1. Từ lính nhi đồng trở thành linh mục Công Giáo: Cha Mbikoyo sống để mang lại hy vọng cho những người vô vọng
Một linh mục Công Giáo đang quay trở lại vùng đất nơi ngài từng bị bắt cóc để “mang lại hy vọng cho những người đã mất hy vọng”.
Trong bảy năm qua Cha Charles Mbikoyo đã học triết học tại Đại học Giáo hoàng Urbanô ở Rôma. Câu chuyện của ngài bắt đầu ở khu vực ngày nay là Nam Sudan, nơi ngài vào chủng viện năm 12 tuổi, vào năm 1988.
Việc học của ngài ở đó đã bị gián đoạn một năm sau đó, khi những kẻ nổi loạn đến đập cửa vào nửa đêm.
Cha Mbikoyo kể lại rằng “Có một tiếng quát tháo” ra lệnh cho các chủng sinh “phải ra ngoài”.
Nhận thức được mối đe dọa từ các nhóm nổi dậy gần đó, các chủng sinh do dự không mở cửa. Nhưng những người đàn ông bên ngoài cảnh báo rằng “nếu không mở cửa, họ sẽ thiêu sống chúng tôi cùng với tòa nhà”.
Các chủng sinh miễn cưỡng đi ra ngoài nơi những người nổi dậy ra lệnh cho họ thu thập đồ đạc của họ và đi với họ “để cải tạo”. Cha Mbikoyo, cùng với 40 cậu bé khác và Cha Giám đốc của chủng viện, đã bị bắt.
Cha Mbikoyo cho biết “Điều đầu tiên họ nói, là bất kỳ ai trốn thoát sẽ bị bắn chết”.
Trong ba tháng tiếp theo, các cậu bé phải trải qua khóa huấn luyện quân sự nghiêm ngặt.
“Chúng tôi phải nhảy như những con ếch. Chúng tôi phải học cách né đạn. Cách bắn”.
“Học thuyết của họ là: ‘Khẩu súng là cha tôi’. Nói cách khác, ‘Muốn lấy gì thì lấy, chỉ cần có khẩu súng này’”.
Theo Cha Mbikoyo, trong tình cảnh nghiệt ngã như thế, ngài và các chủng sinh “đành buông xuôi”.
“Chúng tôi mất hy vọng trở về nhà. Chúng tôi mất hy vọng đi học trở lại. Chúng tôi mất hy vọng trở thành linh mục, là ý định ban đầu của chúng tôi”.
Khi được thả tự do, Cha Giám đốc của chủng viện từ chối, và nhất quyết ở lại với các cậu bé.
“Những lời của Cha Giám đốc đã mang đến cho tôi hy vọng. Sự can đảm của ngài khiến tôi hiểu rằng, vâng, có một Thiên Chúa toàn năng có thể bảo vệ chúng ta”.
Sau nhiều tháng bị giam cầm, ngài đã tìm ra cách trốn thoát cùng 4 cậu bé khác. Họ sống sót sau một cuộc hành trình đầy nguy hiểm bao gồm băng qua hai con sông nơi hàng đàn cá sấu nhởn nhơ bơi lội.
“Khi chúng tôi trốn thoát được, chúng tôi đến thị trấn tên là Yei”. Ngài tiếp tục theo học tại chủng viện ở đó cho đến khi quân nổi dậy đe dọa ngài một lần nữa.
“Chúng tôi học tiếp tục chỉ mới được một tháng thì bắt đầu nghe tin phiến quân sắp tấn công Yei. Chúng tôi nói ‘không, không thể ở đây’. Nếu họ tìm thấy chúng tôi một lần nữa. Họ sẽ giết chúng tôi hoặc họ đưa chúng tôi trở lại tiền tuyến để chiến đấu”.
Ngài quyết định di tản. Hội Chữ thập đỏ “đã đón chúng tôi trở về nhà”, và chủng viện chuyển từ Rimenze đến Nzara để tránh quân nổi dậy. Nhưng họ vẫn tìm đến và tấn công chỗ ở mới này của chúng tôi.
Thế là Cha Mbikoyo bỏ nước ra đi và chuyển đến Cộng hòa Trung Phi. Sau khi sống ở đó ba năm, ngài đến Uganda để tiếp tục con đường học vấn của mình.
“Rất nhiều năm, tôi đã không gặp bố mẹ - khoảng tám hoặc chín năm. Bởi vì tôi phải sống lưu vong. Chúng tôi sợ rằng khi chúng tôi trở về nhà, họ có thể bắt chúng tôi”.
Cuối cùng, ngài được phong chức vào năm 2007, sau khi nội chiến Sudan lần thứ hai kết thúc.
“Khi tôi trở thành một linh mục, tôi đã nói, ‘Đây là một ơn gọi thực sự’. Bởi vì, với tất cả những đau khổ này, có lẽ tôi đã bỏ cuộc vì nghĩ rằng đây không phải là ơn gọi của tôi. Tại sao tôi phải chịu tất cả những đau khổ như thế trong cuộc sống của tôi?”
