Nhân dịp Cuộc Gặp Gỡ “Tình Hữu Nghị Giữa Các Dân Tộc” Hàng Năm thường được tổ chức tại Rimini nhưng năm nay vì đại dịch Covid-19, nên phải tổ chức trực tuyến, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, qua Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin, đã gửi tới Đức Giám Mục Rimini, Francesco Lambiasi, một thông điệp, được hãng tin Zenit dịch sang tiếng Anh với nội dung như sau:



Thưa Đức Cha,

Qua Đức Cha, Đức Thánh Cha muốn bày tỏ những lời chúc tốt đẹp của ngài cho kết quả tốt đẹp của “Cuộc Gặp gỡ Tình Hữu nghị giữa Các Dân tộc”, lần thứ 41 sẽ được tổ chức chủ yếu dưới hình thức kỹ thuật số. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đoan hứa sự gần gũi và lời cầu nguyện của ngài với những người tổ chức và tất cả những người tham gia.

Ai không thấy mình hợp nhất với người khác do trải nghiệm đại dịch đầy bi đát? Chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang cùng ở trong một con thuyền, tất cả đều mong manh và mất phương hướng. Bão tố làm lộ ra tính dễ bị thương tổn của chúng ta và nhiều an toàn giả tạo và vô dụng mà chúng ta đã dùng để xây dựng các nghị trình, dự án, thói quen và ưu tiên của chúng ta. Nó cho thấy chúng ta đã để cho những gì nuôi dưỡng, hỗ trợ và mang lại sức mạnh cho cuộc sống của chúng ta thiếp ngủ và bị bỏ rơi như thế nào” (Đức Phanxicô, Khoảnh khắc cầu nguyện ngoại thường, tại sân Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, ngày 27 tháng 3 năm 2020).

Tiêu đề năm nay, "Không có sự Ngạc nhiên, Chúng ta Mãi Điếc Với Thể Siêu phàm” (A.J. Heschel, God in Search of Man, Turin, 1969, 274), mang lại một đóng góp quý giá và độc đáo vào thời điểm đầy biến động của lịch sử. Trong việc tìm kiếm hàng hóa hơn là điều tốt đẹp, nhiều người hoàn toàn dựa vào sức lực của mình, vào khả năng sản xuất và kiếm tiền, từ bỏ thái độ thường khiến đứa trẻ dán mắt vào thực tại: ngạc nhiên. Về mối liên kết này, G.K. Chesterton từng viết: “Các trường phái và các nhà hiền triết bí truyền nhất chưa bao giờ có được lực hấp dẫn vốn nằm trong đôi mắt trẻ thơ ba tháng. Lực hấp dẫn của em là lực hấp dẫn ngạc nhiên khi đối diện với vũ trụ, và sự ngạc nhiên này không phải là huyền nhiệm học mà đúng hơn là cảm thức tốt về thể siêu việt” (L’Imputato, Turin, 2011, 113).

Người ta nghĩ đến lời mời gọi của Chúa Giêsu trở nên giống như trẻ em (xem Mt 18: 3), nhưng cũng là sự ngạc nhiên đứng trước hiện hữu, vốn tạo nên nguyên lý Triết học ở Hy Lạp cổ đại. Chính sự ngạc nhiên này đã thiết lập và tái khởi động sự sống, giúp nó khả năng bắt đầu lại trong bất cứ hoàn cảnh nào. “Đó là thái độ cần có vì sự sống là một quà phúc đem lại cho chúng ta khả thể luôn luôn bắt đầu lại”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói như thế, nhấn mạnh việc cần phải tái sở đắc sự ngạc nhiên để có thể sống còn. “Sự sống mà không có sự ngạc nhiên sẽ trở nên xám xịt, thông lệ; đức tin cũng vậy. Và Giáo Hội cũng có nhu cầu đổi mới sự ngạc nhiên được làm nơi cư ngụ của Thiên Chúa hằng sống, làm Hiền thê của Chúa, làm Mẹ sinh ra nhiều con cái” (Bài giảng ngày 01/01/2019).

