1. Bệnh viện quá đông ba bệnh nhân COVID bị bỏ quên chết trong vụ cháy bệnh viện Bangladesh
Ông Nazmul Haque, giám đốc bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 ở thủ đô Dhaka, cho biết các bệnh nhân đang sử dụng máy thở trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện đã tử vong sau khi ngọn lửa bùng lên, khiến các nhân viên y tế bỏ chạy. Họ di tản được một số bệnh nhân nhưng quên mất 3 bệnh nhân này.
Sau khi ngọn lửa được khống chế, họ phát hiện ra 3 bệnh nhân này đã chết. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ cháy, một viên chức của sở cứu hỏa thủ đô cho biết.
Các bệnh viện đang phải vật lộn để đối phó với sự gia tăng đột biến trong các ca nhiễm coronavirus trong tháng này ở Bangladesh. Thủ đô Dhaka đã báo cáo 559,168 trường hợp nhiễm coronavirus và 8,571 trường hợp tử vong.
Các quy định lỏng lẻo và việc thực thi kém thường được cho là nguyên nhân dẫn đến các vụ hỏa hoạn lớn ở quốc gia Nam Á khiến hàng trăm người thiệt mạng trong những năm gần đây.
Năm ngoái, Giáo Hội Công Giáo ở Bangladesh đã phải khóc thương Đức Tổng Giám Mục Moses Costa của TGP Chittagong, Bangladesh qua đời ở tuổi 69. Ngài là giáo sĩ cao cấp nhất của Giáo Hội Công Giáo Bangladesh qua đời vì đại dịch coronavirus.
Đức Tổng Giám Mục đã được các bác sĩ chẩn đoán âm tính với Covid-19 vào ngày 22 tháng 6, và Ngài tiếp tục ở lại bệnh viện để điều trị. Nhưng tình hình sức khỏe của ngài có vấn đề vào ngày 8 tháng 7. Ngài được đưa vào khu trợ thở ICU. Ngài bị đột quỵ và bị xuất huyết não ngày 9 tháng 7, nên qua đời vào sáng thứ Hai 13 tháng 7
Source:Reuters
2. Cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y Woelki về báo cáo Gercke
Báo cáo Gercke có lẽ là nghiên cứu minh bạch và toàn diện nhất từng được thực hiện bởi một tổ chức ở Đức về chủ đề bạo lực tình dục đối với trẻ vị thành niên: Việc công bố Báo cáo Gercke độc lập dày 800 trang hôm 18 tháng 3, là nhằm làm rõ vai trò và trách nhiệm trong Tổng giáo phận Köln. Báo cáo này được Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám Mục của Köln, ra lệnh thực hiện từ năm 2014.
Vào tháng 12 năm 2018, tổng giáo phận đã ủy quyền cho công ty luật Westpfahl Spilker Wastl ở Munich kiểm tra các hồ sơ nhân sự liên quan từ năm 1975 trở đi để xác định “những thiếu sót cá nhân, hệ thống hoặc định chế nào đã phải chịu trách nhiệm trước đây đối với các vụ lạm dụng tình dục được che đậy hoặc không bị trừng phạt một cách đến nơi đến chốn”.
Sau khi các luật sư tư vấn cho tổng giáo phận nêu lên những lo ngại về “những thiếu sót về phương pháp luận” trong nghiên cứu của công ty luật này, Đức Hồng Y Woelki đã ủy quyền cho chuyên gia luật hình sự có trụ sở tại Köln, là Giáo sư Björn Gercke viết một báo cáo mới.
Đức Hồng Y Woelki bị các thành phần cấp tiến xem là một trở ngại cho Tiến Trình Công Nghị tại Đức. Cho nên, khi ngài không công bố ngay báo cáo của công ty luật Westpfahl Spilker Wastl, ngài đã bị cáo buộc là có ý bao che, và liên tục bị các phương tiện truyền thông yêu cầu từ chức.
Tháng 12 vừa qua, để mọi việc được minh bạch, Đức Hồng Y Woelki đã yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô mở cuộc điều tra về cách làm việc của chính ngài trong nỗ lực chống nạn lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNA Deutsch vào ngày 18 tháng 3, Đức Tổng Giám Mục của Köln đã nói về việc công bố báo cáo Gercke và những bước tiếp theo.
Thưa Đức Hồng Y, phản ứng của riêng ngài như thế nào khi cuối cùng ngài đã cầm trên tay bản báo cáo được mong đợi từ lâu trong ngày hôm nay?
