Theo Gianni Criveller của UCA News, hồi tháng 3 năm 2021, Ký giả Gerard O’Connell của tạp chí America có phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Paul R. Gallagher, bộ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh, về Trung Quốc và Hồng Kông.
Câu hỏi của O’Connell như sau: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô lớn tiếng chống đàn áp ở Myanmar. Tại sao ngài im lặng đối với Trung Quốc và Hồng Kông?”.
Câu trả lời của Đức Tổng Giám Mục Gallagher, theo Criveller là: Tòa Thánh nhận thấy có sự chia rẽ trong cộng đồng Công Giáo ở những nơi đấy. Ký giả này nhận định rằng đúng là có sự chia rẽ, nhưng không có sự chia rẽ về tự do và dân chủ, như nhiều người muốn họ có. Mà đúng hơn là sự chia rẽ về việc liệu Giáo Hội có nên công khai ủng hộ phong trào đòi tự do và dân chủ hay không hay liệu phong trào có nên chấp nhận các kết quả phiến diện hay tiếp tục các cuộc biểu tình. Mặt khác, sự chia rẽ gia tăng vì thiếu một Giám Mục với trọn thẩm quyền hành động.
Thành thử ký giả này cho rằng chẳng qua vì Tòa Thánh mạnh với kẻ yếu (Myanmar) mà yếu với kẻ mạnh (Trung Quốc). Dù sao, “không hành động” vì có sự chia rẽ không hẳn là một chính sách tốt. Sứ mệnh của Tòa Thánh không phải là giải quyết các chia rẽ này hay sao?
Có lẽ vì những phản ứng như trên, mà gần đây nhất, ngày 25 tháng 6, 2021, Courtney Mares của CNA tường trình rằng, “bộ trưởng ngoại giao” của Tòa Thánh cho rằng lớn tiếng về Hồng Kông “không hề tạo được bất cứ sự khác biệt nào”.
Lần này thì đối trọng không phải là Myanmar mà là Lebanon. Đức Tổng Giám Mục Gallagher được hỏi điều gì làm cho bất ổn dân sự ở Lebanon khác với phong trào phản kháng ở Hồng Kông, khiến Tòa Thánh can thiệp vào Lebanon mà không can thiệp vào Hồng Kông, ngài trả lời rằng Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh không thấy mình có thể thực hiện được bất cứ đóng góp tích cực nào tại Hồng Kông.
Nguyên văn câu nói của Đức Tổng Giám Mục trong cuộc họp báo ngày 25 tháng 6: “Hiển nhiên Hồng Kông là đối tượng được chúng tôi quan tâm. Lebanon là nơi chúng tôi tri nhận mình có thể thực hiện được một đóng góp tích cực. Chúng tôi không tri nhận điều đó ở Hồng Kông”.
“Người ta có thể nói khá nhiều, chúng tôi dám nói, những lời lẽ thích đáng được báo chí quốc tế và nhiều nơi trên thế giới đánh giá cao, nhưng tôi, và tôi nghĩ, nhiều đồng nghiệp của tôi, còn cần được thuyết phục là nó sẽ tạo được bất cứ sự khác biệt nào”.
Điều đáng lưu ý, theo CNA, là nhận định trên được nói ra chỉ mấy ngày trước khi ngoại trưởng Mỹ, Anthony Blinken, viếng Vatican để chủ ý nói đến tự do tôn giáo và cuộc khủng hoảng khí hậu. Ngày 11 tháng 6, Blinken tỏ ý quan ngại với các viên chức Trung Quốc trước việc “suy thoái các qui pham dân chủ ở Hồng Kông và nạn diệt chủng tiếp diễn và các tội ác chống nhân loại, chống người Ngô duy nhĩ phần lớn theo Hồi Giáo và thành viên các nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo khác”.
Đó cũng là quan ngại của cựu ngoại trưởng Pompeo khi viếng thăm Vatican hồi tháng 10 năm ngoái. Trước khi đến, Pompeo nói rằng người ta rất mong chờ “chứng tá tinh thần” của Vatican trong việc hỗ trợ các tín hữu tôn giáo”. Tháng 9 năm ấy, Ông việt trên tờ First Things rằng “Tòa Thánh có khả năng và nghĩa vụ độc đáo trong việc lôi kéo thế giới lưu ý tới các vi phạm nhân quyền, nhất là các vi phạm của các chế độ toàn trị như Bắc Kinh. Cuối thế kỷ 20, thế lực chứng tá tinh thần của Giáo Hội vốn giúp gây hứng cho những người giải phóng Trung và Đông Âu khỏi chủ nghĩa cộng sản. Cùng một thế lực chứng tá tinh thần ấy cần được triển khai đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Dư luận thế giới nói chung vẫn luôn mong mỏi Vatican lên tiếng đối với các vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc về Hồng Kông. Bởi thế, họ rất khó hiểu trước sự im lặng của Tòa Thánh. Câu đáp của ngoại trưởng Tòa Thánh nếu hiểu trong chính sách không muốn khoa môi gõ mõ, dùng những tĩnh từ rỗng tuếch, như ngài nói hồi tháng 3 vừa qua, nhưng khôn khéo đi đường thương thuyết ngầm thì còn hiểu được. Đàng này, ngài lại cho rằng các can thiệp của Tòa Thánh không tạo được kết quả gì đối với chế độ Bắc Kinh, để rồi không làm gì cả, thì quả Tòa Thánh đã tự cởi bỏ nghĩa vụ tiên tri của mình.