“Cuối cùng, tôi nhận ra rằng không, ơn gọi linh mục chính là thiên chức của tôi”
Source:Catholic News Agency
2. Thanh niên qua đời ở tuổi 21 làm nhiều phép lạ. Giáo Hội nghiên cứu án tuyên thánh
Các quan chức Giáo hội đang nghiên cứu một trong các phép lạ được báo cáo là do lời cầu bầu của một thanh niên Công Giáo người Ý qua đời ở tuổi 21.
Cha Walter Vinci, Tổng Cáo Thỉnh Viên của Dòng Thánh Camilliô, lưu ý rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận các nhân đức anh hùng của Nicola d'Onofrio vào ngày 5 tháng 7 năm 2013.
Nhân đức anh hùng là một trong những yêu cầu để được phong chân phước trong Giáo Hội Công Giáo. Sau đó, để được tuyên Chân Phước, cần có một phép lạ được xác minh là do ứng viên cầu bầu.
“Chúng tôi hiện đang nghiên cứu một phép lạ được cho là nhờ lời cầu bầu của anh Nicola d'Onofrio. Do đó, chúng tôi có thể nói rằng quá trình phong chân phước và phong thánh đang diễn ra một cách khả quan”, Cha Vinci nói với ACI Stampa.
Vào năm 2008, một phụ nữ Chí Lợi nói rằng cô ấy đã khỏi bệnh bại não nhờ sự cầu bầu của d'Onofrio.
Cha Vinci giải thích rằng danh tiếng về sự thánh thiện của d'Onofrio là nhờ lòng can đảm khi anh chấp nhận đau khổ.
Ứng cử viên được phong chân phước, được bạn bè biết đến với cái tên Nicolino /ni-cô-lí-nồ/, sinh năm 1943 tại Villamagna, vùng Abruzzo, đông nam nước Ý, không xa nơi sinh của Thánh Camillus de Lellis, người sáng lập dòng Camilliô vào thế kỷ 16.
Với mong muốn gia nhập dòng tu có các thành viên mặc áo choàng đen với cây thánh giá lớn màu đỏ, d'Onofrio chuyển đến học tại trường dòng Camilliô ở Rôma năm 1955. Anh đi tu vào năm 1961. Bên cạnh ba các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời, anh còn chấp nhận lời khấn thứ tư là chăm sóc người bệnh, ngay cả khi phải trả giá bằng mạng sống của mình. Đó là lời khấn chuyên biệt của nhà dòng.
Anh được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vào năm 1963. Những người xung quanh bị ấn tượng bởi phong thái ôn hòa và nụ cười sẵn sàng của anh khi phải trải qua một quá trình điều trị gian khổ.
Vào tháng 5 năm 1964, bề trên của d'Onofrio yêu cầu anh hành hương đến Lộ Đức với hy vọng được chữa lành một cách kỳ diệu.
Khi anh ra đi, một thành viên trong dòng nói rằng cộng đồng sẽ cầu nguyện cho anh.
“Vâng, cầu nguyện, hãy cầu nguyện không phải để chữa bệnh cho tôi, nhưng để tôi có thể làm theo ý muốn của Thiên Chúa”, d'Onofrio trả lời.
Khi ở Pháp, d'Onofrio cũng đã đến thăm Lisieux, quê hương của Thánh Têrêsa, nơi anh đã viết một bức thư cho cha mẹ mình.
“Con rất hạnh phúc khi có thể chịu đựng một chút bây giờ khi con còn trẻ vì đây là những năm tốt nhất để dâng lên Chúa một điều gì đó”, anh viết.
“Cha mẹ yêu dấu, xin hãy cầu nguyện với Chúa rằng Ngài có thể phục hồi sức khỏe cho con để con có thể trở thành một linh mục và làm việc nhiều hơn cho các linh hồn”.
“Tuy nhiên, nếu Chúa nhân lành muốn điều gì đó khác với mong muốn của chúng ta, hãy tạ ơn Chúa: Ngài biết điều Ngài đang làm và điều gì là tốt nhất cho chúng ta! Chúng ta không thể biết những điều này - chỉ có Chúa mới biết chúng. “
Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã chuẩn chước cho d'Onofrio để anh có thể khấn trọn trước thời hạn vào ngày 28 tháng 5 năm 1964. Anh qua đời tại Rôma vào ngày 12 tháng 6, 1964.
Cha Vinci nhận xét rằng: “Nụ cười trong cuộc sống hàng ngày là điều Nicolino mong muốn để lại cho những người trẻ hôm nay và mai sau.”
