Đối với người Do Thái, ngày quan trọng nhất trong tuần là ngày sabbath, ngày thứ bẩy, hay ngày cuối tuần. Thực ra, sabbath không có nghĩa là ngày thứ bẩy mà là ngày nghỉ việc. Vì hạn từ này do động từ shabath có nghĩa là ngưng. Hai chữ b trong hạn từ sabbath có ý nhấn mạnh, hàm nghĩa phải hoàn toàn ngưng, phải ngưng hết mọi hành động. Có người còn đi xa hơn cho rằng nó không bao hàm ý niệm thư dãn hoặc giải trí (relaxation or refreshment), mà chỉ là ngưng, ngưng hết mọi công việc (Xem W.E. Vine, Merril F. Unger, William White Jr. Vine’s Complete Expository Dictionary of Old and New Testament Words tr.542). Vì Yahweh sáng tạo vũ trụ và muôn loài trong 6 ngày, đến ngày thứ bẩy thì Người nghỉ ngơi (Kn 2:2-3). Người Do Thái giữ ngày Sabbath như dấu chỉ giao ước giữa Chúa và Dân Riêng của Người (Xh 31: 16,17).



Còn đối với Kitô hữu, ngày quan trọng nhất là Ngày Chúa Nhật, ngày thứ nhất trong tuần (Lc 24:1), ngày Chúa Phục sinh. ‘Theo tông truyền bắt nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống lại, Giáo hội cử hành mầu nhiệm phục sinh vào mỗi ngày thứ tám, ngày thật đáng gọi là ngày của Chúa hay Ngày Chúa Nhật (tuần lễ trong đế quốc Rôma có chu kỳ 9 ngày). Trong ngày đó, các Kitô hữu phải họp nhau lại để nghe Lời Chúa và tham dự Lễ Tạ Ơn, để kính nhớ cuộc Thương khó, sự Sống lại và vinh quang của Chúa Giêsu, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa vì Người đã dùng sự Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô từ trong kẻ chết sống lại mà tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động’ (Vatican II Hiến Chế về Phụng vụ Thánh, 106). Ý niệm nghỉ ngơi không được nhắc đến, vì trên thực tế, những điều kiện xã hội của những Kitô hữu sơ khai, mà đa số là lê dân hay nô lệ, không cho phép họ nghỉ ngơi trong một ngày mà toàn thể dân chúng đều làm việc. Chúng ta không thấy nói gì đến việc nghỉ ngày Chúa nhật trong hai thế kỷ đầu. Đến thế kỷ thứ ba, với Tertulianô, mới bắt đầu có ý niệm phải nghỉ ngơi ngày Chúa Nhật để dành thì giờ cho việc thờ phượng, hết thì giờ thờ phượng thì lại làm việc như thường. Đến thế kỷ thứ 5 và thứ 6, Giáo hội mới ngăn cấm các việc khổ dịch, việc phàm trần trong ngày Chúa Nhật, không phải để giữ ngày hưu lễ, nhưng để cầu nguyện (thế kỷ 6-8), tham dự thánh lễ (thế kỷ 10-12), làm việc bác ái (thế kỷ 13), mừng tạo thành mới trong tự do (Thánh Tôma, thế kỷ 13). Bắt đầu từ thế kỷ 14 trở đi, do ý niệm chủ ý áp dụng vào luân lý, mà có nguyên tắc mới: những công việc (bất luận là khổ dịch hay tự do) thực hiện cốt ý để kiếm lợi hay lãnh tiền công thì không được phép làm trong ngày Chúa Nhật. Công đồng Vaticanô 2 xác quyết một cách tổng quát như sau: "Mọi công nhân cần được hưởng đầy đủ sự nghỉ ngơi và thì giờ nhàn rỗi để sống đời sống gia đình, văn hóa, xã hội và tôn giáo. Ngoài ra, họ cũng cần phải có cơ hội để tự do thi thố tài nghệ và khả năng mà có lẽ trong công việc của nghề nghiệp họ ít có dịp trau dồi" (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, 67) (Xem Th. Rey-Mermet, Tin, Nhãn Quan Mới Về Luân lý, tập 1 tr.279-295).

Như thế, nghỉ ngơi và thờ phượng Chúa là hai điều quan trọng trong việc giữ Ngày Chúa Nhật. Đây là điều không dễ thi hành. Cứ nhìn vào hai cộng Đồng Úc và Việt ta sẽ thấy rõ điều ấy: Thánh lễ Chúa nhật của cộng đồng Việt Nam bao giờ cũng đông, đông đến độ nhiều khi phải đứng cả phía ngoài nhà thờ để tham dự thánh lễ bên trong. Còn thánh lễ của cộng đồng Úc, ghế trống sao nhiều qúa Chúa ơi! Nhưng nếu bỏ nhà thờ mà đi vào các giáo hội tại gia tức các gia đình, ta sẽ thấy người Úc nghỉ ngơi thư dãn, còn người Việt thì vẫn tiếp tục làm việc cốt ý kiếm lợi hay lãnh tiền công. Thật khó mà nói ai Công Giáo hơn ai, ai giữ đạo hơn ai. Có điều Linh mục Thiện Cẩm trong bài Nguy Cơ Lỡ Chuyến Đò đăng trên Dân Chúa Úc Châu số tháng 10 năm 1998 đã viết như sau: "Giáo hội chúng ta chủ yếu còn là một Giáo hội của phụng vụ và bí tích, chứ chưa thực sự là một cộng đồng Dân Chúa. Do đó bao lâu còn có người đi xem lễ, còn có người đi xưng tội, thì chúng ta coi như Giáo hội vẫn sống, vẫn tồn tại, và một Giáo hội được đánh giá là sốt sắng nhiệt thành tùy theo con số những người đến nhà thờ. Nhưng những người đến nhà thờ có thực sự tạo thành một cộng đồng đích thực hay không lại là một chuyện khác".

