Trong bài “Đức Maria ở buổi đầu Đạo Công Giáo ở Việt Nam” (Vietcatholic.net.news, các ngày 19-04-2010 và 23-04-2010), chúng tôi đã lược qua hiện trạng lòng sùng kính Đức Mẹ trong Giáo Hội hoàn vũ lúc Inikhu và các nhà truyền giáo Dòng Tên đặt chân tới Việt Nam cũng như một số nét căn bản về Đức Mẹ được các nhà truyền giáo này rao giảng cho tín hữu Việt Nam lúc ấy. Tài liệu về việc rao giảng này rất ít, một phần vì các nhà truyền giáo lúc ấy chú tâm tới việc giới thiệu những nét đẹp của đất nước và con người Việt Nam nhất là tinh thần sống đạo và làm chứng cho đạo của người tân tòng Việt Nam, để mong nhận được từ thế giới Kitô Giáo Phương Tây sự yểm trợ bằng lời cầu nguyện, bằng việc hỗ trợ chính thức và nhất là bằng cách dấn thân lên đường truyền giáo như họ hơn là trình bày những điều mình giảng dạy. Phần khác, cũng như sách Giáo Lý của Công Đồng Triđentinô lúc ấy tránh không nói nhiều đến Đức Mẹ như thời Trung Cổ, nhất là không nói đến Ngài một cách riêng rẽ mà lồng Ngài vào chương trình Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, nên các nhà truyền giáo, nếu có nói đến Đức Mẹ, cũng đã theo cùng một khuôn thước như vậy.



Kinh Mân Côi

Nhưng khi đã nói đến Ngài, họ đã không bỏ qua bất cứ chủ đề và thực hành nào từng đã được mười mấy thế kỷ lịch sử Giáo Hội tuyên giảng và thực hành. Và việc tuyên giảng cũng như thực hành này đã đi vào chiều sâu, chứ không hẳn hời hợt bên ngoài. Ở đây, chỉ xin đơn cử chuỗi tràng hạt. Như đã thấy, Cha De Pina cho rằng trong khoảng các năm 1616 tới 1622, người giáo hữu Việt Nam đã biết biến cỗ tràng hạt từ vật trang trí đeo cổ để người khác nhận ra mình là người có đạo thành dụng cụ cầu nguyện. Bước nhẩy vọt này thực ra không thua xa giáo dân các nước Tây Phương, những người vốn có truyền thống giữ đạo từ mười mấy thế kỷ trước. Thực thế, tuy giáo hữu Tây Phương đã dùng tràng hạt để đếm các kinh Kính Mừng được lặp đi lặp lại từ trước thời Thánh Đa Minh, nhưng việc suy ngắm các mầu nhiệm trong đạo mà hiện nay gắn liền với việc đọc kinh Mân Côi chỉ bắt đầu mới có vào cùng thời với các nhà truyền giáo Dòng Tên vào Việt Nam.

Việc đọc kinh Mân Côi càng phát triển sâu rộng với sự có mặt của các cha Dòng Đa Minh từ tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi, Manila, tới Việt Nam. Nó sẽ trở thành một yếu tố không thể thiếu trong bất cứ cuộc tụ tập nào của người giáo hữu Việt Nam, dù là trong gia đình, trong dòng họ, trong chòm xóm, trong họ đạo, trong xứ đạo… Đã tụ tập nhau là có đọc kinh Mân Côi. Không đọc kinh Mân Côi, người giáo hữu Việt Nam coi như chưa gặp nhau để hành đạo. Khỏi nói, cũng đủ thấy: thời cấm đạo, chuỗi hạt Mân Côi đã trở thành nguồn suối ủi an và nâng đỡ người giáo dân Việt Nam ra sao. Tài liệu trên mạng của hội chủng sinh Xuân Lộc cho thấy trong khi khốn quẫn thời cấm cách, giáo hữu Cổ Vưu tại La Vang cũng như giáo hữu Trà Kiệu chỉ biết lần chuỗi Mân Côi. Về phương diện cá nhân, việc lần chuỗi Mân Côi của người giáo hữu Việt Nam nhuần nhuyễn đến độ đã biến tràng chuỗi ấy trở thành đơn vị đo đường dài. Linh mục An Bình, CMC, trong bài “Giáo Dân Việt Nam đặc biệt tôn kính Đức Mẹ” (liên mạng) quả quyết rằng nhiều người nhà quê bình dân không có đồng hồ, kém học thức, chỉ biết tính quãng đường dài bằng mấy tràng hạt họ đọc dọc đường. Giống đồng bào thiểu số đo đường dài vào rừng đốn củi bằng những lần đổi dao dựa từ vai phải qua vai trái.

Các hình thức sùng kính khác

Các nhà truyền giáo ban đầu cũng cho ta hay các giáo hữu thời đó đã sử dụng tràng hạt làm khí giới chống lại mãnh lực của ma qủy. Cha Luis Gaspar, trong Tường Trình Về Đàng Trong năm 1621, kể rằng: “Một cô gái lương dân bị ma quỷ ám và bị nó hành hạ. Cô có một em trai là giáo dân. Người em buồn bực vì thấy chị khổ sở, liền đặt trên mình chị một cỗ tràng hạt Đức Mẹ và đã cứu được chị”. Cha Giuliano Baldinotti, trong Tường Trình Về Đàng Ngoài năm 1626 kể lại một trường hợp khác: “Như thuyền trưởng kể lại cho tôi, bà lấy tràng hạt đeo vào cổ, thế là bà được thoát khỏi mọi hành hạ của ma quỷ”. Còn Cha Francisco Cardim, trong Tường Trình Về Đàng Ngoài năm 1646, có nêu một trong các lý do khiến lương dân tìm học đạo như sau: “Khi thấy các Kitô hữu đuổi tà ma ra khỏi nhà lương dân bằng tràng hạt và nước phép, và nhà cửa của họ không bị quỷ ám ảnh hay hành hung, thì họ đến xin học đạo và chịu phép thánh tẩy”.

