Một linh mục Công Giáo đang quay trở lại vùng đất nơi ngài từng bị bắt cóc để “mang lại hy vọng cho những người đã mất hy vọng”.
Trong bảy năm qua Cha Charles Mbikoyo đã học triết học tại Đại học Giáo hoàng Urbanô ở Rôma. Câu chuyện của ngài bắt đầu ở khu vực ngày nay là Nam Sudan, nơi ngài vào chủng viện năm 12 tuổi, vào năm 1988.
Việc học của ngài ở đó đã bị gián đoạn một năm sau đó, khi những kẻ nổi loạn đến đập cửa vào nửa đêm.
Cha Mbikoyo kể lại rằng “Có một tiếng quát tháo” ra lệnh cho các chủng sinh “phải ra ngoài”.
Nhận thức được mối đe dọa từ các nhóm nổi dậy gần đó, các chủng sinh do dự không mở cửa. Nhưng những người đàn ông bên ngoài cảnh báo rằng “nếu không mở cửa, họ sẽ thiêu sống chúng tôi cùng với tòa nhà”.
Các chủng sinh miễn cưỡng đi ra ngoài nơi những người nổi dậy ra lệnh cho họ thu thập đồ đạc của họ và đi với họ “để cải tạo”. Cha Mbikoyo, cùng với 40 cậu bé khác và Cha Giám đốc của chủng viện, đã bị bắt.
Cha Mbikoyo cho biết “Điều đầu tiên họ nói, là bất kỳ ai trốn thoát sẽ bị bắn chết”.
Trong ba tháng tiếp theo, các cậu bé phải trải qua khóa huấn luyện quân sự nghiêm ngặt.
“Chúng tôi phải nhảy như những con ếch. Chúng tôi phải học cách né đạn. Cách bắn”.
“Học thuyết của họ là: ‘Khẩu súng là cha tôi’. Nói cách khác, ‘Muốn lấy gì thì lấy, chỉ cần có khẩu súng này’”.
Theo Cha Mbikoyo, trong tình cảnh nghiệt ngã như thế, ngài và các chủng sinh “đành buông xuôi”.
“Chúng tôi mất hy vọng trở về nhà. Chúng tôi mất hy vọng đi học trở lại. Chúng tôi mất hy vọng trở thành linh mục, là ý định ban đầu của chúng tôi”.
Khi được thả tự do, Cha Giám đốc của chủng viện từ chối, và nhất quyết ở lại với các cậu bé.
“Những lời của Cha Giám đốc đã mang đến cho tôi hy vọng. Sự can đảm của ngài khiến tôi hiểu rằng, vâng, có một Thiên Chúa toàn năng có thể bảo vệ chúng ta”.
Sau nhiều tháng bị giam cầm, ngài đã tìm ra cách trốn thoát cùng 4 cậu bé khác. Họ sống sót sau một cuộc hành trình đầy nguy hiểm bao gồm băng qua hai con sông nơi hàng đàn cá sấu nhởn nhơ bơi lội.
“Khi chúng tôi trốn thoát được, chúng tôi đến thị trấn tên là Yei”. Ngài tiếp tục theo học tại chủng viện ở đó cho đến khi quân nổi dậy đe dọa ngài một lần nữa.
“Chúng tôi học tiếp tục chỉ mới được một tháng thì bắt đầu nghe tin phiến quân sắp tấn công Yei. Chúng tôi nói ‘không, không thể ở đây’. Nếu họ tìm thấy chúng tôi một lần nữa. Họ sẽ giết chúng tôi hoặc họ đưa chúng tôi trở lại tiền tuyến để chiến đấu”.
Ngài quyết định di tản. Hội Chữ thập đỏ “đã đón chúng tôi trở về nhà”, và chủng viện chuyển từ Rimenze đến Nzara để tránh quân nổi dậy. Nhưng họ vẫn tìm đến và tấn công chỗ ở mới này của chúng tôi.
Thế là Cha Mbikoyo bỏ nước ra đi và chuyển đến Cộng hòa Trung Phi. Sau khi sống ở đó ba năm, ngài đến Uganda để tiếp tục con đường học vấn của mình.
“Rất nhiều năm, tôi đã không gặp bố mẹ - khoảng tám hoặc chín năm. Bởi vì tôi phải sống lưu vong. Chúng tôi sợ rằng khi chúng tôi trở về nhà, họ có thể bắt chúng tôi”.
Cuối cùng, ngài được phong chức vào năm 2007, sau khi nội chiến Sudan lần thứ hai kết thúc.
“Khi tôi trở thành một linh mục, tôi đã nói, ‘Đây là một ơn gọi thực sự’. Bởi vì, với tất cả những đau khổ này, có lẽ tôi đã bỏ cuộc vì nghĩ rằng đây không phải là ơn gọi của tôi. Tại sao tôi phải chịu tất cả những đau khổ như thế trong cuộc sống của tôi?”
“Cuối cùng, tôi nhận ra rằng không, ơn gọi linh mục chính là thiên chức của tôi”
Source:Catholic News Agency