1. Đức Thánh Cha Phanxicô gởi sứ điệp đến lễ hội giới trẻ Mễ Du: Chúa Kitô giải phóng chúng ta 'khỏi sự quyến rũ của các thần tượng'

Hôm thứ Hai 2 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi một thông điệp gửi tới Lễ hội Thanh niên Medjugorje hay còn gọi là Mễ Du, nơi chúng tôi mời gọi anh chị em hiệp thông để cầu nguyện cho quê hương Việt Nam chúng ta, cách riêng là cho thành phố Sàigòn. Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nói với những người trẻ Công Giáo rằng ánh mắt yêu thương của Chúa Kitô có thể giải thoát họ khỏi sự hấp dẫn đối với các ngẫu tượng.

“Hãy can đảm để sống tuổi trẻ của các con bằng cách giao phó bản thân mình cho Chúa và bắt đầu một cuộc hành trình với Người,” Đức Thánh Cha nói hôm 2 tháng 8.

“Hãy để bản thân bị chinh phục bởi ánh mắt yêu thương của Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự quyến rũ của ngẫu tượng, khỏi sự giàu có giả tạo hứa hẹn cuộc sống nhưng lại gây ra cái chết. Đừng sợ để chào đón Lời của Chúa Kitô và chấp nhận lời mời gọi của Ngài.”

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô được gửi vào ngày thứ hai trong Lễ hội Giới trẻ Medjugorje lần thứ 32 đang diễn ra tại Bosnia và Herzegovina từ mùng 1 đến mùng 8 tháng Tám.

Trong bài suy tư của mình, Đức Thánh Cha đã nói về người thanh niên giàu có được tường thuật trong Phúc Âm. Anh ta đã lên đường đến gặp Chúa với lòng nhiệt thành và ước muốn biết được phương thế để có thể đạt được sự sống vĩnh cửu.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng “Phúc Âm không cho chúng ta biết tên của người thanh niên đó, và điều này cho thấy rằng anh ta có thể đại diện cho mỗi người trong chúng ta”.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng Chúa Giêsu hướng người thanh niên đến các điều răn, như là bước đầu tiên phải làm để hưởng sự sống đời đời.

Khi người thanh niên nói rằng anh ta đã hành động với lòng bác ái đối với những người lân cận, Chúa Giêsu nói với anh ta: “Nếu anh muốn trở nên hoàn hảo, hãy đi, bán những gì anh có, cho người nghèo và anh sẽ có một kho tàng trên trời.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Những gì Chúa Giêsu đề xuất không phải là một sự tước đoạt mọi thứ của một con người tự do và có quan hệ rộng rãi. Nếu lòng ta chỉ nghĩ đến tiền của, Chúa và người lân cận bị giản lược thành các vật thể trong số những thứ khác. Việc chúng ta có quá nhiều và mong muốn quá nhiều sẽ bóp nghẹt trái tim của chúng ta và khiến chúng ta không hạnh phúc và không thể yêu thương được nữa”.

Đức Giáo Hoàng cho biết bước thứ ba mà Chúa Giêsu đề nghị với người thanh niên là “hãy đến, hãy theo tôi”.

Trích dẫn thông điệp Veritatis Splendor của Đức Bênêđictô 16, Đức Phanxicô nói “việc đi theo Chúa Kitô không phải là một sự bắt chước bên ngoài, bởi vì nó chạm đến con người trong thẳm sâu nội tâm của người ấy. Trở thành môn đệ của Chúa Giêsu có nghĩa là trở nên đồng hình với Ngài”.

“Đổi lại, chúng ta sẽ nhận được một cuộc sống phong phú và hạnh phúc, đầy đủ khuôn mặt của biết bao anh chị em, cha mẹ và con cái… (x. Mt 19:29). Theo Chúa Kitô không phải là mất mát, mà là được lợi khôn lường, và việc từ bỏ là nhằm vượt qua những trở ngại ngăn cản cuộc hành trình.”

