Lời Giới Thiệu:

Tôi đã học Ban Thần Học tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Saigon, Vietnam, từ năm 1962 - 1966 và đã được phong chức linh mục ngày 29-4-1966 tại nhà thờ Chánh tòa Saigon.

Lịch trình chịu chức ngày xưa trước Công Đồng Vatican II có khác với ngày nay. Lúc ấy Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ duy trì Phép Cắt Tóc là nghi thức đầu tiên để gia nhập hàng Giáo sĩ, rồi lãnh 4 chức nhỏ, sau đó mới lãnh chức Phụ Phó Tế, rồi chức Phó Tế, sau cùng là chức Linh Mục. Lịch trình cho Nghi Lễ Cắt Tóc và các chức được lãnh nhận như sau:

  • Cuối năm Thần Học I: lãnh nhận Phép Cắt Tóc, gia nhập hàng Giáo sĩ
  • Đầu năm Thần Học II: lãnh nhận Chức I: Chức Giữ Cửa và Chức II: Chức Đọc Sách
  • Cuối năm Thần Học II: lãnh nhận Chức III: Chức Trừ Quỷ và Chức IV: Chức Giúp Lễ
  • Cuối năm Thần Học III: lãnh nhận Chức V: Chức Phụ Phó Tế
  • Đầu năm Thần Học IV: lãnh nhận Chức Phó Tế - Chức Thánh
  • Cuối năm Thần Học IV: lãnh nhận Chức Linh Mục – Chánh Tế


Hiện nay, lịch trình huấn luyện và chịu chức tại Hoa Kỳ tôi được biết như sau:

  • Cuối năm Thần Học I: lãnh nhận Thừa tác vụ Đọc Sách
  • Cuối năm thần học II: lãnh nhận Thừa tác vụ Giúp Lễ
  • Cuối năm thần học III: lãnh nhận Chức Phó Tế
  • Cuối năm thần học IV: lãnh nhận Chức Linh Mục


Kỷ niệm đẹp đẽ nhất của tôi ở Đại Chủng Viện là những lần tĩnh tâm chịu chức. Lúc ấy tôi còn trẻ trung, lòng tràn đầy niềm hăng say và lý tưởng dâng mình cho Chúa để trở thành linh mục. Sách thủ bản hướng dẫn tĩnh tâm và Nghi Thức được viết bằng tiếng Pháp. Tôi rất ưa thích các bài dẫn giảng chuẩn bị trong đó, đặc biệt là các bài viếng Chúa Thánh Thể vào các buổi chiều. Hiện nay tôi còn giữ lại được ít bài chầu Chúa Thánh Thể mà tôi đã tóm lược, dịch ra và vẫn còn xử dụng từ nhiều năm qua. Tôi muốn chia sẻ cho các bạn. Mỗi bài có thể giúp chúng ta tâm sự với Chúa Thánh Thể được 15 phút hay nửa giờ bên cạnh Chúa. Tôi cầu xin Chúa Giêsu Thánh Thể tác động và lôi cuốn chúng ta vào cuộc tâm sự với Ngài để lớn lên trong tình yêu mến Chúa Thánh Thể mỗi ngày. Ước mong được như vậy! Amen

Đức Ông Francis Phạm Văn Phương
Tổng Giáo Phận Atlanta Georgia, ngày 28 tháng 10 năm 2020



BÀI 1: GIỜ CHẦU THÁNH THỂ
(Visite au très Saint Sacrament)
(Tĩnh Tâm chuẩn bị lãnh Phép Cắt Tóc)

Những Nhân Đức Chúa Giêsu đòi tôi

I. Phần Thờ lạy

Con sắp thành người được Chúa chọn gọi như các Tông Đồ xưa. Con đến xin Chúa dạy dỗ. Con nghe tiếng Chúa phán bảo: “Đừng ngần ngại hỡi con, hãy can đảm lên và hãy đi theo Cha”. Điều này con cần phải suy niệm thật kỹ. Chúa đã chọn các Tông Đồ trong số những môn đệ hoàn hảo nhất (the most perfect), mà những môn đệ lại là những người thánh thiện nhất (the most holy) trong số những người đã đến với Chúa.

Vậy con cũng cần phải sống nhân đức và thánh thiện hơn những người kitô hữu bình thường. Cũng vẫn chưa đủ. Con phải xin Chúa cho con biết tiến xa hơn nữa để trở thành những người xứng đáng với ơn Chúa kêu gọi (the people most worthy of you).

II. Phần Suy niệm

Trong bước đầu đời vào cuộc sống tu trì, Chúa muốn nhắn nhủ con cần phải được tô luyện và hướng dẫn để có được các nhân đức sau đây mà Chúa tha thiết đòi hỏi:

A. Đức Trong Sạch: Trước hết, rõ ràng Chúa đã đòi hỏi con cần phải có một Đức Trong Sạch của tâm hồn (the purity of the soul) và một đời sống gương mẫu vô tội (with an exemplary life and innocence).

- Đó là điều mà cả Thánh Vịnh 23 được cộng đoàn hát hôm nay đã nói lên điều đó, còn con trong sự thinh lặng của tâm hồn con lặng lẽ âm thầm dâng mình cho Chúa.
- Ai xứng đáng bước lên núi thánh và sẽ đứng vững trên bàn thờ nơi cao sang dường ấy trong Đền Thánh?
- Đó là người không có tì ố trước mặt Thiên Chúa cũng như trước mặt người ta, người có lòng trong sạch và mọi công việc làm của họ đều trong trắng (innocens manibus et mundo corde). Ít là sự trong sạch được chuộc lại nhờ phép cáo giải.
- Ý thức điều đó, Đức Giám Mục và toàn thể cộng đoàn đã nài xin Chúa giữ gìn sự trong trắng đó của con cho khỏi hoen ố. “ut eum sine macula in eternum custodias“

B. Sự Từ Bỏ Hoàn Toàn: Chúa cũng đòi hỏi con sự từ bỏ hoàn toàn tất cả mọi tạo vật đã được Chúa dựng nên. Đó là sự chân thành căn bản và sơ đẳng. Lòng con phải xác nhận những lời mà môi miệng con đã phát ra. Vậy con đã nói gì, con đã nói nhiều lần: “Từ nay Chúa là gia nghiệp đời con”. Như thế con có xứng đáng không khi con đã khấn hứa trọng thể với những tâm tình đó, mà trong thực tế con còn dính bén vào cái tôi và vào thế gian. Các Tông Đồ đầu tiên của Chúa đã không do dự một giây phút, họ đã bỏ tất cả để đi theo Chúa. Con cũng sẽ không trừ ra một cái gì, dù là rất nhỏ, vì nó sẽ làm cho lễ vật dâng hiến và hy sinh của con ra không hoàn hảo, làm cho con không được tự do để phụng sự Chúa như ý Chúa muốn.

C. Tràn Đầy Tình Yêu Chúa: Sau cùng Chúa còn đòi con yêu mến Chúa không những bằng lời nói thường không thật, mà còn bằng hành động, bằng ý chí và bằng cảm xúc, tức là chỉ tìm Chúa và làm theo thánh ý Chúa, như các Tông Đồ khi xưa chỉ lo làm theo ý Chúa và như chính Chúa cũng chỉ lo làm theo thánh ý Đức Chúa Cha, cả khi trên Thánh Giá: “Xin đừng theo ý con một theo ý Cha”. (Non sicut ego volo, sed sicut tu).

Con nguyện yêu mến Chúa một cách chân thành. Tất cả những lời cầu nguyện cho con trong buổi lễ phong chức hôm nay nói lên điều đó: “Xin cho họ trung thành trong tình yêu thương của Chúa” hoặc: “In ejus dilectione perpetuo maneant”.

Nếu tâm tình con lãnh đạm và thờ ơ, con dâng mình nhưng không yêu mến Chúa tuyệt đối và chân thành thì con đã lừa dối cả Giáo Hội của Chúa.

III. Phần Cầu Xin

Lậy Chúa Giêsu Thánh Thể, con cảm ơn Chúa vì Chúa đã gọi con và đã ban các ơn trong ơn kêu gọi của con. Con xin lỗi Chúa vì con còn xa lý tưởng và những đòi hỏi của ơn gọi. Con thề hứa sẽ cố gắng sống phù hợp với sự thánh thiện và lý tưởng đang dẫn đưa con tới gần Chúa mỗi ngày một hơn. Amen


BÀI 2: GIỜ CHẦU THÁNH THỂ
(Visit au très Saint Sacrament)
(Tĩnh Tâm chuẩn bị lãnh Phép Cắt Tóc)

Con Dâng Cho Chúa Mái Tóc Này

I. Phần Thờ Lạy

Chiều nay Chúa như đang muốn tỏ cho con xem thấy những vết thương Chúa còn giữ kỹ ở ngọc thể Chúa: lỗ đinh lớn ở bàn tay bàn chân, vết gai ở đầu như triều thiên, cạnh sườn mở ra để những giọt máu sau cùng chảy ra. Chúa muốn các môn đệ suy gẫm các mầu nhiệm đóng đinh và thánh giá để kín múc “tình yêu hi sinh” (l’amour du sacrifice). Đó là một lý do khiến Chúa ở lại trong nhà tạm. Chúa đã phán “Si quis vult post me venire, abneget semetipsum, tollat crucem suam quotidie”. (Ai muốn theo tôi, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày). Đó là nền tảng của tu đức Kitô giáo qua mọi thời đại.

II. Phần Suy niệm

Thánh gíá con phải vác không phải là bằng gỗ như của Chúa nhưng cũng vẫn nặng nề và vất vả để mang vác nó.

A. Chết đi cho con người cũ (La mort du vieil home) Cần phải khổ chế con người cũ để chiến thắng dục vọng, bản năng và ý riêng, đồng thời để sống trung thành với Chúa trong ơn gọi.