Đó là nhận định của tờ The Pillar trong bản tin ngày 29 tháng 6 của họ. Thực vậy, Ed. Condon, một trong các người chủ trương của tờ này, cho chạy hàng tít: “Prophecy vs realpolitik: Has the Vatican chosen state over Church in China?” (Nói tiên tri ngược với chính trị thực tiễn: Phải chăng Vatican chọn nhà nước hơn Giáo Hội ở Trung Quốc?)
Condon cho rằng xét về phương diện ngoại giao thuần túy, nhận định của Đức Tổng Giám Mục Gallagher không hẳn vô nghĩa. Vì quả tình, bản chất chế độ Trung Quốc là như thế: các cố gắng của họ để triệt hạ tư thế đặc biệt về chính trị và luật lệ của Hồng Kông vẫn tiếp diễn bất chấp phản kháng hoàn cầu. Các chính sách chống người Ngô duy nhĩ vẫn tiếp tục bất chấp các tường trình khắp thế giới về các trại tập rung, thanh trừng sắc tộc, hãm hiếp có hệ thống, buộc phải phá thai và triệt sản và nhiều tàn ác khác.
Riêng với Vatican, bất chấp thỏa hiệp với Bắc Kinh, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục bắt giam, giam giữ, và sách nhiễu các giáo sĩ Công Giáo không chịu thừa nhận quyền tối thượng của Đảng đối với Giáo Hội tại đất nước, và vẫn tiếp tục triệt hạ các nhà thờ địa phương.
Nhưng mặt khác, theo The Pillar, cả các nhà quan sát Giáo Hội lẫn các nhà quan sát Trung Quốc đều cho rằng việc Vatican im lặng đối với các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và trơ trẽn của Trung Quốc là một sự ủng hộ ngầm đối với chế độ cai trị ở đấy và đó là một tai tiếng to lớn.
Và mặc dù sự im lặng đó có thể có tính chiến lược, nó vẫn gây hại cho khả năng của Giáo Hội trong việc lớn tiếng cách đáng tin đối với các cuộc khủng hoảng dân sự và chính trị trên thế giới.
Nhiều nhà quan sát cho rằng Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh xem ra đã tách rời vai trò tiên tri của mình khỏi các cố gắng ngoại giao thực tiễn, trong khi nguyên lý khiến Tòa Thánh đòi cho mình tư thế một quốc gia có chủ quyền, và do đó, có quyền có các liên hệ ngoại giao chính là để được tự do lên tiếng như một tiên tri không cần phải e dè các chính phủ dân sự.
Nếu các cam kết ngoại giao giống như thoả hiệp Vatican-Trung Quốc hành xử nhằm hạn chế, dù là âm thầm, khả năng của Giáo Hội trong việc làm chứng cho sự sống và quyền tự do của con người, thì toàn bộ mục đích của tư thế chủ quyền trở nên việc tự lấy mình làm qui chiếu, hiện hữu vì chính sự hiện hữu của mình, thay vì phục vụ việc rao giảng Tin Mừng.
The Pillar đi xa hơn, cho rằng chiến lược giữ im lặng này thực ra không phục vụ cả Giáo Hội ở Hồng Kông. Sau nhiều chần chờ, do dự, thăm dò, rõ ràng với các xem xét chính trị, trong khi nhà cầm quyền áp lực đòi mọi người phải chấp nhận định nghĩa mới cho ‘lòng ái quốc”, Giáo Hội mới công bố được tên tuổi vị tân Giám Mục cho thành phố độc đáo này. Đó là Cha Stephen Chow, bề trên tỉnh của Dòng Tên tại Trung Hoa. Nhưng vị này vẫn chưa được nắm trọn thẩm quyền Giám Mục, ít nhất, cho đến tháng 12 năm nay, lúc ngài được chính thức tấn phong. Người ta tự hỏi, tại sao lại cần một thời gian dài đến thế từ bổ nhiệm đến lúc tấn phong? Phải chăng là để nhà cầm quyền Trung Quốc đủ thì giờ dẹp bỏ các tự do dân chủ ở Hồng Kông như đóng cửa Nhật Báo Daily Apple chẳng hạn.
The Pillar có nhắc lại nhận định của tân Giám Mục Chow tại cuộc họp báo đầu tiên hồi tháng 5 của ngài: “Tự do tôn giáo là nhân quyền căn bản. Chúng tôi muốn ghi nhớ điều ấy trong các cuộc đối thoại của chúng tôi với chính phủ, để nó không bị lãng quên”.
Hôm 25 tháng 6, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói rằng “chúng tôi hy vọng vị tân Giám Mục sẽ làm được rất nhiều việc”.
Nhưng làm sao tân Giám Mục có thể làm được gì với chính phủ Trung Quốc khi họ biết rõ chính Vatican đã xác tín không điều gì mình nói hay làm tạo được bất cứ khác biệt nào.
Nhận định cuối cùng của tờ The Pillar là lời tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gallagher diễn ra cùng ngày với việc người Hồng Kông nối đuôi nhau mua ấn bản cuối cùng của tờ Apple Daily, tờ báo hàng ngày buộc phải đóng cửa sau khi chủ nhân của nó, Ông Jimmy Lai, một người Công Giáo, bị bắt và tống giam.