Ơn Thiên Triệu Và Nguyện Ước Trung Thành
LM. Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
Rôma, 24.04.2021
Ngày Chúa Nhật IV mùa Phục Sinh năm 1964, Thánh Giáo Hoàng Phaolo VI đã chính thức cử hành ngày thế giới cầu cho ơn thiên triệu lần thứ Nhất. Kể từ đó đến nay, mỗi khi Giáo Hội cử hành lễ Chúa Chiên Nhân Lành là mỗi lần dân thánh Chúa được nhắc nhớ để nâng cao ý thức về tầm quan trọng và sứ mạng đặc biệt của ơn thiên triệu trong đời sống của Hội Thánh. Thánh Giáo Hoàng mời gọi chúng ta không chỉ “xin Chủ mùa gặt sai thêm nhiều thợ gặt” (x. Mt 9, 38) mà còn phải biết cầu nguyện để hàng linh mục và tu sĩ trong Hội Thánh được ơn sắt son “trung thành bước theo chân Chúa Giêsu,” vị Mục Tử Nhân Lành tối cao.
Thực ra, khi lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, mỗi Kitô Hữu đều thực sự là đối tượng của ơn Chúa kêu gọi và đều lãnh nhận cùng một sứ mạng từ Thiên Chúa; “hãy đi và loan báo Tin Mừng” (x. Mt 28, 19). Chính vì thế mà mọi phần tử của Hội Thánh bất kể là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, ai cũng cần phải sống trung thành với ơn gọi của mình. Hôm nay, nhân ngày chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho các mục tử và tu sĩ của Hội Thánh, chúng ta cùng tìm hiểu về ý nghĩa và “sức nặng” chất chứa trong lời cam kết trung thành của bậc sống tu sĩ và giáo sĩ. Qua đó chúng ta nhận ra lý do tại sao xưa nay, nhiều cơ sở huấn luyện chủng sinh và tu sĩ vẫn hay nhận Thánh Giuse làm thánh bảo trợ.
1. Trung thành theo đuổi “đức ái trọn hảo”
Giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II về bậc sống tu trì và ơn gọi thánh hiến là nguồn tài liệu phong phú cho phép chúng ta hiểu được những chiều kích chính yếu của ơn gọi thánh hiến. Theo đó, ngay từ buổi sơ khai, Giáo Hội “đã có những người nam cũng như nữ, qua việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm, quyết tự nguyện theo gương Chúa Kitô với một tinh thần tự do thanh thoát, bắt chước Người cách trung thành hơn, và mỗi người một cách, tất cả đều sống tận hiến cho Thiên Chúa.” Nếu như ơn gọi tu trì hay “việc theo đuổi đức ái trọn hảo qua các lời khuyên Phúc Âm là công cuộc bắt nguồn từ giáo huấn và gương sáng của Thầy Chí Thánh” thì chúng ta có thể suy ra hai điều sau đây: 1/ Các hình thức tu trì thánh hiến trong Hội Thánh tuy phong phú nhưng đều diễn tả chung một thực tại: đó là cách thế con người đáp lại lời mời gọi “hãy theo Thầy” của Chúa Giêsu. 2/ Nhiệt huyết tông đồ dâng hiến cần phải được thường xuyên làm mới lại và quá trình canh tân này phải bắt nguồn từ Đức Kitô, trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô dưới sự sự tác động của Chúa Thánh Thần.
Quả thế, kể từ những hình thức tu trì lâu đời nhất cho đến các cộng đoàn dòng tu mới thành lập gần đây, ơn gọi thánh hiến luôn duy trì ít là hai đặc điểm sau đây, một là “tâm tình tự nguyện hiến dâng để thuộc trọn về Chúa”, hai là “khao khát tháp nhập bản thân vào mẫu gương vâng phục, khiết tịnh và khó nghèo của Đức Giêsu Kitô.” Chính vì vậy mà “lòng trung thành” và “đức mến trọn hảo” được xem là hai giá trị cốt lõi làm nên nét đẹp riêng biệt của ơn thiên triệu. Để hiểu đúng giá trị của lòng trung thành trong ơn gọi thánh hiến, chúng ta hãy bắt đầu từ thao thức và cảm nghiệm của những nhân vật Thánh Kinh, những người đã từng được Thiên Chúa kêu gọi trước nhất.
2. “Trung Thành” theo Chúa như các tổ phụ
Trong Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta nhận thấy các tổ phụ như Abraham, Isaác, Môsê, rồi cả các ngôn sứ Isaia, Hôsê, Giêrêmia, Êlia, và các thủ lãnh tiêu biểu dân Israel xưa, tất cả đều giống nhau ở điểm; họ đã được Thiên Chúa kêu mời, tuyển chọn và trao phó sứ mạng. Ngẫm về ơn gọi của các vị Tổ Phụ và Ngôn Sứ lớn, chúng ta nhận thấy “theo Chúa” chính là “trung thành với đường lối của Chúa” và “quyết tâm phụng sự chỉ một mình Chúa mà thôi” (x. 1Vua 14, 8; 18, 21; Gr 2, 2; Hs 11, 1; 2 Sm 15, 13; Tv 81, 2). Đến thời Tân Ước, cụm từ “kiếm tìm Tôn Nhan Thiên Chúa” không chỉ được hiểu một cách đơn giản là “giữ giới luật” nữa mà còn được mặc thêm một số ý nghĩa mới khiến cho lối nói này thêm sinh động và biểu cảm.