1. Sự khổ chế phải toàn diện: khổ chế trên khả năng tinh thần và sức mạnh thể xác, nhất là ngũ quan thường làm cớ cho bao nhiêu cám dỗ đưa đến tội lỗi: “Qui Christi sunt, carnem suam crucifixerunt cum vitiis et concupiscentiis” (Ai thuộc về Chúa Kitô thì đóng đinh xác thịt mình cùng với nết xấu và dục vọng).

Vì thế Đức Giám Mục ghi dấu Thánh Giá trên đầu con và cắt tóc con thành hình Thánh Giá nơi 5 chỗ khác nhau trên đầu như bảo con phải thực hành khổ chế ở ngay trên thân xác của mình.

2. Con xin Chúa ban cho con ơn trung kiên và không yếu đuối: stare! Hãy vững mạnh trong điều quyết định quan trọng này.

B. Lãnh nhận ách vào vai

Thánh giá trên còn hệ tại sự cương quyết từ bỏ hoàn toàn, từ bỏ bản thân, hướng chiều tự nhiên, ý riêng, thời giờ, khả năng và sức mạnh.

1. Thánh Phaolô nói: “ngày xưa anh em tự do, tôi không mắc nợ gì ai nhưng tôi tự nguyện trở nên nô lệ mọi người để chinh phục cả thế giới cho Chúa Giêsu. Đó cũng phải là tham vọng truyền giáo mà tôi cũng cần phải tâm niệm và chia sẻ luôn.

2. Ở các chức thánh tôi sẽ được hướng dẫn để làm quyết định từ bỏ quyết liệt hơn nữa. Nhưng ngay từ “phép cắt tóc” tôi đã phải chính thức từ bỏ tự do. Tôi lãnh lấy gánh nặng của việc nhà Thiên Chúa. Đức Giám Mục đặt một Thánh Giá trên đầu tôi để cho tôi phải vác.

C. Triều Thiên của phép Cắt Tóc (La Couronne du Tonsuré) - Thánh giá trên còn hệ tại ở sự trung thành với các bổn phận của bậc giáo sĩ và chu toàn các phận vụ đã được uỷ thác. Đó chính là thánh giá của người giáo sĩ phải được lãnh nhận như của riêng mình và thi hành nó với tình yêu mến. Sự thánh thiện sẽ tùy thuộc vào việc trung thành vác thánh giá này!

III. Phần Cầu Xin

Xin Chúa hãy đóng ấn tình yêu và quyết định lựa chọn của con vào thánh giá này, thánh giá mà Chúa vừa dạy cho con biết là của con. Bước vào bậc giáo sĩ, con được hưởng nhiều quyền lợi và an ủi, nhưng con cũng có những nghĩa vụ, những bó buộc nghiêm khắc, những thử thách và cả những đau khổ. Nếu con vẫn yêu mến Chúa, mắt nhìn ngắm Chúa và chân bước theo Chúa, vì con biết rằng Thánh Giá là bảo đảm duy nhất để con có được kết qủa siêu nhiên:”Utinam dingus esses aliquid pro nomine Jesu pati” (Miễn sao tôi xứng đáng làm chút gì cho Chúa Giêsu chịu đau khổ). Amen


BÀI 3: GIỜ CHẦU THÁNH THỂ
(Visit au très Saint Sacrament)
(Tĩnh Tâm chuẩn bị lãnh Phép Cắt Tóc)

Chúa Giêsu, nguyên lý sự sống siêu nhiên của tôi

I. Phần Thờ Lạy

Con gia nhập hàng giáo sĩ với một lòng tin tưởng vững chắc như thánh Phaolô đã viết: “Scio cui credidi” (Tôi biết tôi đã tin tưởng vào ai). Con nhận biết Chúa là nguyên lý và là mẫu mực của sự sống siêu nhiên của con. Chính vì Chúa mà các Tông Đồ đã trung thành với một chương trình sống rất mới lạ, mang nhiều sự bất ngờ và đòi hỏi họ phải hy sinh nhiều. Chúa là sự bảo đảm của các vị ấy khi Chúa đã nói: “Ego sum vita” (Ta là sự sống). Chính Chúa là sự sống, là nguồn mạch và là sự sung mãn của sự sống. “Sicut Pater habet vitam in semetipso, sic dedit et Filio habere vitam in semetipso”. (Như Chúa Cha có sự sống nơi Ngài thế nào, Ngài cũng ban cho Chúa Con như vậy). Đó cũng là chính lý do khiến Chúa chúng ta đã nhập thể. “Ego veni ut vitam habeant at abundantius”. (Tôi đã đến thế gian để họ được sống và sống dồi dào hơn). Để đi xa hơn, đó là tất cả lý do khiến Chúa ở trong Thánh Thể để ban tặng và duy trì sự sống thần linh cho chúng ta, cách riêng nơi các linh mục và những người yêu mến Chúa.

II. Phần Suy niệm

Giáo lý trên đây rất cao cả và đầy an ủi làm cho con hết phải sợ hãi và ghi nan.

A. Nguồn mạch sự sống – (La source de la vie): Chúa là sự sống đã biến đổi thế gian và nay còn đang tiếp tục nâng đỡ nó. Điều đã được mặc khải và con vẫn tin tưởng là có ơn cứu độ và nguồn mạch sự sống trong Chúa Giêsu, chúng con sẽ lãnh nhận để được thánh hóa và làm vinh danh Chúa Cha trong đời sống linh mục.

1. Chính Chúa đã qủa quyết: Ta là cây nho các con là ngành nho. Ai ở trong ta sẽ sinh nhiều hoa trái.

2. Thánh Phaolo đã diễn tả giáo lý đó bằng hình ảnh một thân thể. Cũng như thân thể là một mà có nhiều chi thể hoặc như các chi thể có nhiều làm thành một thân thể thì Chúa Kitô cũng vậy. Tất cả chúng ta đã được rửa trong một thánh thần, để làm thành một thân thể.

3. Một hình ảnh khác: Chúa như một cây và mọi người kitô hữu là ngành. Chúa như người thủ lãnh, mọi người Kitô hữu là các chi thể……cành cây và chi thể không có sự sống khác ngoài thân cây và người thủ lãnh. Biết bao nhiêu người chưa biết Chúa là nguồn mạch sự sống, vì họ chưa biết tìm đến Chúa trong nhà tạm!

B. Nguồn mạch sự sống của tôi:

Con đã được tham dự vào ân sủng và sự sống của Chúa Kitô là niềm hạnh phúc.

1. Con đã được xếp đặt để làm mẫu mực cho giáo dân. Bởi ơn kêu gọi, con lại còn bị buộc phải sống đời thánh thiện hơn, làm nhiều việc lành hơn, thực hành một chương trình đào tạo nhằm đưa đến sự phát triển hoàn thiện hơn mỗi ngày.

2. Hơn thế nữa, con còn phải dùng đến các máng chuyển thông ơn phúc và sự sống của Chúa đi vào tâm hồn các tín hữu. Cho nên tâm hồn con luôn phải được tràn đầy ơn phúc: “Ex abundantia cordis os loquitur” (Lòng con có tràn đầy mới nói ra ngoài miệng được).

III. Phần Cầu xin

Con xác tín và cầu xin Chúa ban cho con điều này là để cho việc mục vụ tông đồ và truyền giáo được hữu hiệu và có kết quả, người mục tử phải học lãnh nhận thật dồi dào ân sủng của Chúa Giêsu Thánh Thể nơi nhà tạm và sức tác động của Chúa Thánh Thần như các Tông Đồ xưa. Amen!


BÀI 4: GIỜ CHẦU THÁNH THỂ
(Visit au très Saint Sacrament)
(Tĩnh Tâm chuẩn bị lãnh chức I: Giữ Cửa)

Vẻ Đẹp Của Nhà Chúa

I. PHẦN THỜ LẠY

Lậy Chúa Giêsu Thánh Thể, con cảm tạ Chúa vì Chúa đã thương yêu và tín nhiệm con. Chúa đã tín nhiệm lòng thảo mến, lòng nhiệt thành, sự tận tâm và tính đúng giờ của con, nên đã chọn con làm người giữ cửa cho nhà của Chúa. Cả cuộc đời của con sẽ là người giữ cửa cho nhà Chúa. Chúa có ý chuẩn bị và huấn luyện con cách riêng để sau này con sẽ được ủy thác lo cho nhà của Chúa suốt cả cuộc đời linh mục của con. Con vô cùng cảm tạ Chúa.

II. PHẦN SUY NIỆM và HỌC HỎI

Thầy Giữ Cửa, tiếng nói ngày nay đúng hơn có lẽ nên gọi là Ông Từ. Trách nhiệm của Ông Từ, Giáo Hội đã cho con biết là cỏ 3 bổn phận chính yếu phải làm: Đó là lo giữ sạch sẽ, thứ tự và đúng giờ.

A. Phải sạch sẽ: Nhà của Chúa phải được giữ gìn thật sạch sẽ để xứng đáng cho việc cử hành phụng vụ và các phép Bí Tích. Càng sạch sẽ càng gần hơn đến với Thiên Chúa.

1. Sạch sẽ ở trong khuôn viên thánh đường và các tòa nhà: trong mọi nơi mọi chỗ, sàn nhà, tường, cửa sổ, cửu kính, cửa ra vào, hè, bậc cấp và tất cả mọi nơi.

2. Các đồ đạc phải giàn xếp sao cho trang nhã và xứng hợp: ghế qùy, ghế dựa, tượng ảnh, bức vẽ, thảm trải…

3. Trang trí Bàn Thờ: Giá sách, bậc cấp, chân nến, các tấm trải, xương thánh, sách lễ, đồ phụng vụ…

4. Toàn thể phải ngay ngắn: không có gì là cẩu thả và mất trật tự hoặc dơ bẩn. Tôi không thể để phòng làm việc của tôi, bàn làm việc của tôi sạch sẽ hơn nhà thờ, bàn thờ. Bổn phận làm sạch sẽ đó thuộc về tôi trước hết, sau mới đến những người tình nguyện và làm công.