Mặt khác, việc không tham dự Lễ Ngày Chúa Nhật đang là mối ưu tư hàng đầu của Hàng Giáo Phẩm Úc nói riêng và của cả Giáo Hội hoàn vũ nói chung. Thống kê vẫn cho rằng con số người Công Giáo Úc chiếm tỉ số cao nhất nước, nhưng tại Tổng Giáo Phận Melbourne, số người Công Giáo đi dự lễ mỗi ngày Chúa nhật chỉ là 184,253 chiếm 23% tổng số giáo dân (Dân Chúa, 6/1998). Và trong cuộc họp báo ngày 7/7/1998 nhân dịp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II công bố Tông Thư Dies Domini (Ngày của Chúa), Đức Hồng Y Jorge Arturo Medina Estevez cho hay có nơi tỷ lệ giáo dân tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật chỉ là 3% (Dân Chúa 8/1998). Không lạ gì, một trong những đề tài tranh luận tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Úc Châu Và Nam Thái bình dương họp tại Rôma cuối năm vừa qua là vấn đề tham dự thánh lễ Ngày Chúa Nhật. Thư mục vụ Mùa Chay năm 1999 của Đức Hồng Y E. Clancy gần như được dành trọn cho chủ đề ấy. Phần Đức Tổng Giám Mục George Pell, Ngài nhận xét như sau: "Dẫu cho việc tham dự thánh lễ Chúa nhật không phải chỉ là cách duy nhất để biểu lộ đức tin Công Giáo, đây cũng hẳn là điều rất quan trọng. Việc tham dự thánh lễ giúp chúng ta hiệp nhất trong việc thờ phượng, cho chúng ta có cơ hội suy nghĩ làm cách nào để sống tốt hơn, ban thêm sức mạnh cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể, khiến chúng ta trở nên người tốt hơn và sống an hòa với mọi người" (Dân Chúa 6/1998).

Đối với tài tử điện ảnh của Úc, David Wenham, người từng thủ vai chính trong các phim The Boys, SeaChange, Molokai (chung với Peter O’Tool, Leo McKern, Derek Jacobi, Sam Neil, Chris Heywood và Aidan Young), và có lần đã được giới truyền thông tôn là sex symbol thì việc tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật trên đảo Molokai được nhìn với cái nhìn nhẹ nhàng hơn. Trong mấy tháng sống trên đảo để thực hiện cuốn phim nói về vị anh hùng dân tộc của Bỉ, Cha Damien de Veuster, tông đồ người cùi, Chúa nhật nào David cũng dậy thật sớm để tham dự thánh lễ do một linh mục từ đảo Kalaupapa đến cử hành. "Tất cả các bệnh nhân đều tới nhà thờ. Họ hát thật tuyệt. Quả là một kinh nghiệm tuyệt vời được chia sẻ thánh lễ Chúa Nhật với những người này. Đó là một biến cố cộng đoàn rất lớn. Thực sự là chia sẻ. Dấu bình an được trao đổi bởi những người không có ngón không có tay. Do đó, chúng tôi quay qua nhau, nhìn nhau và vẫy nhau. Tôi thiết nghĩ nếu nhà thờ nào cũng như thế thì hẳn nhiên phải là chật cứng. Điều xẩy ra trong thánh đường phải thực, đúng và chân thành" (Australian Catholics, Autumn 1999, p.10).



Đối với một người du hành nhiều như Suzanne Dooley, thì thánh lễ lại mang ý nghĩa hơi khác. Cô viết như sau: “Một số người du hành thế giới cho rằng họ chỉ coi như đã ‘đến đó, làm điều đó’ khi mua được chiếc áo thung kỷ niệm. Phần tôi, khi tôi du hành, tôi thấy mình như chưa ‘đến đó, làm điều đó’ nếu chưa tham dự thánh lễ ở đó. Tôi đã tham dự thánh lễ ở nhà thờ chánh toà Westminster tại Luân Đôn, Vương cung thánh Đường Thánh Phêrô tại Rôma, nhà thờ Duomo tại Florence, Nhà thờ Chánh Tòa Hà Nội, Nhà thờ chánh toà Auckland tại Tân Tây lan, và nhà thờ chánh toà Apia của Tây Samoa. Tôi cũng đã tham dự thánh lễ tại các thành phố như Jerusalem, Bethlehem, Nazareth, Lucerne, Avignon, Paris, Korat, Singapore và Yogyakarta. Và dĩ nhiên tôi đã dự thánh lễ tại Canberra và mọi thủ phủ tiểu bang Úc.Tính trung bình, tôi tham dự thánh lễ hơn một lần mỗi tuần. Hiển nhiên thánh lễ có ý nghĩa đối với tôi nhiều lắm. Thánh Thể hiệp nhất tôi với giáo hội hoàn vũ và với hiệp thông các thánh. Lịch sử và địa dư hội tụ trong hành vi này. Năm 1992, tôi qua cuối tuần tại một địa điểm tĩnh tâm ở lưng đồi Đà Lạt Việt Nam. Vào một buổi chiều thứ bẩy, từ căn biệt thự đơn giản xây theo kiểu Pháp của chúng tôi, người ta bỗng nghe thấy giọng hát hùng tráng vang động cả màn đêm. Tôi lần theo chuỗi âm thanh đó và khám phá ra dân chúng sở tại đang cử hành thánh lễ. Tôi không hiểu ngôn ngữ của họ, nhưng tôi hiểu rõ các tình cảm đang được diễn tả, hiểu kiến trúc, hiểu các bức tượng và hiểu bánh và rượu" (Australian Catholics, Summer 1997 p. 18).