Trước hội nghị thường niên của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, Sứ thần Tòa Thánh đã đọc một bài diễn văn dài 8 trang.
Khởi đầu ngài nhắc đến các kế hoạch của một số giáo phận Hoa Kỳ nhằm đưa tín hữu trở lại với Thánh Lễ và nhất là với Giáo Hội, sau một thời gian bị ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19. Nhưng ngài đặt ngay câu hỏi: với Giáo Hội nào? Câu trả lời của ngài như sau:
“Trong thông điệp Fratelli Tutti và một lần nữa trong tài liệu Samaritanus Bonus của Bộ Giáo lý Đức tin, mô hình được đề nghị là một Giáo hội của người Samaritanô nhân hậu ra đi đầy lòng trắc ẩn và lòng thương xót, liên đới với những người đau khổ để mang lại cho họ sự chữa lành đích thực. Khi thoát ra khỏi đại dịch, chúng ta phải tự hỏi: chúng ta có phải là một Giáo hội biết đáp ứng nhu cầu thực sự của dân ta hay không? Đối với tôi, dường như Chúa Giêsu thường nhìn đám đông bao la và khi thấy nỗi khổ của họ, Người bèn thỏa mãn các cơn đói và ước nguyện sâu xa nhất của họ, kể cả ước nguyện được thương xót. Không coi thường luật pháp, Chúa Giêsu hiểu rõ sứ mệnh được Chúa Cha ủy thác cho Người là loan báo Nước Trời; khôi phục thị lực cho người mù; giúp người què bước đi và tiếp tục cuộc hành trình của họ với Thiên Chúa; phục hồi sức khỏe cho người phong cùi; giúp người điếc nghe những lời sinh ơn cứu rỗi; và rao giảng Tin mừng cho người nghèo. Khi Giáo hội Hoa Kỳ thoát ra khỏi đại dịch và đang tìm cách mời gọi người ta trở lại nhà thờ và thu hút thêm thành viên mới, Giáo Hội ấy sẽ làm tốt khi chịu học hỏi nơi Chúa Giêsu, cả về nội dung lẫn phương pháp”.
Nội dung: Vẫn là khởi đầu từ Chúa Giêsu
Đức Tổng Giám Mục Pierre nhấn mạnh tới việc công bố giáo lý sơ truyền (kerygma) như là phương tiện chủ yếu của phúc âm hóa.
Ngài trích dẫn cuộc phỏng vấn sau biến thành sách El Jesuita của Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, tức Đức Đương Kim Giáo Hoàng Phanxicô để nói tới xu hướng biến tôn giáo thành mỹ thuật, thành siêu thị, thành sản phẩm tiêu thụ theo khiếu thưởng ngoạn cá nhân, không thích thì thay đổi, một thứ tôn giáo “à la carte” (theo thực đơn nhà hàng), chứ không phải là cuộc gặp gỡ bản thân với Thiên Chúa, với Chúa Giêsu Kitô.
Mà muốn gặp gỡ bản thân với Chúa Kitô, thay vì loay hoay với các chi tiết tỉ mỉ của những ý niệm thần học phức tạp hay các chiến dịch tiếp thị hấp dẫn nhưng hời hợt, phải như Thánh Phêrô, vào ngày lễ Ngũ Tuần, mạnh dạn công bố Chúa Giêsu. Càng không nên tìm kiếm một công thức ma thuật để được cứu rỗi như lời khuyên của Thánh Gioan Phaolô II dịp năm thánh 2000, mà phải tìm kiếm Đấng từng nói với chúng ta: Thầy ở với các con!
Công bố Người chính là giáo lý sơ truyền. Đức Tổng Giám Mục Pierre nói rằng khi ta giản lược Kitô giáo vào phong tục, vào qui phạm luân lý, vào nghi lễ xã hội, chẳng chóng thì chày, nó sẽ đánh mất hết sinh lực và tầm quan trọng hiện sinh của nó đối với các con người nam nữ ngày nay, nhất là những người tìm kiếm hy vọng sau cơn đại dịch.
