Năm nay Hội Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam mừng kỷ niệm 350 năm Hội Dòng được thành lập do Đức Cha truyền giáo Pierre Lambert de la Motte cho Giáo hội Việt Nam.

Chi nhánh hội Dòng Mến Thánh Giá Gòvấp, tu viện lòng Chúa thương xót ở thành phố Bonn bên nước Đức mừng kỷ niệm thánh đức này vào ngày chúa nhật 27.09.2020 ở Bonn.

NHỚ VỀ NGUỒN GỐC

Từ thế kỷ 17. các Vị Thừa Sai từ u châu sang loan truyền giáo lý Công Giáo trên quê hương đất nước Việt Nam.

Vì giáo lý đạo Công Giáo qúa mới lạ khác với văn hóa tôn giáo Việt Nam thời chế độ vua chúa lúc đó, và nỗi lo sợ bị đe dọa thách thức không chỉ về phương diện tập tục văn hóa tôn giáo cha ông xưa nay trong dân gian, mà còn cả về phương diện chính trị kinh tế lúc đó. Nên đã xảy ra sự hiềm khích kỳ thị đưa đến cấm cách bắt bớ trục xuất không cho các vị Thừa Sai giảng đạo Công Giáo trong xã hội Việt Nam. Dẫu vậy, các vị Thừa sai vẫn tìm cách lẩn trốn dấn thân hy sinh, dù gặp những khó khăn bị cấm cách bắt bớ hằng nỗ lực tiếp tục công việc truyền giáo đạo Công Giáo giữa lòng xã hội đất nước Việt Nam.

Về phương diện truyền giáo đạo đức tinh thần, các Thừa Sai là những vị linh hướng thầy dậy khai mở truyền đạt con đường đức tin giáo lý Công Giáo cho người tín hữu Công Giáo Việt Nam.

Về phương diện xây dựng tổ chức thành lập cấu trúc sao cho đời sống sinh hoạt đạo giáo được phát triển vươn lên và duy trì, các Vị là những „người cha đẻ, những kiến trúc sư sáng tạo mở đường“ cho những tổ chức sinh hoạt văn hóa đạo trong lòng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Từ năm 1615 đã có những vị Thừa sai sang mở đường truyền giáo bên Việt Nam, và sau đó có hàng trăm, cũng có thể hằng ngàn những vị Thừa sai khác cũng đã theo chân bậc cha ông đàn anh nốt gót sứ vụ đạo đức dấn thân sang truyền giáo bên Việt Nam.

Các vị Thừa sai đã không chỉ nỗ lực hy sinh giảng dạy rao truyền giáo lý Công Giáo cho con người, nhưng các ngài còn vận dụng xây dựng mở mang nước Chúa qua những công trình xây dựng các ngôi thánh đường nguy nga mang nét đặc trưng văn hóa Kitô giáo theo phong cách nghệ thuật u châu.

Hai khuôn mặt nổi bật với công trình sáng tạo cấu trúc văn hóa cho sinh hoạt đạo đức Công Giáo phát triển duy trì sống động được biết nói đến nhiều hơn cả là Cha Alexander De Rhodes và Đức Cha Pierre Lambert De la Motte.

1. Linh mục Alexander de Rhodes - theo tiếng Việt Nam chuyển âm gọi ngài bằng tên Alịch Sơn, hay cũng bằng tên Cha Đắc Lộ - là tu sỹ Dòng Chúa Giêsu sinh ngày 15. 01. 1591 hay 1593 ở Avignon bên nước Pháp, và qua đời ngày 05.11. 1660 ở Isfahan bên nước Iran.

Cha Đắc lộ sang truyền giáo bên Việt Nam ở Đàng Trong từ năm 1624 đến năm 1626. Đến truyền giáo ở Đàng Ngoài từ ngày 19.03.1627 cho tới tháng Năm 1630. Bị trục xuất trở sang Macao truyền giáo. Trở lại truyền giáo ở Đàng trong từ tháng 12.1640 đến tháng 7.1645. Từ tháng 12.1645 ngài trở về u châu rồi đi truyền giáo bên Iran và qua đời tại Ispahan ngày 05.11.1660.

Những năm tháng dấn thân hy sinh truyền giáo ở Việt Nam, ngoài việc truyền dậy gíao lý, ban các phép Bí Tích, ngài là người đã có công hoàn thành Chữ Quốc Ngữ, viết theo những vần mẫu tự Latinh, mà trước đó các vị Thừa Sai đi trước đã có công sáng tạo ra chỉ với mục đích để cho công việc rao truyền dậy giáo lý cho dân chúng được thuận tiện dễ dàng thôi.