Lòng sùng kính Đức Mẹ buổi đầu của giáo hữu Việt Nam cũng được thể hiện dưới nhiều hình thức khác. “Các cha nghe tin đứa bé chết thì đến nhà cùng mấy giáo dân; các người quỳ và đọc mấy kinh và kinh cầu Đức Trinh Nữ, thế là đứa bé thở đều làm cho mọi người vui mừng” (Gaspar).

Đó là ngày mồng 3 tháng 7 năm 1645, thân xác tôi rời bỏ Đàng Trong nhưng linh hồn tôi thì không, cả Đàng Ngoài cũng không kém. Thực ra cả hồn cả xác tôi đều ở cả hai nơi và tôi không nghĩ tôi có thể rời bỏ mãi được. Mới ra tới biển thì một trận bão rất dữ dằn nổi lên làm cho tàu chúng tôi gần như bị vỡ. Trong cơn nguy khốn hiển nhiên chung cho cả mọi người trong tàu, tôi liền đem thủ cấp Anrê đặt ở một nơi xứng đáng, giữa boong thượng. Tôi mời tất cả mọi người đến, rồi tôi bắt đầu đọc lớn tiếng kinh cầu Đức Trinh Nữ, xin đấng quan thầy cứu chữa. Chưa đọc xong thì tức khắc cơn bão yên hẳn làm cho tất cả kêu lên: Phép lạ! Phép lạ! Gió thuận chiều đến nỗi đã may mắn đưa chúng tôi tới bến Macao đúng hai mươi ngày sau khi rời bỏ Đàng Trong (Đắc Lộ).

Cũng trong Tường Trình trên, Cha Gaspar kể về hình thức dùng nghệ thuật tỏ lòng sùng kính ấy: “Ông bị bại liệt tứ chi, không đưa tay lên miệng được. Ông muốn vẽ ảnh Đức Mẹ (ông thường ưa làm việc này), ông cho người đem tới bút và tất cả những gì cần thiết. Lạ lùng thay! Vừa giơ tay ra để vẽ thì thấy khỏi bệnh, tay, ngón tay và các chi thể khác đều cử động. Ông và mọi người thấy ông đều rất mực sửng sốt. Ai cũng cho là phép lạ. Thế là để tỏ ra không bội bạc về ơn đã được, ông chuyên chú vẽ và trong ít lâu ông gửi cho chúng tôi không những ảnh Đức Mẹ và ảnh thánh Giuse mà cả mấy ảnh khác”.

Đức Mẹ hiện ra cả với người chưa gia nhập đạo

Linh mục G.Audigou, M.E.P, trong cuốn Le Culte Marial en Indochine, cũng cho rằng kinh Mân Côi là kinh ưa chuộng của giáo hữu Việt Nam. Theo tác giả này, thời cấm đạo, dù ở trong tù hay trên đường tới pháp trường, việc lần chuỗi Mân Côi, kêu cầu Đức Mẹ, vẫn luôn ở trên môi họ.

Cha cho hay: Các qui định của các giáo phận dự trù việc đọc trọn kinh mân côi mỗi Chúa Nhật: một chuỗi vào ban sáng, một chuỗi vào ban trưa, và một chuỗi vào buổi tối và các Kitô hữu luôn trung thành với việc này.

Biết bao lần, du hành qua các làng mạc hay chèo thuyền trên các kinh lạch, người ta nghe thấy tiếng đọc kinh cầu hay lần tràng hạt, nghe như các đan sĩ đang hát thánh vịnh: nơi nào người ta kêu cầu Đức Trinh Nữ nơi ấy chính là một tổ ấm Công Giáo. Cũng thế, canh thức người chết, dự đám tang, tất cả đều họp nhau đọc kinh mân côi.

Điều đặc biệt được Cha Audigou lưu ý là Đức Mẹ thương yêu cả những người chưa gia nhập đạo bằng cách hiện ra với họ, “chỉ bảo đường lành”cho họ. Trong tác phẩm đã dẫn, Cha trưng dẫn Cha P. Borri, “người đầu tiên mô tả về xứ Annam” đã để lại một “relation” (tường thuật) đáng lưu ý vì “tính ngây thơ, đầy duyên dáng trong các câu truyện của ngài” trong đó, ngài thuật lại một việc can thiệp của Đức Maria trong việc trở lại. “Một ngày kia, đang ở trong nhà, chúng tôi thấy xuất hiện ở cánh đồng một cuộc rước long trọng gồm rất nhiều người đàn ông đang đi về phía chúng tôi. Khi họ tới gần, chúng tôi hỏi họ muốn gì. Họ đáp họ thấy, ở lãnh thổ họ, một bà rất đẹp ở trên không, ngự trên một chiếc ngai bằng mây sáng láng, bà nói với họ đi đến một thị trấn kia nơi họ sẽ gặp được Các Cha để dạy họ con đường chắc chắn dẫn đến vinh quang và nhận biết Chúa Trời đích thực. Sau khi tạ ơn Đức Mẹ vì đã ban một ơn phúc lớn lao dường ấy, chúng tôi đã dạy giáo lý cho mọi người, và sau khi khi đã rửa tội cho họ, chúng tôi cho họ ra về hết sức hài lòng”.

