1. Mục sư Tin lành chỉ trích Tiến Trình Công Nghị của Giáo Hội Đức

Mục sư Tin lành Alexander Garth, ở thành phố Wittenbert thuộc miền Đông Đức, quê hương của Martin Luther, thủy tổ Tin lành Đức, đã lên tiếng phê bình Tiến Trình Công Nghị của Công Giáo Đức.

Tiến trình này là một thứ Công nghị toàn nước Đức, với 230 đại biểu. Dưới sự thúc đẩy của các giám mục, tu sĩ và giáo dân có xu hướng cấp tiến, Công nghị đang cố gắng đạt tới sự cải tổ các cơ cấu của Giáo hội trong bốn lãnh vực: dân chủ hóa Giáo hội, truyền chức cho nữ giới, thay đổi luật độc thân giáo sĩ và cải tiến luân lý tính dục Công Giáo cho hợp thời đại, kể cả việc chấp nhận đồng tính luyến ái, hôn nhân đồng phái, sống chung ngoài hôn nhân, v.v.

Trong một bài đăng trên tạp chí “Vatian Magazin”, số ra tháng Năm này, tại Đức và Rôma, Mục sư Garth viết: “Tôi lo âu quan sát những cố gắng nhắm tin lành hóa Giáo Hội Công Giáo anh em, như được biểu lộ qua phong trào nữ quyền “Maria 2.0” và trong Tiến Trình Công Nghị. Sự dân chủ hóa một Giáo hội nhân dân làm cho Giáo Hội Công Giáo trở nên tầm thường và giảm bớt căn tính của mình. Điều này người ta thấy rõ trong Giáo hội Tin lành. Tình trạng tinh thần và thể lý của Giáo hội Tin lành ngày càng trở nên bi thảm hơn và những hậu quả của trào lưu tục hóa càng tàn phá Tin lành mạnh hơn so với Giáo Hội Công Giáo”.

Nhà thờ của Mục sư Garth là nơi mà Martin Luther đã từng giảng đạo. Mục sư nhận xét rằng: “Sự tin lành hóa Giáo Hội Công Giáo thật là một bất hạnh lớn”. Thế giới đang cần đặc tính Công Giáo, Linh đạo Công Giáo, sự trung thành với Đức Giáo Hoàng, lòng sùng kính Đức Mẹ Maria và mẫu gương các thánh của Giáo hội”. Thế giới Kitô không được phép đánh mất Giáo Hội Công Giáo.

Mục sư Garth được dư luận nói đến nhiều, đặc biệt với cuốn sách của ông xuất bản hồi năm 2014, với tựa đề “Không có Thiên Chúa thì mọi sự càng tồi tệ hơn” (Ohne Gott ist alles noch viel schlimmer). Trong sách này, Mục sư đề cập đến sự nghi ngờ đức tin và kể lại kinh nghiệm bản thân cũng như các cuộc trao đổi với những người khác. Mục sư là người đã thành lập và đồng tổ chức một trong những sáng kiến về Giáo hội trẻ và các sinh hoạt Tin lành.
Source:Dom Radio

2. Đức Tổng Giám Mục Shevchuk: 'Ukraine đang mong đợi Đức Thánh Cha đến thăm'

Người dân Ukraine đang mong đợi một chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể đến thăm quốc gia Đông Âu bất chấp những trở ngại do đại dịch coronavirus gây ra.

Ngài nói: “Đức Giáo Hoàng gần đây đã đến thăm Iraq, và ngài sẽ đi thăm các quốc gia khác nhau trên thế giới bất chấp những khó khăn mà COVID đưa ra, vì thế Ukraine đang mong đợi Đức Thánh Cha đến thăm”.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng đầu tiên của kỷ nguyên hiện đại đã đến thăm đất nước có biên giới với Moldova, Romania, Hung Gia Lợi, Slovakia, Ba Lan, Belarus và Nga.

Trong bài phát biểu khi đến Kiev vào ngày 23 tháng 6 năm 2001, Đức Gioan Phaolô II lưu ý rằng hai vị giáo hoàng trong thời kỳ đầu đã bị trục xuất đến Ukraine ngày nay.

Ngài nói: “Lịch sử đã ghi lại tên của hai vị Giáo Hoàng Rôma, trong quá khứ xa xôi, đã đến đây là Thánh Clêmentê Đệ Nhất vào cuối thế kỷ thứ nhất và Thánh Martin Đệ Nhất vào giữa thế kỷ thứ bảy. Các ngài bị trục xuất đến Crimea, nơi các ngài chết như những vị tử đạo”.

Trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày, Đức Giáo Hoàng Ba Lan đã tìm cách tiếp cận với các tín hữu Chính thống giáo, chiếm khoảng 2/3 dân số.

Chuyến thăm từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 3 của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Iraq là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ngài kể từ khi đại dịch bùng phát. Trên chuyến bay trở về Rôma, ngài xác nhận rằng ngài sẽ đến thăm Budapest, Hung Gia Lợi, vào ngày 12 tháng 9 để dự Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế. Ngài gợi ý rằng ngài có thể kết hợp chuyến đi với chuyến thăm đến thủ đô Bratislava của Slovakia.

Vị giáo hoàng 84 tuổi nói với các phóng viên rằng ngài cảm thấy mệt mỏi hơn trong chuyến công du Iraq so với những lần trước và không biết liệu lịch trình đi lại của ngài có bị chậm lại trong tương lai hay không.

Đại dịch COVID-19 đã hủy các chuyến công du của Đức Giáo Hoàng đến Indonesia, Đông Timor và Papua New Guinea vào năm 2020. Trước đó, Đức Phanxicô đã giữ lịch trình tông du bận rộn, thực hiện 32 chuyến đi quốc tế đến 51 quốc gia khác nhau trong bảy năm.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi hòa bình ở Ukraine, nơi các lực lượng Ukraine và Nga đã đụng độ ở miền đông đất nước kể từ tháng 2/2014.

Trong cuộc phỏng vấn với ACN, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk cho biết ngài rất biết ơn những lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ukraine.
Source:Catholic News Agency

3. Thư Mục vụ về Phẩm Giá Con Người của thai nhi chưa chào đời, Rước Lễ và người Công Giáo trong đời sống công cộng

Đức Cha Salvatore Joseph Cordileone, Tổng Giám mục San Francisco, vừa đưa ra một thư Mục vụ, có tựa đề “Phẩm Giá Con Người của thai nhi chưa chào đời, Rước Lễ và người Công Giáo trong đời sống công cộng”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

“Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.” (Gr 1: 5). Chàng thanh niên Giêrêmia đã nghe Chúa phán những lời này với mình hơn 2500 năm trước. Trong thời đại mà chúng ta đang sống, tai họa phá thai đã bỏ qua thực tế rằng con người được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa, được Người biết đến và yêu quý. Bức thư mục vụ này gửi đến tất cả những người Công Giáo, nhưng đặc biệt là những người Công Giáo có liên hệ đến đời sống công cộng, nhằm kêu gọi suy tư sâu sắc về tệ nạn phá thai và về ý nghĩa của việc rước lễ, là Bánh Hằng Sống.

Có bốn điểm mấu chốt trong bức thư này:

Tính chất nghiêm trọng của tội ác phá thai: Khoa học dạy rằng sự sống của con người bắt đầu từ lúc thụ thai. Sự kết liễu mạng sống con người thông qua việc phá thai đã làm tổn thương sâu sắc người phụ nữ và phá hủy nền tảng của một xã hội công bằng; quyền được sống là “quyền ưu tiên vượt trội” vì một khi nó bị vi phạm nền tảng của tất cả các quyền khác không còn nữa. Là người Công Giáo, chúng ta phải là tiếng nói cho những người không có tiếng nói và bất lực; chẳng ai vô phương tự vệ hơn một đứa trẻ trong bụng mẹ.

Những kẻ hợp tác với tội ác luân lý: Ai là người phải chịu tội khi một vụ phá thai xảy ra? Phá thai không bao giờ chỉ là hành động đơn phương của người mẹ. Những người giết hoặc hỗ trợ giết thai nhi trực tiếp liên quan đến việc thực hiện một hành vi xấu xa nghiêm trọng. Người nào đó gây áp lực hoặc khuyến khích người mẹ phá thai, người trả tiền hoặc cung cấp hỗ trợ tài chính cho các tổ chức cung cấp dịch vụ phá thai, và cả những kẻ hỗ trợ cho các ứng cử viên dù biết những ứng cử viên ấy sẽ thúc đẩy luật chống phá thai cũng hợp tác ở các mức độ khác nhau trong một vấn đề đạo đức nghiêm trọng.

