1. Cuộc hành hương của Bức Ảnh Thánh Gia đến các quốc gia Trung Đông
Cuộc hành hương của Bức Ảnh Thánh Gia đã khởi hành từ Giêrusalem, và trong những tháng tới sẽ thực hiện một cuộc thánh du lâu dài đến quốc gia Li Băng và các nước Trung Đông khác, được nối kết với nhau qua lòng sùng mộ đối với Chúa Giêsu, Thánh Giuse và Đức Maria. Đó là các cộng đồng đức tin khác nhau đang bị vùi dập giữa những cơn thử thách, khủng hoảng và xung đột tái diễn gây ảnh hưởng đến khu vực này trên thế giới.
Đức Thượng phụ Công Giáo Syria Ignace Youssif III Younan, đang thăm viếng mục vụ tại các nước Israel, Palestine và Jordan, đã được Tổng thống Palestine Abu Mazen tiếp đón hôm 10 tháng 7, đã mang theo Bức Ảnh của Gia đình Thánh Gia trong chuyến trở lại Li Băng. Bức ảnh Thánh Gia Thất sẽ bắt đầu lần lượt được cung nghinh đến các giáo xứ, tu viện và các đền thánh hành hương trong Đất nước của những cây bá hương.
Sau chặng Li Băng, cuộc thánh du của Bức Ảnh Thánh Gia Thất sẽ tiếp tục đến các quốc gia khác ở Trung Đông, bao gồm cả Iraq, sau đó đến Roma, nhân dịp lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, được cử hành bởi Giáo hội Roma vào ngày 8 tháng 12. Và cuối cùng, sẽ trở lại Thánh địa.
Bức Ảnh Thánh Gia hành hương này được họa lại giống như hình ảnh của Gia đình Thánh Gia Thất được tôn kính phía trên bàn thờ của Nhà thờ Thánh Giuse, ở Nazareth, nơi, theo truyền thống, là nhà của Phu quân của Đức Maria. Bức tranh được khảm thêm các thánh tích được lưu giữ ở Nazareth, tại Vương cung thánh đường Truyền tin.
Cuộc thánh du dài ngày qua các thị trấn và làng mạc ở Trung Đông có thể được coi là bước tuần tự tiếp theo của “Ngày Hòa bình cho Phương Đông” đầu tiên được cử hành vào Chủ nhật 27/6 bởi các Giáo Hội Công Giáo có mặt tại nhiều quốc gia Trung Đông.
Nhân dịp lễ đó, ngay trong các nghi thức phụng vụ Thánh Thể do các Giám mục và Thượng phụ ở Trung Đông cử hành để cầu xin hòa bình và lòng thương xót cho các dân tộc ở các vùng nơi phát sinh đức tin Kitô giáo, một hành động đặc biệt của Trung Đông là hiến dâng cho Thánh Gia Nagiarét cũng đã được thực hiện.
Một bài bình luận được công bố tại Li Băng bởi Trung tâm Truyền thông Công Giáo đã nhấn mạnh rằng: Những ánh mắt và lời cầu nguyện của những người đã được lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy cùng hướng về Bức Ảnh sẽ thể hiện sự hiệp thông đức tin ngay giữa các Kitô hữu thuộc các truyền thống khác nhau, nối kết bởi lòng sùng kính chung đối với Gia đình Thánh Gia Thất, và cũng được tôn kính đặc biệt bởi Giáo Hội Chính Thống Coptic, nơi lưu giữ những địa điểm nằm rải rác trên lãnh thổ Ai Cập, mà theo truyền thống địa phương, Đức Maria, Giuse và Chúa Hài đồng đã đi qua khi Thánh Gia buộc phải chạy trốn sang Ai Cập để thoát khỏi những kế hoạch xấu xa của vua Hêrođê.
2. Đức Giáo Hoàng tông du đến Slovakia, một tin vui bất ngờ cho những Kitô hữu của đất nước
Sau khi Đức Phanxicô xác nhận sẽ đến thăm Bratislava và ba thành phố khác của Slovakia, từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 9, Cha Martin Kramara, phát ngôn viên của Hội đồng giám mục quốc gia, đã diễn đạt nỗi vui mừng vì chuyến thăm này sẽ củng cố “đức tin của chúng tôi đang bị suy yếu bởi chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa cá nhân ”.
