THUỘC “SỐ ÍT NHỮNG BẠN TÂM PHÚC”

Lễ Thánh Têrêsa Avila, Bổn Mạng Học Viện MTG.Qui Nhơn[1]

(Thứ Năm tuần 28 TN - 15.10. 2020)

Một trong những điều làm tôi ấn tượng nhất về Thánh Têrêsa Avila là tên danh hiệu riêng của ngài để phận biệt với các thánh Têrêsa khác và cũng để ghi nhận một chiều kích linh đạo và cảm nhận thiên linh của ngài: đó là Têrêsa của Chúa Giêsu.

Thật ra, bất cứ ai là “Kitô hữu” cũng là “của Chúa Giêsu và thuộc về Người” hết, vì “Không có Người, chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3) và “vì trong Người, muôn vật được tạo thành” (Col 1,16); nhưng người ta cho rằng, sở dĩ thánh Têrêsa Avila có danh hiệu đặc biệt nầy vì liên quan đến một giai thoại: Hồi ngài ở đan viện Toledo, một ngày kia, ngài bỗng thấy một cậu bé khôi ngô, thánh nữ ngạc nhiên dừng bước hỏi: “Này em, em tên gì?”. Cậu bé không trả lời ngay, nhưng hỏi ngược lại: “Thưa bà, vậy bà tên chi?”. Thánh Nữ đáp: “Tôi tên là Têrêsa của Chúa Giêsu”. Cậu bé mỉm cười rất dễ thương tiếp lời: “Tôi, tôi tên là... Giêsu của Têrêsa!”. Nói xong, cậu bé "Giêsu của Têrêsa" biến mất...

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII rất thích giai thoại này. Ngài ghi lại trong quyển nhật ký của Ngài mấy dòng tư tưởng sau đây: “Tôi phải sống thế nào để Chúa Giêsu cũng nói với tôi, như thuở xưa Ngài đã nói với Thánh Têrêsa thành Avila: “Tôi tên là Giêsu của Têrêsa”. Vậy tiên vàn, tôi phải là Angêlô của Chúa Giêsu trước đã...”[2].

Vâng, sống cái niềm xác tín được thuộc trọn về Chúa Giêsu, của Chúa Giêsu, thật ra không đợi đến thời Têrêsa Avila mà đã được chính Thánh Phaolô đã từng giáo huấn và kêu gọi cộng đoàn Êphêsô sống và thực hành ngay từ những ngày khai sinh Giáo Hội, như chúng ta nghe nơi Bài đọc 1: “Chiếu theo thánh ý của Ngài, Ngài đã tiền định cho chúng ta được phúc làm con nhờ Đức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta trong Con yêu dấu của Ngài.”. Chỗ khác Thánh Phaolô cũng đã từng phát biểu: “Tôi sống, không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2,20).

Tuy nhiên, với Thánh nữ Têrêsa Avila thì quả thật chân lý đó đã được sống trọn vẹn, sâu sắc, và cho tới chết, như cách “linh cảm về giây phút hấp hối” mà ngài ghi lại trong nhật ký thiêng liêng của ngài: “Lạy Chúa và Hôn phu của con, giờ mong đợi đã đến. Đây là lúc chúng ta hội ngộ. Người Yêu của con, Chúa của con, đã đến giờ ra đi. Giờ đã đến. Xin cho ý Chúa thể hiện. Vâng, đã đến giờ con từ bỏ cõi lưu đày này và là giờ hồn con vui hưởng Chúa, Đấng con hằng khao khát.”; và Thánh nữ Têrêxa ra đi về nhà Hôn phu, “khuôn mặt bừng cháy như mặt trời”. Ngài đã linh cảm được giây phút này và tả lại nó trong một tác phẩm của mình: “Con bướm vàng bé nhỏ đã chết trong niềm vui mênh mang là tìm thấy nơi an nghỉ, và Chúa Kitô sống trong nó… Nguyện cho Người được mọi tạo vật chúc tụng và tán dương đến muôn đời.”[3].