Nhưng không ngờ Chữ Quốc Ngữ do các Vị Thừa Sai sáng tạo ra lại phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp dân chúng xã hội, và được công nhận dùng là chữ chính thức của quốc gia thay cho Chữ Nôm.

Đây là một công trình sáng tạo, một dấu vết văn hóa bén rễ sâu trong nếp sống xã hội Việt Nam. Công trình văn hóa Chữ Quốc Ngữ khai sinh mở ra con đường căn cước tính riêng biệt cho dân tộc Việt Nam về phương diện chữ viết.

Sang truyền giáo Cha Alexander de Rhodes cũng đã nghĩ đến việc có người giúp cùng nối tiếp công việc truyền gáo duy trì cho bên vững. Vì thế ngài tiếp tục phát triển Hội Các Thầy Giảng, cho phái nam mà trước đó năm 1637 Cha thừa sai Gapar de Amaral đã thành lập. Các Thầy Gỉang được tuyển chọn giữa các nam thanh thiếu niên có đời sống đạo đức muốn hiến thân hy sinh phục vụ nhà Chúa. Họ có nhiệm vụ giúp các Cha và thay thế các Cha giảng dậy giáo lý trong trường hợp các cha không thể có mặt vì bị cấm cách, bị trục xuất.

Hội các Thầy Giảng là tiền thân Domus Dei mà sau này được thành lập dưới quyền của vị Giám mục địa phương, để đào tạo ơn kêu gọi linh mục bản xứ.

2. Về phía nữ tu, Đức Cha Pierre Lambert de la Motte năm 1670 đã thành lập Dòng Mến Thánh Gía.

Cha Pierre Lambert de la Motte sinh ngày 16.01.1624 ở Lisieux bên nước Pháp. Lớn lên ngài theo học ngành luật và trở thành luật sư làm việc tại Nghị Viện Paris. Nhưng Lambert de la Motte vẫn có chí hướng nghiêng thiên về tâm linh sinh hoạt tôn giáo và xã hội. Đã có lần ngài viết ra tâm tư của mình: chỉ thiết tha một điều là chết đi cho trần gian và sống cho một mình Thiên Chúa.

Với tâm nguyện đó, ngài từ bỏ con đường sự nghiệp luật sư, xin vào sống theo đuổi con đường tu trì và trở thành linh mục thừa sai cho vùng Đông Á.

Ngày 29.07.1658 Đức Giáo Hoàng Alexander VII. đã cắt cử linh mục Lambert de la Motte làm Giám mục đại diện Tông Tòa miền truyền gíao Đàng Trong Việt Nam và miền Nam Trung Hoa

Là Giám mục truyền giáo, nên Đức Cha Lambert de la Motte nỗ lực xây dựng hàng Giáo sĩ Việt Nam rất tích cực. Ngài lập chủng viện thánh Giuse, phong chức linh mục cho những linh mục Việt nam đầu tiên ở Tháilan Juthia, rồi ở Việt nam địa phận Đàng Ngoài và địa phận Đàng Trong.

Ngài tổ chức Công Đồng Phố Hiến năm 1670, phát triển Giáo Phận Đàng Ngoài lập ra cơ chế „ Nhà Đức Chúa Trời“ để đào tạo nhân sự phục vụ cho công việc truyền giáo.

Ngài qua đời ở Juthia Thailan ngày 15.06.1679

Trước đó thời Cha Alenxander de Rhodes và các vị Thừa Sai khác, cũng đã có những người phụ nữ tụ họp sống chung với nhau theo tôn chỉ đạo đức muốn dâng mình cho Chúa, phục vụ việc nhà Chúa.

Ngày Thứ Tư lễ Tro,19.02.1670 đức Cha Lambert de la Motte chính thức tiếp nhận Lời Khấn của hai chị nữ tu Ane và Paula tại Phố Hiến điạ phận Đàng Ngoài, và xác định tên gọi cùng hiến pháp của tu hội với danh hiệu „ Dòng Nữ Mến Thánh Giá Đức Giesu Kitô“. Đó là ngày khai sinh Dòng Nữ Mến Thánh giá đầu tiên trên Á Châu và trên Việt Nam.

Sau đó năm 1671 đức Cha De la Motte còn lập Dòng Mến Thánh Giá ở An Chỉ địa phận Đàng Ngoài

Năm 1672 ngài lập Dòng Mến Thánh Gía ở Thailan. Trong dòng thời gian lịch sử, Dòng mến Thánh Giá đã lan tỏa sang Campuchia năm 1772, sang Nhật Bản năm 1878 và vương quốc Lào năm 1887.

Cho tới ngày nay các giáo phận trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đều thành lập Dòng Mến Thánh giá riêng cho mỗi giáo phận.