Source:Catholic News Agency
3. Tổng hội y khoa Tây Ban Nha phản kháng những đe dọa của Bộ Trưởng Y Tế Tây Ban Nha
Hôm thứ Hai 12 tháng 7, Tổng hội y khoa Tây Ban Nha đã nhận xét rằng lời đe dọa của bộ trưởng y tế chính phủ đối với sự phản đối lương tâm liên quan đến phá thai là “không thể chấp nhận được, bất hợp pháp và bất công”.
Tổng hội y khoa Tây Ban Nha, gọi tắt là CGCOM, đã phản ứng với những thay đổi được đề xuất đối với luật phá thai của đất nước do Bộ trưởng Irene Montero của Tây Ban Nha công bố.
Montero tuyên bố vào ngày 8 tháng 7 rằng “quyền phản đối vì lý do lương tâm của các bác sĩ không thể nằm trên quyền quyết định của phụ nữ.”
CGCOM, cơ quan đại diện cho 52 trường Đại Học y khoa, đã bảo vệ quyền phản đối vì lý do lương tâm trong một tuyên bố ngày 12 tháng 7.
“Bó buộc lương tâm của các thầy thuốc nhằm mở rộng số lượng các bác sĩ sẵn sàng tham gia vào phẫu thuật phá thai ngoài việc vi hiến, còn là một giải pháp tồi tệ, mà từ góc độ của ngành y tế sẽ bị coi là không thể chấp nhận được, bất hợp pháp và bất công.”
Thông báo của Montero được đưa ra chỉ hai tuần sau khi Nghị viện Âu Châu thông qua một báo cáo tìm cách xác định lại quyền phản đối vì lý do lương tâm là “từ chối chăm sóc y tế”.
CGCOM cho biết: “Gây khó khăn cho việc thực hiện quyền phản đối vì lý do lương tâm bằng các quy tắc hoặc nghị định là không phù hợp, nhưng nó cũng đặc biệt không công bằng”.
“Nó khiến các bác sĩ trở thành mục tiêu của sự không hài lòng của bệnh nhân và của các thành phần trong xã hội khi họ không đáng bị trách móc, và khi cơ hội để giải quyết vấn đề nằm ở chỗ khác”.
Tòa án Hiến pháp của Tây Ban Nha công nhận rằng các bác sĩ có quyền cơ bản là quyền phản đối vì lý do lương tâm “khi điều đó xuất phát từ mệnh lệnh đạo đức liên quan đến cuộc sống, chẳng hạn như phá thai và hành vi chết người”.
Tây Ban Nha hợp pháp hóa việc phá thai vào năm 1985. Luật, được sửa đổi lần cuối vào năm 2015, cho phép phá thai theo yêu cầu đối với thai đến 14 tuần và đến 22 tuần đối với những bất thường của thai nhi và khi có nguy cơ nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ.
Bộ Y tế Tây Ban Nha báo cáo rằng 99,149 ca phá thai đã được thực hiện trong năm 2019, nhiều hơn 3,232 ca so với năm 2018.
Source:Catholic News Agency
4. Cuba bắt giữ nhiều nhà hoạt động và đổ lỗi cho Mỹ gây ra các cuộc biểu tình
Hôm thứ Năm 15 tháng 7, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Ned Price đã lên tiếng phản đối nhà cầm quyền Cuba sau khi Cuba đổ lỗi cho Hoa Kỳ can thiệp vào các cuộc biểu tình lịch sử diễn ra cuối tuần qua. Nhà cầm quyền Cuba cho rằng các cuộc biểu tình là do Mỹ “ bóp nghẹt kinh tế” và các cơ quan tình báo Mỹ xúi giục dân chúng nổi loạn.
Ông Ned Price cho biết chính quyền Mỹ ủng hộ quyền biểu tình của người dân Cuba và phản đối Cuba bắt giữ một số nhà hoạt động nổi tiếng.
Các đường phố ở Havana vắng lặng vào hôm thứ Hai, mặc dù có sự hiện diện của cảnh sát dày đặc và tòa nhà Quốc Hội, nơi hơn một nghìn người đã tụ tập một ngày trước đó, đã bị phong tỏa. Tình trạng mất mạng internet di động - là cách duy nhất mà nhiều người Cuba truy cập vào Internet - diễn ra thường xuyên.
Hàng nghìn người Cuba đã tham gia các cuộc biểu tình trên đường phố từ Havana đến Santiago vào Chúa Nhật trong cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất trên hòn đảo do Cộng sản kiểm soát trong nhiều thập kỷ. Họ phản đối cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng của đất nước và cách thức xử lý đại dịch, nhưng nhiều người còn đi xa hơn, kêu gọi chấm dứt chủ nghĩa cộng sản và hô hào tự do.
Theo nhóm Cuba lưu vong có tên là Cubalex, ít nhất 100 người biểu tình, các nhà hoạt động và nhà báo độc lập đã bị giam giữ trên toàn quốc kể từ hôm Chúa Nhật. Tuy nhiên, nhóm này nhận xét rằng “người dân Cuba đang càng ngày càng tỏ ra bớt sợ.”
Source:Reuters