Với tỷ số thuận là 7-2, Tòa đã ủng hộ hai trường Công Giáo ở California, với phán quyết rằng các trường tôn giáo có quyền độc lập để lựa chọn và sa thải nhân viên mà không bị quấy nhiễu về mặt luật pháp dân sự.
“Giáo dục tôn giáo và việc đào tạo học sinh theo giáo lý cuả mình là lý do cho sự tồn tại của các trường tư thục tôn giáo, và do đó, việc lựa chọn và giám sát các giáo viên để thực hiện công việc này là cốt lõi của nhiệm vụ của họ, ” Thẩm phán Samuel Alito, đại diện cho nhóm đa số, viết.
“Những can thiệp tư pháp vào cách thức mà các trường tôn giáo thực hiện trách nhiệm đó sẽ làm suy yếu sự độc lập của các tổ chức tôn giáo mà Tu Chính Án thứ nhất đã không dung thứ.”
Tòa án kết luận rằng, “khi một trường có sứ mệnh tôn giáo giao cho một giáo viên có trách nhiệm giáo dục và đào tạo học sinh trong đức tin, thì sự can thiệp tư pháp vào các tranh chấp giữa nhà trường và giáo viên sẽ đe dọa sự độc lập của tôn giáo mà bản Tu Chính Án thứ nhất đã
không cho phép.”
Phán quyết này là để giải quyết hai vụ kiên giữa Trường Đức Mẹ Guadalupe và giáo viên Morrissey-Berru và Trường Công Giáo St. James và giáo viên Biel. Các giáo viên đã cáo buộc rằng việc sa thải họ là vì lý do khuyết tật và tuổi tác, chứ không phải vì thành tích kém. Trong khi đó thì các trường tuyên bố rằng họ được miễn trừ khỏi mọi luật lệ về phân biệt đối xử vì đã có ngoại lệ dành cho các nhân viên mục vụ theo đó thì chính phủ không thể can thiệp vào các quyết định của các tổ chức tôn giáo liên quan đến việc thuê và sa thải nhân viên mục vụ.
Trong cả hai trường hợp, vụ kiện của các giáo viên đã bị các tòa án liên bang bác bỏ, và sau đó lại được phục hồi bởi Tòa phúc thẩm quận 9 của Hoa Kỳ.
Trong suốt thời kỳ tranh tụng, người ta đã chú ý tới vấn đề một giáo viên thế nào mới là một ‘nhân viên mục vụ’ và do đó thì khi nào một trường tôn giáo có thể dùng lý do ‘mục vụ’ để tránh né các luật lệ dân sự. Trong cả hai vụ kiện, toà trên cũng đã xác định rằng cả hai giáo viên nói trên là những ‘nhân viên mục vụ’ và do đó không có lý do để tranh tụng với các quyết định cuả trường học.
Tuy nhiên với phán quyết mới cuả Tối Cao Pháp Viện, thì ngay cả vấn đề ‘có tư cách mục vụ hay không’ cũng không còn cần thiết nữa. Nói cách khác vì là một cơ sở tôn giáo, các trường học nói trên có quyền hoạt động độc lập với luật dân sự.
Phán quyết thứ hai cuả Tối Cao Pháp Viện liên quan đến những kiện cáo chống lại các nữ tu The Little Sisters of the Poor (Dòng Tiếu Muội cuả người nghèo).
Cũng với tỷ số 7-2, thẩm phán Clarence Thomas đại diện cho đa số viết:
“Trong hơn 150 năm, các nữ tu cuả người nghèo đã tham gia phục vụ và trung thành hy sinh, vì được thúc đẩy bởi một ơn gọi tôn giáo là bỏ đi tất cả thân mình vì lợi ích của anh chị em cuả mình.”
“Tuy nhiên, trong bảy năm qua, giống như nhiều người đã phản đối những cưỡng bức về tôn giáo khác đã phải chịu đựng những vụ kiện tụng và phán quyết dẫn đến phán quyết ngày hôm nay, họ đã phải chiến đấu để có thể tiếp tục công việc cao quý của mình mà không vi phạm niềm tin tôn giáo chân thành của họ.”
Nhắc lại kể từ năm 2011, các nữ tu dòng Tiểu Muội đã phải trải qua nhiều hồi tố tụng về sắc luật tránh thai của thời kỳ Obama, là sắc lệnh bắt buộc chủ lao động phải cung cấp bảo hiểm tránh thai cho nhân viên thông qua các kế hoạch chăm sóc sức khỏe của họ.
Vào năm 2016, Tòa án Tối cao đã không đưa ra một phán quyết nhất định và đã gửi vụ việc về lại các tòa án cấp dưới và chỉ thị cho chính quyền phải thỏa hiệp để vừa có bảo hiểm tránh thai miễn phí vừa có thể tôn trọng sự phản đối đạo đức của các nhóm tôn giáo.
Năm 2017, chính quyền Trump đã ban hành một miễn trừ tôn giáo dành cho các nữ tu và các nhóm khác, nhưng sau đó, các tiểu bang Pennsylvania và California đã đệ đơn kiện rằng gánh nặng cung cấp bảo hiểm đã được chuyển sang các tiều bang và tuyên bố rằng chính quyền liên bang đã vi phạm những thủ tục hành chính trong việc thiết lập miễn trừ.
Với phán quyết mới, Tối Cao Pháp Viện đã đứng về phe chính quyền liên bang, phán quyết do Thẩm Phán Clarence Thomas kết luận:
“Ngày nay, chúng tôi cho rằng các Sở Bộ cuả Liên Bang có thẩm quyền theo luật định để tạo ra sự miễn trừ đó, cũng như những miễn trừ vì lý do đạo đức đã được ban hành cùng lúc đó. Hơn nữa, chúng tôi tiếp tục khẳng định rằng các quy tắc ban hành các miễn trừ này đã không có khiếm khuyết về mặt thủ tục.”