Một trong những địa điểm yêu thích của tôi ở khắp Âu Châu, ngoài Rôma, là thành phố Orvieto trong miền Etruscan. Thị trấn nằm trong vùng Umbria tuyệt đẹp, giữa Florence và Rôma.
Lần đầu tiên tôi đến thăm thị trấn thời trung cổ này là vào năm 2002 và một lần nữa vào năm 2006. Orvieto là nơi đã diễn ra phép lạ thánh thể mà tôi muốn kể cho các bạn nghe ngày hôm nay - nhưng trước tiên, hãy để tôi kể cho bạn nghe một chút về thị trấn nhỏ đẹp như tranh vẽ này.
Orvieto nằm trên đỉnh một ngọn núi lửa, trên một gò cao nhìn ra đồng bằng; và nhóm chúng tôi đi tàu hỏa leo núi từ thung lũng bên dưới lên trên này. Chiếc tàu hỏa leo núi nguyên bản, đi vòng quanh theo sườn núi nhiều vòng để đạt đến cao độ một cách an toàn, đã được thay thế bởi một dây chuyền hiện đại hoàn toàn tự động đi thẳng một lèo từ dưới lên trên này. Không có tài xế nào trên cabin cả - chỉ có một nhân viên vận hành duy nhất quản lý hệ thống máy tính từ ga phía trên.
Lịch sử bị bao vây của thành phố.
Các công dân của Orvieto thời trung cổ nghĩ rằng họ được an toàn khi ở tuốt trên cao đó. Khi bị tấn công bởi các nhóm khác, họ có thể chống đỡ, ném các mũi tên hoặc lăn những tảng đá xuống đối phương. Tuy nhiên, điều họ không chuẩn bị là một cuộc bao vây kéo dài. Trên mảnh đất màu mỡ của mình, họ có thể trồng bắp và các loại cây trồng khác, thậm chí chăn nuôi gia súc và các đàn gà; nhưng họ buộc phải xuống thung lũng để lấy nước.
Khi nhiều công dân của thị trấn chết vì mất nước sau cuộc bao vây kéo dài của người La Mã, người dân Orvieto đã hình thành ý tưởng về một cái giếng sâu. Sử dụng một loại cầu thang xoắn ốc, họ đào những cái giếng được gọi là Giếng Thánh Patrick. Cầu thang phải dài ít nhất 248 bậc thì mới có thể xuống đến mực nước. Các gia đình cũng có các giếng tự đào nhưng nhỏ hẹp hơn, họ có thể thả một cái xô xuống để lấy nước uống, nấu ăn và tắm giặt. Trong các bức tường của giếng sâu, người Orvieto đào các lỗ đóng vai trò như các tổ chim bồ câu, để khuyến khích chim bồ câu làm tổ trong đó. Vào giờ ăn tối, những người Orvieto táo bạo chỉ cần ra giếng thò tay vào tường, kéo một vài con chim bồ câu ra khỏi tổ là có thể thưởng thức món chim nướng.
Năm vị Giáo hoàng đã từng lánh nạn tại đây.
Orvieto, nằm ở vị trí an toàn và không quá xa Rome, là nơi ẩn náu của 5 vị giáo hoàng trong thế kỷ 13: Đó là các vị Giáo Hoàng Urbanô thứ Tư, Grêgôriô thứ 10, Martin thứ Tư, Nicholas thứ Tư và Bonifaciô thứ Tám. Ở Orvieto có một cung điện gọi là Palazzo Soliano, là cung điện của các giáo hoàng ở thành phố đó. Cung điện chứa nhiều bức bích họa được bảo quản rất tốt có niên đại từ năm 1290 và cả trước đó.
Một cuộc khủng hoảng của niềm tin, và một điều kỳ diệu.
Đức Giáo Hoàng Urbanô thứ Tư đang cư trú tại Orvieto vào năm 1263 khi một linh mục người Đức, là Cha Phêrô thành Praha, gặp khủng hoảng về đức tin. Vị linh mục rất sùng đạo, nhưng ngài cảm thấy khó tin vào sự Hiện diện Thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Ngài đang trên đường đến Rôma và dừng lại ở thành phố Bolsena của Ý, nơi ngài cử hành thánh lễ tại mộ của Thánh Christina. Khi Cha Phêrô nói những lời truyền phép, máu bắt đầu thấm từ Mình Thánh đã truyền phép và nhỏ giọt trên tay, trên bàn thờ và trên khăn thánh.
Kinh hoàng, vị linh mục ngay lập tức đi đến thành phố Orvieto gần đó, nơi Đức Giáo Hoàng Urbanô thứ Tư lắng nghe câu chuyện của vị linh mục. Trước sự kinh ngạc của vị Giáo Hoàng, phép lạ đã tái diễn trước mắt ngài. Vì thế, Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu mang Mình Thánh và khăn nhuộm máu đến nhà thờ chính tòa. Đức Giáo Hoàng Urbanô cùng một số vị Hồng Y và chức sắc Giáo hội đã chào đón các thánh tích và truyền cho trưng bày tại Nhà thờ chính tòa Orvieto. Chiếc khăn thánh bị nhuộm máu vẫn còn được trưng bày ở đó cho đến ngày nay, trong một bia ký bằng vàng trong Nhà nguyện Thánh Thể.
Thánh Ca Thánh Thể cho mọi Thời Đại.
Đức Giáo Hoàng Urbanô, bị ảnh hưởng sâu sắc bởi phép lạ này, đã ủy quyền cho Thánh Thomas Aquinas soạn các Sách Phụng Vụ thích hợp cho một Thánh lễ và một Giờ Kinh để tôn vinh Thánh Thể là Nhiệm thể Chúa Kitô. Những bài thánh ca mà Thánh Thomas đã viết bao gồm những bài thánh ca truyền thống vẫn được sử dụng rộng rãi trong các giờ Chầu như Pange Lingua Tantum Ergo, Panis Angelicus và O Salutaris Hostia.
Một năm sau phép lạ, vào tháng 8 năm 1264, Đức Giáo Hoàng Urbanô đã giới thiệu các công trình Phụng Vụ của Thánh Aquinas và ban hành một sắc chỉ giáo hoàng nhằm thiết lập ngày lễ Corpus Christi.
Source:National Catholic Register