“Đừng nản lòng như người thanh niên giàu có của Phúc Âm; thay vào đó, hãy chăm chú nhìn vào Đức Maria, gương mẫu tuyệt vời trong việc noi gương Chúa Kitô, và hãy phó thác bản thân cho Đức Mẹ, Đấng đã đáp lại lời kêu gọi của Chúa một cách kiên quyết. Chúng ta nhìn lên Đức Maria để tìm thấy sức mạnh và nhận được ân sủng cho phép chúng ta nói với Chúa rằng: ‘Lạy Chúa con đây’”.

Lễ hội Giới trẻ Medjugorje tập trung vào việc cầu nguyện, với Thánh lễ, chầu Thánh Thể, Kinh Mân Côi và một cuộc rước Đức Mẹ. Lễ hội giới trẻ kéo dài một tuần cũng bao gồm các bài học giáo lý, chứng tá và một buổi biểu diễn âm nhạc.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Sự kiện này - như kinh nghiệm của rất nhiều người đã nói - có sức mạnh để đưa chúng ta đi trên con đường hướng tới Chúa”.
Source:Catholic News Agency

2. Bài giảng của Đức Hồng Y Robert Sarah trong Thánh lễ khai mạc lễ hội thanh niên Mễ Du

Đức Hồng Y Robert Sarah, nguyên tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích của Vatican đã cử hành Thánh lễ khai mạc lễ hội thanh thiếu niên vào ngày 1 tháng 8. Đầu tháng này, Đức Hồng Y Sarah đã trải qua một cuộc phẫu thuật tuyến tiền liệt có sự hỗ trợ của robot ở miền nam nước Ý.

Trong bài giảng ngày 1 tháng 8, Đức Hồng Y Sarah nói “chúng ta đến đây, đến Medjugorje này, để đổi mới đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, nghĩa là, để thiết lập một mối quan hệ đích thực và quan trọng với Ngài, Chúa của chúng ta và Thiên Chúa của chúng ta, để trong lời cầu nguyện, chúng ta có thể trả lời câu hỏi quan trọng: Làm thế nào để tìm thấy Chúa Giêsu và làm thế nào để ứng xử trong sự Hiện diện thâm nhập và tối cao của Ngài trong chúng ta?”

“Nhiều người cùng thời với chúng ta, tôi thậm chí có thể nói rằng vô số người rất gần gũi với chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong số bạn bè của chúng ta, nơi chúng ta học tập và làm việc, dường như vô cảm, thờ ơ, thậm chí phản đối và thù địch với câu hỏi về sự tồn tại của Chúa. Họ thậm chí còn dám tuyên bố rằng họ không còn nghĩ đến đức tin nữa và coi đó như là dấu hiệu cho thấy họ được tự do”

Đức Hồng Y khuyến khích những người trẻ nhớ đến phép Rửa Tội của họ và như Thánh Phaolô nói trong Ê-phê-sô 4:24, chúng ta “phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện..”

“Hôm nay Chúa Kitô, Chúa chúng ta kêu gọi chúng ta nhìn lên; điều thực sự quan trọng là phải nhắc nhở con người tiêu dùng hiện đại là ăn để sống chứ không phải sống để ăn.”

Đức Hồng Y Sarah nói “Chúa Giêsu, Đấng thấu hiểu trái tim con người, muốn đáp lại những ước muốn sâu xa nhất của chúng ta, những khát vọng thiết yếu nhất của chúng ta, cho cơn đói Tình yêu và cơn khát Tuyệt đối đang hành hạ chúng ta.”

Ngài nhấn mạnh rằng Bí tích Thánh Thể là “một phương thuốc cho phép chúng ta rời bến bờ của sự thoải mái và sự an toàn giả tạo của chúng ta, vốn được đánh dấu bằng thuyết tương đối, để có thể đến bến bờ của Tin Mừng Chân lý và Ơn Cứu độ cho linh hồn chúng ta.”


Source:Catholic News Agency

3. Ký sự của một nữ tu trên tuyến đầu

Thế là đã gần một tuần lễ trôi qua kể từ khi tôi bước chân lên đường trở thành một tình nguyện viên phục vụ các bệnh nhân trong đại dịch Covid đang diễn ra hết sức nghiêm trọng nơi bệnh viện dã chiến. Với tôi, ngày đầu thời gian dài lê thê. Tôi thật sự sốc nặng khi được chứng kiến cận cảnh những con người đang phải một mình quằn quại đấu tranh cho sự sống bên cạnh chiếc máy thở, không một người thân, không gì hết… một sự rùng mình và thoáng trong suy nghĩ của tôi: sự sống thật mỏng manh và chính mình cũng đang phải đối diện với cái chết, sự mạo hiểm rằng mình cũng có thể bị lây nhiễm thì sẽ như thế nào đây?

