Như đã loan tin, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, được coi như bộ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh, đã nại tới hiệp ước Lateran năm 1929 ký kết giữa Ý và Tòa Thánh để tỏ ý lo ngại về dự luật đã được hạ viện Ý thông qua, nay đang nằm ở Ủy Ban Pháp Lý Thượng Viện, về việc chống lại những ai kỳ thị người đồng tính, bằng một văn thư gửi tới chính phủ Ý, qua viên đại sứ của họ là Pietro Sebastiani, một động thái chưa từng có kể từ ngày Thị Quốc Vatican được thành lập.



Theo Elise Ann Allen của tạp chí Crux, thủ tướng Ý, Ông Mario Draghi, đã lớn tiếng bác bỏ nội dung lá thư đó. Ông nói rằng Ý là một quốc gia thế tục và trong tư cách này, có thể tự quyết định liệu dự luật ấy có hợp hiến hay không.

Nói chuyện với các thành viên của Thượng Viện Ý ngày 23 tháng 6, Ông Draghi cho rằng Ý “là một quốc gia thế tục, chứ không phải một quốc gia tuyên tín” ngầm cho thấy, quốc hội Ý “được tự do” và có thể nghị bàn, thảo luận và đi đến kết luận của chính mình.

Ông bảo rằng “Luật lệ của chúng ta có mọi bảo đảm để các đạo luật luôn tôn trọng các nguyên tắc hiến pháp và cam kết quốc tế, trong đó có Tông Hiệp với Giáo Hội”, có ý nhắc đến hiệp ước Lateran năm 1929 đã thiết lập ra Thị quốc Vatican như một thực thể có chủ quyền và điều hòa các mối liên hệ giữa Tòa Thánh và Nước Ý.

Tham chiếu một phán quyết của tòa hiến pháp Ý năm 1989, Ông Draghi nhấn mạnh rằng ý niệm thế tục (laïcité), nghĩa là việc tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước thế tục, không can thiệp vào tự do tôn giáo, nhưng đúng hơn “bảo đảm tính đa nguyên và đa dạng văn hóa”. Về phản đối của Giáo Hội, Ông Draghi nói rằng “chính phủ theo dõi việc này, nhưng đây là thời điềm của Quốc Hội, không phải là thời điểm của chính phủ”.

Các nhà phân tích cho rằng phản ứng của Ông Draghi là điều có thể dự đoán được dựa vào đường hướng chính trị. Không riêng gì Ông Draghi, phe tả ở Ý vốn lên án lập trường của Vatican, cho rằng một là vượt quá phạm vi của mình hai là lên tiếng không đúng chỗ.

Ca sĩ nhạc rap nổi tiếng của Ý, Fedez, “hót” láo xược rằng “Vatican đã không chịu trả thuế còn đi tố cáo Ý”. Điều này đã bị Vatican News phản pháo bằng cách xác định rằng cơ quan Quản Trị Di Sản của Tòa Thánh (APSA), thực tế là ngân hàng trung ương của Vatican, đã trả hơn 7 triệu dollars thuế tài sản cho chính phủ Ý và 3.5 triệu dollars thuế cơ quan.

Ấy là chưa kể các thứ thuế trả cho chính phủ Ý bởi chính phủ của Thị Quốc Vatican, của thánh bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các Dân tộc là thánh bộ quản lý rất nhiều bất động sản ở Rôma, của giáo phận Rôma và các giáo phận Ý khác.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Ý Corriere della Sera, Đức Tổng Giám Mục Nunzio Galantino, đứng đầucơ quan Quản Trị Di Sản của Tòa Thánh, vốn quản lý các tài sản của Tòa Thánh, đã bác bỏ các lời tố cáo của Fedez về thuế khoá. Ngài cho rằng Fedez một là dốt nát tin tức hai là có dụng ý xấu. Ngài cho biết, năm 2020, riêng cơ quan Quản Trị Di Sản của Tòa Thánh đã trả khoảng 5,950,000 euros (7,100,283 dollars) về thuế tài sản và khoảng 2,880,000 euros (3,436,608 dollars) về thuế cơ quan.