Trong những tháng qua, chúng ta đã trải nghiệm được chiều kích ấy của sự ngạc nhiên, một chiều kích vốn mang hình thức cảm thương trước đau khổ, mong manh, sợi dây đàn ngạc nhiên. Làm thế nào người ta lại có thể không trải nghiệm cảm quan độc đáo về sự bấp bênh của việc chúng ta hiện hữu? Cảm quan nhân bản cao quí này từng thúc đẩy các bác sĩ và y tá đương đầu với thử thách nghiêm trọng của Coronavirus bằng sự tận tụy hết mình và cam kết đầy yêu thương. Cũng chính cảm quan dạt dào yêu thương dành cho các học sinh của mình này đã khiến nhiều thầy cô chấp nhận nỗ lực học tập từ xa, bảo đảm kết thúc cho năm học. Và nó cũng giúp nhiều người khả năng tái khám phá sức mạnh đương đầu với các khó khăn và gian khổ nơi khuôn mặt và sự hiện diện của các thành viên trong gia đình.

Trong mối liên kết này, chủ đề của Cuộc gặp gỡ sắp tới là một lời kêu gọi mạnh mẽ đi vào các lớp lang sâu thẳm của trái tim con người qua sợi dây đàn ngạc nhiên. Làm thế nào người ta lại có thể không cảm nghiệm được cảm quan ngạc nhiên độc đáo trước cảnh tượng núi non trùng điệp, nghe nhạc rung động tâm hồn, hay chỉ cần trước sự hiện hữu của người thân yêu hay hồng phúc sáng thế? Ngạc nhiên thực sự là cách để tiếp nhận các dấu hiệu của thể siêu phàm, tức là, của Mầu Nhiệm vốn tạo nên gốc rễ và nền tảng của vạn vật. Thực thế, “không những chỉ có trái tim con người được trình bày như một dấu hiệu, mà cả toàn bộ thực tại. Tự vấn khi đứng trước các dấu hiệu và khả năng cực kỳ nhân bản là điều cần thiết, điều đầu tiên chúng ta có trong tư cách đàn ông đàn bà: ngạc nhiên, khả năng có thể thán phục, như Giussani từng gọi. Chỉ một mình sự ngạc nhiên mới nhận thức” (J.M. Bergoglio, trong A. Savorana, Vita di Don Giussani, Milan, 2014, 1034). Vì vậy, J.L. Borges đã có thể nói: “Mọi cảm xúc đều trôi qua, chỉ còn lại sự ngạc nhiên” (The Desert and the Labyrinth).

Nếu cái nhìn này không được trau dồi, người ta sẽ trở nên mù lòa khi khi đứng trước hiện hữu: khép kín trong chính mình, người ta mãi mãi bị thu hút bởi những điều phù du và không còn tra vấn thực tại. Ngay trong sa mạc đại dịch, những câu hỏi âm ỉ tái xuất hiện: đâu là ý nghĩa của cuộc sống, của đau đớn, của cái chết? “Con người không thể bằng lòng với những câu trả lời bị cắt giảm hoặc phiến diện, tự buộc mình phải bác bỏ hoặc quên đi một số khía cạnh của thực tại. Nơi họ, có một niềm khao khát đối với thể vô hạn, một nỗi buồn vô hạn, một nỗi nhớ nhung chỉ được dập tắt bằng một câu trả lời vô hạn không kém. Cuộc sống sẽ là một mong muốn phi lý nếu câu trả lời này không có” (J.M. Bergoglio, trong Vita di Don Giussani, cit., 1034).

Những người khác nhau được thúc đẩy tìm kiếm câu trả lời hoặc thậm chí các câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, mà tất cả chúng ta đều khao khát, ngay cả khi không nhận thức được điều này. Vì vậy, một điều gì đó đã xảy ra dường như là nghịch lý: thay vì làm giảm cơn khát rõ rệt nhất, việc cấm cửa lại đánh thức nơi một số người khả năng ngạc nhiên khi đối diện với những con người và sự kiện thoạt đầu vẫn được coi là đương nhiên. Một hoàn cảnh cảm kích như thế đã khôi phục lại, ít là một chút, cách chân chính hơn để đánh giá hiện hữu, mà không có cái phức hợp sao lãng và định kiến vốn gây ô nhiễm cho đôi mắt, làm mờ nhạt sự vật, hư vô hóa sự ngạc nhiên và quên khuấy việc tự hỏi chúng ta là ai.