Nói bóng gió xa xôi, ngài nhắc đến “Rước Lễ không phải chỉ là ‘một sự vật’ cần lãnh nhận mà là chính Chúa Kitô, một Ngôi Vị cần được gặp gỡ”. Ngài nhấn mạnh “Một Đạo Công Giáo tự làm cho mình ra tối nghĩa bằng một truyền thống văn hóa nguyên tuyền hay không biết tự phân biệt mình với các đề xuất khác, kể cả các đề xuất chính trị hay ý thức hệ đặt căn bản trên một số giá trị nào đó, sẽ không bao giờ thuyết phục được thế hệ này hay thế hệ tương lai. Chúa Giêsu không phải là một ý niệm mà là một con người”.
Con người ấy, theo Đức Phanxicô, “phóng mình vào lịch sử chúng ta với đủ tính dễ bị tổn thương của nó, một cách năng động khôn tả, đầy sức mạnh và can đảm. Đó chính là giáo lý sơ truyền, cốt lõi việc rao giảng của ta: công bố việc phóng vào lịch sử ta của Chúa Giêsu Kitô, trong sự Nhập Thể, trong cái chết và sự phục sinh của Người”.
Phương pháp: Gặp gỡ và Đối thoại
Phương pháp của Chúa Giêsu là gặp gỡ và đối thoại. Nhóm cần gặp gỡ đầu tiên được Đức Tổng Giám Mục Pierre đề nghị là các gia đình, kể cả các gia đình tan vỡ, vì năm nay là năm Amoris Laetitia, Năm Gia Đình.
Gặp gỡ các gia đình, đồng hành với họ trong cuộc hành trình của họ qua đối thoại có suy nghĩ. Sẵn sàng thách thức họ nhưng không đè bẹp họ theo gương Chúa Giêsu cư xử với người thanh niên giầu có. Người yêu anh ta vì anh ta giữ đủ 10 điều răn. Người thách thức anh ta làm hơn thế bằng cách bán hết tài sản, cho người nghèo, sau đó theo Người. Anh ta xa xầm nét mặt vì chưa làm được như thế. Nhưng Chúa Giêsu không vì thế kém yêu anh ta. Hạt giống đã gieo biết đâu một ngày không xa, anh sẽ nghe theo lời dạy của Người.
Còn về đối thoại, một chủ đề được Tòa Thánh hết sức khuyến khích Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ qua lá thư của Đức Hồng Y Ladaria gần đây. Muốn cho cuộc đối thoại này mang lại kết quả tích cực, Đức Tổng Giám Mục Pierre chỉ ra các đặc điểm cần thiết. Ngài viết: "tâm điểm đối thoại là thông đạt chính kinh nghiệm bản thân của ta cho người khác, chia sẻ sự hiện hữu của người khác trong sự hiện hữu của chính mình, chứ không phải tự chứng tỏ mình đúng. Là Kitô hữu, cuộc đối thoại của ta nên nói lên kinh ngiệm sống Kitô giáo, không phải như một loại giảng dạy luân lý, nhưng như một ơn thánh đã lãnh nhận được từ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô".
Đức Tổng Giám Mục Pierre còn trích dẫn Đức cố Hồng Y Jean Louis Tauran để nhấn mạnh tới thái độ cần có của một cuộc đối thoại hữu hiệu: “Con đường duy nhất là con đường đối thoại không trang bị (unarmed dialogue). Đối với tôi, đối thoại là chủ yếu đi về phía một người không trang bị, với một quan niệm về chân lý không gây hấn, nhưng cũng không lệch hướng”.
Chỉ khi nào không trang bị hay không thiên kiến, không nặng ý thức hệ, cuộc đối thoại mới đạt được kết quả tích cực. Nhưng không thiên kiến không có nghĩa là không có ý niệm nào về sự thật, chỉ là quan niệm này không có tính gây hấn, và không gây hấn không loại trừ việc đừng lệch hướng.