B. Phải thứ tự: Tôi phải lo để cái nào ở chỗ nấy. Thứ tự làm nên sự dễ coi và hòa điệu.

1. Trong nhà thờ: không có gì ngang trái hoặc xiên lệnh.

2. Trên bàn thờ: mọi vật phải có lớp lang thứ tự cẩn thận và cố định: khăn bàn, bàn thờ, vị trí thánh giá, chân nến cây nến không nghiêng ngả…. Bàn thờ không phải nơi đặt nhà tạm nhưng mỗi sáng đều đã xảy ra những phép lạ lớn lao của Thánh Lễ đó sao?

3. Trong phòng thánh: nguyên tắc của người thứ tự: “có một chỗ cho mỗi sự vật và mỗi sự vật phải ở chỗ nó”. Như thế, vừa chứa đựng được nhiều lại vừa dễ dàng tìm kiếm.

C. Phải đúng giờ: Tôi phải lo để không bao giờ thất thường mà phải đúng giờ. Phải lo đánh chuông báo các giờ kinh nguyện, lo mở cửa vào giờ nhất định. Sự đúng giờ chính là điểm tế nhị của đức vâng lời. Có biết bao nhiêu tâm hồn chán ngán vì linh mục không đúng giờ!

III. PHẦN CẦU XIN

Lậy Chúa, bổn phận giữ cửa cho nhà Chúa xem ra khá nặng nề và mệt mỏi, nhưng cũng đầy ân thưởng. Con xin Chúa ban cho con có đủ nghị lực và lòng nhiệt thành để con có thể chu toàn các bổn phận ấy. Con xin Chúa chúc phúc cho con trong nhiệm vụ cao quý này. Amen!


BÀI 5: GIỜ CHẦU THÁNH THỂ
(Visit au très Saint Sacrament)
(Tĩnh Tâm chuẩn bị lãnh chức II: Đọc Sách)

Học và Đọc Thánh Thể

I. PHẦN THỜ LẠY

Con sắp được làm người đọc sách. Suy nghĩ về bổn phận và chức vụ của Thầy đọc sách, một viễn tượng mới mở ra cho con và hướng con về Thánh Thể của Chúa cách đặc biệt. Giáo Hội cho con biết tương quan giữa thầy đọc sách với Thánh Thể cũng giống như tương quan giữa Ngôi Lời và Đức Chúa Cha trên trời. Con sẽ cố gắng học hỏi và khám phá ra những ánh sáng trong tương quan đó. Xin Chúa giúp con.

II. PHẦN SUY NIỆM

Mình Thánh dầu bé nhỏ, dòn mỏng cũng vẫn giữ một địa vị quan trọng nhất trên trái đất từ trên 20 thế kỷ nay. Mà vì Giáo Hội muốn cho Thầy đọc sách phục vụ Thánh Thể và diễn tả Thánh Thể như Thánh Thể đã diễn tả Đức Chúa Cha, cho nên có chức đọc sách này.

A. Mình Thánh diễn tả Đức Chúa Cha

Dầu mắt không xem thấy. Điều đó con đã biết và con đã tin. Thần tính của Chúa bị che giấu, song vẫn là cái gì sống động biểu lộ Đức Chúa Cha, vẫn là sự biểu lộ bản thể của tư tưởng ĐCC, tức là chính Ngôi Lời của Ngài.

Vâng chính trong Chúa Ngôi Lời, mà từ đời đời Đức Chúa Cha đã diễn tả tình yêu, những điều Ngài nghĩ, Ngài muốn, Ngài là. Mọi điều đó thuộc tinh thần, nên đã diễn ra trong Chúa Ngôi Lời. Và ĐCC tìm thấy những nét phản chiếu chính mình khi nhìn vào Chúa Ngôi Lời như là một tấm gương: Chúa chính là cuốn sách diễn tả Đức Chúa Cha.

Là Ngôi Lời: Chúa là cuốn sách diễn tả ĐCC đối với các thánh trên trời trong cõi đời đời để khám phá thấy những bí mật vô tận là Đấng Nhập Thể. Chúa phản chiếu ĐCC cho nhân loại dưới đất để họ hiểu một đôi nét về Thiên Chúa Cha vinh hiển trên trời.

Khi một tác giả văn chương bỏ ra công lao để sáng tác một cuốn sách, họ xác định tư tưởng vào cuốn sách để tư tưởng đó khỏi bị thất lạc hầu sau này có thể gặp lại nó khi đọc lại. Tác giả khi viết sách thường ra còn có ý chuyển đạt cho người khác kết qủa việc lao lực lao trí của họ. Khi những người khác đọc, họ sẽ tiếp thu dòng tư tưởng người viết nhờ qua tấm màn các nét chữ và nhờ những ý tưởng này để gây cảm xúc thì đó chính là bức họa diễn tả tâm hồn người viết. Người đọc sung sướng khám phá ra tâm hồn và chủ đích của tác giả nhờ những dấu hiệu huyền bí là những chữ in trên những trang giấy trắng.

Để được như thế, dĩ nhiên tác giả phải học và đó là kết qủa của công việc khó nhọc và lâu dài để đọc và hiểu những cái gì ẩn giấu dưới những nét chữ, những danh từ và những dấu hiệu.

À thì ra bây giờ con đã hiểu ý nghĩa của Lời Chúa, nói xưa với tông đồ Philliphê khi ông ngây thơ xin Chúa tỏ lộ ĐCC, Đấng mà Chúa hằng nhắc tới: “Anh Philliphê, ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.

Mình Thánh chứa đựng tất cả Chúa, nên con có thể tiếp lời Chúa mà nói: “Ai thấy Mình Thánh cũng thấy ĐCC, thấy Thiên Chúa”.

Mỗi lần nhìn biết bao viễn ảnh cao cả trong tấm bánh nhỏ bé này! Dầu sao tự nhiên Mình Thánh vẫn là cuốn sách gấp kín, con phải biết một vài kế hoạch, con phải biết mở ra, mở lớn, mà còn học nữa để đọc được các nét chữ mầu nhiệm.

Con bắt đầu hiểu rằng đó là một trong những bổn phận khẩn thiết nhất của Thầy đọc sách: đọc được Mình Thánh cũng như con đọc được một cuốc sách mở, ngôn ngữ mà con chưa quen biết nhiều. Con cần phải học mỗi ngày.

B. Thầy Đọc Sách diễn tả Thánh Thể

Đọc sách là một nghệ thuật khó khăn đòi thời gian, phương pháp và sự cố gắng. Mà để đọc có hương vị, hứng thú và hấp dẫn, người đọc phải biế đánh vần, dò xét bản văn; cũng không chỉ đọc trợt qua, phải làm sao nắm được các ý tưởng chính cách dễ dàng, nó ẩn nấp dưới các vần chữ. Đọc Thánh Thể cũng vậy.

1. Một đứa trẻ nhỏ không biết đọc, chỉ thấy trên những trang giấy in nó cầm và nói đây là những vết đen hình thái quái dị. Những đường nét đó làm nó bối rối, còn ý nghĩa thì chẳng biết được chút nào, nó không biết phải hiểu thế nào.

Đôi khi nó cầm sách nơi tay vừa tầm con mắt như có vẻ đọc chăm chú lắm, nhưng đó là chỉ bắt chước người lớn đã làm khi họ đọc. Có khi nó còn nhấp nháy môi như thể phát âm. Thực tế, những điều nó làm không có một ý nghĩa nào, mà chỉ là những điệu bộ trống rỗng. Một lúc sau nó sẽ nhàm chán, nó đứng trước một cái gì không biết.

Lạy Chúa, biết bao người giáo hữu cư xử như những người không biết đọc kia trong thánh đường của Chúa đây, trước mặt Thánh Thể Chúa. Lúc dâng Mình Máu thánh trong thánh lễ, lúc Chầu Phép Lành, họ xem thấy những người khác có vẻ biết làm vài cử chỉ: bái qùy, quỳ gối, cúi đầu, rồi họ cũng bắt chước làm như thế một cách vụng về, họ thấy những người khác tâm niệm, nhắm mắt, động môi, họ cũng làm theo, nhưng lòng họ thì khô cứng vì họ không biết đọc những gì dưới các dấu hiệu: Nhà Tạm – Bình Thánh – Mình Thánh. Họ ở trước một cuốn sách dấu kín, viết bằng ngôn ngữ họ không biết. Đó có phải là trường hợp của con nữa chăng, lạy Chúa, xin Chúa cho con biết.

2. Con đã được theo học nhiều năm: Tiếng Latinh, tiếng Pháp, tiếng Anh, con đã biết đọc những ngôn ngữ này, đọc rất đúng và lại đọc rất dễ dàng. Nhưng đến ý nghĩa các tiếng con đọc thì đó lại là vấn đề khác. Phần lớn con không hiểu rõ, con khổ công tìm tòi và đó mới dễ dàng đi đến nhàm chán rồi bỏ cuộc.

Chính vì thế con không thấy thích thú và hấp dẫn khi đọc tác phẩm hay nhất viết bằng những ngôn ngữ đó. Biết bao giáo dân, tu sĩ, linh mục còn đang trong tình trạng đáng buồn đó đối với Thánh Thể! Họ biết đọc biết nói những tiếng: Nhà Tạm, Bình Thánh, Thánh Thể. Họ biết rằng những tiếng đó có một ý nghĩa cao cả thánh thiện. Họ biết rằng những dáng vẻ bên ngoài có thể che giấu Chúa, nhưng họ không tha thiết để tìm ra ý nghĩa và học hỏi thêm về Chúa mỗi ngày để niềm tin của họ được chính xác và phát triển mỗi ngày.

Thỉnh thoảng họ cũng có đến qùy đôi lúc ở trước Nhà Tạm, mắt nhìn với dáng vẻ hiểu biết, nhưng trí lòng ở tận đâu đâu! Họ chẳng hiểu được gì họ đọc. Lạy Chúa, đây có phải trường hợp của con nữa không?