Đã có lúc tôi tự hỏi “Phải chăng đầu tôi đang có vấn đề, khi tôi lựa chọn một công việc mà ở thời điểm hiện tại cực kỳ nguy hiểm, bỡi lẽ trong khi hàng ngàn người đang tìm cách rời khỏi những khu vực dịch bệnh nguy hiểm, thì tôi lại tìm đến những nơi nguy hiểm nhất…”

Một ngày, hai ngày… và rồi tôi nhận ra rằng: tình yêu của Chúa là sức mạnh, là nghị lực cho tôi lăn xả phục vụ. Lúc này tôi không còn sợ hãi và không còn một chút e ngại nào. Thay vào đó tôi đã học và hiểu được một thứ ngôn ngữ hơn cả thứ ngôn ngữ bằng lời, đó là thứ ngôn ngữ của tình yêu: giọt nước mắt của bệnh nhân.

Tưởng chừng trong bệnh viện, ai cũng giống ai: một bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, là tu sĩ hay là ai đi chăng nữa thiết tưởng, chẳng có ai nhận ra. Thế nhưng, thứ ngôn ngữ không lời trong tình yêu của người phục vụ vẫn đủ để người ta nhận ra người của Chúa. Vẫn chỉ là những cử chỉ lau lọt, nâng lên hạ xuống, những thìa cháo mang chút hơi ấm,… hết sức bình thường mà giờ đây nó trở thành một thứ ngôn ngữ không lời và truyền tải tình yêu đến người khác. Và đã là thứ ngôn ngữ của tình yêu thì chỉ có thể đáp trả lại bằng tình yêu: giọt nước mắt. Đã có một cuộc đối thoại ngắn gọn nhưng cũng đủ để cả hai hiểu rằng cuộc đời này thật đẹp, thật đáng sống:

- Cô là người có tâm, nếu còn sống tôi nhất định sẽ đáp ơn Cô!

- Không Bác ơi! Công xá chi. Con tình nguyện phục vụ mà, con là người đi tu đạo Chúa…

Và rồi những giọt nước mắt…. trong sự nghẹn ngào:

- Cô… nói… Chúa… cho tôi.

Tôi như bị khựng lại một lúc vì tự nhiên lúc đó bao nhiêu thứ thần học đã được học, những hiểu biết về Chúa đi đâu hết mà chỉ còn lại sự im lặng và sự im lặng. Im lặng trong sự hạnh phúc trào dâng khi một người họ muốn biết về Chúa. Bất giác tôi trả lời:

- Bác ơi! Bác cứ nghỉ ngơi đi ạ. Chúa của con nói Chúa yêu bác nhiều lắm nên mới gửi con đến chăm bác…

Một cuộc đối thoại ngắn nhưng nó đã trở thành động lực lớn để tôi tiếp tục phục vụ. Tôi biết rằng tình yêu của Chúa vẫn đong đầy cuộc sống của tôi. Chúa không ở đâu xa xôi, nhưng ở ngay trong thực tại mà có những lúc ta đã lãng quên.

Nếu chúng ta còn có cơ may được sống cùng với những người thân bên cạnh dù đau yếu hay khỏe mạnh, chúng ta hãy tận dụng để trao tặng nhau thứ ngôn ngữ của tình yêu: một nụ cười, một ánh mắt quan tâm, một lời khích lệ… Tôi thiết tưởng những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của họ vì sự hạnh phúc mà họ đã nhận được là biểu hiện của tình yêu và lòng biết ơn.

Cảm tạ Chúa đã cho chúng con một cuộc đời để sống, để yêu ngay cả trong hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài, mỗi chúng con đều cảm nghiệm được hạnh phúc, dù thiếu thốn vật chất, nguy hiểm cho tính mạng hay mất phương hướng cho tương lai…, chúng con vẫn còn có khả năng để yêu thương và đón nhận sự quan tâm của người khác.