Hai Vị Thừa Sai này là cha đẻ góp công xây dựng phát triển Giáo Hội Công Giáo Việt Nam còn để lại dấu tích văn hóa cùng cung cách sinh hoạt đạo đức rõ nét nổi bật nhất:

Linh mục Thừa sai Alexander de Rhodes với công trình sáng tạo Chữ Quốc Ngữ và Hội Thầy Giảng cho phái nam.

Đức Cha Pierre Lambert de la Motte với công trình sáng lập Dòng Mến Thánh Giá cho phái nữ, và cơ chế Nhà Đức Chúa Trời cho việc đào tạo linh mục trong lòng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Sự sáng lập Dòng nữ Mến Thánh Giá của Đức Cha Lambert de la Motte năm 1670 mang ý nghĩa tầm vóc rất to lớn, và chỉ có thể so sánh với Hội Thầy Giảng do Dòng tên cùng cha Alexandre de Rhodes sáng lập ra trước đó. ( Klaus Schatz, P. Alexander de Rohes und die fruehe Jesuitenmission in Viet Nam, Aschendorf Muenster 2015, tr. 211)

Năm 2009 Giáo hội Việt Nam đã đệ đơn xin Tòa Thánh phong Chân phước cho Đức Cha Lambert de la Motte, vì công đóng góp xây dựng phát triển Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

2. Châm ngôn linh đạo

Khi thành lập hội Dòng Mến Thánh Giá, Đức Cha Lambert de la Motte đã chọn châm ngôn linh đạo cho hội Dòng: „ Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con.“

Châm ngôn linh đạo căn bản này nói lên tâm tình lòng xác tín, như Thánh Phaolô tông đồ đã viết: „ Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá. ( 1. cor, 2,2)

Thập giá không chỉ là hình ảnh dấu chỉ riêng của người tín hữu Chúa Kitô. Hình ảnh thập gía có lịch sử cổ lâu hơn trước đó, và là hình ảnh đã được lan truyền rộng rãi dưới nhiều hình dạng khác nhau, như là vòng bánh xe mặt trời, như thập gía chéo hình chữ X Thánh Andre, thập giá Giáo Hội Chính Thống, hay như hình chữ T ( Tau) trong mẫu tự Hylạp.

Cây thập gía trải ra bốn chiều hướng: trời, đất, phải, trái. Nên diễn tả dấu chỉ nói về bốn phương hướng trong trời đất cũng như bốn mùa thời tiết thiên nhiên thay đổi tuần hoàn, những yếu tố theo như sự hiểu biết khoa học thời cổ đại xa xưa: nước, lửa, khí, đất, bốn góc vườn địa đàng, và dấu chỉ bốn sách phúc âm Chúa Giêsu.

Thập gía hình vòng bánh xe mặt trời diễn tả dấu chỉ về ánh sáng và sự sống, về sự sáng tạo và thống nhất, cũng là dấu chỉ nói về con người và mối tương quan giữa con người với vũ trụ.

Thập gía từ lâu đời là hình ảnh dấu chỉ và dụng cụ phương tiện của hình phạt, về sự chết. Nó cũng được dùng để nói lên sự bị kết án xử tử hành quyết. Và như thế trở thành dấu chỉ diễn tả sự hạ nhục lăng mạ bắt phục tùng, như trong thư Philippe nói về sự chết của Chúa Giêsu trên cây thập giá:

„Người hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.“ ( Philipphe 2,8)

Thập gía là hình ảnh dấu chỉ ơn cứu rỗi của người tín hữu Chúa Giêsu Kitô. Chiều thẳng đứng cây thập gía Chúa Giêsu hướng lên trời cao liên kết mối tương quan liên hệ giữa Thiên Chúa và con người: Thiên Chúa đi xuống trần gian đến với con người, và con người từ dưới trần gian hướng lên Thiên Chúa trên trời cao thẳm.

Chiều hình ngang đường chân trời cây thập gía nối kết mối tương quan giữa con người với nhau trong vũ trụ.

Hình ảnh Thập gía là dấu chỉ niềm tin tôn giáo được lưu truyền rộng rãi, và từ năm 431 sau Chúa giáng sinh thời công đồng Epheso hình ảnh dấu chỉ thập gía được chính thức lưu truyền dùng trong Hội Thánh Công Giáo.