Cha cho rằng vị tông đồ đáng lưu ý nhất thời này là Cha Alexandre de Rhodes, người, trong Phép Giảng Tám Ngày của ngài, đã để lại cho chúng ta những phác thảo huấn giáo đầu tiên về Thánh Mẫu dành cho các tân tòng: cha lồng nó vào “Ngày thứ Năm” của chương trình giáo lý tám ngày, trong nối kết với mầu nhiệm Nhập Thể, và trước hết dưới hình thức thuật truyện. Ngài cũng trình bầy một cách sống động Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và luôn luôn đồng trinh, được Thiên Chúa sủng ái ban ơn Vô Nhiễm Thai. Ngài còn thêm các lời khuyên thực tiễn, được thích ứng khéo léo với phong tục cửa xứ sở:

“Sau khi đã dạy tất cả các điều ấy, phải chuẩn bị một bức tranh đẹp, vẽ Trinh nữ và Mẹ Maria chí thánh, bồng Con Trai ngài, là Chúa Giêsu hài đồng, để chúng tôi có thể phủ phục trước ảnh này. Nhưng trước tiên, chúng tôi phải phủ phục để thờ lạy Thiên Chúa Duy nhất trong Ba ngôi: ba lần phủ phục... Cuối cùng, chúng tôi cũng phải tôn vinh Trinh nữ Rất thánh, bằng cách phủ phục một lần: thực vậy, dù chúng tôi biết Trinh Nữ Tối Cao không phải là Thiên Chúa, nhưng vì ngài là Mẹ Thiên Chúa và như thế có thế lực tối cao để chuyển cầu cùng Con của ngài, Đấng đích thực là Thiên Chúa, chúng ta nên dựa vào ngài để xin ơn tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta”.

Tâm tình giáo hữu Việt Nam dành cho Đức Mẹ

Cha Audigou nhận định rằng: nếu bạn có dịp ra Miền Bắc Việt Nam, bạn dễ dàng nhận diện ai là Kitô hữu vì họ có thói quen đeo ảnh tượng chạm trổ đẹp đẽ và tràng hạt quanh cổ.

Ở gian giữa căn nhà của họ, ở chỗ danh dự trên các con thuyền, bàn thờ gia đình thường được dành cho Đức Mẹ, chưa kể một số ảnh tượng trang trí và che chở gia đình.

Vị trí của Đức Mẹ trong đời sống Kitô hữu cũng được nhìn thấy qua các lời khẩn cầu và tạ ơn người ta dâng lên ngài: họ gán cho ngài các ơn phúc nhận được, họ phó thác tương lai cho ngài: “nhờ ơn Đức Mẹ...”. Mặc dù Đức Mẹ được tôn kính bằng nhiều tước hiệu cổ truyền trong Giáo Hội, nhưng tước hiệu thông thường nhất, phát xuất gần như tự phát từ môi miệng họ là tước hiệu “Mẹ”. Chính với tước hiệu này, người tín hữu Việt Nam, hạnh phúc có Mẹ Thiên Chúa làm mẹ mình, đã chạy đến với ngài hết sức thường xuyên, với một sự tín thác đầy âu yếm và thực sự con thảo. Họ nói với ngài một cách đơn sơ, giãi bầy với ngài các buồn đau và nhu cầu của họ, hoàn toàn tin chắc lòng từ nhân của đấng họ khẩn cầu. Họ biết rõ các đặc ân và vinh hiển của ngài, nhưng điều đánh động họ một cách đặc biệt, chính là: ngài là bà Mẹ tuyệt vời, là Mẹ của họ.

Điều kỳ lạ là người Việt Nam có thói quen không đọc tên vua hay những vị vọng (húy), cả việc nhắc tên một ai đó cũng bị họ coi là bất lịch sự, nhưng việc tôn kính các Thánh danh Giêsu và Maria thì đã được phát triển ngay từ buổi đầu, không một ai phản kháng cả. Sản phẩm đầu mùa của hàng ngàn tử đạo là hai ông Augustinô và Alêxù, lúc sắp bị hành quyết, cả hai đều sốt sắng kêu các thánh danh Giêsu và Maria.

Mọi nhà thờ của họ, dù khiêm nhường nhất với mái rạ, đều có ảnh tượng Đức Mẹ: Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ Fatima...

Họ cũng sớm dành cho ngài nhiều đền thánh ưu hạng. Đôi khi một thừa sai, vốn là tôi trung sốt mến của Đức Mẹ, khởi xướng một trung tâm hành hương, như trong giáo phận Phát Diệm, Cha P. Pléneau, nhờ phân phối nước Lộ Đức, đã lập ra cả một phong trào. Các giáo xứ nơi hội Mân Côi được thiết lập cũng tạo thành các trung tâm nơi các giáo xứ lân cận đến tham dự các ngày lễ hội kính Đức Mẹ nhất là tham dự các cuộc rước kiệu. Ở Bảo Nham, thuộc Nghệ An, một ngôi thánh đường bằng đá dâng kính Đức Mẹ đã được xây cất, cám ơn ngài đã che chở các Kitô hữu trong cuộc tàn sát năm 1885, và một bức tượng Đức Mẹ được đặt trong hang đá, nơi các Kitô hữu bị thiêu sống. Tại Trà Kiệu (Quảng Nam), Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu đã triệu tập khách hành hương tới ngôi nhà thờ xây trên chỏm núi của ngài...