Trong Giao Uớc Mới, Thiên Chúa vô hình của thời Cựu Ước từ nay xuất hiện hữu hình nơi Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, Đấng có xương có thịt hữu hình và cư ngụ giữa nhân loại chúng ta. Do đó “khao khát Thiên Chúa” từ là một ước nguyện hoàn toàn siêu nhiên trừu tượng trở nên một lối sống gắn liền với những thực hành và những lựa chọn vô cùng xác thực. “Theo Chúa” hay “lựa chọn đường lối của Chúa” chính là “thi hành những gì Con Chúa nêu gương, vì ý muốn và kế hoạch thâm sâu của Thiên Chúa Cha đã được “mặc khải” cách rõ ràng và chính xác nhất nơi Đức Giêsu Kitô, “hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa Cha vô hình” (x. Ga 14, 9). Như vậy, “theo Chúa” trong nhãn quan Tân Ước là “trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô” (Rm 8, 29).
Kinh Thánh Tân Ước ghi nhận nhiều lối nói khác nhau về hành vi đáp trả của con người trước lời mời gọi “Hãy theo Thầy” của Chúa Giêsu. Thông thường, “đứng dậy và đi theo” là hai hành động rõ ràng và cụ thể nhất mà các tác giả Tân Ước hay sử dụng. Chẳng hạn như Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan, những môn đệ đầu tiên được Chúa gọi, họ đã bỏ mọi sự lại phía sau để “đi theo” Người (Mc 1, 16-20; Mt 4, 18-22; Lc 5, 1-11). Ở những đoạn khác trong Tin Mừng Nhất Lãm, động từ “đi theo” và danh từ “kẻ đi theo” được hiểu như là hành động của “môn đệ”, “môn sinh” hay “học trò”. Khi ấy, “theo Thầy” ngoài nghĩa cụ thể là “đi theo” trên phương diện thể lý còn có nghĩa ẩn dụ là “theo” cả trong tinh thần. Thánh Gioan, Người Môn đệ Chúa yêu, là người đã gắn thêm cho hành động “theo Thầy” một ý nghĩa khác thâm sâu hơn những gì chúng ta đã nhắc đến. Theo Thánh Gioan, ơn gọi “môn đệ” vô cùng cao quý vì chỉ có môn sinh mới có vinh dự được thông chia số phận của thầy mình (x. Ga 12, 26; 13, 36-37; Kh 14, 4). Ơn gọi theo Chúa chính vì thế đòi buộc người môn đệ trước là phải “tin”, sau là phải biết “phó thác” cho đấng họ muốn theo (x. Ga 8, 12; 10, 4).
Tắt một lời, người môn đệ đi theo Chúa không chỉ đơn thuần là Chúa bước đi trước, môn đệ nối gót theo sau. “Theo Chúa” thực thụ đồng nghĩa với việc noi gương bắt chước, uốn mình theo khuôn vàng thước ngọc là cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu đã nêu gương vâng phục và yêu mến Thiên Chúa Cha thế nào thì người môn đệ cũng phải biết vâng phục và yêu mến y như vậy. Thật không dễ dàng chút nào.
3. “Trung Thành” trong Ơn Gọi Thánh Hiến
Hiến Chế Lumen Gentium - Ánh Sáng Muôn Dân, cẩn thận chỉ ra rằng “mến Chúa yêu người là dấu hiệu xác nhận người môn đệ đích thực của Đức Kitô.” Các môn đệ là những người luôn noi gương cũng như làm chứng cho tình yêu và sự khiêm nhường của Đức Kitô, họ cố gắng thực thi những điều Chúa khuyên dạy. “Trong những lời khuyên ấy, phải kể đến tặng phẩm cao quý của ân sủng được Chúa Cha ban cho một số người (x. Mt 19, 11; 1 Cr 7, 7) để họ có thể dễ dàng tận hiến cho một mình Thiên Chúa với một con tim không phân chia trong đời sống khiết tịnh hay độc thân (x. 1 Cr 7, 32-34).”
Điểm độc đáo của bậc tu trì thánh hiến, theo Công Đồng Vaticanô II, hệ tại việc các tu sĩ không những noi theo một cách chính xác “nếp sống mà Con Thiên Chúa đã đón nhận khi Người xuống thế để thi hành thánh ý Chúa Cha” mà còn thực hiện việc “noi gương” đó một cách liên lỉ giữa lòng Hội Thánh. Sức nặng và cũng là giá trị cao quý của đời tu hệ tại việc “liên lỉ noi gương”. Quả vậy, khi nói về ơn gọi thánh hiến, Thánh Công Đồng quả quyết nhân đức trung thành của người tu sĩ chính là “kho tàng quý giá” và ghi nhận rằng: “bằng sự kiên trì và khiêm tốn trung thành với hồng ân thánh hiến và bằng thái độ quảng đại phục vụ mọi người dưới nhiều hình thức khác nhau” tu sĩ là những người góp phần điểm trang cho Hội Thánh, Hiền Thê Đức Kitô ngày thêm thêm rạng rỡ đẹp xinh.