Mục tiêu của cuộc đối thoại là sự hợp nhất và không hợp nhất chỉ trong tín lý và pháp lý mà thôi. Đức Tổng Giám Mục Pierre hết sức lưu ý tới việc hợp nhất này, ngài viết:
"Chính Chúa Kitô đã tìm cách xây dựng sự hợp nhất; làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người; giúp hòa giải tội nhân với Chúa Cha. Người đã thành lập Giáo hội của Người để trở thành dấu chỉ và công cụ của sự hợp nhất, và sự hợp nhất của chính chúng ta với tư cách là một Giáo hội và cả với tư cách là các giám mục có thể cung cấp một chứng tá hùng hồn cho Tin Mừng. Chính Chúa Giêsu Kitô trong Bữa Tiệc Ly đã cầu nguyện: “Xin cho tất cả chúng nên một như chúng ta là một... để thế giới tin” (Ga 17:21) Giáo hội ở Hoa Kỳ đã chứng tỏ mình có khả năng thực hiện một nhiệm vụ khó khăn như vậy. Để ứng phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng, Giáo Hội này đã trả lời bằng một nỗ lực thống nhất và hòa hợp cho thấy sự quan tâm và lòng cảm thương đối với số phận của các nạn nhân sống sót; Giáo Hội này chu cấp cho nhu cầu của cộng đồng nhập cư; nó đã liên đới với các anh chị em bị bách hại trên khắp thế giới bằng cách cung cấp sự gần gũi về vật chất và tinh thần; nó đến cứu giúp những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai; nó đồng thanh lên tiếng bảo vệ phẩm giá của mọi dân tộc và chống lại tai họa bất bình đẳng chủng tộc. Những điển hình này cho thấy sự thật không thể phủ nhận này là sự hợp nhất là điều khả hữu và Giáo hội ở Hoa Kỳ vốn có nhiều kinh nghiệm về điều đó. Động lực của sự hợp nhất phụ thuộc vào các giám mục một cách đặc biệt. Là các người kế vị các Tông đồ, các ngài có trách nhiệm đối với sự hợp nhất của Giáo hội đặc thù được giao phó cho các ngài chăm sóc mục vụ. Sự hợp nhất như thế được phát biểu trong sự hiệp thông đức tin, đời sống bí tích và các nỗ lực loan báo Tin Mừng của mỗi Giáo Hội địa phương. Một biểu hiện đặc biệt quan trọng của sự hợp nhất này là việc hiệp thông giữa các giáo hội địa phương và Tòa thánh Phêrô".
Nói thế vẫn chưa thấy đủ, Đức Tổng Giám Mục Pierre còn dựa vào Thông điệp Ut Unum Sint của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, để quảng diễn thêm về sự hợp nhất, điều mà các vị Giám Mục Hoa Kỳ hết sức mong muốn, trong bối cảnh sống đạo hiện nay ở đất nước họ lúc càng ngày càng có khuynh hướng ra mặt chống đối tín lý và kỷ luật của Giáo Hội. Ngài viết:
"Mặc dù được viết cho một bối cảnh đại kết, nhưng bốn chiều kích của cuộc đối thoại do Đức Gioan Phaolô II mô tả trong thông điệp Ut Unum Sint (ngày 25 tháng 5 năm 1995) có thể hữu ích để soi sáng con đường hướng tới sự hợp nhất cao hơn: đối thoại bác ái, đối thoại hoán cải, đối thoại chân lý, và đối thoại cứu rỗi. Cuộc đối thoại bác ái (UUS, 29) chứng minh tình yêu thương mà các Kitô hữu dành cho nhau và cho mọi con người nhân bản. Sự tôn trọng hỗ tương của các đối tác đối thoại là điều cần thiết để có thể có đủ sự tín thác mà tiến tới thống nhất.
"Đối thoại hoán cải (UUS, 35 tuổi) đòi hỏi lòng nhiệt thành đối với sự hợp nhất của Giáo hội, cởi mở để được thay đổi bởi người khác, và sẵn sàng tiếp nhận các chiều kích mới của hiểu biết và các hồng phúc của ơn thánh Chúa xuất hiện trong cuộc đối thoại. Ở đây, đối thoại là một cuộc gặp gỡ giữa những con người với và trong Chúa Kitô, Đấng thay đổi cõi lòng.
"Đối thoại chân lý (UUS, 36-39) tho thấy rõ cuộc đàm thoại không phải là để có một thỏa hiệp hoặc một thái độ chủ hòa [irenicism] sai lầm mà là để biện phân một cách chân chính, sử dụng Thánh kinh, Thánh truyền, lịch sử và thần học. Điều này đòi hỏi phải nói sự thật trong yêu thương. Đây là điều đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định trong Fratelli Tutti, nghĩa là, cuộc đối thoại phải liên hệ tới chân lý: “Giải đáp không phải là thuyết duy tương đối. Dưới chiêu bài khoan dung, chủ nghĩa duy tương đối cuối cùng để việc giải thích các giá trị luân lý cho những người nắm quyền lực, được định nghĩa theo ý họ muốn... Liệu có thể quan tâm đến sự thật, tìm kiếm sự thật có thể đáp ứng ý nghĩa sâu sắc nhất của cuộc sống hay không?" (xem Thông điệp Fratelli Tutti, ngày 3 tháng 10 năm 2020, các số 206-207). Đức Giáo Hoàng Phanxicô xác tín rằng đối thoại là cách tốt nhất để nhận ra điều luôn cần được khẳng định và tôn trọng, nhưng nó không thể “loại trừ xác tín rằng ta có thể đạt tới những chân lý căn bản nào đó luôn phải được tuân giữ”(số 211).