Để có được cảm nghiệm thiêng liêng sâu sắc và sống hết mình cho niềm xác tín đó không phải là câu chuyện của một sớm một chiều mà là một phấn đấu có thể nói được là “trầy vi tróc vảy”; chính kinh nghiệm nên thánh và công cuộc canh tân Dòng Kín của thánh nữ Têrêsa Avila đã nói lên điều đó; gần như cả lực lượng của “ba thù: ma quỷ, thế gian và xác thịt” đều đồng loạt đứng lên tấn công dồn dập. Đặc biệt, trong công cuộc canh tân Dòng Cát Minh để đem đời sống các tu sĩ trở về nguồn cội chiêm niệm và khổ chế ban đầu, ngài đã vấp phải một làn sống chống đối, cản ngăn kịch liệt từ chính các tu sĩ và giới tăng lữ lúc bấy giờ. Với điều nầy, quả thật, ngài chẳng khác Chúa Giêsu là mấy; chính Chúa Giêsu cũng đã nếm mùi đắng cay và trả giá cho cuộc canh tân lề luật và đời sống đức tin bằng chính cái chết thập giá mà Tin Mừng hôm nay là một dự báo: “Khi người phán bảo cùng các biệt phái và tiến sĩ luật những lời đó, thì họ bắt đầu oán ghét Người một cách ghê gớm, và chất vấn Người về nhiều vấn đề, cố gài bẫy Người để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Người thốt ra chăng.”

Chúng ta đừng quên thánh Têrêsa sinh ra, lớn lên và sống ơn gọi thánh hiến vào một thời đại nói được là đầy nhiểu nhương và biến động của Hội Thánh (Sự tha hoá, suy đồi trong hàng ngũ Giáo phẩm, Giáo sĩ, Tu sĩ; cuộc ly khai và cải cách của Tin lành…); nhất là sự biến chất và tinh thần thế tục đã tràn vào đời sống nơi các tu viện kể từ khi Đức Giáo Hoàng Eugenio IV vào năm 1482 chấp nhận cho phép các tu sĩ được giảm khinh luật chiêm niệm và khổ chế để được tự do và thoải mái; và đến thời của thánh nữ Têrêsa, tình trạng tu trì nơi các tu viện xuống cấp trầm trọng, đến độ chính ngài đã nhận định rằng: “Ôi, thật là một tai hại khủng khiếp! Tai hại kinh khủng, khi người tu mà lại không giữ đạo! Tuổi trẻ, nhục dục, thúc đẩy họ hướng về thế gian… Nếu các cha mẹ nghe theo lời tôi, thì vì danh dự của mình, nên suy nghĩ trước khi đưa con mình vào đó. Vì ở đó, họ gặp nguy hiểm hơn ngoài đời. Họ nên gả con gái mình dù không môn đăng hộ đối hoặc giữ chúng ở nhà”[4]. Và đó cũng là thời mà việc chọn lựa sống đời tu hoàn toàn mất phương hướng như một nhận định thời đó đã ghi lại: “đan viện còn trở thành nơi ẩn náu của các thiếu nữ nghèo khó bị thế giới ruồng bỏ, hoặc của những người muốn ẩn mình trong đan viện để được sống theo sở thích của mình.”[5].

Và rồi Chúa đã dùng một con người liễu yếu đào tơ để, như kiểu nói của thi sĩ Cao Bá Quát trong Tài Tử Đa cùng phú, “quyết xây bạch ốc lại lâu đài, quyết ném thanh khâm sang cẩm tú”. Ngày 24.8.1562, tu viện Cát Minh canh tân đầu tiên do thánh nữ thiết lập được khánh thành mà nét phác thảo linh đạo đó chính là: “Mỗi nữ tu Cát Minh phải thay thế những kẻ không yêu mến hay yêu mến quá ít, phải thay thế những kẻ không cầu nguyện hay cầu nguyện lơ là và phải hiến toàn thân để cứu rỗi thế gian và cứu rỗi các linh hồn, phải hiến toàn thân cho Hội thánh, cho các linh mục”[6].