Tôi chưa từng đọc qua báo cáo này cho đến ngày hôm nay, cũng như công chúng và bất kỳ ai có vai trò trách nhiệm trong Tổng giáo phận Köln. Sau cùng, tôi đã hứa sẽ có một quan điểm pháp lý thực sự độc lập, trên cơ sở đó các viên chức có hành vi sai trái trong việc xử lý các vụ lạm dụng có thể phải chịu trách nhiệm.
Tôi an tâm phần nào rằng, nhờ cuộc điều tra của chuyên gia này, giờ đây chúng tôi cuối cùng đã xác định rõ ràng về quá khứ. Đồng thời, tôi rất buồn và rúng động bởi những gì chúng ta đã nghe về hành vi sai trái đã được xác định. Nhìn chung, tôi cảm thấy có trách nhiệm rất lớn cho chặng đường phía trước. Đối với tôi, điều đó có nghĩa là rút ra các kết luận cần thiết dựa trên các dữ kiện và kết quả hiện có sẵn cho chúng tôi.
Các bước tiếp theo là gì, thưa Đức Hồng Y?
Trước hết, tôi sẽ đọc tất cả 800 trang trong bản báo cáo này. Trong vài ngày tới, tôi sẽ có nhiều cuộc thảo luận với các nhân viên của mình và tất nhiên, với những người ở vị trí chịu trách nhiệm, nhằm mục đích công bố bất kỳ thay đổi nhân sự và tổ chức nào vào ngày 23 tháng 3. Báo cáo Gercke không phải là kết luận chung cuộc công việc chúng tôi, mà là điểm khởi đầu cho các đánh giá tiếp theo.
Đức Hồng Y có thể hiểu các cuộc thảo luận về tiến trình điều tra, sự cần thiết của một báo cáo thứ hai và những mối quan tâm được nêu ra không?
Vâng, tôi có thể hiểu được sự không hài lòng về sự chậm trễ và sự thiếu kiên nhẫn được thể hiện trong một số thành phần. Tôi chân thành xin lỗi vì chúng tôi đã gây thêm đau đớn cho các nạn nhân bằng con đường khó khăn khi đối mặt với bạo lực tình dục ở Tổng giáo phận Köln. Thật không may, chúng tôi không có lựa chọn thay thế cho quyết định đưa ra ý kiến của chuyên gia thứ hai, bởi vì chúng tôi cần một sự minh bạch về phương pháp luận và một cơ sở vững chắc để xác định rõ trách nhiệm về mặt tổ chức trong Giáo Hội của chúng ta và để có thể ngăn ngừa những sai lầm tương tự xảy ra trong tương lai.
Source:Catholic News Agency
3. Đức Tổng Giám Mục Hamburg xin từ chức sau báo cáo về các trường hợp lạm dụng tại tổng giáo phận Köln
Hôm thứ Năm 18 tháng Ba, Đức Tổng Giám Mục Hamburg đã thông báo rằng ngài đã đệ đơn từ chức lên Đức Thánh Cha Phanxicô và yêu cầu được “từ chức ngay lập tức” khỏi mọi trách nhiệm.
Đức Tổng Giám Mục Stefan Heße của Hamburg đã đưa ra tuyên bố ngắn gọn của mình trực tiếp trên YouTube vào ngày 18 tháng 3, và nói rằng: “Tôi tin chắc rằng nhận trách nhiệm là một phần trong các nghĩa vụ của chúng tôi để chủ động đối phó với chương đen tối này theo cách tốt nhất có thể và hướng tới một kết quả tốt đẹp hơn trong tương lai cho tất cả mọi người, trước hết là cho chính các nạn nhân”.
“Tôi chưa bao giờ tham gia vào bất kỳ sự che đậy nào. Tuy nhiên, tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm về những thiếu sót của hệ thống”, Đức Cha Heße nói.
Đức Tổng Giám Mục phụ trách nhân sự mục vụ tại Tổng giáo phận Köln từ năm 2006 đến năm 2012. Ngài đảm nhiệm cương vị tổng đại diện từ năm 2012 đến năm 2015 trước khi được tấn phong Tổng Giám Mục Hamburg vào ngày 14 tháng 3 năm 2015.
Một báo cáo được chờ đợi từ lâu vừa được công bố vào hôm thứ Năm đã làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về một số vụ xảy ra trong thời gian ngài phục vụ ở Köln.
Báo cáo Gercke dài 800 trang, được gọi là “Cuộc điều tra độc lập về việc xử lý bạo lực tình dục ở Tổng giáo phận Köln,” bao gồm giai đoạn từ năm 1975 đến năm 2018 và kiểm tra 236 hồ sơ chi tiết để xác định các tội lỗi và các vi phạm pháp luật, đồng thời những người phải chịu trách nhiệm về những điều này.