"Cuối cùng, có cuộc đối thoại cứu rỗi, đề cập đến lời kêu gọi cứu rỗi của Chúa Kitô đối với cá nhân Kitô hữu và sứ mệnh cứu rỗi của Giáo hội trên thế giới. Bao lâu đối thoại được thực hiện với mục đích thúc đẩy hơn nữa cả sự hiệp thông lẫn sự hợp tác, thì nó là một phần của cuộc đối thoại cứu rỗi. Sự hiệp nhất trong hành động có thể dẫn đến sự hiệp nhất đức tin (UUS, 40). Liệu Giáo hội chúng ta có thể tạo điều kiện cho kiểu đối thoại tạo ra sự hợp nhất giữa chúng ta và giữa gia đình nhân loại hay không? Sự cam kết của chúng ta đối với kiểu đối thoại này, kiểu đối thoại tạo ra sự hợp nhất đức tin và hành động, chứ không chỉ nói đến các sự việc một cách bất tận, sẽ củng cố tính khả tín của Giáo hội khi đồng hành với những người đang tìm kiếm một nơi để thuộc về và đang trở lại nhà thờ sau cơn đại dịch".
Từ những nhận định và trích dẫn trên đây, Đức Tổng Giám Mục Pierre kết luận, mẫu hình Giáo Hội cần thiết trong lúc này, vì thế, là mẫu hình đã được đề cập trong Lumen Gentium: Giáo Hội như Gia đình của Thiên Chúa, “ngôi nhà của Thiên Chúa trong đó Gia đình của Người cư ngụ; gia hộ của Thiên Chúa trong Thần khí” (xem Eph. 2:19, 22).
Gia đình, trước hết là một trường dạy hiệp thông. Nó dạy ta nghệ thuật hợp nhất trong đa dạng. Các năng động tính của đời sống gia đình giúp mở rộng các giới hạn hẹp hòi của não trạng cá nhân chủ nghĩa. Nó phát huy hợp nhất đặt nền trên yêu thương và tôn trọng nhau.
Ngài cũng cho rằng gia đình hiện hữu, một phần, để giúp phát sinh ra sự sống, nhưng, nó cũng giúp, một cách rất quan trọng, thâm hậu hóa tình đồng hành giữa các cá nhân khi họ cùng hành trình tiến tới Số phận chung.
Và ngài đặt câu hỏi: liệu các giáo phận và các giáo xứ Hoa Kỳ có giống như thế hay không? Liệu chúng ta có là một Giáo Hội tạo điều kiện cho cuộc gặp gỡ Thiên Chúa qua việc công bố và kiên nhẫn đối thoại hay không?
Những câu hỏi quả có tính cảnh tỉnh những vị Giám Mục nào vào phiên họp toàn thể với ý đồ tranh đua thắng thua ý thức hệ.
Tin giờ chót ngày 16 tháng 6 của các hãng tin Công Giáo cho thấy dù dấu hiệu đã rõ ràng là Tòa Thánh muốn các Giám Mục Hoa Kỳ nhất trí về nguyên tắc: người đang mắc tội công khai và nhất là cố chấp trong tội ấy, bất luận là ai, đều không nên rước lễ, một số giáo phẩm, trong đó có Đức Hồng Y Cupich, vẫn sử dụng chiến thuật trì hoãn để ngăn cản việc đối thoại tiến tới mục tiêu ấy, bằng cách đề nghị không giới hạn thời gian để từng cá nhân Giám Mục có cơ hội nghiên cứu vấn đề. Đề nghĩ này đã bị đánh bại và cuộc đối thoại tôn trọng giới hạn thời gian như đã dự trù và cuộc bỏ phiếu cho dự án này sẽ tiến hành vào ngày 17 tháng 6.