Cha Audigou cũng cho hay: từ Bắc vô Nam, các dòng Cát Minh ở Hà Nội, Hải phòng, Thanh Hóa, Huế, Saigon... lôi cuốn đặc biệt các Kitô hữu đến dự Lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh. Các Cha Dòng Chúa Cứu Thế, nhất là ở Hà Nội, Huế và Sàigòn, lôi kéo rất đông tín hữu tới thực hành các việc đạo đức ngày thứ bẩy; các ngài phổ biến rất thành công việc tôn kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại rất nhiều giáo xứ do các ngài đảm trách.

Nơi hành hương chính kính Đức Mẹ hiển nhiên là La Vang, ở Trung phần Việt Nam, một ngôi làng nhỏ bé cách Huế 60 kilômét về phía bắc...

Cha Audigou mô tả bầu khí hành hương tại La Vang: Bầu khí hoàn toàn sốt mến và cầu nguyện, trong niềm hân hoan bừng nở một cách không thể thiếu loại biểu dương này ở Việt Nam. Người ta không tìm thấy ở đây những kẻ tò mò hay chán đời mà chỉ là các tín hữu; những người này có thể có một ơn phúc đặc biệt nào đó để kêu cầu, nhưng đúng hơn, họ đến đây để bày tỏ với Mẹ Nhân Lành tình âu yếm của họ, lòng tôn kính và sự tín thác của họ.

Đặc tính và ảnh hưởng

Theo Cha Audigou, lòng sùng kính Đức Mẹ của người Viêt Nam vừa sốt sắng vừa vững chắc: không rườm rà mà cũng không mầu mè, nhưng cân bằng hợp lý giữa các biểu lộ bề ngoài và tâm tư bề trong. Đôi khi có việc người ta nói đến những chuyện lạ lùng gán cho Đức Mẹ: được phép lạ khỏi bệnh, hiện ra, được bảo vệ nhãn tiền trong các cuộc dội bom: việc này, việc lạ lùng này, thường xẩy ra với người không phải là Kitô hữu. Nhưng không hề có việc tìm kiếm chuyện lạ lùng. Căn bản của lòng sùng kính chỉ là đức tin, được nuôi dưỡng bằng giáo huấn của Giáo Hội.

Trong số các tác phẩm nhằm nuôi dưỡng và kích thích lòng sốt sắng của tín hữu, các nhà truyền giáo đã hiệu đính nhiều sách viết về Trinh Nữ Rất Thánh, đặc biệt phiên dịch các tác phẩm nổi tiếng như “mầu nhiệm Đức Maria” và “khảo luận về lòng tôn sùng đích thực Trinh Nữ Rất Thánh” của Thánh Grignion de Montfort, “Các Vinh dự của Đức Maria” của Thánh Anphonsô thành Ligori, các “Tháng Đức Mẹ”... Hiện tại, báo chí về Đức Mẹ có tờ “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”, cơ quan ngôn luận của các cha Dòng Chúa Cứu Thế, “Trái Tim Đức Mẹ” do các Cha Dòng Đa Minh chủ biên, “Đạo Binh Đức Mẹ”...

Trong số các nhân tố vẫn còn đang tạo điều kiện cho đức tin này, phải kể đặc tính sùng đạo của người Việt Nam và việc họ tôn trọng gia đình, nhất là người mẹ trong gia đình... Nên một khi tin Đức Maria, Mẹ Chúa và Mẹ rất nhân lành và dịu dàng của chúng ta, người giáo hữu Việt Nam dễ dàng dành hết cho ngài tình âu yếm và tín thác của họ. Có thể nói: Họ cảm thấy ngài rất gần gũi với họ.

Họ có một thiện cảm đặc biệt đối với những gì đụng tới gia đình, họ có truyền thống dành cho người mẹ một vị trí ưu tuyển trong gia đình.

“Ngay trong các gia đình dân dã, nhưng nhất là trong thế giới khá giả và trong các gia đình thượng lưu quan chức, chính người mẹ chỉ huy đối với những gì liên quan đến việc tổ chức công việc, chi tiêu, con cái, người làm, và “không ai dám nói ngược lại”. Đó chính là điều làm nên sức mạnh gia đình Việt Nam cả về phương diện kỷ luật lẫn về phương diện ổn định và cơ nghiệp.

Đức Maria, đối với họ như Bà Mẹ lý tưởng và là Mẹ nuôi của riêng họ, lôi cuốn họ một cách không thể cưỡng lại được. Chính vì thế, trong số các tước hiệu của ngài, họ đặc biệt giữ lại tước hiệu Mẹ.

Lòng sùng kính Đức Mẹ, thẩm thấu sâu xa một cách hết sức tự nhiên vào cảnh thân mật của cuộc sống người Việt Nam, hoà hợp với nền văn minh và các lo toan của họ, hẳn đóng ở đó vai trò của một chất men.

