rộng” và về các vấn đề khác, mặc dù không động đến đại đa số các tín hữu, nhưng rất đáng quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh nhiều người vẫn tin vào giả thuyết cho rằng Giáo hoàng thực sự duy nhất là Đức Ratzinger. Luật mới có thể sẽ không có Giáo hoàng danh dự nào cả.
Source:Hufftington Post

3. Khả năng Đức Giáo Hoàng từ chức theo Francesco Antonio Grana

Francesco Antonio Grana, một Vaticanista, tức là một ký giả chuyên về Vatican, có bài nhận định sau trên tờ il Fatto Quotidiano, số ra ngày 23 tháng Tám.

Đức Giáo Hoàng sắp từ chức? Theo Libero, Đức Thánh Cha Phanxicô đang nghĩ đến việc từ chức vì tuổi tác, khi ngài sẽ bước sang tuổi 85 vào ngày 17 tháng 12 tới và vì các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như ca phẫu thuật đại tràng mà ngài phải trải qua vào ngày 4 tháng 7. Tác giả của bài báo là Antonio Socci, người luôn là một nhà phê bình rất hăng hái đối với Đức Bergoglio đến mức lập luận, một cách hoàn toàn vô căn cứ, rằng cuộc bầu cử của ngài là “vô hiệu”. Nói về tuổi của Đức Phanxicô, nhà báo này nhớ lại rằng Đức Bênêđíctô XVI đã từ chức ở tuổi 85; và Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã qua đời ngay trước ngưỡng cửa của tuổi 85 này.

Ở Vatican và đặc biệt là tại Casa Santa Marta, nơi ở của Đức Bergoglio, không có gì cho thấy Đức Giáo Hoàng đang suy nghĩ nghiêm túc về việc từ chức của mình. Ngược lại. Gần đây, Đức Phanxicô đã tiếp tục các buổi tiếp kiến riêng và xác nhận chuyến hành trình dài và đầy khó khăn, từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 9 tới, tới Budapest để bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế và đến Slovakia để thăm viếng mục vụ. Chương trình tông du, đầy kín các cuộc họp và các chuyến đi, được quyết định trước khi vào bệnh viện đa khoa Gemelli để phẫu thuật đại tràng, đã không bị thay đổi, ít nhất ngay cả sau khi ngài nhập viện mười ngày. Đó là một dấu chỉ hùng hồn cho thấy Đức Giáo Hoàng, thậm chí còn được khích lệ bởi ý kiến của các bác sĩ, cảm thấy tự tin và quyết tâm đối mặt với chuyến đi này.

Cho đến nay, mặc dù chưa có chuyến đi nào khác được Vatican chính thức xác nhận cho năm 2021, cũng như cho năm 2022, ngài tiếp tục làm việc trong những tháng mùa hè với tốc độ bình thường. Ngoài ánh đèn sân khấu, Đức Bergoglio cũng đã được rất nhiều bạn bè đến thăm ngài trong những tuần gần đây tại Casa Santa Marta.

Cần phải nói rằng, ngay cả trước khi có vụ phẫu thuật đại tràng, câu chuyện về Hồng Y Reinhard Marx, tổng giám mục của Munich và Freising, một tổng giáo phận đã từng do Đức Joseph Ratzinger lãnh đạo, đã mở ra thời kỳ tiền Cơ Mật Viện. Vị Hồng Y người Đức, một trong những vị của Hội Đồng Các Hồng Y Cố Vấn nhằm soạn thảo các cải cách của Giáo triều Rôma, đã từ chức với cáo buộc rằng Giáo hội đã thất bại trong cuộc chiến chống lại tệ nạn lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ. Đó là một cuộc tấn công rất khắc nghiệt mà lần đầu tiên không phải từ kẻ thù, mà là từ một trong những cộng tác viên thân cận nhất của Đức Giáo Hoàng, người đã chia sẻ việc cai quản Giáo hội, đặc biệt là trong các vấn đề kinh tế.

