1. Vụ nổ kinh hoàng tàn phá một giáo xứ Công Giáo ở Madrid. Linh mục mới thụ phong đã chết rồi sống lại
Ít nhất hai người được cho là đã thiệt mạng sau khi một vụ nổ hôm thứ Tư 20 tháng Giêng tàn phá tòa nhà của một giáo xứ Công Giáo ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha.
Vụ nổ xảy ra gần khu phố Puerta de Toledo ở trung tâm Madrid vào khoảng 3 giờ chiều theo giờ địa phương ngày 20 tháng Giêng.
Tổng giáo phận Madrid nói rằng vụ nổ có thể do rò rỉ khí đốt trong tòa nhà thuộc sở hữu của Giáo xứ Virgen de la Paloma y San Pedro el Real.
Tổng giáo phận nói rằng các linh mục sống trên hai tầng của tòa nhà, nơi cũng được sử dụng làm văn phòng giáo xứ và Caritas.
“Hai trong số các linh mục không sao và một vị đã được chuyển đến bệnh viện. Một nỗ lực đang được thực hiện để xác định vị trí một giáo dân đang có mặt với các ngài tại thời điểm xảy ra vụ nổ.”
Tổng giáo phận đã xác định một trong những người thiệt mạng trong vụ nổ là David Santos Muñoz, 35 tuổi, một giáo dân và là cha của 4 đứa con, là người đã đến tòa nhà “để giúp một tay”.
Giáo xứ cho biết Cha Rubén Pérez, linh mục mới được thụ phong hồi tháng 12, đã trải qua một cuộc phẫu thuật vì vết thương mà ngài gặp phải trong vụ nổ và trong tình trạng nghiêm trọng, nhưng vẫn còn sống.
Giáo xứ đã đưa ra tuyên bố trên Twitter, sau khi một hãng tin Tây Ban Nha đăng tải không chính xác một bản tin nói rằng Cha Rubén Pérez đã qua đời.
Một nạn nhân khác là một phụ nữ 85 tuổi. Tám người khác được cho là đã bị thương, hai người được đưa đến bệnh viện.
Tổng giáo phận cho biết thêm rằng Đức Hồng Y Carlos Osoro Sierra, tổng giám mục Madrid, đã đến hiện trường vụ nổ.
“Tôi cầu nguyện cho cộng đồng Công Giáo trong những thời điểm khó khăn này và tôi cầu nguyện cho các nạn nhân”, ngài viết trên tài khoản Twitter của mình.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức điện vào ngày 20 tháng Giêng, bày tỏ sự gần gũi của ngài với những người bị ảnh hưởng bởi vụ nổ Madrid.
Điện tín do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, ký thay mặt cho Đức Thánh Cha viết: Đức Phanxicô “dâng những lời cầu nguyện lên Chúa và phó thác cho lòng thương xót của Ngài, cách riêng là sự yên giấc ngàn thu của các nạn nhân, cũng như ơn chữa lành cho những người bị thương và gia đình của họ”.
Đức Thánh Cha cũng cầu xin sự chuyển cầu của Đức Mẹ Almudena, bổn mạng của Madrid, và ban phép lành Tòa Thánh của ngài “như bảo chứng cho niềm hy vọng của Kitô hữu nơi Chúa Phục sinh. “
Thị trưởng Madrid, José Luis Martínez-Almeida, đã xác nhận rằng ít nhất hai người đã chết do vụ nổ. Ông cho biết thêm rằng tòa nhà vẫn đang cháy, và lực lượng cứu hỏa vẫn chưa dập tắt được ngọn lửa do có nguy cơ bùng nổ thêm.
Các cư dân địa phương, bao gồm cả các thành viên trong một viện dưỡng lão, đã tìm nơi ẩn náu trong các quán cà phê lân cận.
Vụ nổ đã làm hư hại các tòa nhà gần đó, làm vỡ kính và đổ các mảnh vỡ xuống đường.
2. Cựu giám đốc ngân hàng Vatican bị kết án gần 9 năm tù về tội rửa tiền và tham ô.
Ngày 21 tháng Giêng năm 2021, ông Angelo Caloia, cựu giám đốc ngân hàng Vatican đã bị tòa án Vatican tuyên án 8 năm 11 tháng tù giam về các tội rửa tiền, biển thủ và tham ô trầm trọng.
Phiên tòa đã bắt đầu vào năm 2018. Bản án được ông Giuseppe Pignatone, chủ tịch tòa án Quốc gia thành Vatican, đọc tại phiên điều trần ngày 21 tháng 1 năm 2021. Bản án đánh dấu lần đầu tiên Vatican tuyên án tù vì tội phạm tài chính.
Ông Angelo Caloia năm nay 81 tuổi, giám đốc ngân hàng Vatican từ năm 1989-2009, và luật sư của ông, ông Gabriele Liuzzo, 97 tuổi, bị kết án 8 năm 11 tháng tù về các tội rửa tiền, biển thủ và tham ô trầm trọng. Họ cũng bị yêu cầu nộp phạt 12,500 euro.
Con trai ông Liuzzo, Lamberto Liuzzo, 55 tuổi, đã bị kết án tù 5 năm 2 tháng và bị buộc phải nộp phạt 8,000 euro.
Ba bị cáo cũng bị cấm vĩnh viễn đảm nhiệm các chức vụ.
