Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq từ ngày 5 đến 8 tháng 3 đã có nhiều tác động đến Iran, đặc biệt là cuộc gặp gỡ giữa Đức Phanxicô, là nhà lãnh đạo Công Giáo thế giới, và Ayatollah Ali al-Sistani, một trong những nhà lãnh đạo Hồi Giáo Shiite quan trọng nhất.
Một số người, trong đó có Mohammad Masjedjamei, cựu đại sứ Iran cạnh Tòa thánh, đã đề cập đến mong muốn đến thăm Iraq của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cách đây 21 năm và sự phản đối của nhà lãnh đạo lúc bấy giờ là Saddam Hussein.
Đối với nhiều người Iran, phần quan trọng nhất của chuyến đi là chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng với Đại Giáo Trưởng al-Sistani, được xem là có giá trị to lớn đối với hòa bình trong khu vực và sự an toàn của các Kitô hữu Iraq.
Hiện tại, Sistani là thủ lĩnh Hồi Giáo Shiite quan trọng nhất thế giới, và thành phố Najaf, nơi ông sống, đã là quê hương của các thủ lĩnh Hồi Giáo Shiite trong nhiều thế kỷ.
Sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, các giáo sĩ chính trị của Iran đã tìm cách thay đổi tình hình này, bằng cách cố gắng biến Qom - trụ sở chính của các giáo sĩ Hồi Giáo Shiite của Iran nằm ở miền trung Iran - thành trung tâm của Hồi Giáo Shiite thế giới.
Cho đến nay, họ đã không thành công, và điều này chính xác là do sự hiện diện của Sistani ở Najaf, nơi ông luôn rõ ràng về các chính sách hà khắc của các giáo sĩ Hồi giáo Iran.
Về mặt này, Sistani luôn nhấn mạnh nhu cầu hòa bình, ngăn chặn bạo lực và không dùng tôn giáo để can thiệp vào chính trị. Thái độ này đã không làm hài lòng các nhà lãnh đạo Iran.
Cách đây chưa đầy ba tháng, Ibrahim Raisi, Chánh án Iran, do Khamenei bổ nhiệm - đã đến Iraq, nhưng Sistani không tiếp ông. Sự từ chối này được coi là một thất bại.
Nếu cuộc họp diễn ra, Raisi có thể đã tính đến việc tranh cử tổng thống sắp tới (dự kiến vào giữa tháng 6 năm 2021) và cũng có thể giành được chiến thắng.
Để đáp lại ảnh hưởng của Sistani trên thế giới, và để chứng tỏ rằng Sistani không có chỗ đứng trong giới lãnh đạo Hồi Giáo Shiite của Iran, tờ báo Kayhan đã đăng một bài xã luận trên thực tế là chế giễu cuộc gặp gỡ giữa Sistani và Đức Giáo Hoàng.
Kayhan là tiếng nói quan trọng nhất của phe chính thống và cực đoan trong hàng lãnh đạo Hồi Giáo tại Iran, và nó rất gần gũi với Khamenei.
Bài báo liên kết chuyến đi của Đức Giáo Hoàng đến Iraq với vụ ám sát Qassem Soleimani ở Baghdad vào ngày 3 tháng Giêng năm 2020, và bóng gió nói rằng các hoạt động của Soleimani ở Iraq đã được thực hiện với sự cho phép của Sistani. Tuy nhiên, văn phòng của Sistani chưa bao giờ xác nhận điều đó.
Tờ báo kết thúc bài viết với việc so sánh nhà của Sistani với nơi ở của Đức Giáo Hoàng ở Rôma, cho thấy những người theo trào lưu chính thống Iran không hài lòng với chuyến tông du này.
Chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng ngày càng mang lại tính hợp pháp cho sự lãnh đạo của Sistani đối với người Hồi Giáo Shiite, thu hẹp khả năng của Khamenei trong mơ ước đạt được vị trí mà ông đã mơ ước và đề cao trong nhiều năm qua.
Trong khi đó, chỉ có một nhóm nhỏ các giáo sĩ Hồi Giáo Shiite ở Qom hoan nghênh chuyến đi, gọi đây là sự khởi đầu của một nỗ lực khác nhằm mang lại hòa bình cho Trung Đông.
Tuy nhiên, tin tức về chuyến đi đã bị bộ máy tuyên truyền nhà nước của Cộng hòa Hồi giáo Iran cố tình phớt lờ
Source:Asia News