Dựa trên nền tảng Thánh Kinh, giáo huấn Công Đồng Vaticanô II khẳng định với chúng ta rằng “trung thành bước theo Chúa Kitô” là “tiêu chuẩn tối hậu của đời sống tu trì thánh hiến.” Và như thế, mọi tu sĩ, nam cũng như nữ, thuộc bất kể hình thức tu trì hay thế hệ nào đi nữa, đều là những người được kêu gọi và tuyển chọn để bước theo Chúa Kitô cách triệt để và noi gương Người cách trung thành nhất.
4. “Trung Thành” như Thánh Giuse
Nơi Thánh Cả Giuse, Bạn Trăm Năm của đức Trinh Nữ Maria và cũng là Dưỡng Phụ của Đấng Cứu Thế, chúng ta nhận ra một mẫu gương tuyệt hảo về nhân đức “trung thành”. Tuy Kinh Thánh không ghi lại bất cứ một lời giảng dạy nào thốt ra từ miệng Thánh Giuse nhưng tính cách khiêm hạ, thái độ vâng phục và đời sống nội tâm sâu sắc của người lại làm nên mẫu hình lý tưởng mà bất cứ phàm nhân nào muốn theo Chúa đều có thể học hỏi. Cuộc đời Thánh Giuse chứa đựng bí quyết giúp chúng ta trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô” (x. Rm 8:29).
Xuất thân từ dòng dõi Vua Đavit cao sang quyền quý nhưng Thánh Giuse lại chọn nếp sống thanh bần giản dị. Ngài không những trân trọng giá trị của lao động chân tay mà chính bản thân ngài cũng từng “đổ mồ hôi sôi nước mắt” nuôi sống bản thân và gia đình. Biết bao nhiêu vị Giáo Hoàng đã từng long trọng tuyên dương phẩm chất âm thầm khiêm tốn của Thánh Cả Giuse và vinh danh ngài như mẫu gương của giới lao động bình dân, của những người giúp thăng tiến các giá trị con người thông qua sức lao động chân chính của họ. Thánh Giuse là mẫu mực cho những người khiêm hạ mà Kitô giáo nâng lên những địa vị cao sang; ngài “là bằng chứng cho thấy rằng để trở thành một môn đệ tốt và chân chính nối gót Chúa Kitô, không cần đến những điều vĩ đại – chỉ cần các nhân đức thông thường, đơn sơ và nhân bản, nhưng phải là những nhân đức đúng nghĩa và chân thực.” Nếu khiêm nhu, nhân hậu, hiền hòa, nhẫn nại được xem là đặc tính riêng của dân thánh Chúa, của những người “được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương” (Cl 3:12) thì Thánh Giuse hội đủ mọi điều kiện để được xem là mẫu gương cho dân thánh Chúa, nhất là cho những ai muốn trở nên môn đệ đích thực của Đức Kitô.
Thánh Giuse đích thực là mẫu gương cho chúng ta về đức vâng phục. Trong tất cả các câu chuyện Thánh Kinh liên quan đến Thánh Giuse, kể từ lúc ngài xuất hiện cho đến khi âm thầm rút lui, không một tình huống nào là êm ả thuận lợi: Từ việc ngài đón nhận tin Maria người vợ sắp cưới đang mang thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần (x. Lc 2:1-7; Mt 1:18-25), đến việc vất vả cùng Maria về quê khai sổ bộ (x. Lc 2:1-5); từ việc phải bẽ bàng chịu người đời xua đuổi miệt thị cho đến việc phải một mình giúp đỡ Maria hạ sinh Hài Nhi Giêsu nơi máng cỏ Bêlem (x. Lc 2:6-7); từ việc phải thức dậy trong đêm vội vã đưa Hài Nhi và Mẹ Người lánh sang Ai Cập cho đến khi hồi hương và bỡ ngỡ lập nghiệp nơi thôn làng Nazarét (x. Mt 2:13-23); từ việc đôn đáo chu toàn nghi lễ cắt bì cho con trẻ Giêsu cho đến việc hớt hãi tìm con trong Đền Thờ Giêrusalem (x. Lc 2:21-50), tất cả đều nhuốm mầu giông tố. Trong mọi tình huống, Thánh Giuse không một lời phản kháng kêu ca. Ngài chỉ biết hết lòng vâng phục và chu toàn mọi huấn lệnh Chúa truyền. Gương vâng phục của Thánh Giuse thật đáng để chúng ta nghiêng mình bái phục nhưng đó cũng là lý do khiến cho không ít người phải thắc mắc hoài nghi.