Cha không quên nhắc đến lãnh vực văn chương, trong đó, một thi sĩ trẻ đã cảm nhận được một cách đặc biệt ảnh hưởng của Đức Mẹ: đó chính là “thi sĩ cùi” Hàn Mặc Tử.

Cha Audigou kết luận như sau: “Chúng tôi không tin mình cường điệu khi nói rằng chính lòng sùng kính Trinh Nữ Rất Thánh và kinh Mân Côi không những đã duy trì tôn giáo khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn ở Bắc Việt mà còn làm nó phục sinh một cách rạng rỡ và phồn thịnh hơn trước các cuộc cấm cách. Vâng, đó là xác tín của chúng tôi: cảm động vì lòng hiếu thảo của các Kitô hữu của chúng ta, Trinh Nữ Rất Thánh đã bẻ gẫy các dự án của kẻ thù của chúng ta trong quá khứ, và chúng ta hy vọng một cách chắc chắn rằng trong tương lai, điều đó cũng sẽ xẩy ra y như vậy”.

Đức Maria trong lòng đạo đức và thần học Việt Nam

Đó là tựa đề một khảo luận bằng tiếng Anh của Cha Phan Đình Cho (Mary in the Vietnamese Piety and Theology) in trong In Our Own Tongues, Perspectives on Mission and Inculturation, xuất bản năm 2003 do Nhà Xuất Bản Makyknoll, New York.

Cha khởi đầu bằng cách gọi người Việt Nam là pueblo amante de Maria (dân tộc yêu mến Đức Maria). Cha muốn tìm hiểu gốc rễ và đặc tính của lòng đạo đức và nền thần học Việt Nam về Đức Mẹ.

Gốc rễ ấy là các nhà truyền giáo, hàng đầu là các nhà truyền giáo Dòng Tên người Bồ đào nha, với một ít khác là người Ý, Nhật, và Pháp. Người Bồ nổi tiếng về điều ngày nay ta gọi là lòng đạo bình dân, trong đó, nổi bật nhất là lòng sùng kính Thánh Mẫu. Nhân tố trí thức và cả phẩm trật không nổi bật. Cho nên lòng đạo ấy cho thấy nét phong phú của các khía cạnh thính thị và kịch tính làm phương tiện thông đạt Tin Mừng: giầu về thánh tích, đền thánh, hành hương, lễ hội, ca hát, dã sử, diễn kịch, hội họa, điêu khắc, bảo trợ các nhà thờ, đan viện, giảng thuyết, sách sùng kính, thị kiến...

Thêm vào đó là nhân tố Pháp qua nhân vật nổi tiếng Đắc Lộ. Trong cuốn Catechismus (Phép Giảng Tám Ngày), Cha Đắc Lộ nhắc đến mọi tín điều về Đức Mẹ, trong đó, có các tín điều Mẹ Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh và cả vô nhiễm nguyên tội. Và như trên đã nói, cha nói nhiều hơn đến việc sùng kính Đức Mẹ qua việc phủ phục trước ngài một lần thay vì ba lần như đối với Thiên Chúa.

Qua sách trên, theo Cha Cho, ta thấy một số nét trong chủ trương của Cha Đắc Lộ: ngài ưa nói đến ảnh tượng Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng như một nhắc nhở không nên tách biệt giữa Kitô học và Thánh Mẫu học trong nền thần học của ngài, giống như ngài đã lồng phần nói về Đức Mẹ trong trình thuật nói về cuộc đời Chúa Giêsu. Thứ hai, Cha Đắc Lộ biểu lộ một mẫn cảm rất lớn đối với nền văn hóa Việt Nam thời ấy: phủ phục để tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ. Thứ ba: tuy phủ phục, nhưng trước Thiên Chúa phải phủ phục ba lần thay vì một lần như trước Đức Mẹ: vì Đức Mẹ không phải là Thiên Chúa! Thứ bốn: lý do của việc sùng kính Đức Mẹ là ảnh hưởng hữu hiệu của ngài đối với Con của ngài qua việc cầu bầu. Cuối cùng, trong việc sùng kính này, ta không tìm ơn ích vật chất mà là ơn ích thiêng liêng (tha tội).

Cha Cho nhận định rằng Thánh mẫu học của Cha Đắc Lộ nuôi dưỡng lòng sùng kính Thánh Mẫu của người Việt Nam suốt hơn 3 trăm năm về sau cho tận mãi Công đồng Vatican II mới có thêm những tầm nhìn thông sáng mới.



Về phía Hội Thừa Sai Paris, Cha Cho nói rằng Đức Cha Pallu vốn là thành viên của một hiệp hội Thánh Mẫu tức Société des Bons Amis do Cha Dòng Tên Jean Bagot thành lập với mục đích vun trồng lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ. Ngài cũng là người đã bênh vực cuốn sách của người bạn, Henri-Marie Bourdon, Le saint esclavage de l’Admirable Mère de Dieu, lúc ấy bị Rôma kết án, dọn đường cho công trình thánh mẫu của Thánh Grignion de Montfort. Cả Đức Cha Pallu lẫn Đức Cha de la Motte đều chịu ảnh hưởng lớn lao của Đức Hồng Y Pierre de Bérulle, người vốn cổ vũ thói quen tận hiến làm nô lệ cho Đức Mẹ, và của Thánh Jean Eudes với nền linh đạo có tính Thánh Mẫu sâu sắc.

