Các nguồn tin ở Đức nói rằng chiến dịch chống lại Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Köln là nhằm loại bỏ ngài ngõ hầu Tiến Trình Công Nghị có thể tiến hành mà không bị phản kháng.
Ký giả Edward Pentin của tờ National Catholic Register có bài tường trình nhan đề “Is Cardinal Woelki Being Targeted Because of His Concerns About Germany’s Synodal Path?” nghĩa là “Phải chăng Đức Hồng Y Woelki đang bị tấn công vì các mối quan ngại của Ngài đối với Tiến Trình Công Nghị của Đức?”
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Trong vài tháng qua, Đức Tổng Giám Mục của Köln đã phải hứng chịu những cuộc tấn công dữ dội từ các hội đồng giáo xứ, các linh mục và gần đây nhất là hội đồng giáo phận về việc giải quyết một cáo buộc lạm dụng tính dục. Đức Hồng Y cũng không thể phụ thuộc vào sự ủng hộ của người đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Đức, là Đức Cha Georg Bätzing của Limburg, là người đã nói vào tháng 12 rằng “cuộc khủng hoảng đã không được quản lý tốt”.
“Áp lực là rất lớn”, một linh mục người Đức nói với tờ National Catholic Register với điều kiện giấu tên. “Đức Hồng Y Woelki và những người khác chống lại Tiến Trình Công Nghị đang bị các chiến dịch báo chí bẩn thỉu triệt hạ”.
Trung tâm của các cáo buộc là tuyên bố cho rằng vị Hồng Y đã không công khai kết quả của một cuộc điều tra của Tổng Giáo Phận, đã được hoàn tất, về tình trạng lạm dụng tình dục dưới thời các nhà lãnh đạo hiện tại và trước đây. Tuy nhiên, theo Đức Hồng Y, báo cáo đã phải bị chặn lại vì những lo ngại về pháp lý và “những khiếm khuyết về phương pháp luận của nó”.
Ngài cũng bị cho là có lỗi vì không điều tra các cáo buộc nghiêm trọng chống lại một linh mục ở Düsseldorf bị cho là đã lạm dụng một cậu bé ở độ tuổi mẫu giáo vào cuối những năm 1970. Sau khi Đức Hồng Y Woelki được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của Köln vào năm 2014, ngài đã quyết định không thực hiện thêm những hành động hoặc thông báo cho Rôma, vì linh mục này “không thể bị thẩm vấn” do chứng mất trí nhớ nghiêm trọng. Linh mục ấy đã chết vì nguyên nhân tự nhiên. Nạn nhân cũng được cho là từ chối không ra làm chứng, mặc dù điều này có thể bị tranh cãi.
Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 4 tháng 2, vị Hồng Y thừa nhận rằng một ủy ban mà ngài đã thành lập để điều tra các trường hợp lạm dụng và nêu tên công khai những kẻ lạm dụng đã “mắc sai lầm”, rằng “chúng tôi đã giao tiếp không tốt” và ngài phải chịu “trách nhiệm cuối cùng” đối với các vấn đề. Nhưng ngài khẳng định mục tiêu của ủy ban không thay đổi: đó là “làm rõ tình hình” và làm mọi thứ có thể để giúp đỡ các nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi các giáo sĩ ở Tổng giáo phận Köln.
“Tôi thực sự lấy làm tiếc vì những người bị ảnh hưởng lại phải chịu đựng những đau khổ mới, có thể nói như vậy, vì những gì chúng tôi đã làm ở đây, cũng như tất cả các anh chị em trong các giáo phận khác”, ngài nói. Đức Hồng Y đã cam kết sẽ ban hành một báo cáo mới về những phát hiện của cuộc điều tra vào ngày 18 tháng 3 và báo cáo ấy sẽ “nêu tên những người chịu trách nhiệm”.
