Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã rời Iraq bình an, chấm dứt chuyến tông du thứ 33 trong triều đại giáo hoàng của ngài. Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của một vị Giáo Hoàng tới quốc gia Trung Đông này.
Sau khi cử hành thánh lễ riêng tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh, ngài ra sân bay quốc tế của Baghdad sau khi chào tạm biệt các nhân viên và bạn bè tại Tòa Sứ thần.
Chờ đón ngài ở sân bay là Tổng thống Barham Salih và phu nhân. Trong cuộc gặp riêng với Tổng thống Salih tại phòng khánh tiết của sân bay quốc tế, tổng thống rất tâm đắc với Đức Thánh Cha, ông rất phấn khởi và bày tỏ rằng chuyến tông du của Đức Thánh Cha sẽ mang lại những hệ quả tích cực cho đất nước đang trong thời kỳ khó khăn chồng chất.
“Đức Thánh Cha mang đến cho chúng tôi hy vọng, niềm vui, nhưng trên hết là những suy nghĩ nghiêm chỉnh về tình huynh đệ, là điều chúng tôi cần nhất vào lúc này. Ngài rất có lý, chỉ có tình huynh đệ mới cứu được quốc gia chúng tôi,” Tổng thống Salih nói.
Chuyến tông du nước ngoài kéo dài 4 ngày này, bắt đầu vào hôm thứ Sáu, diễn ra sau hơn 15 tháng gián đoạn vì đại dịch Covid-19. Chuyến tông du quốc tế cuối cùng của ngài là đến Thái Lan và Nhật Bản vào tháng 11 năm 2019. Trong 4 ngày ở Iraq, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn Baghdad làm căn cứ, từ đó ngài đã bay đến Najaf, Ur, Erbil, Mosul và Qaraqosh.
Theo tinh thần của phương châm cho chuyến tông du này - “Tất cả các bạn đều là anh em” - từ Phúc âm Thánh Matthêu, vị Giáo hoàng 84 tuổi đã khuyến khích người Iraq trên con đường này. Ngài nói rằng chỉ khi họ học cách nhìn xa hơn những khác biệt của mình và nhìn thấy nhau với tư cách là các thành viên của cùng một gia đình nhân loại, họ mới có thể bắt đầu quá trình tái thiết đất nước một cách hiệu quả. Chỉ có như thế, họ mới để lại cho các thế hệ tương lai một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn và nhân văn hơn.
Chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với Iraq mà còn đối với toàn bộ khu vực Trung Đông, đặc biệt là đối với Syria. Theo bước chân của Chúa Kitô, là Vị Mục Tử Nhân Lành, Đức Thánh Cha đã ra đi tìm kiếm những con chiên của mình, bị đánh bầm dập bởi các cuộc xung đột giáo phái và khủng bố. Vuốt ve họ, ngài bảo đảm rằng họ sẽ không bị lãng quên.
Chúa Nhật, ngày thứ ba trong chuyến tông du, là ngày cảm động nhất trong 4 ngày, khi Đức Thánh Cha bay lên phía bắc thăm Erbil, Mosul và Qaraqosh. Ở đó, ngài đã nhắc lại lời kêu gọi về tình huynh đệ, hy vọng và hòa bình.
Lắng nghe những người Hồi giáo và các Kitô hữu ở thành phố Mosul đổ nát nói về sự tàn bạo mà họ phải đối mặt dưới những cuộc khủng bố của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chúc phúc cho quyết tâm cùng chung tay vươn lên từ đống tro tàn của họ. “Tình huynh đệ bền chặt hơn cảnh huynh đệ tương tàn, hy vọng mạnh hơn hận thù, hòa bình mạnh hơn chiến tranh,” Đức Thánh Cha đã trấn an họ trong buổi cầu nguyện cho những người đã khuất.