Chính vì thế Việt Nam nhiều lần đã được dâng hiến cho Đức Mẹ: lần đầu tiên năm 1868 bởi Đức Cha Paul Puginier. Lần thứ hai long trọng hơn, đó là năm 1959 trong Đại Hội Thánh Mẫu Toàn Quốc. Việc này được lặp lại một năm sau để mừng việc thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam.

Việc đọc kinh mân côi, lẽ dĩ nhiên, được cha Cho qui cho các Cha Dòng Đa Minh. Việc sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được qui cho các Cha Dòng Chúa Cứu Thế và việc sùng kính Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu được qui cho các Cha Dòng Don Bosco.

Lòng sùng kính nào đối với Đức Mẹ trên thế giới cũng nhanh chóng được loan truyền nơi người Việt Nam: Đức Mẹ La Salette, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima đều được giáo hữu Việt Nam tôn kính.

Hai tháng 5 và tháng 10 hàng năm được các giáo hữu Việt Nam sốt sắng cử hành với việc dâng hoa dâng hạt, hàng họ, hàng xứ, hàng giáo phận có khi cả hàng liên giáo phận. Hầu như cá nhân nào cũng có ảnh vẩy, áo Đức Bà, tràng hạt đeo quanh cổ cho mọi người thấy. Và hễ có dịp và phương thế, họ chẳng ngại đi viếng đền thánh Đức Mẹ hay trung tâm Thánh Mẫu. Các hiệp hội Đức Mẹ như Đạo Binh Đức Mẹ, Đạo Binh Xanh lúc nào, thời nào cũng có người gia nhập và hoạt động tích cực. Các tác phẩm thánh mẫu nổi tiếng quốc tế đều được dịch sang tiếng Việt và phổ biến rộng rãi, ảnh hưởng tới văn chương, nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc và sưu tầm tem thư Công Giáo Việt Nam.

Cha Cho nhận định rằng lòng sùng kính Đức Mẹ của người Việt Nam có tính truyền thống theo nghĩa nó bắt nguồn từ giáo huấn của Giáo Hội về Đức Maria, khởi đi từ Catechismus của Cha Đắc Lộ. Thứ hai, nó cũng có tính truyền thống theo nghĩa thừa hưởng nếu không mọi thực hành Thánh Mẫu của Tây Phương, thì ít nhất cũng từ nhiều đợt thừa sai khác nhau. Thứ ba, lòng sùng kính Đức Mẹ có tính bình dân theo nghĩa loan truyền cùng khắp và được thực hành bởi người dân dã Công Giáo, những người coi Đức Mẹ như cửa ngõ dẫn tới Thiên Chúa. Thứ tư, dù bình dân, nó được hàng giáo phẩm nhiệt liệt chấp thuận và khuyến khích. Thứ năm, dù du nhập từ bên ngoài, lòng sùng kính Đức Mẹ đã bén rễ thật sâu xa vào mảnh đất Việt Nam đến nỗi đã sản sinh ra cả một dòng tu, đó là Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc (Mới đây, sau phát biểu của Đức Phanxicô, Dòng đã đổi tên thành Dòng Đức Mẹ Chúa Cứu Chuộc [Congregation of the Mother of the Redeemer]).



Về Các lần Đức Mẹ hiện ra ở Việt Nam, Cha Cho nhận xét: so với các lần Đức Mẹ hiện ra ở các nước Tây Phương, các lần ngài hiện ra ở Việt Nam không được một tài liệu lịch sử nào chứng thực, mà chỉ theo truyền thuyết. Đức Mẹ ở Việt Nam cũng không hiện ra với các cá nhân có danh tính, mà với cả một nhóm người vô danh. Cũng không có sứ điệp nào thuộc tín lý để truyền tải, hay một thực hành nào cần truyền bá. Ngài hiện ra với các nhóm tín hữu trong cảnh bách hại và hứa sẽ bảo vệ họ. Có điều, giống như trường hợp được Cha Borri tường trình trên đây, cả người lương giáo cũng được thị kiến việc Đức Mẹ hiện ra ở La Vang và nhất là Trà Kiệu, vì sở dĩ Văn Thân không đánh bại được giáo dân Trà Kiệu là vì họ thấy một bà áo trắng ngự trên nóc nhà thờ khiến các trái đại pháo của họ đi trệch mục tiêu hết.

Dù không có văn kiện nào của Giáo Hội thừa nhận các trình thuật hiện ra nói trên, nhưng tín hữu cả nước, trong đó, có hàng giáo phẩm mọi thời, đều tuốn đến kính viếng, khiến Thánh Gioan XXIII nâng đền thờ La Vang lên hàng tiểu vương cung thánh đường năm 1959 và đền thờ này nay là Trung Tâm Thánh Mẫu của cả nước với lễ kỷ niệm 200 năm vào năm 1999, được long trọng cử hành với đặc sứ của Thánh Gioan Phaolô II là Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng.