Ở cao điểm của tình trạng khẩn cấp y tế, Đức Giáo Hoàng đã nhận được một lá thư, có chữ ký của một số nghệ sĩ; họ cảm ơn ngài đã cầu nguyện cho họ trong một thánh lễ tại Nhà Thánh Martha. Trong dịp đó, ngài đã nói: “Các nghệ sĩ làm cho chúng ta hiểu cái đẹp là gì, và không có cái đẹp thì không thể hiểu được Tin Mừng” (Suy Niệm Buổi Sáng, ngày 7 tháng Năm, 2020). Việc trải nghiệm cái đẹp có tính quyết định ra sao trong việc đạt tới sự thật đã được nhà thần học Hans Urs von Balthasar, trong số nhiều người khác, chứng minh: “Trong một thế giới không có cái đẹp, sự thiện cũng mất đi sức hấp dẫn của nó, bằng chứng về việc nó cần phải được hoàn thành; và con người mãi bối rối khi đối diện với điều đó và tự hỏi tại sao, đúng hơn, họ không nên thích cái ác hơn. Điều này cũng tạo nên một khả thể, thậm chí còn thú vị hơn nhiều. Trong một thế giới tin rằng mình không còn khả năng khẳng định cái đẹp, các lý lẽ ủng hộ chân lý cũng mất hết sức mạnh của một kết luận hợp luận lý: diễn trình dẫn đến kết luận là một cơ chế không còn liên quan đến bất cứ ai, và bản thân kết luận cũng không còn kết luận gì được nữa” (Gloria I, Milan, 2005, 11).

Do đó, chủ đề đặc trưng của Cuộc Gặp gỡ đặt ra một thách thức quyết định đối với các Kitô hữu, được kêu gọi làm chứng cho sức hấp dẫn sâu sắc mà đức tin vốn mãi thực hiện bằng chính vẻ đẹp của nó: “sức hấp dẫn của Chúa Giêsu, ” theo cách diễn tả thân thương của Tôi tớ Chúa Luigi Giussani. Liên quan đến việc giáo dục đức tin, Đức Thánh Cha đã viết về điều đó trong điều được coi như văn kiện lên chương trình cho triều giáo hoàng của ngài: “Mọi phát biểu của cái đẹp chân chính đều có thể được công nhận như con đường giúp ta gặp gỡ Chúa Giêsu. Nếu, như Thánh Augustinô khẳng định, chúng ta chỉ yêu những gì đẹp đẽ, thì Chúa Con làm người, mặc khải cái đẹp vô hạn, là Đấng đáng yêu vô cùng, và Người thu hút chúng ta đến với Người bằng những dây liên kết yêu thương. Do đó, điều cần thiết là việc đào tạo trong via pulchritudinis (nẻo đường cái đẹp) phải được lồng vào việc lưu truyền đức tin” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 167).

Do đó, Đức Giáo Hoàng mời gọi các bạn tiếp tục cộng tác với ngài trong việc làm chứng cho cảm nghiệm cái đẹp của Thiên Chúa, Đấng đã tự làm Người trở thành Xác Phàm để đôi mắt chúng ta phải sửng sốt khi nhìn thấy thánh nhan Người và đôi mắt chúng ta nhìn thấy nơi Người sự kỳ diệu của sự sống. Đó là điều, một ngày kia, Thánh Gioan Phaolô II, đấng mà lễ kỷ niệm một trăm năm ngày sinh chúng ta đã cử hành cách đây không lâu, đã nói: “được làm người, thật đáng giá, vì lạy Chúa Giêsu, Chúa đã làm người” (Bài giảng ngày 15 tháng 4 năm 1984). Há đó không phải là khám phá sửng sốt, là đóng góp lớn lao nhất mà các Kitô hữu có thể cung cấp để nâng đỡ lòng hy vọng của con người hay sao? Đây là một nhiệm vụ mà chúng ta không thể miễn chước cho chính mình, nhất là trong bước ngoặt chữ chi của lịch sử này. Đây là lời kêu gọi trở nên những kính ảnh phim đèn chiếu (transparencies) của cái đẹp từng thay đổi cuộc sống, trở nên các nhân chứng cụ thể của tình yêu cứu rỗi, nhất là đối với tất cả những người hiện chủ yếu đang đau khổ.

Với những tâm tình này, Đức Thánh Cha gửi lời chúc phúc chân thành đến Đức Cha và toàn thể cộng đồng Gặp Gỡ, yêu cầu họ tiếp tục nhớ đến ngài trong lời cầu nguyện của họ. Tôi hợp nhất lời chào thân ái của tôi với lời chào của ngài, trong khi tự xác nhận, bằng những tâm tình tôn trọng đặc biệt đối với Đức Cha,

Pietro Parolin
Quốc Vụ Khanh