3. Lạy Chúa, dù sao con phải giống như những độc giả này, biết rành một ngôn ngữ đã rất vất vả, không cần phân tích những nét chữ, chữ có thể thiếu, không ngay ngắn, một ít từ có thể đã quên rồi! không sao cả!! cái mà họ đọc được thực ra không phải nét chữ, vần chữ, nhưng là ý tưởng. Nếu con tiến tới chỗ đó thì hay biết mấy, con sẽ cảm thấy hấp dẫn đối với nhà tạm, những giờ phút sẽ trôi qua hạnh phúc ngọt ngào và mau lẹ. Dưới chân bàn thờ, sát gần Nhà Tạm, con sẽ rung cảm, cầm trí, vui tươi và hạnh phúc. Tầm nhìn, tư tưởng, và lòng con sẽ bay thẳng lên Chúa: Con sẽ trở nên một người biết đọc Thánh Thể Chúa.

III. PHẦN CẦU XIN

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đọc trong con mọi tư tưởng và mọi ý hướng. Chúa thấy con còn bất lực khám phá Chúa dưới những dấu hiệu Thánh Thể. Vậy con xin Chúa ban cho con học được những kiến thức trong những giờ phút sống bên cạnh Chúa. Xin cho con hiểu Mình Thánh, đọc được sự hiện diện của Chúa, những tế nhị của tâm tình Chúa, những bận rộn, những lo lắng và những quan tâm của Chúa để con yêu mến Chúa hơn. Amen!


BÀI 6: GIỜ CHẦU THÁNH THỂ
(Visit au très Saint Sacrament)
Tĩnh tâm chuẩn bị lãnh chức III: Trừ Quỷ

Bảo Vệ Thánh Thể

I. PHẦN THỜ LẬY

Hôm nay con đến thờ lạy Chúa và suy nghĩ về quyền lực Giáo Hội trao ban cho con trên ma quỷ khi phong con lên Chức Trừ Quỷ. Ngày nay nói đến ma quỷ, ôi ít người tin có nó. Vậy mà nhiều người đang sống dưới ách của nó và đang lệ thuộc nó cả xác lẫn hồn. Ma quỷ đang hoành hành và làm vua ở thế gian. Chỉ có thời của Chúa, Chúa mới thắng nó cách oanh liệt.

Trong thực tế, vẫn có 2 thế lực tranh giành nhau ở thế gian: ma quỷ và Chúa, ngày nay ma quỷ và Thánh Thể. Vào thời đại chúng ta, xem ra hỏa ngục đang lộng hành. Quỷ hiện hình người và đang chiếm lấn từng dân tộc, đang hoành hành các hội thiện, thù hận chính Chúa, quấy phá đền thờ, đuổi Chúa ra khỏi nhà tạm, xúc phạm Thánh Thể, trục xuất Chúa ra khỏi các tâm hồn, xây dựng một xã hội vô thần. Vậy cần phải có người bảo vệ danh dự cho Chúa, nên Giáo Hội phong các thầy trừ quỷ.

II. PHẦN SUY NIỆM

Các thầy trừ quỷ được trao trách nhiệm việc canh phòng và bảo vệ cho Chúa ở ba lãnh vực: Bảo vệ Bản thân Chúa, Quyền lợi của Chúa và Ước vọng của Chúa.

A. Bảo Vệ Bản Thân Chúa

Khi lập phép Thánh Thể, Chúa đã ban một quà tặng cao quý nhất cho trái đất: Ban chính Chúa, con người Chúa hữu hình là Ngôi Lời của Thiên Chúa, Ngôi Lời mà các thánh ngắm nhìn đầy trìu mến và biết ơn không biết mỏi mệt ở trên trời.

Sự hiện diện này ở trên trời thì ở dưới đất cũng có: Trong thánh đường, nơi nhà tạm, trong bình thánh lộng lẫy quý giá, có chứa đựng Mình Thánh trong đó. Mà vì vẻ đẹp lộng lẫy của bình thánh làm cho có kẻ tham lam muốn ăn trộm bình thánh, xúc phạm Thánh Thể. Chính con được lãnh chức trừ quỷ, có nhiệm vụ đặc biệt phải bảo vệ thân xác của Chúa để không xảy ra một sự phạm thánh nào. Con sẽ kiên trì và tỉnh thức. Vì đối với người không có hay đã mất đức tin, Thánh Thể chỉ là miếng bánh có thể vất bỏ xuống đất để chiếm lấy cái bình quý giá. Chúa Thánh Thể có thể làm phép lạ rất dễ dàng để chấm dứt những hành vi phạm Thánh này, nhưng thông thường Ngài chấp nhận và không tỏ quyền lực, cũng như xưa trong vườn Cây Dầu, khi Giuđa hôn Chúa làm hiệu cho người ta bắt, Chúa đã chấp nhận để cho họ bắt.

Đời con đã được tận hiến cho Chúa trong chức trừ quỷ. Con sẽ bảo vệ và săn sóc cho Chúa như Mẹ Maria xưa đã lo cho Chúa ở Nazaret. Chớ gì không vì lỗi bất cẩn của con mà người ta xúc phạm đến Thánh Thể Chúa. Con sẽ săn sóc Nhà Tạm, đóng khóa kỹ lưỡng, chìa khóa cất giữ ở nơi an toàn như ý Giáo Hội dạy. Con muốn là “người bảo vệ trung thành ngọc thể Chúa” (Le gardier fidèle de votre divine personne)

B. Bảo vệ những quyền lợi của Chúa

Trên đây đã là phần quan trọng nhất, nhưng Chúa còn có nhiều quyền lợi trên con cái Chúa. Con sẽ trung thành bảo vệ cả các quyền lợi ấy. Người kitô hữu không phải chỉ là người như những người khác. Bí Tích Rửa Tội đã làm cho họ thuộc về Chúa để trở thành một phần tử trong nhiệm thể rộng lớn mà họ có những bổn phận thánh. Với dòng thời gian, khi họ rước lễ lần đầu và lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, Họ đã lập lại lời hứa Rửa Tội, thề hứa yêu mến Chúa, phục vụ Hội Thánh và sống đạo tốt, nhưng rồi biết bao bội thệ! Chúa có quyền lợi đòi hỏi họ trung thành. Quyền lợi đó Chúa đã mua chuộc lại bằng giá máu quá đắt để nó phải được tôn trọng kính yêu. Danh hiệu Kitô hữu của chúng con với tất cả những lợi ích cao quý của nó đã chẳng là giá máu và đau khổ của Chúa đấy sao? Con đã được phong làm “người bảo vệ các quyền lợi trên chúng ta” (Défenseur de ces droits sur nous), thì xin cho con nhiệt thành không biết mỏi mệt, làm cho nhiều người trở lại. Xin Chúa dạy con bí quyết lôi kéo các tâm hồn, đưa họ về cho Chúa và giữ mãi cho Chúa.

C. Bảo vệ những giấc mơ của Chúa

Khi một người tôi tớ tốt lành của Chúa là Cha Thánh Gioan Vianney được cử làm cha xứ Họ Ars bên Pháp, giáo dân lãnh đạm, nhà thờ hầu như hiu quạnh và trống vắng, nhà tạm không ai biết đến, Mình Thánh không dùng đến nữa. Trái tim linh mục của ngài cảm kích và đau khổ. Ngài tỏ lộ cho Chúa những nỗi buồn và những niềm hy vọng rồi xin Chúa giúp đỡ để đổi mới xứ đạo. Ngài được Chúa hướng dẫn để bắt đầu việc canh tân bằng việc cổ võ tôn thờ Thánh Thề, chầu Thánh Thể, yêu mến Thánh Thể. Rồi ngài đã làm gương bằng đời sống cầu nguyện, khổ chế, hy sinh qua lời nói và việc tông đồ. Dần dần xứ đạo ngài đã thay đổi mới hoàn toàn. Nếu các linh mục được cả như thế thì quyền lợi và giấc mơ của Chúa đều thực hiện được “Sự hiện diện của Thánh Thể đã có chỗ trong đời sống con người” (La presence Eucharistique a pris une place dans les vies). Mọi người đã tuốn đến tòa cáo giải. Bàn tiệc Thánh Thể đã đầy nghẹt. Thánh Thể trở nên trung tâm sức mạnh lôi kéo tất cả cộng đoàn. Chúa đã lại có được danh hiệu là Chúa là Đầu và là Vua. Các xứ đạo sẽ trở nên địa điểm Thánh.

III. PHẦN CẦU XIN

Chức quyền trừ quỷ Chúa đã ban để cho con sử dụng mãi sau này khi làm linh mục của Chúa. Con sẽ phải chiến đấu với ma quỷ, với hỏa ngục và với cả những người xấu nữa. Xin Chúa dạy con cho biết phải chiến đấu cách nào.

Một điều con suy nghĩ và tìm kiếm câu trả lời, con muốn hỏi ý Chúa. Hầu hết các trẻ em trong các giáo xứ đều qua tay các linh mục và các nữ tu hướng dẫn trong suốt những năm tháng các em còn tấm bé, vậy tại sao việc qua tay đó để lại ít dấu ấn?

Con biết con còn phải tiếp tục chiến đấu với ma quỷ ở thế gian.
Con còn phải chiến đấu với ma quỷ nơi người khác.
Con còn phải chiến đấu với ma quỷ trong con: trong tâm hồn và trong đời sống.
Xin Chúa dạy con và giúp đỡ con để con phải thắng được nó. Amen!


BÀI 7: GIỜ CHẦU THÁNH THỂ
(Visit au très Saint Sacrament)
(Tĩnh tâm chuẩn bị lãnh chức IV: Giúp Lễ)

Bài Học Về Ngọn Đèn Chầu

I. PHẦN THỜ LẠY

Chiều nay con đến quỳ trầm tư trước cửa nhà tạm Chúa hơi lâu. Cửa đóng, nhưng con biết Chúa đang ở đấy và đang nhìn con, con cảm thấy ánh mắt Chúa đang tìm gặp cái nhìn của con…. Và trong cái nhìn của Chúa, Chúa đặt bao nhiêu tình thương mến!