3. Mầu nhiệm lòng tin nơi thập gía

Kính thờ hình ảnh dấu chỉ thập gía Chúa Giêsu diễn tả sâu xa lòng tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với con người:

„ Dấu thập gía là dấu chỉ hữu hình và công khai tuyên xưng niềm tin:

- vào Đấng đã chịu khổ hình bị đóng đinh vào trên đó vì chúng ta,

- vào Đấng đã diễn tả tình yêu Thiên Chúa tỏ hiện ra tận bên ngoài qua chính sự sống thân xác mình,

- vào Thiên Chúa điều hành không dùng sự hủy diệt phá đổ, nhưng qua đời sống khiêm hạ chịu đau khổ và tình yêu. Tình yêu tuy vô hình, nhưng mạnh hơn tất cả sức mạnh của trần gian, và khôn ngoan hơn tất cả sự thông thái của con người.“

……

Thập gía là dấu hiệu nói về sự đau khổ, và đồng thời cũng là dấu chỉ sự phục sinh sống lại. Có thể nói được rằng đó là chiếc gậy chỉ huy sự cứu rỗi mà Thiên Chúa nắm giữ trong tay ngài, là nhịp cầu giúp chúng ta có thể bước vượt qua từ bờ vực sâu thẳm sự chết và sự đe dọa của sự dữ sang tới thành công.“ ( Joseph Ratzinger, Benedickt XVI., Theologisches ABC, Herder 2012, tr. 137- 138).

4. Thập gía thôi thúc dấn thân

Hội Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam mừng kỷ niệm 350 năm thành lập vào giữa thời cơn khủng hoảng do đại dịch Corona lây lan truyền nhiễm đe dọa sức khoẻ đời sống con người trên khắp thế giới. Biến cố khủng hoảng này gây chao đảo làm đảo lộn ngưng trệ tất cả mọi trật tự, mọi dự định cùng mọi sinh hoạt đạo đời, từ phạm vi chính trị kinh tế tới văn hóa tinh thần.

Biến cố đại dịch Corona làm biến đổi đời sống sâu rộng và trở thành nặng nề gây đau khổ, như cây thập gía đè nặng. Cơn khủng hoảng đại dịch càng kéo dài, con người càng cảm thấy hoang mang bất lực, tựa như cây thiếu nước đang héo tàn dần.

„ Thập gía (vi trùng Corona) “ chập chờn vô hình đè nặng đời sống làm cho tinh thần lẫn thể xác mệt nhọc mòn mỏi. Dẫu vậy cũng vẫn có lực vô hình đối chiếu thôi thúc kêu gọi dấn thân chịu đựng vươn lên, để cho đời sống luôn là cây cỏ có cành lá xanh tươi. Vì sự đau khổ khốn khó hằng luôn có trong đời sống xưa nay ở mọi nơi chốn cùng ở mọi thời đại, không tránh được. Đó là mầu nhiệm bí ẩn, mà Đấng Tạo Hóa phú bẩm khắc ghi vào sự sống mỗi sinh vật trong công trình sáng tạo vũ trụ thiên nhiên, để tạo nên sự cân bằng quân bình cho đời sống

„Thập gía (vi trùng Corona) “ không phải là cây thập gía cuối cùng. Nhưng còn có những cây thập gía khác tiếp sau nữa. Sự sống từ cổ chí kim xưa nay vẫn luôn hằng tiếp tục từ thế hệ này sang những thế hệ kế tiếp.

Chị em nữ tu Hội Dòng Mến Thánh Giá xưa nay hằng sống trải qua trong chịu đựng những cây „ thập giá cuộc đời“. Nhưng không để cho bị khủng hoảng nhận chìm xuống.

Trái lại trong tin tưởng phó thác tìm nhận được sức lực trợ giúp phấn khởi vươn lên dấn thân hy sinh cầu nguyện và phục vụ con người làm nhân chứng cho tình yêu Chúa Giêsu Kitô giữa dòng đời sống xã hội quê hương nơi sinh sống.

Lịch sử Hội Dòng tựa như một tấm thảm có chiều dài cùng chiều ngang sâu rộng, được đan bện dệt thêu nên bằng những sợi chỉ „ thập gía" nỗ lực sống hy sinh dấn thân âm thầm ở từng vị trí khung ô nhỏ. Tất cả nối kết đan bện tạo thành tấm thảm bức tranh lịch sử đạo đức sinh động.

Tấm thảm bức tranh lịch sử Hội Dòng Mến Thánh Gía Việt Nam thành hình từ 350 năm nay là do những sợi chỉ đời sống dấn thân tận hiến yêu mến Thập Giá Chúa Giêsu của mỗi Nữ Tu thành viên Hội Dòng đan bện thêu dệt nên.

Xin chúc mừng Hội Dòng Mến Thánh Gía Việt Nam.

Cùng chúc mừng chi nhánh Hội Dòng Mến Thánh Giá Gòvấp thuộc Tu viện lòng Chúa thương xót thành Bonn, dịp mừng kỷ niệm thánh đức này.

Ad multos annos!

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long