Hai năm sau khi các vụ đánh bom ở Sri Lanka giết chết hàng trăm người tại một số nhà thờ và khách sạn vào ngày lễ Phục sinh, cảnh sát hôm thứ Bảy đã bắt giữ một cựu bộ trưởng Sri Lanka và anh trai của ông ta vì bị cáo buộc có liên quan đến các vụ đánh bom. Luật sư của họ tuyên bố các vụ bắt giữ có động cơ chính trị.
Rishad Bathiudeen, người lãnh đạo một đảng đối lập trong Quốc hội Sri Lanka và trước đây từng phục vụ trong nội các, và anh trai Reyaj của ông đã bị bắt tại Colombo ngày 24 tháng 4 vì bị cáo buộc “hỗ trợ và tiếp tay cho những kẻ đánh bom tự sát thực hiện cuộc thảm sát vào Chúa Nhật Phục sinh”, phát ngôn viên cảnh sát Ajith Rohana cho biết như trên, theo Associated Press. Hai anh em vẫn chưa bị buộc tội chính thức, nhưng Rohana cho biết có những bằng chứng trực tiếp, và “khoa học” về sự liên quan của họ trong các vụ tấn công.
Báo Ấn Độ The Hindu đưa tin rằng ông Rohana nhấn mạnh rằng: “Họ bị bắt sau khi kiểm tra tài khoản ngân hàng, kiểm tra các giao dịch và đường dây liên lạc”.
Vào ngày 21 tháng 4 năm 2019, chín kẻ đánh bom liều chết nhắm vào hai nhà thờ Công Giáo, một nhà thờ Tin lành, bốn khách sạn và một khu dân cư gần như đồng thời. Các vụ đánh bom xảy ra vào giữa các buổi lễ Chúa Nhật Phục sinh đã giết chết hơn 260 người và làm hơn 500 người bị thương.
Hai nhóm người Sri Lanka có quan hệ với bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã bị cáo buộc tổ chức các vụ tấn công.
Tình báo nước ngoài đã cảnh báo chính phủ trước các vụ đánh bom, nhưng cuộc tranh giành quyền lực và liên lạc đứt đoạn giữa tổng thống và thủ tướng vào thời điểm đó được cho là đã dẫn đến việc không thể phối hợp trong các phản ứng an ninh.
Đức Hồng Y Malcolm Ranjith của Columbo là người thẳng thắn ủng hộ việc điều tra thêm về các vụ đánh bom. Ngài chỉ trích cuộc điều tra của chính phủ và bày tỏ lo ngại rằng tham nhũng hoặc sơ suất đã ngăn cản việc truy tố các thủ phạm và các cộng tác viên.
Hôm thứ Bảy, Rishad Bathiudeen, người vừa bị bắt, đã đăng lên Facebook rằng cảnh sát đã có mặt bên ngoài nhà anh ta từ sáng sớm và “đang cố bắt tôi dù không có chứng cứ buộc tội”.
“Họ đã bắt anh trai tôi rồi. Tôi đã ở trong Quốc hội và đã hợp tác với tất cả các cơ quan hợp pháp cho đến nay. Điều này thật bất công”, ông nói.
Luật sư của ông, Rushdie Habeeb, cho biết các vụ bắt giữ có động cơ chính trị. Habeeb cho biết các vụ bắt giữ nhằm “trừng phạt giới lãnh đạo chính trị Hồi giáo, vốn không liên quan gì đến biến cố ngày 21 tháng 4, 2019, vì những hành vi đê tiện của một số thanh niên Hồi giáo, những người được nhiều người cho là đã bị các thế lực nước ngoài dùng làm con tốt”.
Bathiudeen từng là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại của Sri Lanka, và hiện lãnh đạo một đảng Hồi giáo thiểu số, là đảng chính trị đối lập. Anh trai Riyaj của ông bị bắt vào tháng 5 năm 2020 vì bị cáo buộc có liên hệ với những kẻ đánh bom tự sát nhưng được tại ngoại vào tháng 10.
Vào tháng 9 năm 2020, một phát ngôn viên của cảnh sát nói với các nhà báo rằng Riyaj Bathiudeen đã gặp một trong những kẻ đánh bom liều chết trước một trong những vụ tấn công vào một khách sạn và anh ta đã bị cáo buộc về những hành vi cộng tác khác với những kẻ đánh bom. Một số nghi phạm khác đã bị bắt nhưng cuối cùng đã được thả với lý do thiếu bằng chứng.
Vào thời điểm đó, Hồng Y Ranjith cho biết các quan chức an ninh đã xác nhận với ngài rằng họ có đầy đủ bằng chứng chống lại nhiều nghi phạm đánh bom đã bị bắt giữ. Đức Hồng Y cùng với bạn bè và gia đình của các nạn nhân bày tỏ lo ngại rằng việc thả các nghi phạm là dấu hiệu của tham nhũng hoặc thiếu một cuộc điều tra kỹ lưỡng từ phía Cục Điều tra Hình sự Sri Lanka.
Bản thân Rishad Bathiudeen trước đó đã bị bắt vào tháng 10 vì cáo buộc chiếm đoạt tài nguyên nhà nước, và được tại ngoại vào tháng 11.
Các nhà lãnh đạo Công Giáo và các tôn giáo khác đã kỷ niệm hai năm ngày xảy ra các vụ tấn công khủng bố vào ngày 21 tháng 4, và cầu nguyện mong cho chấm dứt chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Đức Hồng Y Ranjith đã cùng các nhà lãnh đạo Ấn Độ giáo, Phật giáo và Hồi giáo tham gia buổi lễ, và đã phát biểu tại Đền thờ Thánh Antôn, nơi xảy ra một trong những vụ đánh bom. Buổi lễ bao gồm những lời cầu nguyện và hai phút im lặng để tưởng nhớ những người đã khuất.
Ranjith đã yêu cầu cộng đồng Hồi giáo của Sri Lanka bác bỏ chủ nghĩa cực đoan và giúp người Công Giáo xác định những kẻ chịu trách nhiệm cho vụ tấn công. Giáo sĩ Hồi giáo Hassan Moulan cho biết đức tin Hồi giáo không biện minh cho tội ác, và nói rằng người Hồi giáo trên khắp thế giới lên án vụ tấn công. Cộng đồng Hồi giáo Sri Lanka đã không cho phép chôn cất thi thể của những kẻ đánh bom liều chết trong nghĩa trang của họ, để tách biệt họ với Hồi giáo.
Source:Catholic News Agency