Vào tháng 12, Đức Hồng Y Woelki đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô xem xét những cáo buộc chống lại ngài. Vào ngày 7 tháng 2, Welt am Sonntag báo cáo rằng trường hợp của linh mục Düsseldorf đã được chuyển đến Bộ Giáo Lý Đức Tin, gọi tắt là CDF. CDF đã giải tỏa mọi vấn đề liên quan đến Đức Hồng Y, và kết luận rằng ngài đã “hành động đúng theo giáo luật”.
Trong khi đó, Giám mục Felix Genn của Münster, người rõ ràng không đồng ý với Đức Hồng Y Woelki về Tiến Trình Công Nghị, đã nói rằng ngài đang xem xét liệu có nên tiến hành các cuộc điều tra giáo luật chống lại vị Hồng Y này hay không.
Các nguồn tin trong Giáo hội ở Đức, nói với tờ Register với điều kiện giấu tên, cho rằng tính chất dữ dội của các cuộc tấn công chống lại Đức Hồng Y là nhằm mục đích loại bỏ ngài, tốt nhất là trước khi báo cáo được công bố vào ngày 18 tháng 3, để Tiến Trình Công Nghị có thể tiến hành mà không bị phản kháng.
Thật vậy, những lời chỉ trích gay gắt đối với Đức Hồng Y Woelki xảy ra đồng thời với việc tái tục Tiến Trình Công Nghị - một quá trình kéo dài hai năm bắt đầu vào tháng Giêng năm 2020 để giải quyết “các vấn đề chính” phát sinh từ cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục giáo sĩ. Các nhà phê bình cho rằng khẩu hiệu “giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục giáo sĩ” chỉ là chiêu bài các Giám Mục Đức cấp tiến đưa ra nhằm mục đích rõ rệt là cải tổ Giáo hội ở Đức, theo chiều hướng phù hợp với văn hóa thế tục, đặc biệt là trong các vấn đề về đạo đức tình dục, cơ cấu quyền lực và bình đẳng giới tính.
Trong số những người chỉ trích Tiến Trình Công Nghị có Đức Hồng Y Gerhard Müller, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, là người đã mô tả nó như một nỗ lực “sửa lại Lời Chúa”.
Đức Hồng Y Woelki cũng vậy. Ngài là một nhà phê bình thẳng thắn về tiến trình này trong hàng giáo phẩm Đức. Vào tháng 9, ngài cảnh báo rằng “kết quả tồi tệ nhất” sẽ xảy ra nếu “Tiến Trình Công Nghị dẫn đến ly giáo” và “điều tồi tệ nhất sẽ là một Giáo Hội quốc gia Đức được thành lập ở đây”.
Phần lớn sẽ phụ thuộc vào cách Đức Giáo Hoàng quyết định phản ứng như thế nào, nhưng dường như ít có khả năng làm lung lay hầu hết hàng giáo phẩm Đức và các đồng minh của họ, những người tỏ ra quyết tâm thúc đẩy các cải cách theo đường lối thượng hội đồng.
Cho đến nay, Đức Thánh Cha đã gửi các tín hiệu lẫn lộn. Ngài đưa ra một bức thư ngỏ cảnh báo các giám mục Đức hồi tháng Sáu 2019 và bày tỏ sự “ưu tư sâu xa” đối với với quá trình này, nhưng ngay sau đó lại bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với tiến trình này vào mùa hè năm ngoái.
Bộ Giám mục và Ủy ban Giáo Hoàng Về Giải Thích Văn Bản Luật cũng đã gửi một lá thư cho các giám mục Đức vào tháng 9 năm 2019, cảnh báo rằng kế hoạch của họ tiến hành một tiến trình thượng hội đồng có hiệu quả ràng buộc là “không có giá trị về mặt giáo hội học”. Nhưng cho đến nay, những người tham gia vào Tiến Trình Công Nghị dường như hoàn toàn coi thường các hướng dẫn từ Vatican.