Chúa đã dẫn con từng bước một và mai đây con sẽ thành đuốc sáng soi thế gian. Vâng Chức IV, Chức Giúp Lễ là ánh sáng như sách Phong Chức (Pontifical) đã dạy, mà ánh sáng thì phải đốt sáng, phải cháy nóng và phải bốc lên cao…để thiêu hủy mọi tăm tối trong đó thế gian đang đắm chìm vào.

Chúa đã muốn kêu gọi con và cho con tiếp tục công cuộc của Chúa vì chính Chúa là ánh sáng độc nhất: “Erat lux vera” để đốt lên các ánh sáng khác, để đốt nóng các tâm hồn.

Mai đây con sẽ trở thành “con cái ánh sáng” (fils de la lumière), nhưng xin không phải chỉ theo tước hiệu, nhưng theo một chương trình sống thực sự và có bằng chứng bảo đảm.

Đó là những mối liên lạc giữ con với Thánh Thể của Chúa. Chúa là ánh sáng thế gian nhưng là một thứ ánh sáng hữu ý dấu ẩn và Chúa tín nhiệm nơi con để con bày tỏ sự hiện diện của Chúa, và để mặc khải cho các linh hồn ý nghĩa sâu xa của sự hiện diện đó để hướng dẫn họ về suối mạch tình yêu. Thế là vì chúng con mà ngày đêm Chúa ẩn ngự nơi nhà tạm. Thế là đối với các tâm hồn con cũng phải giữ một địa vị như ngọn đèn chầu nơi cung thánh đối với Thánh Thể Chúa.

II. PHẦN SUY NIỆM

Lạy Chúa, biết bao vị thánh của Chúa đã thèm khát số phận của cây đèn chầu êm đềm giãi sáng nơi nhà nguyện. Và ngay con đây, nhiều buổi chiều, lòng con sốt sắng, con thấy rõ sự hiện diện của Chúa, con cũng thấy chua sót và luyến tiếc phải rời bỏ nhà Chúa để về nghỉ ngơi. Những lần như thế thật là ít oi quá! Con cảm thấy đau khổ vì sự quạnh hiu bao bọc Chúa ngày đêm và con cũng thèm khát số phận cây đền chầu, với nó chẳng còn ngày còn đêm, mà nó không bao giờ tắt, nó tự tiêu hao dần dần vì Chúa cho đến khi tàn tạ.

A. Cây đèn chầu tượng trưng 3 điều quan trọng và cao cả:

1. Nó chiếu sáng:

Đèn chầu không phải như những cây đèn khác. Trước hết nó không phải là cây đèn tự ý tùy theo người giữ nhà thờ, nhưng Hội Thánh bắt buộc phải có nó… và buộc đến tội nặng. Nó soi sáng cả nhà thờ và đặc biệt là trên cung thánh nơi có nhà tạm và Thánh Thể của Chúa. Rồi ánh sáng nó tỏa ra rất kính cẩn và huyền nhiệm như một lời cầu nguyện và như một cử chỉ, hay đúng hơn như một dáng điệu biết cầu xin. Nó có ở đó không phải để soi sáng thánh đường cho dễ nhận ra kích thước và vẻ đẹp, cũng không phải để lôi kéo ai chú ý và nhìn xem. Không, nó ở đó chỉ là để vạch dẫn một con đường đi tới Chúa.

2. Đèn sáng để chỉ dẫn lối:

Chính Chúa là lý do độc nhất để có nó. Nó làm cho người ta nhận biết Chúa đang ở đấy và nhận biết tình yêu của Chúa. Vì vậy, trong thánh đường, nó có một chỗ đặc biệt không phải ở lòng giữa hay ở cuối, vì như thế quá xa với vật đích của nó. Chỗ đích thực và độc nhất của nó chính là ở cung thánh, gần ngay bàn thờ, gần sát nhà tạm.

Từ đó nó có thể chiếu sáng tới cửa nhà tạm và làm cho mọi người chú ý. Đó là một ngôn ngữ chết lạnh, một cử chỉ không bao giờ mỏi mệt, như bảo cho mỗi người mỗi khi họ bước vào thánh đường: “Ở đây sau cánh cửa nhỏ này, dưới hình bánh nhỏ, có Chúa Giêsu Thánh Thể ẩn mình, Đấng cứu bạn, nơi Ngài bạn được hy vọng Nước Trời, hãy sấp mình thờ lạy và cầu xin”.

3. Đèn tự tiêu hao đang khi chỉ dẫn lối:

Ngọn lửa nhỏ yếu này không ngớt chập chờn ngày đêm trước nhan thánh Chúa. Khi có người đến thờ lạy Chúa, Nó không dán đoạn nhiệm vụ nhưng nó hợp với cảm tình của họ và nó tiếp tục làm chứng Chúa đang ở thật tại đó. Nó cố gắng lay động những người nguội lạnh, phấn khích những người nhu nhược, thúc đẩy những người thờ ơ và nâng đỡ những ai sốt sắng. Nó bền lòng cố hướng các tâm hồn về Chúa… nó ở đó chỉ vì Chúa!

Còn khi nhà thờ vắng người, mà có nhiều lúc như vậy, thì ngọn đèn chầu nhỏ càng không có quyền bỏ việc mình. Nó tiếp tục soi sáng, tiêu hao thay cho những người mà nếu họ hiểu biết ích lợi của Chúa hiện diện, họ sẽ không bỏ vắng nhà thờ nhiều.

Thế là nhờ cây đèn nhỏ này mà sự hiu quạnh của Chúa không bao giờ hoàn toàn, cả khi nhà thờ trống vắng suốt đêm ngày. Chúng con có được một ngọn cháy nóng đó ở gần Chúa.

B. Họa lại trong đời sống của tôi:

Đó mới chỉ là một vật vô tri giác. Sự sống kêu gọi sự sống, phải có một ngọn lửa của lòng người.

1. Con phải cháy sáng.

Sao con có thể ở lạnh giá trươc mặt Chúa? Đấy có phải là một sự bội bạc và tội lỗi quá hay không.

a. Từ khi con Rước Lễ vỡ lòng: Chúa đã ban mình cho con không biết bao nhiêu lần….con được nuôi dưỡng bằng máu thịt thánh của Chúa. Trái tim Chúa đầy tình yêu thương đã đến kề sát trái tim con cùng đập chung một nhịp. Thế mà con chưa được sưởi nóng. Vậy trước tiên con phải được đốt nóng rồi mới đi ra làm đuốc sáng mà Giáo Hội mong chờ ở con. Con còn thờ ơ quá, con đã không tha thiết và mong ước muốn rước lễ thật sốt sắng.

Để rước lễ thật sự có lợi ích thiêng liêng cho con, phụng vụ đã dậy cho con biết cần biết phải liên đới được cả tình cảm lẫn ý muốn mà đón rước Chúa. Vậy con đã có được những cố gắng nào để đón tiếp Chúa, để đạt tới Chúa qua tấm màn bánh thánh, hầu có thể sống thân mật với Chúa cả một ngày.

b. Quyết định mới của con: Nhờ ơn Chúa giúp, con nhận ra tình trạng của mình cần phải được thay đổi từ ngày hôm nay và con biết rằng Chúa vẫn tiếp tục kêu gọi con và đặt con giúp việc Chúa và phục vụ Chúa. Con vô cùng cảm tạ.

2 Tôi phải cháy sáng để chỉ lối:

Con quyết định trả lời với Chúa hôm nay, con phải ngưng ngay sự lãng phí thời giờ và ơn Chúa mà lúc này con đã nhận ra. Con kinh sợ và con hứa sẽ gia tăng lòng sùng mộ Chúa Thánh Thể của con để chuộc lại những ngày đã qua.

a. Con quyết định yêu quý nhà Chúa hơn, thích ở lại và ở lâu hơn trong nhà Chúa. Con thích dừng lại và bước vào nhà Chúa mỗi khi đi ngang qua hay ở gần, nếu không có việc khẩn cấp. Sự hiện diện thật sự của Chúa đã lôi kéo con.

b. Vào trong nhà thờ, con sẽ nhớ ngay mình là người con gặp được người cha đang chờ đợi con trong nhà tạm. Con sẽ cảm thấy tâm hồn hạnh phúc vui tươi và bình an, mắt luôn hướng thẳng vào nhà tạm. Con sẽ ngồi gần Chúa để nghe lời Chúa hầu có thể hướng dẫn giáo dân về với Chúa như trăm ngàn ngọn đèn chầu.

c. Rồi trong các việc phụng vụ công cộng, dù con giữ địa vị vai trò nào, làm sao đức tin vào sự hiện diện của Chúa phải được mọi người nhận biết và tôn trọng.

C. Tôi phải tiêu hao đi trong khi chỉ lối:

Con cần một đức tin nóng sốt và một tình yêu đầy tràn. Con sẽ là linh mục không cho con nhưng cho người khác, lôi kéo người khác đến với Chúa Thánh Thế. Thế giời lạc lõng vì Chúa không là vua của họ. Các linh hồn phải chết vì không biết Chúa là chân lý và là sự sống. Ngoài Chúa chỉ còn là dối trá và chết chóc mà các linh hồn cũng không biết rằng chân lý và sự sống có ở đây, ở các xứ đạo có ngay trong nhà tạm gần kề với họ. Sự vô tri đã làm cho họ bỏ rơi Chúa. Nhiều nhà thờ trở nên vắng lạnh. Điều đó không phải tại Chúa, nhưng là tại các linh mục và chúng con đã không tận tâm và không nói đủ về sự hiện của Chúa. Chúng con chưa theo kịp được cây đèn chầu!