Ý nghĩa của việc rước Mình Thánh Chúa: Giáo hội đã dạy nhất quán trong 2000 năm qua rằng những người rước Thánh Thể phải công khai tuyên xưng đức tin Công Giáo của mình và kính cẩn phấn đấu sống theo các giáo huấn đạo đức của Giáo hội. Những ai từ chối giáo huấn của Giáo Hội về sự thánh thiêng của đời sống con người và những ai không tìm cách sống phù hợp với giáo huấn đó thì tự mình đã mâu thuẫn với sự hiệp thông của Giáo hội, và do đó không nên lãnh nhận bí tích hiệp thông, là Chúa Giêsu Thánh Thể. Tất cả chúng ta đều thiếu sót theo nhiều cách khác nhau, nhưng có một sự khác biệt rất lớn giữa việc phấn đấu để sống theo những lời dạy của Giáo hội và việc từ chối những giáo huấn ấy.

Trách nhiệm của người Công Giáo trong đời sống công cộng: Từ ba điểm trên, có thể thấy rằng người Công Giáo nổi bật trong đời sống công cộng có trách nhiệm đặc biệt là làm chứng một cách trọn vẹn giáo huấn của Giáo hội. Ngoài lợi ích thiêng liêng của chính họ, còn có nguy cơ tai tiếng: đó là, qua chứng tá giả mạo của họ, những người Công Giáo khác có thể nghi ngờ giáo huấn của Giáo hội về phá thai, về Chúa Giêsu Thánh Thể, hoặc cả hai. Điều này càng ngày càng trở nên một thách đố nghiêm trọng trong thời đại của chúng ta.

Tất cả chúng ta đều được kêu gọi hoán cải, chứ không chỉ riêng những người Công Giáo nổi bật trong đời sống công cộng. Chúng ta phải hiểu rõ những gì đang bị đe dọa ở đây và cùng nhau xây dựng văn hóa cuộc sống. Với những người cần nghe rõ ràng thông điệp này, tôi xin anh chị em hãy quay lưng lại với điều ác và trở về với niềm tin Công Giáo trọn vẹn của anh chị em. Chúng tôi đang chờ đón anh chị em với vòng tay rộng mở để anh chị em có thể trở lại với niềm vui.
Source:San Francisco Archdiocese

4. Giáo xứ Tehran mất một giáo dân trong một tai nạn thảm khốc và bí ẩn

Giáo Hội tại Iran có khoảng 21,380 người Công Giáo ở Iran trên tổng dân số khoảng 78.9 triệu người. Ngoài một số công dân Iran, dân số Công Giáo tại đây bao gồm một số đáng kể những người nước ngoài làm việc ở Iran.

Đáng buồn là cộng đoàn dòng Đa Minh tại nhà thờ Thánh Abraham ở Tehran vừa mất đi một thành viên là một nhà ngoại giao Thụy Sĩ.

Sáng Chúa Nhật 2 tháng 5, cô vẫn còn hiện diện với cộng đoàn trong thánh lễ Chúa Nhật thứ 5 Mùa Phục sinh.

Hôm thứ Ba 4 tháng 5, có tin cô đã chết sau khi rơi từ tòa nhà cao tầng nơi cô cư ngụ.

Truyền thông Iran, trích dẫn các dịch vụ khẩn cấp, nói rằng cô ấy là thư ký thứ nhất của đại sứ quán Thụy Sĩ, và đã rơi từ tòa nhà nơi cô ấy sống.

Một phát ngôn viên của cơ quan khẩn cấp Iran cho biết thi thể của nhà ngoại giao được một người làm vườn tìm thấy vào hôm thứ Ba, sau khi một nhân viên sứ quán đến tìm cô vào sáng sớm hôm thứ Ba và nhận thấy cô đã mất tích.

Thụy Sĩ đã đại diện cho lợi ích ngoại giao của Mỹ ở Iran kể từ khi Washington và Tehran cắt đứt quan hệ ngay sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Vụ này diễn ra khi Iran và các cường quốc trên thế giới tiếp tục các cuộc đàm phán mới về chương trình hạt nhân của Iran.

Nhà ngoại giao này là một người Công Giáo nhiệt thành, vui vẻ, và cởi mở. Khả năng cô ấy tự tử bị bác bỏ dễ dàng. Nhưng, như thế, làm sao cô có thể té từ tòa nhà cao tầng này xuống đất chết thảm như thế?
Source:Reuters