Đức Phanxicô ngay lập tức bác bỏ đơn từ chức của vị Hồng Y, nhưng sự bất mãn này giữa những người được gọi là các Hồng Y trong nhóm Bergoglio, đã mở ra một suy tư nghiêm túc, ít nhiều công khai, về những cải cách của triều giáo hoàng này.

Do đó, không thể phủ nhận rằng thời kỳ tiền Cơ Mật Viện đã mở ra, ít nhất là trong những tháng gần đây, nhưng điều này không có nghĩa là triều đại của Đức Phanxicô đã kết thúc.

Thời kỳ tiền Cơ Mật Viện trước cái chết của Đức Wojtyla kéo dài hàng thập kỷ trước khi vị Giáo hoàng Ba Lan qua đời. Và phải nói rằng trong thập kỷ đó, nhiều ứng cử viên đủ điều kiện đã chết trước vị Thánh Giáo hoàng.
Source:Il Fatto Quotidiano

4. Tình trạng của Hồng Y Đoàn

Ngày nay, số Hồng Y cử tri có thể tham gia Cơ Mật Viện để bầu ra một tân Giáo Hoàng là 122 vị, một con số ít nhiều phù hợp với những gì Đức Thánh Cha Phaolô VI quy định. Cần nhớ rằng Đức Giáo Hoàng Montini đã ấn định số lượng Hồng Y cử tri tối đa là 120 vị và với Tự Sắc Ingravescentem ngài thiết định rằng ở tuổi 80, các Hồng Y mất quyền tham gia Cơ Mật Viện bầu tân Giáo Hoàng.

Cho đến thời điểm hiện nay, trong số các vị Hồng Y cử tri:

13 vị được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong;

39 vị được Đức Bênêđíctô 16 tấn phong;

70 vị được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong.

Về lý thuyết, nếu mọi thứ không thay đổi cho đến cuối năm 2022, thì vào cuối năm sau, số Hồng Y được bầu sẽ giảm từ 122 xuống còn 110, tức là ít hơn 10 vị so với con số do Đức Phaolô VI thiết lập.

Con số các Hồng Y cử tri không bao gồm Đức Hồng Y Giovanni Angelo Becciu, 73 tuổi, đang bị xét xử. Ngài đã bị tước bỏ các quyền và đặc quyền liên quan đến tước vị Hồng Y vào ngày 27 tháng 9 năm ngoái, 2020.

Trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 12 năm 2022, 6 vị Hồng Y Mỹ Latinh và 6 vị Hồng Y Âu châu sẽ vượt qua tuổi 80.

1) Đức Hồng Y Angelo Scola người Ý sinh ngày 07.11.1941

2) Đức Hồng Y Ricardo Ezzati Andrello người Chí Lợi sinh ngày 07.01.1942

3) Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti người Ý - sinh ngày 07.04.1942

4) Đức Hồng Y Ricardo Blázquez Pérez người Tây Ban Nha - sinh ngày 13.04.1942

5) Đức Hồng Y Norberto Rivera Carrera người Mễ Tây Cơ - sinh ngày 06.06.1942

6) Đức Hồng Y Jorge Liberato Urosa Savino người Venezuela - sinh ngày 28.08.1942

7) Đức Hồng Y Gregorio Rosa Chávez người El Salvador - sinh ngày 09.09.1942

8) Đức Hồng Y Rubén Salazar Gómez người Colombia - sinh ngày 22.09.1942

9) Đức Hồng Y Giuseppe Bertello người Ý - sinh ngày 01.10.1942

10) Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi người Ý - sinh ngày 18.10.1942

11) Đức Hồng Y André Armand Vingt-Trois người Pháp - sinh ngày 07.11.1942

12) Đức Hồng Y Óscar Andrés Rodríguez Maradiaga người Honduras - sinh ngày 29.12.1942

Những dữ liệu này cung cấp cơ sở cho xác suất rằng vào cuối năm nay hay chậm nhất là những tháng đầu tiên của năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ công bố Sắc lệnh thứ tám của ngài về việc tấn phong các tân Hồng Y, đặc biệt là các đại cử tri.
Source:Sismpgrafo