SAIGÒN -- Hôm nay, 22/5/2005, ngày đại lễ của các tín đồ Phật Giáo - Lễ Phật Đản lần thứ 2549. Đã từ lâu, tôi có thói quen đến thăm chùa vào ngày này, có khi vì một lời mời, cũng có lúc vì một mối quan hệ nào đó.
Tại Sài Gòn, có thể nói các chùa đều tổ chức cuộc lễ, tuy theo giờ giấc khác nhau nhưng tất cả đều sau giờ chính lễ long trọng của chùa Vĩnh Nghiêm vì đa số các vị trụ trì chùa đều qui tụ về nơi đây để dự lễ chung cùng quan khách và chính quyền, trước khi cử hành lễ tại chùa địa phương của mình.
Tôi đi ngang qua chùa Vĩnh Nghiêm khi nắng vừa lên để đến Thiền Viện Quảng Đức, cách đó khỏang một trăm mét, nơi đang tổ chức lễ. Buổi lễ diễn ra ngay trên bậc thềm của thiền viện, có những phần rất quen thuộc nhưng có hai nghi lễ làm tôi rất thích. Đó là lễ tắm Phật và hình thức phóng sinh.
Để tắm Phật, các Phật tử xếp hàng lần lượt tiến đến chỗ có để tượng Phật nhỏ, mỗi người múc lấy gáo nước bé dội lên tượng Phật. Lễ này mang ý nghĩa giội rửa cho tâm mình được sạch, quay về với bản tánh ban đầu của mình khi mới sinh ra. Hay nhất là khi các Phật tử thực hiện công việc phóng sinh. Những con chim sẻ từ lồng dang thẳng cách bay lên đón nhận sự tự do. Có chú sẻ nhỏ bay lên rồi lại sà xuống gần chỗ tôi đứng vì chưa biết đi đâu, có lẽ sự tự do ấy đến bất ngờ quá chăng?
Rời thiền viện, tôi đến chùa Thiên Long, một chùa nhỏ nằm trong con hẻm trên đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận. Vừa đến đây thì giờ lễ vừa bắt đầu. Tôi đứng lặng yên dự như bao Phật tử khác, nhưng tâm trí tôi lan man những ý tưởng riêng mình: tôn giáo quả là một khí cụ tốt làm cho con người dịu lại trước bao biến đổi của cuộc đời. Có nhiều người, chỉ vì theo một tôn giáo nào đó mà “thắng” được thú tính tự nhiên, để vẫn còn là con người trong cách xử thế, cao hơn nữa là nhận ra thân phận của mình trong vũ trụ bao la và giới hạn của sự sống với thời gian vô tận này.
Sau khi các em nhỏ dâng hoa sen, mọi người ngồi, tôi thấy ni cô Tâm Vân lên bục thuyết giảng. Tôi nhìn khuôn mặt sáng đầy vẻ thanh tao, giọng nói trầm ấm, đôi mắt to đen sau cặp kiếng: Đây chính là con người mà tôi quen biết trong hoàn cảnh đặc biệt: một cô bạn ở nước ngoài, gởi quà cho tôi và cô Tâm Vân trong cùng một đợt, tôi phải đến chùa để nhận, thế là có thêm một người bạn mới. Chính cử chỉ và cách giao tiếp tế nhị làm cho tôi và cô trở nên quí mến nhau. Cô dám nói thẳng với tôi suy nghĩ của cô về những khuyết điểm của một số cá nhân người Công giáo. Tôi đáp lời một cách khá vất vả vì nhận xét của cô sâu sắc và có phần hợp lý. Cô kể cho tôi nghe về chuyến đi Úc trong dịp khánh thành một ngôi chùa; cô nói về khoảng thời gian hai tháng đi tu học ở Miến Điện; và cô dạy tôi “thiền” vì thấy tôi lúc nào cũng lo lo lắng lắng. Tôi chỉ vâng vâng dạ dạ mà không làm theo vì con người hiếu động của tôi chỉ an bình khi làm việc, còn ngồi im thì thật nguy hiểm!
Có lần, ni cô Tâm Vân cùng tôi đến thăm trẻ em khiếm thị ở chùa Kỳ Quang (Gò Vấp), khi ngồi sau xe của cô, cái khăn đội trên đầu cô cứ phất phất vào mặt tôi. Tôi thầm bật cười: Tôi đang là ai đây nhỉ? Lúc thì gọi điện cho Đức giám mục, lúc thì dự tiệc ngồi chung với các thầy, các sơ, sao bây giờ lại ngồi sau xe của ni cô thế này!
Buổi lễ kết thúc, tiếng ồn lại vang lên, người ta đi xuống hội trường ăn cơm chay, tôi cũng lững thững đi vào một mình. Hôm nay các ni cô không có thì giờ để ân cần với tôi như mọi lần, vì Phật tử đông quá. Tô bún chay làm tôi tỉnh cả người, món bánh cuốn cũng ngon miệng. Hôm nay không có cơm cũng như không có món “kiểm” (bí đỏ nấu với nước dừa, có đậu phộng) quen thuộc của bữa cơm chay nhưng món tráng miệng là chè bà Ba (đậu xanh nước dừa) làm tôi rất thích. Tôi không nói với ai lời nào, vừa ăn vừa nghĩ đến những bữa tiệc thịnh soạn của những người thừa tiền phung phí, mà trên bàn tiệc có những con tôm rất to, sự hiện diện của nó chứa đựng biết bao rủi ro khổ cực của người nuôi, hay những món ăn mất nhiều thời gian để chuẩn bị... Đáng trách hơn là là những bữa tiệc KHÔNG CÓ LÝ DO hay CHỈ ĐỂ MUA VUI hoặc TRẢI ĐƯỜNG cho những phi vụ bất chính, mờ ám.....
Rời chùa ra về trong tiếng ồn ào thưa dần của Phật tử, tôi thấy lâng lâng trong suy nghĩ: Đức Phật xuất hiện trên thế gian này góp phần khai ngộ tuệ giác, làm thức tỉnh một phần nhân thế, cho họ biết trở về với cội nguồn sự sống của chính mình. Nhưng CỘI NGUỒN SỰ SỐNG kia là do ai? từ đâu? về đâu?. .. thì đó là việc của người Kitô hữu có trách nhiệm rao giảng một TIN VUI hơn, hy vọng hơn, đầy đủ hơn vì chính Đức Kitô là ĐƯỜNG là SỰ THẬT và là SỰ SỐNG.