Một nền Thánh Mẫu Học Việt Nam

Theo Cha Cho, một nền thánh mẫu học Việt Nam trước hết phải bao gồm yếu tố mẫu thân che chở. Không như những lần hiện ra ở Lộ Đức hay Fatima, Đức Mẹ thường hiện ra ở Việt Nam vào thời cấm đạo, như người mẹ chở che, đầy tình yêu và lòng thương xót con cái. Ngài hiện ra không hề có một sứ điệp nào chứa lời đe dọa trừng phạt kiểu chung tận nếu người Việt Nam không chịu ăn năn, ngài cũng không đòi họ phải trả nghĩa ra sao. Trái lại, vì tình yêu nhưng không và đầy thương xót, ngài giải thoát họ và hứa lắng nghe những ai khẩn cầu ngài. Nói cách khác, ngài là khuôn mặt đầy lòng thương xót và từ bi tinh tuyền. Ngài đau khổ với và che chở người Công Giáo Việt Nam vì họ đau khổ.

Cha cho rằng hình ảnh thương xót và từ bi trên vốn là hình ảnh lôi cuốn người Việt Nam đến với ngài, bất luận họ là Công Giáo hay không. Thực thế, Buddha vốn được trình bầy như người có lòng từ bi vô hạn đối với nhân loại khổ đau, nên đã truyền dạy Bát Chánh Đạo để dẫn con người ra khỏi khổ đau mà bước vào giác ngộ. Ba trong bốn tâm vô lượng cần thiết để thành phật có liên hệ đến lòng thương xót nói chung là từ (mettā, tức tình yêu vô vị kỷ, phổ quát, ôm lấy tất cả), bi (karunā, là lòng cảm thương đối với mọi chúng sinh trong đau khổ, mà không hề có cảm thức tự cao đối với họ), hỉ (miditā, niềm vui vì tha nhân thành công hay vì phúc lợi của họ). Bi vô lượng không phải là một thiện cảm có tính xúc cảm, một cảm giác chỉ có tính thương hại hay một nỗi đau thay cho người khác chẳng giúp đỡ được gì, mà là một lòng cảm thương dẫn đến hành động tích cực vì những người đồng khổ với mình. Ở Việt Nam, nơi Phật giáo Đại thừa thịnh hành, bi vô lượng được nhấn mạnh rất nhiều. Chính trong truyền thống này, chúng ta có nhân vật quán âm bồ tát, một bồ tát vì bi vô lượng đối với chúng sinh đau khổ, đã trì hoãn chính việc giải thoát mình khỏi khổ đau cho tới khi mọi chúng sinh thoát khỏi đau khổ.

Cũng trong truyền thống đó, chúng ta có nhân vật nữ Quan Âm, được mô tả như người mẹ, người chị, người bạn, và nữ hoàng, luôn lắng nghe tiếng kêu than xin cứu giúp. Bà là vị bồ tát đầu tiên người ta chạy tới trong lúc gặp khó khăn và là vị người ta đến tạ ơn sau ơn phúc nhận được. Ở Việt Nam, theo Cha Cho, bà thường được trình bầy tay ôm đứa trẻ, chân phải đạp đầu con cóc.

Với một bối cảnh văn hóa và tôn giáo như thế, không lạ gì khi người Việt Nam sẵn sàng thấy nơi Đức Maria nhân vật hiện thân cho lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa, đấng luôn sẵn sàng cứu giúp họ. Cha Cho quả quyết rằng: “đối với người Công Giáo Việt Nam, Tình yêu và lòng sùng kính Đức Maria như Mẹ Thương Xót là một nối dài tự nhiên của tình yêu và lòng sùng kính đối với Quan Âm Thị Kính”.

Quả quyết trên có thể gây ngỡ ngàng cho nhiều người Công Giáo Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Văn Trung, một người Công Giáo vốn được coi là cấp tiến, lúc sống ở Montréal sau năm 2000, trong bài “Nghiên cứu Việt Nam Liên bản”, cũng không đem hai nhân vật này ra so sánh với nhau. Ông so sánh Quan Âm Thị Kính với Thánh nữ Theodora mà theo Hạnh Thánh của nhà truyền giáo Dòng Tên cùng thời với Cha Đắc Lộ, Cha Majorica, cũng có cùng nỗi oan. Tuy nhiên, Giáo sư Trung có mang Đức Maria ra so sánh với Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Ông cho rằng điều này có thể là một xúc phạm đối với nhiều người Công Giáo Việt Nam, nhưng ông cho hay ông chỉ xét các nhân vật này dưới khía cạnh liên bản (intertextualité) văn học vì cùng mang những mô thức (motif) như nhau.

Trở lại với Đức Maria, dựa vào mô thức “Mẹ Thương Xót” thì quả thực lòng sùng kính của người VN nói chung, bất luận là Công Giáo hay không, đối với Đức Mẹ có cùng một động lực như lòng sùng kính của họ đối với Quan Âm Thị Kính. Chúng tôi chỉ dám nói “có cùng một động lực”, không hẳn là một “nối dài” vì không có sử liệu nào cho thấy “sự tích” Quan Âm Thị Kính có trước lòng sùng kính của người Công Giáo Việt Nam đối với Đức Mẹ, vốn có ít nhất từ đầu thế kỷ 16. Trong khi, theo Wikipedia Tiếng Việt, sự tích Quan Âm một là của Nguyễn Cấp sống ở nửa đầu thế kỷ 19 hai là của Đỗ Trọng Dư sống gần cùng thời (thế kỷ 19).