Báo cáo Gercke không quy lỗi trực tiếp cho Đức Cha Heße. Tuy nhiên, theo báo cáo, có 9 trường hợp riêng biệt với 11 tội danh đã xảy ra trong thời gian ngài phụ trách nhân sự mục vụ tại Tổng giáo phận Köln.
“Tôi phải và tôi sẽ rút ra những hậu quả từ những hành động của mình vào thời điểm đó và cả những vụ việc liên quan đến nghĩa vụ mà tôi đang thi hành. Tôi rất hối hận nếu tôi đã gây thêm đau khổ cho những người bị ảnh hưởng và người thân của họ do hành động của tôi hoặc những thiếu sót của tôi”, Đức Tổng Giám Mục nói trong tuyên bố của mình.
Thực ra, chúng ta nên biết điều này: Tờ Die Tagespost cảnh báo rằng tình trạng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ cùng lắm thì cũng như ở các quốc gia khác, không phải là vấn đề nổi cộm. Vấn đề trở thành nghiêm trọng không phải vì con số các vụ lạm dụng tính dục mà là chính sách “lạm dụng tội lỗi lạm dụng”. Nói cho dễ hiểu hơn là chính một số Giám Mục đã và đang lợi dụng các tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ để cổ vũ cho các ý thức hệ xa lìa đức tin dưới chiêu bài đối phó với tội lỗi lạm dụng tình dục. Cho người Tin lành rước lễ hay chúc lành cho các kết hiệp đồng tính thì có liên quan gì đến việc đối phó với tội lỗi lạm dụng tình dục?
Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, là người đã được minh oan bởi bản báo cáo, đã tuyên bố hôm thứ Năm rằng, bước đầu tiên, ngài sẽ “tạm thời ngưng chức” hai viên chức là Đức Cha Dominikus Schwaderlapp, một Giám Mục Phụ Tá của Köln và là một cựu tổng đại diện, và Cha Günter Assenmacher, một viên chức của tổng giáo phận.
Báo cáo của Gercke xác định những lo ngại về việc hai vị này giải quyết các trường hợp lạm dụng và các vị sẽ bị đình chỉ cho đến khi các cáo buộc được làm rõ.
Tổng giáo phận tổ chức một cuộc họp báo vào ngày thứ hai 23 tháng 3, trong đó Đức Hồng Y Woelki bình luận chi tiết hơn về phản ứng của ngài đối với báo cáo này, với những hậu quả có thể xảy ra đối với các viên chức bị chỉ trích trong báo cáo.
Source:Catholic News Agency
4. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”. Philip-phê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”. Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài”. Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.
Trong bài huấn dụ từ thư viện của Dinh Tông Tòa trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:
Vào Chúa Nhật thứ năm của Mùa Chay, phụng vụ công bố bài Tin Mừng, trong đó Thánh Gioan đề cập đến một sự kiện xảy ra trong những ngày cuối cùng của cuộc đời Chúa Kitô, ngay trước cuộc Khổ nạn (x. Ga 12: 20-33). Trong khi Chúa Giêsu đang ở Giêrusalem để dự lễ Vượt qua, một số người Hy Lạp, bị hấp dẫn bởi những gì Ngài đang làm, bày tỏ mong muốn được gặp Ngài. Đến gần Tông đồ Philipphê, họ nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu” (câu 21). “Chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”. Chúng ta hãy ghi nhớ điều ước ao này: “Chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”. Philipphê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Theo yêu cầu của những người Hy Lạp đó, chúng ta có thể thấy câu hỏi mà rất nhiều người nam nữ, từ mọi nơi và mọi lúc, gửi đến Giáo hội và đến cả với mỗi người chúng ta: “Chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”.
Và Chúa Giêsu đáp ứng yêu cầu đó như thế nào? Thưa: Theo một cách khiến anh chị em phải suy nghĩ. Ngài nói như vậy: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh […] Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt (cc. 23-24). Những từ này dường như không trả lời câu hỏi mà những người Hy Lạp đó đặt ra. Thực ra, những lời ấy còn đi xa hơn. Thật vậy, Chúa Giêsu tiết lộ rằng đối với mọi người muốn tìm kiếm Ngài, Chúa Giêsu là hạt giống không lộ ra sẵn sàng chết để sinh nhiều hoa trái. Như muốn nói: nếu bạn muốn biết tôi, nếu bạn muốn hiểu tôi, hãy nhìn vào hạt lúa mì chết trong lòng đất, tức là hãy nhìn vào thập giá.