Các thực thể khác của Tòa Thánh và của Giáo Hội như Tòa Thống Đốc của Thị Quốc Vatican, Giáo phận Rôma, Hội Đồng Giám Mục Ý, và nhiều dòng tu đều đã trả cả thuế tài sản lẫn thuế cơ quan. Ngài cũng cho biết, cuối tháng 7 này, cơ quan Quản Trị Di Sản của Tòa Thánh sẽ cho công bố các bảng kê tài chánh cho năm 2020, cho thấy thuế đã được đóng đầy đủ.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng “tôi muốn được Ông Fedez cho biết ai đã công bố các con số đó và ông lấy chúng từ đâu: dưới luật lệ nào, về tài sản nào”. Ngài nói thêm “các con số lạ lùng vốn được lưu hành nhằm nuôi dưỡng chuyện hoang đường về tài sản mênh mông của Tòa Thánh, (nhưng) chuyện đó đâu có”.

Ghi nhận rằng có luật lệ miễn chước các Giáo Hội trả một số thuế, nhưng luật này “không chỉ liên quan tới Giáo Hội Công Giáo, mà là tới mọi tôn giáo khác. Do Thái giáo, Hồi giáo, Thệ phản, cũng đâu có nạp các thứ thuế đó” và cả các tổ chức bất vụ lợi, các đảng phái, và nghiệp đoàn cũng thế.

Đối với thư phản đối của Tòa Thánh, chính trị gia Ý, Ivan Scalfarotto, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, cũng chỉ trích động thái của Tòa Thánh. Ông ta bảo rằng “Quốc hội có quyền và bổn phận tiếp tục việc làm của mình, không cần lưu ý tới bất cứ áp lực bên ngoài nào. Đúng là Vatican cũng như bất cứ quốc gia nào khác có quyền phát biểu về một dự luật đang được xem xét”.

Francesco Alicino, Giáo sư Luật Tôn Giáo Công Cộng và Phó Viện Trưởng Đại Học Casamassima ở Bari cũng phát biểu về vấn đề này khi lên tiếng hỏi “Giáo Hội có thể, qua tông hiệp, thực sự yêu cầu ngành hành pháp trở thành phát ngôn viên để chuyển một số phản bác cho Quốc Hội hay không? Chúng ta đang bước vào lãnh thổ chưa được qui định, và tôi nghĩ, bất hợp hiến về nhiều phương diện”.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Andrea Ostellari thuộc đảng Lega cánh hữu và là Chủ tịch Ủy Ban Tư pháp hiện đang xem xét dự luật Zan, thúc giục các Thượng nghị sĩ coi trọng các quan tâm của Tòa Thánh.

Ông nói, “Tôi đã chính thức yêu cầu có được bản văn của công hàm liên hệ mà Thị quốc Vatican đã gửi cho Bộ Ngoại Giao. Đối với công việc Ủy Ban đang làm, điều nền tảng là biết và lượng giá các điểm được Tòa Thánh nêu lên”.

Nói với nhật báo Ý Avvenire, nhật báo chính thức của các Giám Mục Ý, nhà luật học và giáo sư Ý Carlo Cardia, cựu thành viên của ủy ban hỗn hợp có nhiệm vụ duyệt lại tông hiệp của Tòa Thánh với Ý, nói rằng ông tin dự luật đang bàn là “bất hợp hiến” và tự do phát biểu đang gặp nguy cơ. Ông bảo, “chúng ta phải tránh cơn cám dỗ giản lược mọi điều chỉ còn là việc Tòa Thánh bênh vực các quyền lợi Công Giáo”. Và dù đó là một trong các khía cạnh của vấn đề, nhưng ông nói thêm “Tôi thấy một điều khác trong công hàm có ảnh hưởng tới mọi người dân Ý và do đó có một phạm vi tổng quát”.

Theo ông,vấn đề tự do tôn giáo không chỉ ảnh hưởng đến người Công Giáo “mà là mọi người Ý, mọi người sống trên đất nước này, mọi tổ chức và hiệp hội thuộc bất cứ xu hướng nào. Đây là lý do tại sao tôi nói chúng ta đối diện với lời kêu gọi rất chính xác và nghiêm trọng muốn cho bản văn lập pháp soạn thảo cho đến nay được duyệt lại một cách sâu xa để vượt qua một số vấn đề rất quan trọng”.