Trong thời đại mà chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa cá nhân đang hoành hành rộng khắp và thậm chí còn tấn công mạnh mẽ cả vào môi trường nhà tu như hiện nay, thì nhân đức khiêm hạ và thái độ phục tùng dường như chỉ còn là những khái niệm tồn tại trên lý thuyết. Chính vì vậy mà nhiều người, nhất là các bạn trẻ cảm thấy băn khoăn nghi ngại: “Liệu rằng chúng ta có thể bắt trước Thánh Giuse tận trung một lòng vì Chúa hay không?” Nếu có thì đâu là bí quyết? Tông huấn Redemptoris Custos cung cấp cho chúng ta một đáp án khá thuyết phục. Trước hết, chúng ta phải thừa nhận rằng bao trùm lấy tất cả mọi câu chuyện Thánh Kinh liên quan đến Thánh Giuse là một bầu khí thinh lặng nhiệm mầu. Chính sự thinh lặng ấy bộc lộ chân dung nội tâm chiêm niệm của Thánh Giuse. Hàm chứa trong từng “hành động” của ngài là cả “một bầu khí chiêm niệm sâu xa.” “Sự hy sinh hoàn toàn, mà qua đó Thánh Giuse hiến dâng trọn vẹn cuộc sống cho những đòi hỏi của [công trình cứu độ], chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng đời sống nội tâm sâu xa của ngài mà thôi. Chính đời sống nội tâm này […] mang đến cho ngài những suy luận và sức mạnh mà chỉ những tâm hồn đơn sơ và trong sáng mới có được. [Đời sống nội tâm ấy cũng giúp ngài đủ sức] chấp nhận các điều kiện, trách nhiệm và gánh nặng của một gia đình, và từ khước tình yêu đôi lứa tự nhiên vốn là nền tảng nuôi dưỡng gia đình để chọn một tình yêu trinh khiết không thể sánh ví.”
Kết: Ước mơ đời tận hiến
Đời sống nội tâm chiêm niệm sâu xa là không gian gặp gỡ nối kết giữa hai trái tim người cha: cha trần thế kín múc sức mạnh và ánh sáng khôn ngoan từ Cha Trên Trời. Nhờ đó, mà Đấng Công Chính biết cách hoàn thành xuất sắc sứ mạng bảo vệ và nuôi lớn Đấng Cứu Thế cho nhân loại chúng ta được hưởng nhờ. Hơn nữa, chính trái tim của Thánh Giuse, patris corde đã truyền tải cảm hứng và ít nhiều tác động đến việc hình thành nên các nét tính cách tuyệt vời nơi con người của Chúa Giêsu. Ngài không chỉ dưỡng dục mà còn góp phần trang bị cho Hài Nhi Giêsu những hành trang cần thiết cho hành trình loan báo Tin Mừng sau này. Thánh Giuse được xem là quan thầy các mầm non thiên triệu vì lẽ ngài thấu hiểu những khó khăn thách đố có thể xảy đến cho các thợ gặt tương lai, và quan trọng hơn là ngài nắm giữa bí quyết giúp họ vượt qua những truân chuyên thử thách đó. Nơi mẫu gương Thánh Giuse chiêm niệm, khiêm tốn và vâng phục, những ai thật sự khao khát nên giống đức Kitô có thể tìm ra bí quyết để biến ước mơ này thành hiện thực. “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16: 9). Gương Thánh Giuse đang truyền cảm hứng khích lệ ơn gọi trẻ mạnh dạn tuân theo thánh ý Chúa, sẵn sàng gác lại những dự phóng và mơ ước đời tư để hiến thân phục vụ và kiên quyết trung thành với ơn gọi “môn đệ” trong đời sống thường ngày.
Bên cạnh đó, Thánh Têrêsa Avila nhà thần bí Dòng Cát Minh đã quả quyết rằng khiêm nhường là nền tảng của mọi nhân đức. Một tâm hồn muốn thăng tiến trên đàng nhân đức thì nhất định phải rèn luyện cho được đức khiêm nhượng. Vì thánh Cả Giuse là mẫu gương khiêm hạ và vâng phục nên ngài cũng là bậc thầy của mọi nhân đức. Ngài không chỉ là đấng bảo trợ mà còn là thầy dạy của những ai năng thực hành cầu nguyện. Cha Nuôi Chúa Giêsu vì vậy mà trở nên rất gần gũi với tu sĩ và chủng sinh, những người khám phá ra giá trị của cầu nguyện và chọn lựa cầu nguyện làm sứ vụ trên hết trong hành trình theo Chúa. Không phải nhờ danh xưng nhưng nhờ chứng tá, Thánh Giuse xứng đáng được tuyên dương là bậc thầy mẫu mực có đủ khả năng truyền đạt bí quyết thành công cho những ai muốn dõi bước đi theo Đức Giêsu Kitô. Thợ gặt lành nghề được Chúa sai đi nhất định phải mang theo hành trang là “lòng trung thành trong nguyện cầu và sắt son trong yêu mến” vì chưng Chúa là cây nho và chúng ta là cành, “cành nào kết hiệp cùng cây sẽ trổ sinh hoa trái” (x. Ga 15, 5).