Thế hệ chúng ta cách xa thánh nữ Têrêsa hơn 4 thế kỷ (Ngài qua đời ngày 15.10.1582 – Cách đây đúng 438 năm), nhưng cuộc sống thánh hiến và kinh nghiệm hoàn thiện theo Tin Mừng của ngài thì thật gần gũi và hoàn toàn thích hợp để chúng ta cùng noi gương bắt chước. Đứng trước một Giáo Hội, nhất là cuộc sống đời tu, đang đối mặt với những thách đố trầm trọng về trào lưu tục hoá và những cám dỗ tự do tháo thứ, cuộc đời, sứ điệp và linh đạo của thánh Têrêsa là vì sao sáng, là ngọn đuốc soi đường. Dĩ nhiên, sống được như ngài, chọn lựa nẻo nên thánh của ngài, hay nói cách khác, để trở nên “bạn hữu với Chúa Kitô” như ngài, sẽ không có nhiều người đâu, như cách ngài từng trách yêu với Chúa: “Đúng rồi, có gì lạ đâu, chính vì thế mà Chúa có ít bạn tâm phúc!”[7].

Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau để cũng được thuộc vào “số ít bạn tâm phúc đó”. Amen.

Trương Đình Hiền

[1] Ghi chú riêng: Hôm nay, ngày 15/10 nhằm Thứ Năm tuần 28 Thường Niên, Hội Thánh cử hành phụng vụ Lễ Nhớ buộc: Thánh nữ Têrêsa Avila, đồng trinh, tiến sĩ Hội Thánh. Riêng với Học Viện Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn tại Ghềnh Ráng nầy thì đây là ngày lễ Truyền thống Bổn mạng. Thánh nữ Têrêsa sinh ngày 28 tháng 3 năm 1515, tại Avila, nước Tây Ban Nha, trong một gia đình quý tộc nhưng đông con (8 trai 3 gái) và đạo đức. Thánh nữ qua đời ngày ngày 15.10.1582 hưởng thọ 67 tuổi. Năm 1622 đức Gregoriô XV phong ngài lên bậc hiển thánh. Năm 1970 Đức Phaolô VI tôn phong ngài lên hàng tiến sĩ của Giáo Hội. Cùng với 3 vị thánh đương thời: Đa Minh, Phanxicô Assisi và Gioan Thánh Giá, thánh nữ Têrêsa được xem là một trong 4 cột trụ của thời Trung cổ. Thánh nữ đã để lại cho Hội Thánh những gia tài thiêng liêng quý báu qua các bút tích như Con đường đi đến toàn thiện, Lâu đài nội tâm, Quyển sách của những nền tảng…; nhưng dấu ấn quan trọng của cuộc đời thánh hiến và phục vụ Hội Thánh của ngài là công cuộc canh tân Dòng kín Cát Minh và thiết lập 16 tu viện nữ và 14 tu viện nam để sống theo con đường canh tân thiêng liêng nầy…

[2] Nguồn: Trang mạng Tổng giáo phận Sài Gòn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/ngay-15-10-thanh-teresa-avilatrinh-nutien-si-hoi-thanh-45298

[3] ENZO LODI, Ngày 15/10: Thánh Têrêsa Avila - Trinh nữ, Tiến sĩ Hội Thánh (1515-1582). Nguồn: Trang mạng Tổng Giáo Phận Hà Nội:

https://www.tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/hanh-cac-thanh/12698-ngay-15-10-thanh-teresa-avila-trinh-nu-tien-si-hoi-thanh-1515-1582.html

[4] SR. MARIA DÒNG NỮ TỲ THÁNH THỂ, Đời thánh hiến dưới mắt thánh Têrêsa Avila. Nguồn: Trang mạng Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể:

http://www.dongnutythanhthe.net/doi-thanh-hien-duoi-mat-thanh-teresa-avila.html

[5] Ibid.

[6] Ibid.

[7] Nguồn: Trang mạng Tổng giáo phận Sài Gòn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/ngay-15-10-thanh-teresa-avilatrinh-nutien-si-hoi-thanh-45298