Hôm Chúa Nhật 4 tháng 7, Đức Thánh Cha xác nhận những gì ngài đã công bố hồi tháng Ba trong chuyến bay đưa ngài trở về Roma từ Iraq: từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 9, ngài sẽ tông du nước Slovakia. Trước khi đến thăm Bratislava, Đức Thánh Cha sẽ đến thủ đô Budapest, Hung Gia Lợi, để chủ tọa Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế, sau đó, từ buổi chiều ngày 12 tháng 9, Đức Thánh Cha sẽ dành ba ngày tông du nước cộng hòa trẻ trung miền Trung và Đông Âu. Đây sẽ là chuyến tông du thứ hai của Đức Phanxicô vào năm 2021, và là chuyến tông du thứ tư của một vị Giáo hoàng đến Slovakia sau ba chuyến công du của Đức Gioan Phaolô II: Đức Giáo Hoàng Ba Lan đến Bratislava năm 1990, sau đó ngài đến thăm Cộng hòa Slovakia độc lập vào năm 1995 và 2003.
Linh mục Martin Kramara, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Slovakia, phản ứng về thông báo về chuyến đi sắp tới này như sau:
“Tôi phải thú nhận rằng tất cả chúng tôi đều rất đỗi vui mừng khi nghe những lời của Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về từ Iraq, khi ngài đề cập về một chuyến thăm có thể tới Bratislava. Chúng tôi đã rất vui mừng phấn khởi vào thời điểm đó, nhưng khi chúng tôi nhận được lời xác nhận, trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào ngày 4 tháng 7, thì quả thực đó là một thời gian thật tuyệt vời... Tôi đã bình luận về những lời của Đức Giáo Hoàng cho đài TV Công Giáo của chúng tôi và tôi phải nói rằng tôi đã vô cùng cảm kích đến nỗi tôi không thể „nói lên lời“... Sau đó là phản ứng của Tổng thống Cộng hòa, bà Zuzana Aputová, bà cũng ngay lập tức bày tỏ niềm vui tột độ, vì nhà nước Slovakia cũng đang chuẩn bị đón tiếp Đức Giáo Hoàng với niềm hạnh phúc lớn lao. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Slovakia, Đức Tổng Giám Mục Stanislav Zvolenský, cũng phản ứng ngay lập tức, nói rằng đó là một khoảnh khắc phi thường đối với toàn thể Giáo hội. Đương nhiên, đây là một thông báo gợi nhớ lại chuyến viếng thăm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đó là một sự khích lệ lớn lao cho toàn thể đất nước. Quả thật, chúng tôi cũng vui mừng được đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô vào thời điểm này, chúng tôi rất nóng lòng mong đợi.
Cha có mong đợi chuyến viếng thăm này từ Đức Phanxicô không?
Như mọi người đã biết, chúng tôi là một nước bé nhỏ, mãi đến năm 1993, chúng tôi mới tách khỏi Tiệp Khắc và Cộng hòa Séc một cách hòa bình. Sau đó, theo thời gian, Hội đồng Giám mục của chúng tôi được thành lập và chúng tôi có một tổ chức giáo hội tự trị với tên gọi Slovakia. Tôi có thể nói rằng, chính xác bởi vì chúng tôi là một quốc gia nhỏ, chúng tôi không dám mơ tưởng thông báo này. Thật vậy, trong một số trường hợp, các giám mục của chúng tôi đã mời Đức Thánh Cha và các tín hữu của chúng tôi thường hỏi chúng tôi khi nào Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến. Nhưng chúng tôi nói với họ rằng Đức Giáo Hoàng có những việc khác phải bận tâm, nhiều cam kết quan trọng hơn để thực hiện hơn là một chuyến thăm chúng tôi. Chúng tôi nói với họ rằng chúng tôi không thể kỳ vọng vào chuyến thăm của ĐTC quá nhiều. Khi Đức Thánh Cha thông báo về chuyến đi này, đó thực sự là một bất ngờ lớn lao, một niềm vui khôn tả, vì chúng ta thực sự cần được khích lệ trong đức tin của mình.
Những thách thức chính đối với Giáo hội Slovak ngày nay là gì, thưa cha?