LM. Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
Rôma, 24.04.2021
Ngày Chúa Nhật IV mùa Phục Sinh năm 1964, Thánh Giáo Hoàng Phaolo VI đã chính thức cử hành ngày thế giới cầu cho ơn thiên triệu lần thứ Nhất. Kể từ đó đến nay, mỗi khi Giáo Hội cử hành lễ Chúa Chiên Nhân Lành là mỗi lần dân thánh Chúa được nhắc nhớ để nâng cao ý thức về tầm quan trọng và sứ mạng đặc biệt của ơn thiên triệu trong đời sống của Hội Thánh. Thánh Giáo Hoàng mời gọi chúng ta không chỉ “xin Chủ mùa gặt sai thêm nhiều thợ gặt” (x. Mt 9, 38) mà còn phải biết cầu nguyện để hàng linh mục và tu sĩ trong Hội Thánh được ơn sắt son “trung thành bước theo chân Chúa Giêsu,” vị Mục Tử Nhân Lành tối cao.
Thực ra, khi lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, mỗi Kitô Hữu đều thực sự là đối tượng của ơn Chúa kêu gọi và đều lãnh nhận cùng một sứ mạng từ Thiên Chúa; “hãy đi và loan báo Tin Mừng” (x. Mt 28, 19). Chính vì thế mà mọi phần tử của Hội Thánh bất kể là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, ai cũng cần phải sống trung thành với ơn gọi của mình. Hôm nay, nhân ngày chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho các mục tử và tu sĩ của Hội Thánh, chúng ta cùng tìm hiểu về ý nghĩa và “sức nặng” chất chứa trong lời cam kết trung thành của bậc sống tu sĩ và giáo sĩ. Qua đó chúng ta nhận ra lý do tại sao xưa nay, nhiều cơ sở huấn luyện chủng sinh và tu sĩ vẫn hay nhận Thánh Giuse làm thánh bảo trợ.
1. Trung thành theo đuổi “đức ái trọn hảo”
Giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II về bậc sống tu trì và ơn gọi thánh hiến là nguồn tài liệu phong phú cho phép chúng ta hiểu được những chiều kích chính yếu của ơn gọi thánh hiến. Theo đó, ngay từ buổi sơ khai, Giáo Hội “đã có những người nam cũng như nữ, qua việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm, quyết tự nguyện theo gương Chúa Kitô với một tinh thần tự do thanh thoát, bắt chước Người cách trung thành hơn, và mỗi người một cách, tất cả đều sống tận hiến cho Thiên Chúa.” Nếu như ơn gọi tu trì hay “việc theo đuổi đức ái trọn hảo qua các lời khuyên Phúc Âm là công cuộc bắt nguồn từ giáo huấn và gương sáng của Thầy Chí Thánh” thì chúng ta có thể suy ra hai điều sau đây: 1/ Các hình thức tu trì thánh hiến trong Hội Thánh tuy phong phú nhưng đều diễn tả chung một thực tại: đó là cách thế con người đáp lại lời mời gọi “hãy theo Thầy” của Chúa Giêsu. 2/ Nhiệt huyết tông đồ dâng hiến cần phải được thường xuyên làm mới lại và quá trình canh tân này phải bắt nguồn từ Đức Kitô, trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô dưới sự sự tác động của Chúa Thánh Thần.
Quả thế, kể từ những hình thức tu trì lâu đời nhất cho đến các cộng đoàn dòng tu mới thành lập gần đây, ơn gọi thánh hiến luôn duy trì ít là hai đặc điểm sau đây, một là “tâm tình tự nguyện hiến dâng để thuộc trọn về Chúa”, hai là “khao khát tháp nhập bản thân vào mẫu gương vâng phục, khiết tịnh và khó nghèo của Đức Giêsu Kitô.” Chính vì vậy mà “lòng trung thành” và “đức mến trọn hảo” được xem là hai giá trị cốt lõi làm nên nét đẹp riêng biệt của ơn thiên triệu. Để hiểu đúng giá trị của lòng trung thành trong ơn gọi thánh hiến, chúng ta hãy bắt đầu từ thao thức và cảm nghiệm của những nhân vật Thánh Kinh, những người đã từng được Thiên Chúa kêu gọi trước nhất.
2. “Trung Thành” theo Chúa như các tổ phụ
Trong Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta nhận thấy các tổ phụ như Abraham, Isaác, Môsê, rồi cả các ngôn sứ Isaia, Hôsê, Giêrêmia, Êlia, và các thủ lãnh tiêu biểu dân Israel xưa, tất cả đều giống nhau ở điểm; họ đã được Thiên Chúa kêu mời, tuyển chọn và trao phó sứ mạng. Ngẫm về ơn gọi của các vị Tổ Phụ và Ngôn Sứ lớn, chúng ta nhận thấy “theo Chúa” chính là “trung thành với đường lối của Chúa” và “quyết tâm phụng sự chỉ một mình Chúa mà thôi” (x. 1Vua 14, 8; 18, 21; Gr 2, 2; Hs 11, 1; 2 Sm 15, 13; Tv 81, 2). Đến thời Tân Ước, cụm từ “kiếm tìm Tôn Nhan Thiên Chúa” không chỉ được hiểu một cách đơn giản là “giữ giới luật” nữa mà còn được mặc thêm một số ý nghĩa mới khiến cho lối nói này thêm sinh động và biểu cảm.