Chúng ta phải nghĩ đến dấu chỉ thánh giá, qua nhiều thế kỷ đã trở thành biểu tượng xuất sắc của các Kitô hữu. Ngay cả những người ngày nay cũng muốn “gặp gỡ Chúa Giêsu”, có lẽ đến từ các quốc gia và nền văn hóa mà Kitô Giáo ít được biết đến, trước hết họ thấy điều gì? Dấu hiệu phổ biến nhất mà họ gặp được là gì? Cây thánh giá, chính là cây thánh giá. Trong nhà thờ, trong nhà của các tín hữu Kitô, là những người cũng mang biểu tượng ấy trên chính thân xác của mình. Điều quan trọng là dấu chỉ ấy phù hợp với Tin Mừng: Thập giá chỉ có thể diễn tả tình yêu, sự phục vụ, tự hiến mà không cần phải đặt trước: chỉ bằng cách này, nó mới thực sự là “cây sự sống”, một sự sống dồi dào.
Ngay cả ngày nay, nhiều người, thường không nói ra điều đó một cách minh nhiên, họ cũng muốn “gặp Chúa Giêsu”, gặp Ngài, biết Ngài. Từ đây, chúng tôi hiểu trách nhiệm lớn lao của các Kitô hữu và cộng đồng của chúng ta. Chúng ta cũng phải đáp lại bằng các chứng tá về một cuộc sống được ban cho để phục vụ, một cuộc sống mang phong cách của Thiên Chúa – đó là gần gũi, từ bi, dịu dàng, và hiến thân phục vụ. Đó là gieo mầm yêu thương không phải bằng những lời nói cao siêu, mà bằng những tấm gương cụ thể, giản dị và dũng cảm, không phải bằng những lý thuyết lên án mà bằng những cử chỉ yêu thương. Sau đó, với ân sủng của Ngài, Chúa làm cho chúng ta sinh hoa trái, ngay cả khi mặt đất khô cằn do hiểu lầm, khó khăn hoặc bắt bớ, hoặc những tuyên bố về pháp lý hay luân lý xuất phát từ chủ nghĩa giáo sĩ trị. Đây là mảnh đất khô cằn. Ngay lúc đó, trong thử thách và cô độc, khi hạt giống chết đi, thì lại là thời điểm cho sự sống nảy mầm, sinh hoa kết trái đúng lúc. Chính trong sự đan xen giữa cái chết và sự sống, chúng ta có thể cảm nghiệm được niềm vui và hoa trái đích thực của tình yêu, điều mà tôi luôn nhắc lại, được ban cho theo phong cách của Thiên Chúa: gần gũi, từ bi, dịu dàng.
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta bước theo Chúa Giêsu, bước đi mạnh mẽ và hạnh phúc trên con đường phục vụ, để tình yêu của Chúa Kitô tỏa sáng trong mọi thái độ của chúng ta và ngày càng trở thành nếp sống hằng ngày của chúng ta.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
Hôm nay ở Ý là Ngày Tưởng niệm và Cam kết để tưởng nhớ các nạn nhân vô tội của mafias. Mafias có mặt ở nhiều nơi trên thế giới và bằng cách khai thác đại dịch, chúng làm giàu bằng tham nhũng. Thánh Gioan Phaolô II đã tố cáo “văn hóa chết chóc” của chúng và Đức Bênêđíctô XVI đã lên án chúng là “ những con đường chết chóc”. Những cấu trúc tội lỗi, như cấu trúc mafia, trái với Phúc âm của Chúa Kitô, trong đó người ta đánh đổi đức tin bằng việc thờ ngẫu tượng. Hôm nay chúng ta tưởng nhớ tất cả các nạn nhân và làm mới cam kết của chúng ta chống lại mafias.
Ngày mai là Ngày Nước Thế giới, mời gọi chúng ta suy ngẫm về giá trị của ân sủng tuyệt vời và không thể thay thế này của Thiên Chúa. Đối với những tín hữu chúng ta, “chị nước” không phải là một thứ hàng hóa: nhưng là một biểu tượng phổ quát và là nguồn sống và sức khỏe. Có quá nhiều anh em khó tiếp cận được với nước và có lẽ phải chấp nhận những nguồn nước bị ô nhiễm! Cần bảo đảm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường cho mọi người. Tôi cảm ơn và khuyến khích tất cả những người, với sự chuyên nghiệp và trách nhiệm khác nhau, làm việc cho mục đích rất quan trọng này. Ví dụ, tôi đang nghĩ về trường Đại học Nước, ở quê hương tôi, về những người làm việc để mang nó về phía trước và làm cho mọi người hiểu được tầm quan trọng của nước. Xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới anh chị em người Á Căn Đình đang làm việc tại trường Đại học Nước này.
Tôi chào tất cả anh chị em, những người được kết nối thông qua các phương tiện truyền thông, với một kỷ niệm đặc biệt dành cho những người bệnh và người cô đơn. Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa vui vẻ và tạm biệt!
Source:Holy See Press Office