Dù sao, Cha Cho nói rằng: tước hiệu Mẹ Thương xót đã được chính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gán cho Đức Mẹ trong Thông điệp Dives in misericordia của ngài. Vị Thánh Giáo hoàng này viết Đức Mẹ “Nhận thức sâu sắc nhất lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài biết cái giá của nó, ngài biết nó rất vĩ đại. Theo nghĩa này, ta có thể gọi ngài là Mẹ Thương Xót: Đức Bà Của Lòng Thương Xót, hay Mẹ Của Lòng Chúa Thương Xót”.

Thứ hai, yếu tố quyền lực: cả hai lần hiện ra ở Trà Kiệu và La Vang đều cho thấy việc can thiệp của Đức Mẹ rất mạnh mẽ và hữu hiệu: những người Công Giáo Việt Nam bị vây khốn đã được giải thoát. Ngài là Mẹ Thương Xót nhưng không phải là một bà mẹ yếu thế. Như trên đã nói, từ bi không phải chỉ là lòng thương hại, một thiện cảm xuông, đúng hơn nó thúc đẩy người ta hành động tích cực.

Hình ảnh người đàn bà quyền thế vốn có nhiều đại diện trong nền văn hóa và lịch sử Việt Nam: Hai Bà Trưng xuất hiện ngay từ đầu thế kỷ thứ nhất, Bà Triệu xuất hiện sau đó chừng 2 thế kỷ. Ngoài xã hội, người đàn bà Việt Nam được dành cho nhiều quyền lợi hơn người đàn bà Trung Hoa. Trong gia đình, như Cha Audigou trên đây đã nhận xét, người đàn bà Việt Nam được xem là “nội tướng”, có nhiều quyền điều khiển hơn chồng. Nhất là được con cái nồng nàn yêu thương hơn hết. Chẳng lạ gì, như Cha Audigou đã nhận định, trong các tước hiệu của Đức Mẹ, người Việt Nam thích nhất tước hiệu “Mẹ” của ngài, một người mẹ đầy yêu thương và mạnh thế.

Thứ ba, yếu tố liên tôn: điều lý thú trong phiên bản Phật Giáo về nguồn gốc lòng sùng kinh Đức Mẹ Lavang là chính người Phật Giáo, theo lệnh của chính Buddha, đã tự ý nhường ngôi chùa của họ cho người Công Giáo và người Công Giáo đã biến ngôi chùa này thành ngôi đền dâng kính Đức Mẹ. Ngoài ra, cũng theo phiên bản đó, tượng Buddha không bị đập nát như một thứ ngẫu tượng mà được di chuyển đến một nơi khác.

Còn ở Trà Kiệu, chính người Công Giáo không thị kiến Đức Mẹ mà là người Lương, đúng hơn chính là lực lượng Văn Thân. Có thể nói nhờ những người ngoại giáo, mà người Công Giáo biết Đức Mẹ đã hiện ra và phù hộ họ. Theo một nghĩa nào đó, người Công Giáo phải “biết ơn” những người ngoại giáo này.

Với những sự kiện ấy, có thể quả quyết Đức Mẹ là cầu nối đối thoại liên tôn, nếu không giữa hai tôn giáo định chế Phật Giáo và Công Giáo thì chí ít cũng giữa các tín đồ của cả hai tôn giáo. Thực vậy, chính Giáo sư Trung, trong bài đã dẫn, quả quyết rằng không những người Phật Giáo và người Công Giáo cùng góp phần tạo ra đền thánh Đức Mẹ La Vang, mà họ còn cùng sùng kính ngài nữa. Ông viết: “Cho đến ngày nay, lương giáo vẫn đến cầu nguyện Đức Mẹ Lavang và có những người được toại nguyện. Đức Mẹ Lavang không có những lần hiện ra rõ rệt như ở Lộ Đức, Fatima, nhưng chính niềm tin Đức Mẹ hiện ra là có thật của người dân lương giáo làm cho sự kiện hiện ra là có thật không cần bằng cớ nào khác”.

Giáo sư Trung cũng trích dẫn câu truyện cảm động của Tôi tớ Chúa, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, được người bạn tù vốn là đảng viên Cộng Sản, sau khi được thả tự do, mỗi Chúa Nhật, đạp xe đến La Vang để cầu Đức Mẹ cho ngài, lời lẽ đầy niềm tin tưởng: “Thưa Đức Mẹ, tôi không có đạo, tôi không thuộc kinh nào cả. Nhưng tôi hứa sẽ đi cầu nguyện Đức Mẹ cho anh Thuận, nên tôi đến đây xin Đức Mẹ biết anh Thuận cần gì thì cho anh ấy”. Điều còn lạ lùng hơn nữa là nhờ lời cầu nguyện ấy, Đức Hồng Y Thuận đã được chính Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Nội vụ, đích thân đến nhà tù ra lệnh thả tự do cho ngài vào đúng ngày lễ Kính Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh 21 tháng 11. Rõ ràng, Tôi tớ Thiên Chúa muốn nhờ Đức Mẹ làm trung gian “đối thoại” cả với những người Cộng Sản!

Nói tóm lại, ở Việt Nam, lòng sùng kính Đức Mẹ không chỉ giới hạn nơi người Công Giáo. Ngược lại, Đức Mẹ coi con dân Việt Nam như con cái ngài, ngài hiện ra với cả lương dân như chính Cha Borri thuật lại và biến cố Trà Kiệu đã chứng minh. Hy vọng có nhiều người cộng sản hơn đến cùng Đức Mẹ như người bạn tù của tôi tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.