Trong Giao Uớc Mới, Thiên Chúa vô hình của thời Cựu Ước từ nay xuất hiện hữu hình nơi Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, Đấng có xương có thịt hữu hình và cư ngụ giữa nhân loại chúng ta. Do đó “khao khát Thiên Chúa” từ là một ước nguyện hoàn toàn siêu nhiên trừu tượng trở nên một lối sống gắn liền với những thực hành và những lựa chọn vô cùng xác thực. “Theo Chúa” hay “lựa chọn đường lối của Chúa” chính là “thi hành những gì Con Chúa nêu gương, vì ý muốn và kế hoạch thâm sâu của Thiên Chúa Cha đã được “mặc khải” cách rõ ràng và chính xác nhất nơi Đức Giêsu Kitô, “hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa Cha vô hình” (x. Ga 14, 9). Như vậy, “theo Chúa” trong nhãn quan Tân Ước là “trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô” (Rm 8, 29).
Kinh Thánh Tân Ước ghi nhận nhiều lối nói khác nhau về hành vi đáp trả của con người trước lời mời gọi “Hãy theo Thầy” của Chúa Giêsu. Thông thường, “đứng dậy và đi theo” là hai hành động rõ ràng và cụ thể nhất mà các tác giả Tân Ước hay sử dụng. Chẳng hạn như Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan, những môn đệ đầu tiên được Chúa gọi, họ đã bỏ mọi sự lại phía sau để “đi theo” Người (Mc 1, 16-20; Mt 4, 18-22; Lc 5, 1-11). Ở những đoạn khác trong Tin Mừng Nhất Lãm, động từ “đi theo” và danh từ “kẻ đi theo” được hiểu như là hành động của “môn đệ”, “môn sinh” hay “học trò”. Khi ấy, “theo Thầy” ngoài nghĩa cụ thể là “đi theo” trên phương diện thể lý còn có nghĩa ẩn dụ là “theo” cả trong tinh thần. Thánh Gioan, Người Môn đệ Chúa yêu, là người đã gắn thêm cho hành động “theo Thầy” một ý nghĩa khác thâm sâu hơn những gì chúng ta đã nhắc đến. Theo Thánh Gioan, ơn gọi “môn đệ” vô cùng cao quý vì chỉ có môn sinh mới có vinh dự được thông chia số phận của thầy mình (x. Ga 12, 26; 13, 36-37; Kh 14, 4). Ơn gọi theo Chúa chính vì thế đòi buộc người môn đệ trước là phải “tin”, sau là phải biết “phó thác” cho đấng họ muốn theo (x. Ga 8, 12; 10, 4).
Tắt một lời, người môn đệ đi theo Chúa không chỉ đơn thuần là Chúa bước đi trước, môn đệ nối gót theo sau. “Theo Chúa” thực thụ đồng nghĩa với việc noi gương bắt chước, uốn mình theo khuôn vàng thước ngọc là cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu đã nêu gương vâng phục và yêu mến Thiên Chúa Cha thế nào thì người môn đệ cũng phải biết vâng phục và yêu mến y như vậy. Thật không dễ dàng chút nào.
3. “Trung Thành” trong Ơn Gọi Thánh Hiến
Hiến Chế Lumen Gentium - Ánh Sáng Muôn Dân, cẩn thận chỉ ra rằng “mến Chúa yêu người là dấu hiệu xác nhận người môn đệ đích thực của Đức Kitô.” Các môn đệ là những người luôn noi gương cũng như làm chứng cho tình yêu và sự khiêm nhường của Đức Kitô, họ cố gắng thực thi những điều Chúa khuyên dạy. “Trong những lời khuyên ấy, phải kể đến tặng phẩm cao quý của ân sủng được Chúa Cha ban cho một số người (x. Mt 19, 11; 1 Cr 7, 7) để họ có thể dễ dàng tận hiến cho một mình Thiên Chúa với một con tim không phân chia trong đời sống khiết tịnh hay độc thân (x. 1 Cr 7, 32-34).”
Điểm độc đáo của bậc tu trì thánh hiến, theo Công Đồng Vaticanô II, hệ tại việc các tu sĩ không những noi theo một cách chính xác “nếp sống mà Con Thiên Chúa đã đón nhận khi Người xuống thế để thi hành thánh ý Chúa Cha” mà còn thực hiện việc “noi gương” đó một cách liên lỉ giữa lòng Hội Thánh. Sức nặng và cũng là giá trị cao quý của đời tu hệ tại việc “liên lỉ noi gương”. Quả vậy, khi nói về ơn gọi thánh hiến, Thánh Công Đồng quả quyết nhân đức trung thành của người tu sĩ chính là “kho tàng quý giá” và ghi nhận rằng: “bằng sự kiên trì và khiêm tốn trung thành với hồng ân thánh hiến và bằng thái độ quảng đại phục vụ mọi người dưới nhiều hình thức khác nhau” tu sĩ là những người góp phần điểm trang cho Hội Thánh, Hiền Thê Đức Kitô ngày thêm thêm rạng rỡ đẹp xinh.