Tòa án Vatican cũng ra lệnh tịch thu số tiền đã bị thu giữ từ các tài khoản ở ngân hàng Vatican của hai ông Caloia và Liuzzo, đồng thời yêu cầu bồi thường cho ngân hàng Vatican và công ty quản lý bất động sản Roma, do ngân hàng Vatican kiểm soát, với số tiền khoảng 23 triệu euro, như một phần của một vụ kiện dân sự riêng biệt.
Quá trình tố tụng được bắt đầu vào tháng 3 năm 2018, sau khi ngân hàng Vatican khiếu nại về thiệt hại liên quan đến việc thoái vốn tài sản là 57 triệu euro. Ðây là những giao dịch mua bán diễn ra từ năm 2002 đến 2007, của 29 bất động sản thuộc sở hữu của ngân hàng và công ty quản lý bất động sản Roma.
Theo cáo buộc, chủ yếu dựa trên các cuộc điều tra được thực hiện vào năm 2014 bởi nhóm Promontory, thay mặt cho ngân hàng Vatican, ông Angelo Caloia và luật sư Gabriele Liuzzo đã thỏa thuận với tổng giám đốc khi đó là ông Lelio Scaletti, đã qua đời, bán tài sản với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Sau đó, các bị cáo đã chiếm đoạt số tiền chênh lệch, ước tính khoảng 59 triệu euro, mà họ đã rửa tiền một phần ở Thụy Sĩ, với sự giúp đỡ của Lamberto, con trai của ông Liuzzo.
3. Dời Tuần hiệp nhất tại Giêrusalem đến lễ Chúa Thánh Thần.
Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết vì đại dịch Covid-19, Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô tại Giêrusalem được dời đến lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, tức là ngày 23 tháng 5.
Cha Frans Bouwen, Chủ tịch Ủy ban Giám mục về đại kết cho biết như trên và nói rằng việc cử hành và gặp gỡ giữa các Giáo hội Kitô khác nhau ở Giêrusalem, không thể thay thế bằng buổi cử hành trực tuyến. Khác với các biến cố khác, không thể thay thế sự hiện diện bằng các kỹ thuật và mạng Internet.
Cha Bouwen cũng giải thích rằng chương trình cử hành hai buổi lễ đại kết trực tuyến, với sự trợ giúp của Trung tâm Truyền thông Kitô, nay không còn thực hiện được nữa, vì sự gia tăng lây nhiễm và những cách ly mới do chính quyền đề ra cho thành Giêrusalem. Vì thế, các Giáo hội và Cộng đồng Kitô được mời gọi tham dự Tuần cầu nguyện hiệp nhất Kitô, từ ngày 23 đến 31 tháng Giêng với các thành phần của mỗi cộng đoàn Giáo hội mà thôi. Việc cầu nguyện và công bố các sứ điệp hiệp nhất trên các mạng xã hội trong tuần lễ này, có thể được mở rộng cho các tín hữu.
4. Ðức Thánh Cha tặng vắc xin cho người vô gia cư.
Sáng thứ Tư 20 tháng Giêng, 25 người vô gia cư đang trú ngụ trong các trung tâm của Tòa Thánh, gần Quảng trường Thánh Phêrô đã được Ðức Thánh Cha Phanxicô tặng vắc xin phòng ngừa Covid-19.
Theo Phòng Báo chí Tòa Thánh, việc những người nghèo đang trú ngụ trong các cơ sở của Tòa Thánh được tiêm vắc xin là do ý muốn của Ðức Thánh Cha. Khi Vatican bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin, Ðức Thánh Cha đã quyết định tặng một số liều vắc xin cho những người này.
Ông Mario, một trong những người được tiêm vắc xin vui mừng bày tỏ: “Mọi việc diễn ra tốt đẹp, bây giờ tôi có thể yên tâm hơn”. Năm 2020, ông mất tiền trợ cấp khuyết tật và phải sống lang thang trên đường phố Rôma ngay trước khi làn sóng corona virus đầu tiên xuất hiện. Ông và những người nghèo khác sống xung quanh Quảng trường Thánh Phêrô, là khách của Palazzo Migliori, trung tâm do Ðức Thánh Cha thiết lập để đón tiếp những người vô gia cư. Họ là những người Ý và người nước ngoài từ 60 tuổi trở lên, thường có các vấn đề về thể chất nghiêm trọng và rất khó giao tiếp với người khác.
Nhận xét về nghĩa cử này của Ðức Thánh Cha, ông Carlo Santoro thuộc Cộng đoàn Thánh Egidio đang trợ giúp những người vô gia cư ở khu vực Quảng trường Thánh Phêrô và những vị khách của Palazzo Migliori nói: “Ðiều này là hiện thực hóa những gì Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói 'không ai tự cứu một mình' và 'tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền'“. Ông giải thích, người nghèo đã gặp nhiều khó khăn trong năm nay, và tại trung tâm đón tiếp, đã có người bị nhiễm virus corona. Ông Santoro cũng cho biết, đôi khi không dễ giải thích tầm quan trọng của việc tiêm phòng đối với họ. Nhiều người trong số họ thực sự sợ kim tiêm. Các bác sĩ và nhân viên y tế có nhiệm vụ xóa tan mọi nghi ngờ bằng cách nhắc lại những tác dụng có lợi lâu dài của việc tiêm chủng, giờ đây đa số đã hiểu lợi ích của việc tiêm vắc xin.
Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết thêm: “Các nhóm người nghèo khác sẽ được tiêm chủng trong những ngày tiếp theo”.