Dù sao, nếu dự luật được thông qua, hiệp ức Lateran dự trù việc thiết lập một ủy ban hỗn hợp để giải quyết tranh chấp.



Tòa Thánh lên tiếng

Trong khi đó, tờ Catholic Herald cho hay Tòa Thánh vừa lên tiếng quả quyết rằng Tòa Thánh không có ý định ngăn cản dự luật của Ý chống việc kỳ thị người đồng tính, nhấn mạnh rằng công hàm của mình chỉ nhằm đề cập “một cách ngăn ngừa” một số “vấn đề giải thích” có thể phát sinh từ dự luật, vì bản văn của nó chứa đựng nhiều kiểu nói “mơ hồ và không chắc chắn”.

Trong cuộc họp báo được Vatican News tường trình hôm thứ năm (24 tháng 6), Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Pietro Parolin, nói rõ: “quan tâm của chúng tôi liên quan đến các vấn đề giải thích có thể diễn ra trong biến cố bản văn được chấp thuận với nhiều nội dung mơ hồ và không chắc chắn, mà kết cục sẽ thay đổi, trong bối cảnh pháp chế, việc định nghĩa điều gì là tội hình điều gì không”.

Ngài giải thích thêm: hiện lúc này bản văn của dự luật có nguy cơ thay đổi điều gì tạo ra tác phong hình sự, “tuy nhiên, lại không cho chánh án các thông số cần thiết để phân biệt” điều gì là tội hình điều gì không.

Ngài bảo, “ý niệm kỳ thị vẫn quá mơ hồ trong nội dung của nó. Khi thiếu các chi tiết chuyên biệt thỏa đáng” thì dự luật có nguy cơ vơ đũa cả nắm những loại tác phong rất khác xa nhau “và như thế làm cho mọi phân biệt có thể có giữa đàn ông và đàn bà thành bị trừng phạt” bởi luật pháp.

Ngài cho hậu quả của một luật lệ như thế là “nghịch lý” và “theo ý kiến của chúng tôi, cần được tránh trong khi chúng ta còn có thì giờ để tránh”.

Đức Hồng Y nhấn mạnh, “chúng tôi chống đối bất cứ tháii độ hay hành vi bất khoan dung hay ghét bỏ nào chống người ta vì xu hướng tính dục của họ, cũng như chúng tôi chống đối sự ghét bỏ hay bất khoan dung như thế dựa vào bản sắc tộc hay tín ngưỡng”.

Tuy thế, “nhu cầu định nghĩa đặc biệt quan trọng vì qui phạm luật pháp [được đề nghị] bước vào lãnh vực có liên quan tới hình sự, trong đó, như đã ghi nhận, điều được phép và điều bị cấm phải được xác định rõ”.

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cũng giải thích rằng ngài chấp thuận việc sử dụng công hàm và nội dung của nó, như “phương thế thích đáng để đối thoại trong các liên hệ quốc tế”. Công hàm ấy không hề có ý định để công chúng biết dù ngài không ngạc nhiên trước phản ứng của công chúng.

Ngài nói rằng “tôi hoàn toàn đồng ý với Thủ tướng Draghi về bản chất thế tục của quốc gia và về chủ quyền của Quốc Hội Ý. Đồng thời, tôi đánh giá cao lời kêu gọi tôn trọng các nguyên tắc hiến pháp và các cam kết quốc tế của Thủ Tướng. Trong bối cảnh này, có một nguyên tắc căn bản, đó là Pacta sunt servanda (các hiệp ước phải được thi hành). Chính trong bối cảnh này, với công hàm, chúng tôi tự chế chỉ nhắc lại rằng bản văn của những điều khoản chính của Hiệp Ước với Nhà Nước Ý có thể bị ảnh hưởng”

Đức Hồng Y Parolin nói thêm rằng Tòa Thánh hành động trong tinh thần “hợp tác công bình”, thậm chí “thân hữu” vốn là các đặc điểm và tiếp tục là các đặc điểm trong các mối liên hệ hai bên.

Sau cùng Đức Hồng Y nhấn mạnh: vấn đề tự do phát biểu ý kiến “không chỉ liên quan tới người Công Giáo, mà là mọi người, đụng tới điều Công Đồng Vatican II gọi là ‘đền thánh’ của lương tâm”.