Dựa trên nền tảng Thánh Kinh, giáo huấn Công Đồng Vaticanô II khẳng định với chúng ta rằng “trung thành bước theo Chúa Kitô” là “tiêu chuẩn tối hậu của đời sống tu trì thánh hiến.” Và như thế, mọi tu sĩ, nam cũng như nữ, thuộc bất kể hình thức tu trì hay thế hệ nào đi nữa, đều là những người được kêu gọi và tuyển chọn để bước theo Chúa Kitô cách triệt để và noi gương Người cách trung thành nhất.
4. “Trung Thành” như Thánh Giuse
Nơi Thánh Cả Giuse, Bạn Trăm Năm của đức Trinh Nữ Maria và cũng là Dưỡng Phụ của Đấng Cứu Thế, chúng ta nhận ra một mẫu gương tuyệt hảo về nhân đức “trung thành”. Tuy Kinh Thánh không ghi lại bất cứ một lời giảng dạy nào thốt ra từ miệng Thánh Giuse nhưng tính cách khiêm hạ, thái độ vâng phục và đời sống nội tâm sâu sắc của người lại làm nên mẫu hình lý tưởng mà bất cứ phàm nhân nào muốn theo Chúa đều có thể học hỏi. Cuộc đời Thánh Giuse chứa đựng bí quyết giúp chúng ta trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô” (x. Rm 8:29).
Xuất thân từ dòng dõi Vua Đavit cao sang quyền quý nhưng Thánh Giuse lại chọn nếp sống thanh bần giản dị. Ngài không những trân trọng giá trị của lao động chân tay mà chính bản thân ngài cũng từng “đổ mồ hôi sôi nước mắt” nuôi sống bản thân và gia đình. Biết bao nhiêu vị Giáo Hoàng đã từng long trọng tuyên dương phẩm chất âm thầm khiêm tốn của Thánh Cả Giuse và vinh danh ngài như mẫu gương của giới lao động bình dân, của những người giúp thăng tiến các giá trị con người thông qua sức lao động chân chính của họ. Thánh Giuse là mẫu mực cho những người khiêm hạ mà Kitô giáo nâng lên những địa vị cao sang; ngài “là bằng chứng cho thấy rằng để trở thành một môn đệ tốt và chân chính nối gót Chúa Kitô, không cần đến những điều vĩ đại – chỉ cần các nhân đức thông thường, đơn sơ và nhân bản, nhưng phải là những nhân đức đúng nghĩa và chân thực.” Nếu khiêm nhu, nhân hậu, hiền hòa, nhẫn nại được xem là đặc tính riêng của dân thánh Chúa, của những người “được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương” (Cl 3:12) thì Thánh Giuse hội đủ mọi điều kiện để được xem là mẫu gương cho dân thánh Chúa, nhất là cho những ai muốn trở nên môn đệ đích thực của Đức Kitô.
Thánh Giuse đích thực là mẫu gương cho chúng ta về đức vâng phục. Trong tất cả các câu chuyện Thánh Kinh liên quan đến Thánh Giuse, kể từ lúc ngài xuất hiện cho đến khi âm thầm rút lui, không một tình huống nào là êm ả thuận lợi: Từ việc ngài đón nhận tin Maria người vợ sắp cưới đang mang thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần (x. Lc 2:1-7; Mt 1:18-25), đến việc vất vả cùng Maria về quê khai sổ bộ (x. Lc 2:1-5); từ việc phải bẽ bàng chịu người đời xua đuổi miệt thị cho đến việc phải một mình giúp đỡ Maria hạ sinh Hài Nhi Giêsu nơi máng cỏ Bêlem (x. Lc 2:6-7); từ việc phải thức dậy trong đêm vội vã đưa Hài Nhi và Mẹ Người lánh sang Ai Cập cho đến khi hồi hương và bỡ ngỡ lập nghiệp nơi thôn làng Nazarét (x. Mt 2:13-23); từ việc đôn đáo chu toàn nghi lễ cắt bì cho con trẻ Giêsu cho đến việc hớt hãi tìm con trong Đền Thờ Giêrusalem (x. Lc 2:21-50), tất cả đều nhuốm mầu giông tố. Trong mọi tình huống, Thánh Giuse không một lời phản kháng kêu ca. Ngài chỉ biết hết lòng vâng phục và chu toàn mọi huấn lệnh Chúa truyền. Gương vâng phục của Thánh Giuse thật đáng để chúng ta nghiêng mình bái phục nhưng đó cũng là lý do khiến cho không ít người phải thắc mắc hoài nghi.