4. PHẦN CẦU XIN

Xin Chúa đừng để con đóng kịch làm thằng hề khi đã nhận một chức vụ mà không tin vào chức vụ đó và không làm gì cả. Con xin Chúa thắp lên trong con đức tin và tình yêu cháy sáng để con bị thôi thúc phải tích cực hành động hầu lôi kéo mọi người đến với Chúa. Xin Chúa kết hợp với con và giúp đỡ con để con biết trung kiên hoạt động như ngọn đèn chầu vẫn hầu hạ Chúa. Amen!


BÀI 8: GIỜ CHẦU THÁNH THỂ
(Visit au très Saint Sacrament)
(Tĩnh tâm chuẩn bị lãnh chức V: Phụ Phó tế)

Sự Từ Bỏ Của Chúa Thánh Thể

I. PHẦN THỜ LẠY

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, dưới chân Chúa, con đến suy niệm chiều nay. Con cảm động vì những vẻ cao đẹp của sự từ bỏ khi Chúa từ trời xuống đất. Chúa đã bỏ mọi vinh quang của thần tính Chúa để mặc lấy những yếu hèn của bản tính nhân loại đáng thương của chúng con. Chiều nay, con còn suy nghĩ đến những từ bỏ trong phép Thánh Thể mà nhiều lần con đã xác tín, những từ bỏ đó đang diễn ra trước mắt con đây mỗi lúc, mỗi ngày con xin chân thành thờ kính.

Thánh Thể Chúa như một quyển sách giàu có vô tận và lợi khẩu vô cùng. Con cần phải đọc mỗi ngày. Đó là một quyển sách sống động, chứa đựng những bài học đầy sức sống. Đó là cuốn sách mầu nhiệm, phải đọc nó với ngôn ngữ tâm linh cùng với đức khiêm nhường và lòng can đảm nhẫn nại trong trường đức tin.

Từ nhiều năm qua con đã có ý đọc và tìm hiểu ý nghĩa nhưng con vẫn chưa thâu lượm được bao nhiêu, nói chi đến việc áp dụng vào cuộc sống hằng ngày của con.

Bài học Thánh Thể: Con sững sờ hầu như không tin khi người ta cho con biết có nhiều vị Thánh đã ngồi lâu giờ, đôi khi trọn cả một đêm hay trọn cả một buổi chiều, quỳ gối trên bậc bàn thờ gần nhà tạm, mắt dán vào tấm cửa nhỏ hoặc mắt nhắm nghiền, linh hồn chìm đắm trong mầu nhiệm. Họ đọc Thánh Thể và các trang sách cứ dần dần mở ra tiếp theo, giờ khắc trôi đi, với họ đâu còn thời gian. Con sẽ không ngạc nhiên về điều đó khi con đọc một cuốn sách thật hay. Con không còn chú ý gì đến cảnh vật xảy ra chung quanh. Thời giờ trôi qua con không hề thấy mệt mỏi, ước vọng lớn nhất là có thể kéo dài vô tận bài học quý giá. Dù sao con chỉ cảm thấy những tâm tình đó từ lúc con biết đọc thật sự.

II. PHẦN SUY NIỆM
A. Sự Từ Bỏ Của Chúa

Chúa đã nêu gương cho con là các linh mục, tu sĩ và những giáo dân muốn trở thành nghĩa thiết với Chúa, cần phải hiểu việc Chúa đã làm để nêu gương từ bỏ.

1. Một sự xóa bỏ hoàn toàn

Xưa trong máng cỏ, Chúa đã che dấu mọi vẻ uy nghi cao cả vô cùng của Chúa nhưng vẫn còn những vẻ duyên dáng quyến rũ trong bộ diện của một Hài Nhi. Người ta ca ngợi khuôn mặt trong sáng của Chúa. Maria, Giuse, Mục Đồng, Ba Vua và những ai đến gặp Chúa có thể cảm động ngắm nhìn tỉ mỉ những đường nét khả ái. Họ thấy Chúa nhìn họ. Họ hôn tay Chúa đang giơ lên. Họ nghe tiếng Chúa đang tập nói tiếng gọi đầu tiên. Họ ẵm Chúa vào lòng. Khi Chúa lớn lên những người ở Nagaret có thể thấy và gần lại với Chúa. Họ say mê vì những ánh sáng chiếu rọi ra từ bản thân Chúa, ánh sáng nơi mắt Chúa, vẻ cao cả vẫn có nơi con người của Chúa. Càng lớn lên Chúa càng duyên dáng và quyến rũ. Với nhiều người, Chúa không chỉ là bác thợ mộc, nhưng xa xa và trong thầm kín, người ta đã thấy Chúa là một tiên tri, một thầy dạy, Đấng Cứu Thế và cả đến một Con Thiên Chúa nữa. Gioan Tẩy giả thấy Chúa từ xa xa đã kêu lên: “Kìa Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”, Gioan và Anrê, Simon và Philipphê, Nathanaen và Matthêu mới trông thấy Chúa lần đầu đã hăng say đi theo Chúa. Bóng Chúa ở đâu là làm bại liệt kẻ thù, người dân thì tuốn đến trước và chờ đợi Chúa hằng giờ. Ngay trên thánh giá trên cao, Chúa vẫn còn là siêu nhân. Bản ản viết bằng ba thứ tiếng treo trên đầu thập giá. Thân xác Chúa xõa lỏng, đầu Chúa vẫn thẳng, tay Chúa giang ra rộng như ôm lấy cả thế gian. Máu chảy ra từ các thương tích nhưng Chúa vẫn tự chủ trong cơn đau khổ đã chinh phục được mọi thiện trí, khiến viên bách quân đội trưởng phải buông lời kính phục.

Còn ở đây, con thấy không còn gì cả. mặt thánh dịu dàng, Chúa tự ý che dấu đi….mắt sáng Chúa đã an ủi nhiều lần….tay Chúa còn muốn luôn giang ra trên con, các vết thương con ước ao hôn kính….tất cả đều được giấu kín dưới dáng vẻ bên ngoài của một miếng bánh nhỏ. Trước Thánh Thể đầy sự từ bỏ này, con nhận ra lời mời gọi của Chúa bảo cho con phải học để từ bỏ chính mình đi để chỉ còn mình Chúa xuất hiện trong con.

2. Một Sự im lặng tuyết đối

Trong cuộc đời truyền giáo, môi Chúa đã mở ra dạy giỗ Tin Mừng không biết mỏi mệt, Tin Mừng mà trời đã sai Chúa đến giảng cho loài người lầm than trên trái đất như những kẻ vô phúc!

- Maria và Giuse trong suốt 30 năm vào những buổi chiều sau làm việc đã có thể nghe Chúa nói với họ về Đức Chúa Cha trên trời, nói xa xôi về sứ mạng nặng nề và những hình khổ Ngài sẽ chịu trong tương lai.

- Lúc 12 tuổi, các thầy tiễn sĩ vào dịp lễ vượt qua dưới hàng hiên đền thờ đã phải kinh ngạc về những lời giải thích Thánh Kinh của Chúa, những điều mà họ không cắt nghĩa nổi “Stupebant omnes qui eum audiebant, super prudentia et responsis ejus”. (Mọi người đầu sửng sốt nghe Ngài nói, thán phục sự khôn ngoan và đáp trả của Ngài).

- Rồi 3 năm bận rộn trong việc tông đồ, tiếng Chúa mỗi lúc một mạnh mẽ hơn, vang dội khắp nơi không biết mỏi mệt. Nào những cuộc tâm sự thân mật: khi thì với người đàn bà Samaritana, khi với ông Nicôđêmô, hàng ngày với các tông đồ. Nào những bài giảng công khai, kết tinh trong những dụ ngôn và hình ảnh mà đoàn dân đông đảo đã nghe đến không biết mỏi mệt, đến những cuộc tranh luận gay gắt nhiều khi làm cho đối phương mất mặt hoặc những câu trả lời đơn giản, chứa đựng một sự khôn ngoan siêu phàm. Sau cùng là những công thức cầu nguyện, nhất là kinh Lạy Cha còn truyền tụng tới chúng con, rất ích lợi cho đời sống đạo đức. Ai cũng đến được với Chúa trong thời đó và hỏi Chúa một câu, xin Chúa một điều, thổ lộ những mệt nhọc hay những hy vọng cho Chúa và xin Chúa một phép lạ với lòng tin tưởng. Không một tâm hồn ngay thẳng nào bị từ chối hay bị trừng phạt. Còn ở đây, sau hơn 20 thế kỷ Chúa vẫn ở trong nhà tạm trên trái đất, môi Chúa không nhúc nhích, không nói một lời. Ôi sự từ bỏ anh hùng biết bao! Vậy mà con còn đang sống khác hẳn với Chúa, không biết quản trị miệng lưỡi mình, con còn thích nói khi không cần nói, con còn ngần ngại cho Chúa mượn môi miệng con để phát biểu chân thành tư tưởng của Chúa, bài học của Chúa và thánh ý của Chúa.

2. Một sự bất động tuyệt đối

Trong miếng bánh thánh mong manh trước mặt con, Chúa vẫn là Cứu Chúa loài người, Đấng Cứu Thế được hứa cho muôn dân, niềm hy vọng của những người thất vọng, sự nâng đỡ của những người mệt mỏi chiến đấu mỗi ngày.

Những cuộc kinh lý tông đồ đã chấm dứt. Chúa không còn xuất hiện trên các nẻo đường mới mẻ của chúng con, trên các con đường khúc khủy, trong phố xá, trong công viên, làng mạc chúng con. Chúa đã thôi chạy như khi xưa đã chạy theo bầy chiên lạc để đưa chúng vào đàn, gỡ gánh nặng cho chúng khỏi hư mất. Tất cả đã qua rồi. Dầu vậy Chúa chưa bỏ trần gian, Chúa không bỏ con cái Chúa. Nhưng lúc này chính họ phải tìm đến với Chúa. Dưới tấm màn Thánh Thể, Chúa ở lại đêm ngày. Chúa là “Tù nhân của nhà tạm”. (Prisonnier des Tabernacles). Ỡ đây có biết bao nhiêu sự từ bỏ! Còn con, con vẫn còn ngần ngại không từ bỏ được sự độc lập của mình. Con còn cao vọng không dâng cho Chúa cuộc đời, sức lực và thời giờ để làm sáng danh Chúa. Chúa đã ban mình Chúa cho từng người chúng con. Chúa muốn chúng con góp phần vào sự từ bỏ của Chúa. Liệu con có thể từ chối được không?