Cộng đồng Kitô hữu của Iraq, một trong những cộng đồng lâu đời nhất trên thế giới, đã bị tàn phá đặc biệt bởi những năm xung đột, giảm xuống chỉ còn khoảng 300,000 người từ khoảng 1.5 triệu người trước khi người Mỹ mở cuộc xâm lược vào năm 2003. Lợi dụng tình hình hỗn loạn sau đó, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã chiếm lĩnh miền bắc Iraq vào năm 2014 trong một nỗ lực để thiết lập một nhà nước Hồi Giáo trong khu vực. Bọn khủng bố thực hiện cuộc tấn công tàn bạo chống lại các tín hữu Kitô thiểu số và thậm chí cả những người Hồi giáo chống lại chúng. Phần lớn thành phố cổ kính Mosul đã bị phá hủy vào năm 2017 trong trận chiến đẫm máu của quân đội Iraq và liên minh quân sự quốc tế nhằm tiêu diệt những kẻ khủng bố.
Tại Mosul, Đức Thánh Cha đã vô cùng xúc động khi chứng kiến sự tàn phá rộng lớn xung quanh ngài với những đống đổ nát của các nhà thờ, đền thờ và các tòa nhà giữa cảnh điêu tàn.
Tại Qaraqosh, một thành trì của Kitô Giáo đã bị các chiến binh IS tràn qua, Đức Giáo Hoàng đã đến thăm Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, nơi từng bị các chiến binh thánh chiến sử dụng làm trường bắn để luyện tập. Ngài thúc giục cộng đồng Kitô Giáo địa phương xây dựng lại cộng đồng của họ dựa trên sự tha thứ và tình huynh đệ.
Trước khi trở lại Baghdad vào tối Chúa Nhật, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ buổi tối cho khoảng 10,000 người tại sân vận động Erbil. Vào cuối buổi cử hành Thánh Thể, sự kiện công khai cuối cùng trong chuyến tông du Iraq của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói lời từ biệt với đất nước.
Ngài nói:
Bây giờ sắp đến lúc tôi trở lại Rôma. Tuy nhiên, Iraq sẽ luôn ở bên tôi, trong trái tim tôi. Tôi yêu cầu tất cả các bạn, anh chị em thân mến, hãy cùng nhau hiệp nhất vì một tương lai hòa bình và thịnh vượng, không bỏ lại ai và không phân biệt đối xử với ai. Tôi xin cam đoan với anh chị em về những lời cầu nguyện của tôi cho đất nước thân yêu này. Đặc biệt, tôi cầu nguyện xin cho các thành viên của các cộng đồng tôn giáo khác nhau, cùng với tất cả những người nam nữ thiện chí, có thể làm việc cùng nhau để xây dựng tình huynh đệ và tình đoàn kết để phục vụ thiện ích chung và hòa bình salam, salam, salam. ! Sukrán, cảm ơn các bạn! Xin Chúa chúc lành cho tất cả! Xin Chúa phù hộ cho Iraq! Allah ma’akum! Chúa ở cùng anh chị em!
Quý vị và anh chị em đã thấy chính quyền Iraq đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô rất trọng thể. Họ cũng tiễn biệt ngài rất thân ái. Thực vậy, tổng thống và phu nhân, cùng toàn thể nội các trong chính quyền Iraq đã đưa Đức Thánh Cha ra tận chân thang máy bay.
Tiễn Đức Thánh Cha về Rôma còn có các nhà lãnh đạo các Giáo Hội Kitô Iraq như Đức Hồng Y Louis Sako của Công Giáo nghi lễ Chanđê, Đức Thượng Phụ Ignace Youssif Younan Đệ Tam là Thượng phụ thành Antiôkia, và Đức Tổng Giám Mục Jean Benjamin Sleiman của tổng giáo phận Công Giáo Latinh Baghdad, cùng một số các Giám Mục khác.
Trong một cử chỉ thể hiện sự ngưỡng mộ dành cho Đức Thánh Cha, chính quyền Iraq đã trải thảm đỏ từ phòng khánh tiết đến tận các bậc thềm của máy bay, nơi ngài chào các thành viên trong chính quyền Iraq trước khi lên máy bay.
Chiếc máy bay của hãng hàng không Alitalia chở ngài, đoàn tùy tùng và các phóng viên đã bay khỏi thủ đô Iraq lúc 9h54 sáng theo giờ địa phương, tức là 1g54 phút chiều theo giờ Việt Nam. Dự kiến, Đức Thánh Cha sẽ hạ cánh xuống Rôma lúc 12:45 trưa, sau chuyến bay kéo dài hơn 5 giờ một chút.
Source:Vatican News