Trong thời đại mà chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa cá nhân đang hoành hành rộng khắp và thậm chí còn tấn công mạnh mẽ cả vào môi trường nhà tu như hiện nay, thì nhân đức khiêm hạ và thái độ phục tùng dường như chỉ còn là những khái niệm tồn tại trên lý thuyết. Chính vì vậy mà nhiều người, nhất là các bạn trẻ cảm thấy băn khoăn nghi ngại: “Liệu rằng chúng ta có thể bắt trước Thánh Giuse tận trung một lòng vì Chúa hay không?” Nếu có thì đâu là bí quyết? Tông huấn Redemptoris Custos cung cấp cho chúng ta một đáp án khá thuyết phục. Trước hết, chúng ta phải thừa nhận rằng bao trùm lấy tất cả mọi câu chuyện Thánh Kinh liên quan đến Thánh Giuse là một bầu khí thinh lặng nhiệm mầu. Chính sự thinh lặng ấy bộc lộ chân dung nội tâm chiêm niệm của Thánh Giuse. Hàm chứa trong từng “hành động” của ngài là cả “một bầu khí chiêm niệm sâu xa.” “Sự hy sinh hoàn toàn, mà qua đó Thánh Giuse hiến dâng trọn vẹn cuộc sống cho những đòi hỏi của [công trình cứu độ], chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng đời sống nội tâm sâu xa của ngài mà thôi. Chính đời sống nội tâm này […] mang đến cho ngài những suy luận và sức mạnh mà chỉ những tâm hồn đơn sơ và trong sáng mới có được. [Đời sống nội tâm ấy cũng giúp ngài đủ sức] chấp nhận các điều kiện, trách nhiệm và gánh nặng của một gia đình, và từ khước tình yêu đôi lứa tự nhiên vốn là nền tảng nuôi dưỡng gia đình để chọn một tình yêu trinh khiết không thể sánh ví.”
Kết: Ước mơ đời tận hiến
Đời sống nội tâm chiêm niệm sâu xa là không gian gặp gỡ nối kết giữa hai trái tim người cha: cha trần thế kín múc sức mạnh và ánh sáng khôn ngoan từ Cha Trên Trời. Nhờ đó, mà Đấng Công Chính biết cách hoàn thành xuất sắc sứ mạng bảo vệ và nuôi lớn Đấng Cứu Thế cho nhân loại chúng ta được hưởng nhờ. Hơn nữa, chính trái tim của Thánh Giuse, patris corde đã truyền tải cảm hứng và ít nhiều tác động đến việc hình thành nên các nét tính cách tuyệt vời nơi con người của Chúa Giêsu. Ngài không chỉ dưỡng dục mà còn góp phần trang bị cho Hài Nhi Giêsu những hành trang cần thiết cho hành trình loan báo Tin Mừng sau này. Thánh Giuse được xem là quan thầy các mầm non thiên triệu vì lẽ ngài thấu hiểu những khó khăn thách đố có thể xảy đến cho các thợ gặt tương lai, và quan trọng hơn là ngài nắm giữa bí quyết giúp họ vượt qua những truân chuyên thử thách đó. Nơi mẫu gương Thánh Giuse chiêm niệm, khiêm tốn và vâng phục, những ai thật sự khao khát nên giống đức Kitô có thể tìm ra bí quyết để biến ước mơ này thành hiện thực. “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16: 9). Gương Thánh Giuse đang truyền cảm hứng khích lệ ơn gọi trẻ mạnh dạn tuân theo thánh ý Chúa, sẵn sàng gác lại những dự phóng và mơ ước đời tư để hiến thân phục vụ và kiên quyết trung thành với ơn gọi “môn đệ” trong đời sống thường ngày.
Bên cạnh đó, Thánh Têrêsa Avila nhà thần bí Dòng Cát Minh đã quả quyết rằng khiêm nhường là nền tảng của mọi nhân đức. Một tâm hồn muốn thăng tiến trên đàng nhân đức thì nhất định phải rèn luyện cho được đức khiêm nhượng. Vì thánh Cả Giuse là mẫu gương khiêm hạ và vâng phục nên ngài cũng là bậc thầy của mọi nhân đức. Ngài không chỉ là đấng bảo trợ mà còn là thầy dạy của những ai năng thực hành cầu nguyện. Cha Nuôi Chúa Giêsu vì vậy mà trở nên rất gần gũi với tu sĩ và chủng sinh, những người khám phá ra giá trị của cầu nguyện và chọn lựa cầu nguyện làm sứ vụ trên hết trong hành trình theo Chúa. Không phải nhờ danh xưng nhưng nhờ chứng tá, Thánh Giuse xứng đáng được tuyên dương là bậc thầy mẫu mực có đủ khả năng truyền đạt bí quyết thành công cho những ai muốn dõi bước đi theo Đức Giêsu Kitô. Thợ gặt lành nghề được Chúa sai đi nhất định phải mang theo hành trang là “lòng trung thành trong nguyện cầu và sắt son trong yêu mến” vì chưng Chúa là cây nho và chúng ta là cành, “cành nào kết hiệp cùng cây sẽ trổ sinh hoa trái” (x. Ga 15, 5).