Tài liệu Tiến Trình Công Nghị
Những gì đang bị đe dọa đã nổi lên vào tuần trước khi một “Tài liệu Cơ bản” trình bày chi tiết một trong bốn diễn đàn của Tiến Trình Công Nghị, về việc cải tổ các cơ cấu quyền lực trong Giáo hội, bị rò rỉ cho báo chí và một bản sao đã được tờ Register thu được.
Bản báo cáo dài 66 trang, được một nhóm công tác của Công Nghị này thông qua vào ngày 3 tháng 12, lập luận rằng Giáo hội đang gặp khủng hoảng và cần phải có nhiều cải cách khác nhau, bao gồm cả các cải tổ cơ cấu quyền lực.
Báo cáo đề xuất rằng “Cần có những thay đổi cụ thể”, bao gồm việc loại bỏ “những hạn chế đối với quyền tiếp cận các hoạt động mục vụ của Giáo hội”.
Tài liệu cũng kêu gọi một số biện pháp nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình và do đó giảm thiểu nguy cơ lạm dụng, bao gồm “phân quyền” đến mức cho phép các giám mục bị kiểm soát. Nó tạo ra các điều kiện cho tính đồng nghị cao hơn (về cơ bản là một Giáo hội tập thể hơn), sự tham gia mạnh mẽ của giáo dân, và dân chủ hóa Giáo hội, và tranh luận về sự minh bạch trong việc ra quyết định. Ngoài ra, nó còn tranh luận về những nỗ lực phối hợp hơn nữa nhằm đạt được bình đẳng giới tính, dưới vỏ bọc bề ngoài là hướng đến “mục tiêu chung” là thúc đẩy truyền giáo.
Đáng chú ý nhất là tài liệu này kêu gọi đời sống độc thân linh mục bắt buộc phải được “xem xét lại theo quan điểm của những thách thức mục vụ”, và nói thêm rằng một thay đổi được đề xuất như vậy “sẽ dẫn đến một cuộc bỏ phiếu ở Đức, được gửi tới Tòa Thánh để các tình huống mục vụ khác nhau có thể được trả lời theo những cách khác nhau tại địa phương”.
Báo cáo coi việc phong chức cho phụ nữ là một “vấn đề về quyền lực và sự phân chia quyền lực”, và tuyên bố rằng phán quyết rõ ràng năm 1994 của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rằng phụ nữ không được thụ phong linh mục “thường bị chất vấn”. Báo cáo tiếp tục rằng “Cần thiết phải kết nối lại một lần nữa Kinh Thánh và Truyền Thống với những dấu chỉ của thời đại”. Tài liệu kết luận rằng Tiến Trình Công Nghị cũng nên bỏ phiếu về vấn đề phụ nữ được phong chức linh mục Công Giáo.
Một linh mục người Đức, nói chuyện với tờ Register với điều kiện giấu tên, đã chỉ trích tài liệu này là “kế hoạch tổng thể cho việc phản đối Giáo hội” và nói rằng Giáo hội nên “thức tỉnh” trước những gì “hiện đang được sản xuất ở Đức, nếu không chúng ta sẽ có Cải cách 2.0”.
Giống như phần còn lại của Tiến Trình Công Nghị, tài liệu cuối cùng sẽ được toàn thể hội đồng bỏ phiếu thông qua (Giám mục Bätzing đã xác nhận việc bỏ phiếu về Tiến Trình Công Nghị sẽ diễn ra vào tháng 9), nhưng theo Vatican, bất kỳ kết luận nào đạt được và bất cứ quyết nghị nào được thông qua đều sẽ không có tính ràng buộc. Tuy nhiên, các kiến trúc sư của Tiến Trình Công Nghị lại nghĩ khác và coi đó là ràng buộc đối với Giáo hội địa phương, và có khả năng ảnh hưởng cả đến Rôma nữa.
Source:National Catholic Register