Tất nhiên, một trong những thách thức lớn mà chúng ta phải đối mặt sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ là quá trình thế tục hóa. Thời kỳ bắt bớ, chịu đựng trong suốt bốn mươi năm của chủ nghĩa cộng sản, trong đó Giáo hội chịu nhiều áp lực, nay đã kết thúc. Đối với chúng tôi, đó là một thời gian rất khó khăn, nhưng đồng thời mọi người cảm thấy cần phải trung thành với Tin Mừng và với Đức Thánh Cha, chiến đấu cho đức tin của mình. Ngày nay, quả thực là oái ăm, vì cuối cùng khi được hưởng tự do và chúng tôi ngày càng giàu có theo quan điểm vật chất, theo một nghĩa nào đó, càng khó giải thích cho những người trẻ tại sao phải giữ cội nguồn, giữ niềm tin, để sống theo đức tin, không theo đuổi chỉ những thứ vật chất, và do đó không ưu tiên cho chủ nghĩa tiêu dùng. Do đó, thách thức đầu tiên đối với chúng tôi là thế tục hóa và chủ nghĩa tiêu dùng. Chúng tôi rất cần được khích lệ trong đức tin.
Sau đó là sự thách thức của chủ nghĩa cá nhân, xu hướng quên đi kẻ yếu. Thật không may, khi chúng ta cải thiện điều kiện kinh tế của mình, chúng ta có xu hướng quên đi những người nghèo nhất, những người bị bỏ lại phía sau. Đây là một lời cảnh báo quan trọng và kịp thời mà Đức Thánh Cha đã thường lặp đi lặp lại: chúng ta không được quên những người đã ở lại phía sau chúng ta. Dù đang trong tình trạng phát triển nhưng chúng ta phải cố gắng nhìn vào những người anh chị em đang gặp khó khăn và đây cũng là sứ điệp của thông điệp Fratelli Tutti. Tất nhiên, chúng tôi luôn dịch các thông điệp, lời khuyến dụ và tất cả các tài liệu của Vị Mục Tử Tối Cao sang tiếng Slovak và chúng tôi cố gắng phân phát các tài liệu ấy và nói về chúng với mọi người. Nhưng đó là một chuyện để nói về một tài liệu, nó là một điều hoàn toàn khác khi được tận mắt nhìn thấy Đức Giáo Hoàng trực tiếp đến thăm và nói chuyện trực tiếp với chúng tôi. Vì vậy, với ý nghĩa này, chúng tôi mong muốn được khích lệ vì đức tin của chúng tôi, vì lợi ích chung, để không quên những người đã bị bỏ lại phía sau.
Theo những gì đã được công bố, Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm không chỉ Bratislava, mà còn ba thành phố khác...
Chuyến thăm tất nhiên sẽ bắt đầu với Bratislava, là thủ đô nhưng cũng là tòa tổng giám mục chính tòa phía tây của chúng tôi. Bởi vì ở Slovakia, có hai tổng giáo phận chính tòa Công Giáo Latinh: đó là Bratislava và của phía Đông, ở Košice. Do đó, đây sẽ là địa điểm thứ hai trong chuyến thăm của Đức Thánh Cha. Sau đó, có tổng giáo phận chính tòa Byzantine, hay Greco-Catholic, như chúng ta gọi, nằm ở Prešov và đây sẽ là địa điểm thứ ba mà Đức Giáo Hoàng đến thăm, người đến để gặp gỡ không chỉ người Latinh mà còn cả người Byzantine. Sau Bratislava, Košice và Prešov, Đức Phanxicô sẽ đến thăm một ngôi đền rất quan trọng đối với chúng tôi: đó là Šaštin, phía tây Slovakia, nơi diễn ra cuộc hành hương lớn hàng năm vào ngày 15 tháng 9 nhân lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Thật vậy, khi các giám mục của chúng tôi biết rằng Đức Giáo Hoàng sẽ đến sau Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest, kết thúc vào ngày 12 tháng 9, các ngài thực sự hy vọng rằng ĐTC có thể tham gia vào cuộc hành hương rất quan trọng này đối với chúng tôi, và Đức Phanxicô đã nhận lời. Vào dịp này, người dân Slovakia đi hành hương cầu nguyện với Đức Trinh Nữ của Bảy Sự Thương Khó, như chúng tôi vẫn tuyên xưng, và đây là một cuộc hành hương rất quan trọng mà Giáo hội Slovakia đã thực hiện với lòng can đảm ngay cả trong thời cộng sản, mặc dù chế độ toàn trị hết sức phản đối cuộc hành hương này và ra sức đàn áp nó, giống như họ đã đàn áp tất cả các dòng tu, nhưng không thành công. Cuộc hành hương hàng năm đến Šaštin vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay và sẽ diễn ra một lần nữa vào ngày 15 tháng 9, khi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham gia ”.