5. Vẻ dửng dưng bên ngoài

Trong Thánh thể, Chúa hiện diện thật sự nhưng mắt thịt không xem thấy. Quyền lực vô hạn của Chúa, chỉ do một lời phán, xuất hiện những thế giới từ hư vô và bảo tồn nó từng triệu thế kỷ. Sự toàn năng của Chúa tự ý che dấu nơi đây.

- Cuộc đời có chết khi xưa: quyền lực ấy tỏ ra nhiều lần trong Phúc Âm đã được ghi chép, nhất là để chữa người bệnh tật, chỉ một dáng điệu, một cái nhìn, một lời nói, một ý muốn họ được lành mạnh “ Omnes qui habebant infirmas variis languoribus ducebant illos ad eum. At ille curabat eos”.(Mọi người có bệnh nhiều thứ đưa đến ngài chữa lành tất cả”.

Có khi để chữa người chết, Chúa chỉ dùng một lệnh truyền ngắn ngủi, họ sống lại: “Hỡi Lararô hãy ra ngoài”.

Với kẻ thù, Chúa dễ dàng trốn thoát. “Ipse autem transiens per medium illorum ibat”. (Ngài bước giữa đám họ mà đi). Trong vườn cây dầu, những kẻ đến bắt Chúa, chỉ một lời hỏi họ đầu ngã ra.

- Đời sống Thánh Thể: chỉ một đôi khi như ở núi Tabo, quyền lực Chúa tỏa ra, Chúa đã làm phép lạ, cũng như ở Lộ Đức, Chúa đã chữa bệnh cho nhiều người mà bác sĩ đã xác nhận và chê bỏ để củng cố đức tin của họ. Chúa rất kiên nhẫn, yêu thương và tha thứ, không bao giờ trừng phạt dầu gặp những trường hợp bất cung kính, tục hóa đền thờ, xâm phạm nhà tạm, dày đạp Thánh Thề, có người rước Chúa để thách thức và làm nhục. Chúa chấp nhận tất cả. Đó là sự từ bỏ của Thánh Thề mà Chúa đã chịu và đang dạy chúng con bài học. “Chúa đã làm và Chúa đã dậy”. (Coepit facere et docere). Rồi Chúa còn bảo:” Ai muốn theo tôi thì hãy bỏ mình” (Si quis vult post me venire, abneget semetipsum)

B. Giới Hạn Những Từ Bỏ Của Chúa

1. Trong Giáo Hội: Giáo Hội là hiền thê của Chúa, rất tha thiết gắn bó và yêu mến Chúa. Chúa càng từ bỏ càng hi sinh sống hạ mình, Giáo Hội lại càng muốn tôn vinh Chúa hơn. Chính vì thế, ngay từ ban đầu Giáo Hội đã có sáng kiến và khuyến khích xây lên khắp nơi những ngôi nhà thờ nguy nga lộng lẫy vượt hẳn lên trên những ngôi nhà ở. Những ngôi nhà thờ này được xây ở giữa xứ đạo như để thắt chặt những sợi dây tinh thần huyền diệu và để cản ngăn, đồng thời nhắc nhở mọi tấm lòng đừng có quá tôn thờ vật chất mà quên đi tiếng Chúa Thánh Thể. Thế là các ngôi nhà thờ được mọc lên ở khắp nơi nhất là dọc theo các xa lộ. Rồi ở trung tâm các giáo phận lại có những đại giáo đường và nhà thờ chánh tòa đồ sộ nguy nga, với những ngọn tháp chuông cao ngất đầy kiêu hãnh.

Tại sao nữa bên trời xa trên sườn đồi Vatican, đại Thánh Đường Thánh Phêrô xuất hiện như một biểu hiệu của trung tâm Giáo Hội Công Giáo, mà không nhà thờ nào trên thế giới có thể sánh kịp về kích thước và vẻ đẹp. Lại còn đá quý, cẩm thạch, kính mầu, các đồ trang trí bằng đồng, bạc, vàng rất quý hiếm!

Phải, tất cả để làm gì những thứ đó? Tất cả chỉ là để che chở Mình Thánh và để cho con cái Chúa mọi giờ phút có thể đến họp lại ở chung quanh Ngài.

2. Trong Đời Sống Các Giáo Xứ

Nếu chỉ xây nhà thờ dù đẹp đẽ và lộng lẫy mấy thì Giáo Hội vẫn chưa làm đủ, vì Chúa muốn sống quá ẩn dật. Giáo Hội còn chú ý tổ chức các nghi lễ phụng vụ với nhiều chi tiết ý nghĩa để chỉ nhắm một mục đích là “làm cho người ta chú ý đến sự hiện diện của Thánh Thể”.

Sao lại còn có hoa, đèn, hương, nến được đặt chung quanh nhà tạm?

Sao có bái gối, bái quỳ, bái sấp?

Sao có xông hương đi lại với những tiếng hát tiếng nhạc đàn ca kêu gọi và hòa âm trầm hùng, làm rung chuyển cả vòm nhà thờ và phấn khích tâm hồn giáo dân?

Sao có những cuộc rước kiệu Thánh Thể đi qua các phố xá, làng mạc rất trọng thể với nhiều cờ xí, biểu ngữ, nhà quét trắng, đường trải thảm và toàn dân đi theo kiệu Chúa Thánh Thể và hân hoan hát:”Benedictus qui venit in nomine Domini. Hosanna! Filio David! (Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Hoan hô! Con Vua Davit!). Tất cả chỉ là để tôn thờ, chúc tụng, ca mừng và đền tạ Thánh Thể của Chúa.

3. Trong Đời Sống Linh Mục Của Tôi

Tại sao tôi là một người đã được Chúa chọn, mỗi ngày và nhiều lần, tôi đã biết đến quỳ dưới chân nhà tạm. Tư tưởng về Thánh Thể đã chiếm địa vị lớn trong đời tôi. Trong tôi đã có được tâm hồn Thánh Thể, chính là nhờ tôi đã hiểu ra điều này:”Con người linh mục cốt yếu phải là “Le serviteur de l’Hostie” (Người phục vụ Thánh Thể) với tất cả những ý nghĩa thánh thiện phát ra từ đó. Do đấy, tôi phải phục vụ chân thành, âu yếm và tận tình để các tâm hồn nhận biết và cùng phục vụ chung.

III. PHẦN CẦU XIN

Chúa đã yêu thương thế gian và yêu thương chúng con. Chúa đã thực hiện tất cả mọi sự từ bỏ để hướng dẫn và dậy dỗ chúng con. Ngày nay, có nhiều hội đoàn và Phong trào giới trẻ đang được hướng dẫn để tìm đến với Chúa Thánh Thể trong đó có Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Xin Chúa thương ban ơn và hướng dẫn để nhiều người trong họ có được tâm hồn Thánh Thể để họ sống và hoạt động theo thánh ý Chúa hầu làm tông đồ cho giới trẻ tại đây. Amen!


BÀI 9: CHẦU THÁNH THỂ
(Visit au très Saint Sacrament)
(Tĩnh tâm chuẩn bị lãnh chức VI: Phó Tế)

Sống Mật Thiết Với Chúa Thánh Thể

I. Phần Thờ Lậy

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Biết bao lần con đã quỳ trước Mình Thánh Chúa trong nhà thờ này. Có khi nhiều lần trong ngày con đã đến với Chúa: sáng, trưa, chiều, tối. Mỗi tuần con đến bao nhiêu lần….. mỗi tháng con đến bao nhiêu lần….mỗi năm bao nhiêu lần….hôm nay con nghe Lời Chúa trách tông đồ Philipphê: “Thầy đã ở với anh bao lâu rồi mà anh không nhận ra Thầy” (Tanto tempore vobiscum sum et non cognovistis me). Các Tông Đồ đã theo Chúa 3 năm, buổi chiều tối Chúa lập phép Thánh Thể, các ngài cũng vẫn chưa hiểu Chúa….còn con đây cũng biết bao năm con đã tiếp xúc với Chúa, bao lần viếng Chúa, bao lần rước lễ, bao lần chầu Thánh Thể…. Hôm nay, con xin cho con ơn hiểu biết và cảm nhận được sự giàu có và cao trọng trong nhà tạm tức là Thánh Thể Chúa cũng là Mình Thánh Chúa.

II. Phần Suy Niệm và Học Hỏi

A. Vượt qua tấm màn che nhà tạm

Bỏ qua giá trị của bình vàng được trang trí đẹp… Tất cả là không có gì có thể so sánh với Mình Thánh Chúa. Từ khi vị linh mục đọc lời: “Này là mình Ta” thì hình bánh chỉ còn là một cái màn che, bên trong đó là thân xác, linh hồn và bản tính của Ngôi Lời nhập thể, Con Thiên Chúa ngự trong đó.

B. Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể

Nhìn ngắm Chúa cho kỹ, con thấy các tấm màn che buông ra dần dần: cửa nhà chầu, áo nhà chầu, bình đựng, hình bánh….tất cả đều biến đi trước ánh sáng của sự hiện diện của Chúa. Qủa thực Chúa hiện diện trong hình bánh trước mặt con đây.

Con nhận ra Chúa: Thân xác qua sự chết và sống lại còn giữ những vết thương đẫm máu như những bằng chứng bắt buộc con phải biết ơn và yêu mến. Những vết gai làm rách sâu ở trán ở mặt, những vết sâu trên ngực, trên vai, trên lưng do các vết roi da, lỗ đinh ở chân tay, cạnh sườn mở ra… tất cả là hình ảnh của Chúa Giêsu đã chịu đau khổ vì yêu thương con và nhân loại. Tất cả đều là bằng chứng rõ rệt cho tình yêu của Chúa.

C. Thánh Thể mạc khải về Đức Chúa Cha

Mình Thánh chứa đựng Thiên Chúa dầu mắt con không trông thấy, điều đó con đã biết và con đã tin.

Thần tính đã bị che giấu, nhưng vẫn là cái gì sống động biểu lộ về Đức Chúa Cha, vẫn là sự biểu lộ bản thể của tư tưởng Đức Chúa Cha…..tức là là Ngôi Lời của Ngài.

Như vậy, chính trong Chúa Ngôi Lời, mà tự đời đời, Đức Chúa Cha đã diễn tả tất cả những điều Ngài nghĩ, Ngài muốn và Ngài là. Thánh Thể chính là cuốn sách diễn tả Đức Chúa Cha. Xin cho con được hiểu Chúa mỗi ngày một hơn về mầu nhiệm này: có Thánh Thể là có tất cả.

D. Gương mẫu các Thánh đã yêu mến Chúa Thánh Thể

Càng đọc gương mẫu các vị Thánh yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, con nhận thấy có rất nhiều vị thánh quỳ gối lâu giờ, hầu như bất động, không biết mỏi mệt….mắt dán vào cửa nhà tạm. Con thèm khát và muốn được như họ:

1. Thánh Curé d’Ars, Gioan Vianny thấy cứ sau trưa có một người đàn ông vào nhà thờ quỳ đủ 1 giờ, chỉ nhìn Chúa mà không làm gì. Ngài đã hỏi và ông đáp: “Moi, je ne fais rien: je l’avise et il m’avise” (Tôi, tôi không nói gì cả, tôi chỉ nhìn Chúa và Chúa nhìn tôi)

2. Có những vị thánh khi gặp những vấn đề khó giải quyết và không giải quết được, vội vã đến gần rất sát bên nhà tạm để nghe lời Thầy chỉ dẫn…..đó là Thánh St. Thomas d’Aquin. Một ngày kia Ngài đã nghe thấy tiếng Chúa nói: “Tu as parlé bien de moi, Thomas” (Con đã nói rất tốt về Cha)

3. Một hôm thánh Stanislas Kostka làm nhiều việc sám hối, anh em bạn coi ngài như hạng khờ. Khi qùy trước Thánh Thể ngài nghe tiếng Chúa nói giọng âu yếm “Oh mon petit fou”. (Ôi thằng khờ của Cha). Ngài ngước mắt lên nhà tạm trả lời êm nhẹ “Vous avez encore été pourtant plus fou que moi” (Chúa còn khờ hơn con nữa mà!)

III. Phần Cầu Xin

Xin cho con vững tin ngày một mạnh mẽ hơn vào sự hiện diện đích thực của Chúa trong nhà tạm này và trong mọi nhà tạm con gặp. Con chân thành cầu nguyện cho tất cả qúy anh chị em trong nhóm Cầu Nguyện Gia Đình Thánh Gia được lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày một hơn. Amen!


BÀI 10: GIỜ CHẦU THÁNH THỂ
(Visite au très Saint Sacrament)
(Tĩnh tâm chuẩn bị chịu chức Linh Mục)

LỜI MỜI GỌI CỦA THÁNH THỂ

I. PHẦN THỜ LẠY

Hôm nay con đến với Chúa để học hỏi về những dấu hiệu mới của lòng tín thác. Con biết Chúa đã tín nhiệm con và đã chọn gọi con. Tuy vậy, nhiều lần con vẫn còn lầm lỗi, nhiều lần con đã hứa sống thân mật với Chúa, sống bên cạnh Chúa mà rồi con vẫn không nghĩ tới Chúa. Nhiều khi con ở ngay trong nhà thờ mà lòng con vẫn không rung động với Chúa. Con biết rõ Chúa đang ngự trong hình bánh đặt trong bình thánh, biết rõ để có thể cãi lại được những ai tỏ ra không tin. Con mới chỉ hiểu Chúa theo đầu óc, lý trí, luận lý như một bài học…. con chưa đặt lòng mến, trái tim và đời sống của con vào Chúa.

Chiều nay, con xin Chúa tập phá đi những tảng băng giá lạnh đang bao phủ quanh lòng con, làm cho nó không biết rung động trước tình yêu của Chúa.

II. PHẦN SUY NIỆM

Qủa thật vì yêu thương con và nhân loại mà Chúa đã ở lại trong nhà tạm này và các nhà tạm trên khắp thế giới.

A. Chúa đã muốn thiết lập nên nhiều nhà tạm

Thế giới sẽ u buồn và trống rỗng biết bao, nếu theo luật của Cựu Ước, chỉ có một thánh đường làm nơi Chúa ngự. Thiên Chúa giàu sang vô cùng, nhưng trong Cựu Ước, Chúa đã muốn như thế, để bắt buộc dân tộc cứng lòng phải khổ công tưởng tượng… chỉ có một nơi! Một đền thờ lộng lẫy nguy nga được xây dựng trên núi Moriah … Để cầu nguyện, người Do Thái đã phải hành trình đến Jerusalem như chính Chúa khi xưa nhiều lần đã làm, vào dịp lễ Vượt Qua, hoặc họ chỉ hướng về đền thánh bằng lòng trí và thân xác. Chính Chúa cũng đã thực hành như vậy. Mà nếu như thế, thì chỉ có một miền nào trên trái đất được gọi là “đất thánh”, vì nó đã được in vết chân của Chúa. Chỉ có một vùng đất ấy đã được hân hạnh tiếp nhận Chúa và chiếm hữu Chúa….. Vậy Thánh Thể cũng có thể chỉ có một đền thờ để Chúa ẩn ngự, có một nhà tạm để tồn giữ Chúa… có một nơi để tế lễ… có một bàn thờ…. có một Bình Thánh trên khắp thế giới.

Nhưng con đã thấy những Mình Thánh nhỏ bé tràn ngập khắp nơi trên trái đất. Một sự đổi mới lạ lùng mà mọi tâm hồn có thể lợi dụng được: không xa cách, không hạn chế…. Chúng con sẽ không mồ côi…..Chúa vẫn tiếp tục sống ở trần gian. Chúa vẫn là Emmanuel. Kho tàng cao qúy biết bao đã được ban cho loài người!

B. Chúa kêu gọi lập nên nhiều nhà tạm vì yêu thương

Chúa trở nên Mình Thánh không phải vì Chúa, nhưng vì chúng con. Chúa sáng kiến cách hiện diện đó là vì chúng con. Chúa muốn trên trái đất này có bao nhiêu đám người triệu tập lại, thì cũng có bấy nhiều nhà tạm. Mỗi giáo xứ có nhà tạm….. mỗi dòng tu, nhà thương, trường học, chủng viện, cộng đoàn đều có nhà tạm.

Bất kể ở đâu, hễ có những tâm hồn cần được an ủi và nâng đỡ, bổ sức, dưỡng nuôi…. dầu số ít hay số nhiều… thì đều có thể dựng nên nhà thờ, trong nhà thờ có bàn thờ, trên bàn thờ có nhà tạm và trong nhà tạm có Thánh Thể. Qủa thật Mình Thánh đã biến đổi thế giới rất nhiều, khích lệ thế giới xây lên những ngôi nhà thờ đồ sộ nguy nga mà đức tin còn cho thấy vẫn chưa đủ. Rồi nhất là tấm Bánh Thánh Thể nhỏ bé, bên ngoài trông qúa khiêm tốn, vậy mà đã trở thành trung tâm tập trung cho các tâm hồn thờ lậy. Người ta sống chung quanh nó, người ta trưởng thành và chết cũng chung quanh nó. Trái đất và các tâm hồn chìm đắm trong hào quang nóng sáng của nó và sẽ bị thiêu đốt: “Ignem veni mittere in terram! Et quid volo nisi ut accendatur! (Ta đã đem lửa vào thế gian. Ta muốn gì nếu không phải là để nó cháy lên!)

C. Chúa kêu gọi lập nên nhiều nhà tạm vì tôi.

Trong giáo xứ này, để duy trì và phát triển tình yêu của những người đến với Chúa, Chúa đã lập nên ngôi nhà thờ này. Trong nhà thờ có nhà tạm, Chúa ngự trong nhà tạm ngày đêm là vì con. Chúa theo dõi con bằng cái nhìn chăm chú. Chúa chờ đợi con đến viếng thăm Chúa. Chúa sẽ vui khi con đến với Chúa dù vắn hay dài, để nâng đỡ sự quanh hiu của Chúa, để con an ủi Chúa và Chúa yêu thương con.

Vâng, Thánh Thể chờ đợi con! Kêu gọi con! để khuyên bảo con sống tốt hơn, thánh thiện hơn và chú trọng đến cuộc sống tâm linh và phần rỗi linh hồn nhiều hơn.

Chúa còn tạo nên điều kiện để giúp chúng con có được một nhóm anh chị em đồng chí hướng như những người bạn Công Giáo tốt cảm nhận được lời mời gọi. Họ đã dấn thân đến với Chúa và còn đang khích lệ nhiều người khác nữa đến với Chúa.

III. PHẦN CẦU XIN

Tiếng gọi của Thánh Thể con nghe vẫn chưa rõ! Con còn chú ý đến các công việc, các mối giao tiếp bên ngoài nhiều quá. Con cần đi vào đời sống nội tâm để suy nghĩ những lời Chúa hướng dẫn con vào cuộc đào luyện. Trong đời sống đức tin và tu đức, Chúa chính là vị linh hướng vĩ đại nhất và quan trọng nhất.

Xin Chúa dạy con hiểu rõ tại sao Chúa muốn hiện diện trong nhà tạm ở nhà thờ này, nếu không phải để cho chúng con được sống thân mật với Chúa hơn tại đây! Amen!

Msgr. Francis Phạm Văn Phương
thuộc Tổng Giáo Phận Atlanta
Địa chỉ: 26 Easy street
Riverdale, GA 30274
Phone: 404 423 7946
Email: msgrphuong@aol.com